Kiểm soát quyền lực bằng đạo đức cách mạng?

Ánh Liên

Ngày xưa, cụ Hồ nhiều lần nhắc nhở các đảng viên cán bộ của mình: “Mỗi đảng viên, cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng”, phải “thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, phải “thật trong sạch”... Và Đảng của Cụ cũng thường xuyên tiến hành phê bình, kiểm điểm, coi “đấu tranh phê bình, tự phê bình” là vũ khí sắc bén để tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân, kiểm soát các cán bộ, nhất là cán bộ có chức có quyền... Vậy mà trên thực tế, dù cố gắng đến đâu, việc kiểm soát những đảng viên lạm dụng quyền lực đều đã thất bại (chỉ có điều, khi đó người ta thường nhận định số đảng viên, cán bộ kém đạo đức, lạm dụng quyền lực “chỉ là bộ phận nhỏ”). Thất bại vì, cái cách kiểm soát quyền lực bằng đạo đức, gọi là “đức trị” đã lạc hậu so với việc kiểm soát bằng luật pháp, tức là “pháp trị”, mà thực hành “đức trị” trong thể chế độc đảng toàn trị thì càng không thể thành công.

Đến nay, khi đạo đức của đảng viên cán bộ càng xuống cấp quá nhiều – xuống một cách trơ tráo và trơ trẽn – so với mấy chục năm về trước (chính Trung ương Đảng của ông Trọng cũng phải nhận định là bộ phận nhỏ kia đã thành “bộ phận không nhỏ” rồi mà), thì việc kiểm soát quyền lực lại càng khó khăn gấp bội. Huống chi, nếu căn cứ vào những phát ngôn của ông Tổng bí thư, cái định nghĩa đạo đức của ông ngày nay nó mơ hồ, nhập nhằng hơn định nghĩa của cụ Hồ ngày trước nhiều. Không biết có phải ông vốn là người của Hội đồng lý luận nên ông đã gắn “đạo đức” vào với ‘ý thức, tư tưởng’? Tha hóa về đạo đức tức là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tức là hoài nghi sự đúng đắn của việc đưa đất nước tiến theo con đường XHCN, hoài nghi sự lãnh đạo độc tôn của Đảng, hoài nghi mối quan hệ “4 tốt, 16 chữ vàng” của Đảng... Thành thử, bao nhiêu năm trước, với khái niệm đạo đức còn có tính cổ điển – đạo đức ít ra vẫn thuộc phạm trù đạo đức chứ không phải cái gì khác lộn sòng vào – mà đảng đã không rèn nổi đảng viên cán bộ của mình, đã không kiểm soát nổi cán bộ chức quyền; nữa là bây giờ, thời đại thì đã khác, ông Tổng bí thư lại cố dùng khái niệm đạo đức lập lờ, mơ hồ của mình để kiểm soát quyền lực thì liệu ông sẽ thành công hay thất bại đây?

Bauxite Việt Nam

Nghị quyết Trung ương 7 ĐCSVN ban hành ngày 19.05 đặt mục tiêu đến 2020 hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực

Kiểm soát quyền lực liên quan trực tiếp nhất, quyết định nhất đến sự xóa bỏ tệ chạy chức, chạy quyền hiện nay; và đây là nguyên lý gần gũi nhất để đi đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nhưng trong một vòng xoáy của quyền lực, ai đủ để có thể kiểm soát chính vòng xoáy đó mà không bị nó nghiền nát hoặc bị cuốn theo vòng xoáy (tính hình thức)? Trung ương ĐCSVN đã đề ra một nguyên tắc là 'mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền hạn, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm'. Có nghĩa là đánh thẳng vào sự gánh vác trách nhiệm dựa trên luật pháp trên hết đã được ông Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc lại trước đó – liên quan  đến cuộc chiến chống tham nhũng mà ông đang tiến hành.

Nhưng cơ chế và quyền hạn là cái đã có sẵn và dường như đã quy hoạch sẵn trong Luật cán bộ, viên chức. Còn ràng buộc trách nhiệm vẫn mang tính đối chiều, không xác định được, bởi nó liên quan đến hệ thống 'trách nhiệm tập thể' vẫn còn bám víu một cách dai dẳng trong quá trình thực thi quyền lực nhà nước. Ngay cả khi xác định, thì hiện tượng 'tế thần' nhằm chối bỏ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm vẫn diễn ra như một cách thức để lách sự 'ràng buộc' và cho thấy tính quyền lực chi phối tính trách nhiệm như thế nào! Do đó, để đi đến 'nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm' vẫn là những khâu khó trong quy trình 'ràng buộc trách nhiệm', quyền lực càng cao, phe nhóm càng nhiều thì tính trách nhiệm càng bị tản mát.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEh9GbAoBY3XKsaxpJgeUX3WlM9LORlDlIutynvOplkSNc4NLIj5guNF-DkCNLn2s-7ro3nkh16Pv09WUvgBuwxmFPVnQfkOWIg8SEawZm6W_b5myoknZV2wy7rJcoaIo7AQKU06Wvj7DYA/s640/3eee3773-2868-477c-a2cc-2f5d20ff0654.jpeg

Từ trái sang: TBT Nguyễn Phú Trọng, nguyên TBT Nông Đức Mạnh, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Vậy kiểm soát quyền lực bằng đạo đức được không? Tức là thông qua 'cách mạng cá nhân' để rèn giũa tính kiểm soát quyền lực ở các cá nhân lẫn tập thể? Nói đúng hơn, đây là hình thành một cuộc cách mạng đạo đức để chống lại sự lạm dụng quyền lực?

David Hutt, một cây viết có thâm niên trên Asiatimes đã đặt vấn đề về một cuộc cách mạng như vậy tại Việt nam. Theo tác giả, trong quá trình xác lập lại quyền lực Đảng và cả 'sự thuần khiết cách mạng', ông TBT Nguyễn Phú Trọng tiến hành cuộc thập tự chinh trên nhiều mặt, trong đó cải thiện đạo đức của Đảng viên là tiền đề cho ĐH Đảng tiếp theo diễn ra vào năm 2021, khi nhiều lãnh đạo hiện tại sẽ nghỉ hưu và lớp cán bộ cấp chiến lược sẽ lên nắm quyền. Nhưng kiểm soát quyền lực bằng đạo đức lại không phải bắt đầu từ việc nhìn nhận đạo đức người làm cách mạng, là học tập làm nô bộc cho nhân dân, hay thậm chí ngay tại lực lượng công an nhân dân với ‘6 điều Bác dạy’. Mà đạo đức ở đây lại tập trung vào sự chống 'tự diễn biến; tự chuyển hóa' trong lực lượng Đảng viên, một yếu tố được cho là xa rời ý thức chủ nghĩa Mác-Lê nguyên thủy – khởi nguồn xây dựng Đảng.

Đạo đức cách mạng giữ tính chất thủ cựu về ý thức hệ lại là đạo đức để kiểm soát quyền lực, điều này thoạt đầu nghe thật phi lý và mâu thuẫn. Tuy nhiên, nếu trong một tâm bão quyền lực, hoặc là bẻ gãy cơ chế làm xuất hiện quyền lực, hoặc gia cố quyền lực và tự huyễn hoặc nó là cách kiểm soát quyền lực.

Trong các bài diễn văn hoặc trao đổi của mình với cử tri, ông TBT Nguyễn Phú Trọng nhắc nhiều đến tình trạng 'suy thoái tư tưởng đạo đức'. Và có vẻ, tất cả những yếu tố nào đi ngược với chủ trương của Đảng đều là 'suy thoái', kể cả những yếu tố muốn kiểm soát quyền lực của Đảng bằng lực lượng thứ ba. Thậm chí, ông Trọng và những người đồng chí của mình còn ra hẳn Nghị quyết số 04-NQ/TW chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng-chính trị, đạo đức-lối sống, và những biểu hiện 'tự diễn biến', 'tự chuyển hoá' trong nội bộ.

Kết quả, kiểm soát quyền lực bằng đạo đức cách mạng của ông TBT Nguyễn Phú Trọng là phủ lưới bắt bớ bất kỳ ai làm tổn hại đến ý thức hệ của ĐCSVN, và dường như những ai có ý đồ về tổ chức chính trị đều bị bắt giữ; những ai thoát ly ra khỏi ý thức hệ đều bị bỏ tù,... Theo tác giả David Hutt, 'thay vì cho phép cái nhìn đa diện hơn, chiến dịch đạo đức của ông TBT lại được thiết kế để chấm dứt sự tự do trong Đảng'.

Một cuộc thập tự chinh được khởi động bởi người lính già có phần giống Don Quijote, người kiên quyết bảo vệ giấc mơ hiệp sĩ huy hoàng xưa cũ và quên đi thực tại lẫn tương lai. Nhưng Don Quijote còn có thể thức tỉnh, còn mộng đạo đức cách mạng và kiểm soát quyền lực bằng hệ tư tưởng chính đảng thì sao?

Kiểm soát quyền lực bằng đạo đức bằng cách nào đó, lại làm gia cố thêm quyền lực và siêu quyền lực, khiến cho cuộc chiến chống tham nhũng trở nên tạm thời, và giấc mơ tạo một lớp cán bộ 'cấp chiến lược' vừa tài vừa đức' trở nên mông lung như một trò đùa!

A.L.

VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn