Giải trừ vũ khí nguyên tử Bắc Hàn

Triều Tiêu nêu chi tiết về kế hoạch phá dỡ khu thử hạt nhân trong tháng 5 (VOA)

  1. Bắc Hàn tuyên bố dỡ bỏ địa điểm thử hạt nhân chính (BBC)

  2. Mỹ yêu cầu Bắc Triều Tiên chuyển ra khỏi lãnh thổ một phần kho hạt nhân (RFI)

  3. Giải trừ vũ khí nguyên tử Bắc Hàn: Phí tổn cao, phức tạp và kéo dài nhiều năm (Calitoday)

--------

1. TRIỀU TIÊN NÊU CHI TIẾT VỀ KẾ HOẠCH PHÁ DỠ KHU THỬ HẠT NHÂN TRONG THÁNG 5

Ảnh chụp từ vệ tinh về khu thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên hồi tháng 3/2018

Triều Tiên hôm 12/5 nêu ra các bước của việc tháo dỡ khu thử hạt nhân của họ, và xác nhận rằng các nhà báo quốc tế, kể cả phóng viên Mỹ và Anh, sẽ được mời theo dõi trong tháng này khi họ dùng thuốc nổ phá các đường hầm của khu thử.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Triều Tiên, được hãng thông tấn nhà nước KCNA đưa tin. Thông báo được phát ra một ngày sau khi Bình Nhưỡng cam kết không thực hiện các cuộc thử tên lửa không báo trước hoặc các hoạt động khác khiến các chuyến bay gặp rủi ro, theo một cơ quan về hàng không của Liên Hiệp Quốc.

Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un trước đây đã tuyên bố kết thúc chương trình thử hạt nhân của nước này và chủ trương đóng cửa khu phức hợp Punggye-ri. Ông nói hôm 20/4 rằng nước ông đã "hoàn thành nhiệm vụ" kiểm tra năng lực vũ khí của mình.

Tuyên bố hôm 12/5 đưa ra nhiều chi tiết hơn về "các biện pháp kỹ thuật" mà Triều Tiên sẽ tiến hành để tháo dỡ khu thử và "đảm bảo tính minh bạch của việc ngừng thử hạt nhân".

Các nhà báo quốc tế sẽ được mời đến "đưa tin tại chỗ để thể hiện một cách minh bạch" về cách thức khu thử hạt nhân bị loại bỏ, với một “buổi lễ tháo dỡ” được lên lịch sớm nhất là vào ngày 23/5, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, KCNA cho biết.

Vì mặt bằng có hạn, chỉ có các nhà báo từ Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh mới được phép vào, theo KCNA.

Đầu tiên, chất nổ sẽ được sử dụng để đánh sập các đường hầm, KCNA cho biết. Sau đó, các lối vào khu thử sẽ bị bịt lại, và tất cả các trạm quan sát, viện nghiên cứu và các vọng gác sẽ bị di dời. Các lính gác và các nhà nghiên cứu sẽ được rút đi, còn khu vực xung quanh địa điểm thử sẽ bị phong tỏa.

Nằm trên địa hình đồi núi ở đông bắc Triều Tiên, Punggye-ri cách Trung Quốc chưa đến 160 km.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc tháng trước nói rằng ông Kim Jong Un dự kiến sẽ đóng cửa khu thử hạt nhân vào tháng 5, sau các cuộc hội đàm mang tính bước ngoặt giữa ông Kim và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ông Kim bác bỏ các nhận định của các nhà khoa học Trung Quốc rằng nhiều phần của khu thử đã bị hư hại nặng nề bởi các vụ nổ trước đó, đặc biệt là do cuộc thử lần thứ sáu và cũng là lần cuối cùng vào tháng 9/2017, nên giờ khu thử không thể sử dụng được nữa.

Những diễn biến mới nhất này diễn ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với các phóng viên rằng ông đã có hội đàm "ấm áp" và "tốt đẹp" với ông Kim. Cuộc hội đàm của ông tại Triều Tiên là một phần của việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh được lên kế hoạch giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Kim vào ngày 12/6 tại Singapore.

(CNN, AP)

Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-neu-chi-tiet-ve-ke-hoach-pha-do-khu-thu-hat-nhan-trong-thang-5/4391283.html

***

2. BẮC HÀN TUYÊN BỐ DỠ BỎ ĐỊA ĐIỂM THỬ HẠT NHÂN CHÍNH

Ảnh chụp từ vệ tinh địa điểm thử hạt nhân Punggye-ri tại Bắc Hàn. Ảnh: DIGITALGLOBE

Bắc Hàn nói sẽ bắt đầu dỡ bỏ địa điểm thử hạt nhân của mình trong thời gian chưa tới hai tuần nữa, trong một buổi lễ có sự chứng kiến của các phóng viên nước ngoài.

Bình Nhưỡng nói họ đang có "các biện pháp kỹ thuật" để triển khai việc này trong thời gian 23-25/5, hãng thông tấn nhà nước KCA loan tin hôm thứ Bảy.

Trước đó, các khoa học gia nói địa điểm này có lẽ đã bị sụp một phần hồi tháng Chín.

Việc dỡ bỏ theo kế hoạch sẽ diễn ra ba tuần trước khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump gặp lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un.

Buổi lễ sẽ gồm những hoạt động gì?

Việc dỡ bỏ địa điểm Punggye-ri về mặt thời gian sẽ còn tùy thuộc vào điều kiện thời tiết; gồm việc cho đánh sập toàn bộ các đoạn hầm bằng thuốc nổ và dỡ đi toàn bộ các cơ sở quan sát, các tòa nhà phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, và các chốt an ninh.

Các phóng viên từ Nam Hàn, Trung Quốc, Mỹ, Anh và Nga sẽ được mời tới dự, chứng kiến tại chỗ.

Trong một tuyên bố ra hôm thứ Bảy, Bắc Hàn nói mục đích của việc này là nhằm cho phép "không chỉ báo chí địa phương mà cả phóng viên các nước khác tới đưa tin tại chỗ, nhằm thể hiện sự minh bạch trong việc dỡ bỏ điểm thử hạt nhân ở miền Bắc".

Chúng ta biết gì về địa điểm thử hạt nhân này?

Nằm ở khu vực địa hình rừng núi phía đông bắc, địa điểm Punggye-ri được cho là cơ sở thử nghiệm hạt nhân chính của Bắc Hàn.

Các vụ thử hạt nhân đã diễn ra trong hệ thống các đường hầm được đào xuống bên dưới Núi Mantap ở gần Punggye-ri.

Kể từ 2006 tới nay, đã có 6 vụ thử được tiến hành tại đây.

Sau vụ thử gần đây nhất, diễn ra hồi 9/2017, đã xảy ra một loạt các vụ dư chấn tại đây và các nhà địa chất học tin rằng chúng đã làm sập một phần hệ thống ngầm trong núi.

Cuộc gặp Trump-Kim quan trọng tới đâu?

Hai ông theo kế hoạch sẽ gặp nhau tại Singapore vào ngày 12/6. Đây sẽ là lần đầu tiên một tổng thống tại nhiệm của Hoa Kỳ gặp một nhà lãnh đạo Bắc Hàn.

Chủ đề then chốt mà hai ông bàn thảo được trông đợi là về chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.

Mỹ muốn Bắc Hàn từ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân, và không đảo ngược quyết định này.

Việc xác nhận cuộc gặp được đưa ra sau các cuộc gặp thượng đỉnh mang tính cột mốc giữa Bắc và Nam Hàn.

Hôm đầu tuần, ông Trump công bố thời gian và địa điểm gặp, chỉ vài giờ sau khi ông đón ba công dân Mỹ được thả về sau một thời gian bị Bình Nhưỡng bắt giữ.

"Cả hai chúng tôi sẽ nỗ lực biến nó thành thời điểm rất đặc biệt cho Hòa bình Thế giới!" ông Trump viết trên Twitter.

Mỹ sẽ giúp xây dựng lại nền kinh tế Bắc Hàn nếu Bình Nhưỡng đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói sau khi có chuyến thăm Bắc Hàn.

"Nếu ông Kim chọn con đường đúng đắn, sẽ có một tương lai tràn ngập hòa bình và thịnh vượng cho người dân Bắc Hàn", ông nói sau cuộc hội đàm hôm thứ Sáu tại Washington với Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha.

Bình luận về cuộc gặp thượng đỉnh sắp diễn ra, Phó giáo sư, Tiến sỹ Vũ Minh Khương từ Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Singapore nói với BBC rằng đây là sự kiện 'thể hiện thiện chí của Mỹ trong việc tạo tiền đề để Bắc Hàn phát triển nhanh nếu có sự chân thành đặc biệt với cộng đồng thế giới'.

Điều này sẽ giống như một sự đảm bảo, giúp Bình Nhưỡng nhanh chóng đạt đước một nền kinh tế tốt đẹp hơn, tiến sỹ Khương nói.

"Ông Kim Jong-un hình dung ra một quốc gia hoàn toàn phụ thuộc vào nền kinh tế quốc doanh, từng bước chuyển thành nền kinh tế năng động, hội nhập quốc tế, thúc đẩy kinh tế tư nhân, tôn trọng kinh tế thị trường, theo mô hình cải cách kinh tế như của Việt Nam và Trung Quốc".

"Nhưng đồng thời ông cũng tương đối yên tâm là hệ thống chính trị sẽ ổn định để tập trung phát triển kinh tế, để trong vòng từ một đến ba thập kỷ sẽ đưa nền kinh tế của Bắc Hàn thành một nền kinh tế tương đối phồn vinh".

"[Ông Kim] có một sứ mệnh giống như Đặng Tiểu Bình hay những lãnh đạo Việt Nam trước đây, vốn đã tạo ra một cục diện mới cho công cuộc phát triển ở các nước đó".

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/world-44095180

***

3. MỸ YÊU CẦU BẮC TRIỀU TIÊN CHUYỂN RA KHỎI LÃNH THỔ MỘT PHẦN KHO HẠT NHÂN

Thùy Dương

Cơ sở thử hạt nhân Punggye Ri của Bắc Triều Tiên. Airbus Defense & Space and 38 North/Handout via REUTERS

Hoa Kỳ yêu cầu Bắc Triều Tiên chuyển ra khỏi lãnh thổ một phần vũ khí hạt nhân, các bộ phận của tên lửa đạn đạo có thể tách rời. Việc vận chuyển trên phải được tiến hành trong những tháng tới, sau khi diễn ra thượng đỉnh Washington-Bình Nhưỡng.

Hãng tin Hàn Quốc Yonhap hôm nay 13/05/2018 cho biết yêu cầu của Mỹ được đưa ra trong các cuộc thảo luận song phương để chuẩn bị cho thượng đỉnh Donald Trump và Kim Jong Un dự kiến diễn ra vào ngày 12/06/2018 tại Singapore. Washington khẳng định sẽ không giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng, nếu yêu cầu trên không được đáp ứng.

Dường như Mỹ cho rằng việc Bắc Triều Tiên cam kết ngưng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa là chưa đủ. Bình Nhưỡng còn phải làm nhiều hơn nữa để chứng tỏ thiện chí từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Hiện vẫn chưa có câu trả lời từ chính quyền Kim Jong Un. Nhưng theo nhiều nhà quan sát, rất có thể Bình Nhưỡng sẽ tận dụng việc từ bỏ một phần vũ khí nguyên tử làm «lá bài» cho các vụ thương lượng trong tương lai.

Thông báo về việc Mỹ yêu cầu Bắc Triều Tiên chuyển ra khỏi lãnh thổ một phần vũ khí nguyên tử và các bộ phận tên lửa được đưa ra trong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump hoan nghênh và cám ơn chế độ Bình Nhưỡng hôm qua 12/05 thông báo chi tiết kế hoạch phá dỡ khu thử nghiệm hạt nhân Punggye Ri. Chủ nhân Nhà Trắng gọi quyết định của Bắc Triều Tiên là «một hành động thông minh và đáng mến». Seoul cũng ca ngợi thiện chí của Bình Nhưỡng không chỉ thể hiện «bằng ngôn từ, mà bằng cả hành động». Việc phá dỡ khu thử nghiệm Punggye Ri dự kiến bắt đầu trong khoảng ngày 23 đến 25/05. Bình Nhưỡng cũng mời các phóng viên Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Anh đến theo dõi sự kiện.

Từ Seoul, thông tín viên RFI Frédéric Ojardias cho biết chi tiết:

«Thông cáo của Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên rất cụ thể, rõ ràng. Đầu tiên, các đường hầm của cơ sở hạt nhân Punggye Ri sẽ được san lấp bằng thuốc nổ, các lối vào khu đường hầm sẽ bị chặn, các cơ sở quan sát và trung tâm nghiên cứu trên mặt đất sẽ bị phá hủy. Và cuối cùng, các nhà nghiên cứu và lính gác sẽ được rút hết, và khu thử nghiệm sẽ đóng cửa.

Bắc Triều Tiên cũng hứa sẽ cung cấp cho các phóng viên nước ngoài mọi phương tiện cần thiết: máy bay từ Bắc Kinh, sau đó là tàu chạy tới tận khu thử nghiệm hạt nhân Punggye Ri, và cả trung tâm báo chí. Nhưng Bình Nhưỡng không cho biết có mời các nhà điều tra hạt nhân và nhất là có cho phép các chuyên gia này hoạt động độc lập hay không.

Nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ. Họ cho rằng khi phá hủy cơ sở hạt nhân, mà trước đó không để cho các nhà khoa học lấy mẫu nghiên cứu, có nghĩa là chế độ Bình Nhưỡng đã phá hủy mọi thông tin về các vụ thử nghiệm mà họ đã tiến hành.

Một số khác lưu ý rằng sau 6 lần thử nghiệm hạt nhân, Bình Nhưỡng đã làm chủ được các công nghệ cần thiết và không cần thử nghiệm thêm nữa. Chính vì thế, cần nhìn nhận thông báo của Bắc Triều Tiên một cách thận trọng».

T.D.

Nguồn: http://vi.rfi.fr/chau-a/20180513-my-yeu-cau-bac-trieu-tien-chuyen-ra-khoi-lanh-tho-mot-phan-kho-hat-nhan

***

4. GIẢI TRỪ VŨ KHÍ NGUYÊN TỬ BẮC HÀN: PHÍ TỐN CAO, PHỨC TẠP VÀ KÉO DÀI NHIỀU NĂM

Trần Vũ

USA Today – Ngay cả trong trường hợp TT Trump có thành công trong việc thuyết phục được giới lãnh đạo Bình Nhưỡng từ bỏ giác mộng có vũ khí nguyên tử thì công việc giải trừ số vũ khí này là chưa từng có về mức độ quy mô và tính phức tạp trước đây, theo nhận định của các chuyên gia.

Olli Heinonen, một chuyên gia về kiểm soát vũ khí thuộc hiệp hội Foundation for Defense of Democraties, cho hay: “Đây sẽ là công việc lớn lao nhất mà cộng đồng thế giới phải thực hiện trong lãnh vực giải trừ vũ khí nguyên tử”.

Heinonen cho là ngay cả khi TT Trump và Chủ tịch Kim có đạt tới một thỏa thuận thì tiến trình giải giới như thế sẽ mất nhiều năm và tốn kém nhiều trăm triệu đô la.

TT Trump sẽ gặp gỡ Chủ tịch Kim của Bắc Hàn vào ngày 12 tháng 6 ở Singapore nhằm thảo luận về chuyện giải trừ vũ khí nguyên tử trên bán đảo Triều Tiên. Cả hai phía đều tuyên bố sẽ có hy vọng đột phá cho cuộc gặp gỡ lịch sử này.

Photo Credit: USA Today

Chính phủ Hoa Kỳ không dấu diếm mục tiêu của mình là giải thể toàn bộ chương trình vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn và thủ tiêu toàn bộ số vũ khí nguyên tử mà Bình Nhưỡng đang tàng trữ, vấn đề chưa ai rõ là Bắc Hàn sẽ nhượng bộ tới đâu.

Trước đây cũng có nhiều trường hợp phải giải giới cả một quốc gia như Libya vào năm 2003, nhưng chưa có xứ nào có một chương trình vừa to lớn vừa tối tân như Bắc Hàn cả. Nam Phi cũng đã tình nguyện tháo bỏ chương trình nguyên tử của mình trong thập niên 1990.

Chuyên gia Heinonen nhận định: “So với các quốc gia nói trên, kể cả Kazakhstan, Belorussia và Ukraine thì vấn đề giải giới của Bắc Hàn rắc rối và to lớn hơn nhiều”

T.V.

Nguồn: https://www.baocalitoday.com/the-gioi/51530.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn