Tháo gỡ 'căng thẳng' công đoàn, tháng 3 Việt Nam sẽ ký TPP-11


Ngọc An

TTO - Hiệp định TPP-11, với tên mới là (CPTPP) sẽ được ký kết chính thức vào tháng 3 tới sau một số vướng mắc cần đàm phán trong đó có yêu cầu về lao động và công đoàn đối với Việt Nam.



Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng việc CPTPP được ký chính thức vào tháng 3 là kết quả tích cực về chủ động hội nhập - Ảnh: VIỆT DŨNG

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã thông tin như vậy khi xác nhận thông tin Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ được ký kết chính thức tại Chile vào 8-3, sau khi nhận được kết quả hội đàm từ Tokyo vào chiều ngày 23-1 về việc các quốc gia thành viên sẽ ký kết hiệp định này.

Đối với các nội dung đàm phán còn tồn tại liên quan trực tiếp đến Việt Nam là xử lý các vấn đề tranh chấp trong công đoàn và lao động, ông Trần Tuấn Anh cho biết đây là vấn đề được Mỹ đưa ra yêu cầu Việt Nam phải có cải cách.

Cụ thể, đó là quyền để người lao động đàm phán tập thể và việc lập công đoàn công sở, đồng thời yêu cầu các chế tài khắt khe trong xử lý tranh chấp trong ba năm, nếu không thực thi sẽ có các biện pháp trừng phạt thương mại. 

Theo đó, Việt Nam đã thống nhất sẽ cải cách với lộ trình thực thi 8 công ước của Tổ chức lao động quốc tế ILO trong thời gian nhất định.

Đến khi khi Mỹ rút khỏi TPP thì Mexico lại đặt ra yêu cầu Việt Nam phải thực hiện cam kết tương tự, thậm chí còn cương quyết hơn là không cần lộ trình sau 3 năm.
Bộ trưởng Công Thương cho biết đây là vấn đề "căng thẳng" trước thềm hội nghị APEC ở Đà Nẵng.

"Khi đó chúng ta cương quyết rằng với trình độ của Việt Nam, quy trình làm luật ở Việt Nam thì cần thời gian nhất định để thực thi. Đàm phán diễn ra rất căng thẳng nhưng cuối cùng các nội dung trong chương lao động chúng ta đã được lợi thế ở mức cao hơn cả TPP", ông Tuấn Anh thông tin.

Theo đó, Việt Nam có khoảng 5 năm miễn trừ trừng phạt thương mại và thêm 2 năm rà soát pháp lý. 

Ông Tuấn Anh cho rằng kết quả đàm phán này giúp Việt Nam có đủ thời gian để hoàn thiện thể chế và đảm bảo các điều kiện khung khổ để thực hiện có hiệu quả mà vẫn đảm bảo các mục tiêu của quốc gia.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết những kết quả đạt được là nhờ sự hỗ trợ lớn từ Nhật Bản, đặc biệt là Bộ trưởng Chính sách kinh tế Nhật Bản ông Toshimitsu Motegi, khi người đồng cấp phía Nhật đã làm cầu nối giúp tháo gỡ những nút thắt và các bất đồng song phương giữa Việt Nam với Mexico và Canada.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khẳng định dù CPTPP không có Mỹ và các lợi ích không còn cao như tính toán ban đầu nhưng các lợi ích chưa tính toán được đến từ thúc đẩy cải cách thể chế, khi tạo ra sự thúc ép về cạnh tranh cho cả doanh nghiệp lẫn nền kinh tế.
"Với sự tiến bộ, chắc chắn ảnh hưởng của nó sẽ không dừng lại ở 11 nước mà trong tương lại sẽ kéo các quốc gia khác, thậm chí ngay với Mỹ chúng tôi vẫn tin rằng có cơ hội kéo họ quay trở lại", ông Tuấn Anh kỳ vọng.



N.A.



Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn