Chỉ đạo ‘chưa tăng thuế’ của Thủ tướng dành cho ai?

Khánh An

clip_image002

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.

Phát biểu có tính trấn an dư luận về việc “chưa tăng thuế” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, theo phân tích của một nhà kinh tế-xã hội Việt Nam, là “lập lờ” và “mơ hồ”, không giải quyết mối quan tâm của đại đa số dân chúng hiện đang phẫn nộ và lo lắng với đề xuất tăng thuế gần đây của Bộ Tài chính.

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ Việt Nam ngày 30/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói “Với tinh thần năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, trước mắt, chưa đề cập việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí, ảnh hưởng đến doanh nghiệp”.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà kinh tế-xã hội học ở Việt Nam, cho rằng phát biểu trên hoàn toàn không giải quyết gì cho mối lo hiện nay của người dân.

“Có 2 đối tượng chính mà Chính phủ phải quan tâm: doanh nghiệp và người dân. Mà người dân thì lớn hơn nhiều. Nhưng ở đây, nguyên văn của Thủ tướng là đối với doanh nghiệp chứ không phải người dân, cũng không nói rõ loại thuế nào chưa tăng. Cách nói của ông Phúc là cách nói lập lờ, chung chung, mơ hồ”.

Phát biểu của người đứng đầu Chính phủ được đưa ra giữa lúc làn sóng phản đối đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính đang ngày càng tăng mạnh.

Vô cảm

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, dự án Luật sửa đổi 5 luật về thuế được đưa ra nhằm thực hiện chủ trương của Ban chấp hành trung ương nhằm đảm bảo “an toàn” cho nền tài chính quốc gia. Theo đó, dự án Luật sửa đổi về thuế sẽ được áp dụng cho Luật thuế giá trị gia tăng (VAT), Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật thuế tài nguyên.

Trong hàng loạt các loại thuế Bộ Tài chính đề xuất tăng lên, VAT là khoản thuế bị người dân phản ứng mạnh nhất.

Sự giận dữ của dư luận bùng lên mạnh hơn sau khi có những giải thích từ các lãnh đạo Bộ Tài chính rằng việc tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 12% là để “phù hợp thông lệ quốc tế”, và mức tăng này không ảnh hưởng nhiều đến người có thu nhập thấp.

clip_image004

Chuyên gia cho rằng tăng VAT sẽ khiến người dân giảm chi tiêu, gây tác dụng ngược cho mục tiêu tăng nguồn thu cho ngân sách.

TS. Phạm Chí Dũng cho rằng các lý lẽ trên là một trong nhiều “ngụy biện” mà Bộ Tài chính đưa ra nhằm biện minh cho mục đích tăng nguồn thu ngân sách.

“Nhiều ngụy biện lắm. Nhưng đã có các chuyên gia phân tích và phủ nhận, phản bác toàn bộ những lý lẽ của Bộ Tài chính. Thuế VAT của Việt Nam hiện nay thuộc loại cao trên thế giới. Nếu tính theo mức thu nhập bình quân đầu người thì cao ngất ngưởng, thuộc loại hàng đầu. Trong khu vực châu Á, Việt Nam có số lượng thuế, phí thuộc loại nhiều và cao nhất. Hiện có ít nhất 430 loại thuế và lệ phí ở Việt Nam, cao hơn các nước ở châu Á 2-2,5 lần”.

Tiến sĩ kinh tế của Việt Nam nói lý lẽ “tăng VAT không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo” không những sai hoàn toàn mà còn thể hiện sự vô cảm, vô trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước.

“Tăng thuế VAT nghĩa là ảnh hưởng đến tất cả các mặt hàng, và người nghèo là người chịu rủi ro cao nhất”, TS. Phạm Chí Dũng nói.

Theo ông, tình trạng suy thoái kinh tế Việt Nam liên tiếp 9 năm đã khiến đời sống người dân ngày càng khó khăn. Mức phân hóa giàu nghèo càng ngày càng lớn. Trong bối cảnh đó, VAT tăng lên sẽ đẩy người thu nhập thấp và tầng lớp trung lưu chi tiêu ít hơn. Sức tiêu thụ giảm sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất, kinh doanh, dẫn đến tác dụng ngược, không những không giúp tăng thu ngân sách mà còn tiềm ẩn nguy cơ giảm thu.

Ngân sách “cực kỳ khó khăn”

Cùng với những sự kiện gần đây như Chính phủ liên tiếp kêu gọi huy động vàng, đôla trong dân chúng, tăng các khoản thu phí, TS. Phạm Chí Dũng cho rằng đề xuất tăng thuế phản ánh tình trạng “cực kỳ khó khăn” của ngân sách nhà nước.

“Điều đó phản ánh tình trạng cực kỳ khó khăn của ngân sách Việt Nam. Nhiều người nói đã cạn kiệt, rỗng tuếch nên bây giờ không còn cách nào khác, phải ép lên đầu dân”.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tính từ đầu năm đến ngày 15/8/2017, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 706,9 nghìn tỷ đồng, trong khi tổng chi lên đến 747,3 nghìn tỷ đồng, dẫn đến bội chi 40,4 nghìn tỷ đồng.

Trong các khoản chi ngân sách, khoản chi thường xuyên chiếm tới 73,3% tổng chi, chỉ có 17,5% dành cho đầu tư phát triển.

Theo TS. Phạm Chí Dũng, một yếu tố lớn khiến việc chi tiêu không cắt giảm là bộ máy biên chế cồng kềnh và không hiệu quả.

“Suốt bốn, năm năm qua, chuyện biên chế nói là giảm nhưng chẳng giảm được một chút nào, vẫn cứ tăng biên chế. Khoản chi thường xuyên cho đội ngũ ít nhất là 2,8 triệu công chức ở vẫn chiếm tới 71% tổng chi ngân sách của Việt Nam”.

TS. Phạm Chí Dũng cho rằng lối thoát gần như duy nhất hiện nay cho vấn đề ngân sách nhà nước là phải bằng mọi cách giảm chi tiêu.

“Thứ nhất, giảm chi thường xuyên. Chi thường xuyên bây giờ quá lớn, chiếm tới 71% ngân sách hàng năm. Muốn giảm chi tiêu thường xuyên đó thì phải giảm đội ngũ công chức. Thứ hai, phải giảm chi tiêu cho lực lượng vũ trang, trong đó có quân đội và công an. Quân đội mỗi năm ngốn tới gần 5 tỷ đôla tiền ngân sách, nhưng không hiểu sao vẫn không bảo vệ được ngư dân của mình, để ngư dân bị Trung Quốc giết hại trên biển. Cũng cần phải giảm chi cho lực lượng công an, trong đó có những khoản chi cho đàn áp nhân quyền thì tuyệt đối không chi”.

TS. Phạm Chí Dũng nói thêm rằng mặc dù khoản chi đầu tư phát triển có giảm đi, nhưng vẫn còn “quá nhiều vấn đề” cần phải xem xét để cắt giảm thêm. Chẳng hạn, những công trình “nghìn tỷ” không cần thiết được gắn nhãn “đầu tư phát triển”, hay những công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông ngốn tiền tỷ nhưng lại hỏng trước khi đưa vào sử dụng.

K.A.

Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/chi-dao-chua-tang-thue-cua-thu-tuong-danh-cho-ai/4010949.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn