Đảng làm luật bán nước

Ngô Nhân Dụng

Ngày 15 tháng Sáu, Đảng Cộng sản sẽ cho biểu quyết Luật Đặc khu, hàng ngàn người thuộc hàng trăm tổ chức đã lên tiếng phản đối. Vì cả nước đang nghi ngờ dự luật này sẽ mở đường cho Cộng sản Trung Quốc có ngày sẽ chiếm nước ta.

Dự luật này sẽ lập ba đặc khu kinh tế tại ba vùng biển: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), và Phú Quốc (Kiên Giang); với quy chế hành chính đặc biệt ưu đãi giới đầu tư. Mối lo chính của giới trí thức nước ta là các đặc khu này sẽ mở cửa cho các công ty Trung Cộng lợi dụng các ưu quyền để xâm nhập và bắt rễ, để có ngày nước Việt Nam sẽ biến thành như Tân Cương, Tây Tạng.

Nhà phân tích Nguyễn Quang Dy ở trong nước, nhận định: Trong khi Trung Quốc ráo riết quân sự hóa và kiểm soát Biển Đông, … chắc họ sẽ tăng cường bành trướng thế lực để chiếm các vị trí hiểm yếu trên đất liền. Đặc khu kinh tế là một miếng mồi ngon mà họ thèm muốn…

Ông dẫn ý kiến của chuyên gia kinh tế Vũ Quang Việt, ở Mỹ, nhận xét rằng các quy định trong dự luật về đặc khu chủ yếu nhằm vào thị trường địa ốc (property) và đánh bạc (casino) chứ không nhằm thu hút đầu tư công nghệ cao. Casino và nghề mại dâm sẽ phát triển “vì đây là nơi duy nhất (tại Việt Nam) các hoạt động này được phép hành nghề tự do”; sẽ gia tăng tệ nạn xã hội và tội phạm.

Trong khi đó, ông Vũ Quang Việt nhấn mạnh, “cái mà Việt Nam cần là công nghệ cao và giáo dục để tăng năng suất lao động, phát triển công nghiệp và kinh tế trí thức, chứ không phải là phát triển địa ốc và casino”. Ông nhắc lại rằng năng suất lao động của Việt Nam vào loại thấp nhất thế giới (thấp hơn Singapore 15 lần).

Một điều đáng lo nhất là dự luật này mở đường cho bọn tham quan bán nước công khai. Chức “chủ tịch đặc khu” được trao quyền hành như những vua con để tiếp tay tài phiệt nước ngoài; như Võ Kim Cự đã làm tay sai cho Formosa ở Vũng Áng; với quyền cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất 70 năm, 99 năm nếu Thủ tướng đồng ý. Ngay tên gọi chức vụ này “Trưởng khu hành chính” cũng rập theo chức “hành chánh trưởng quan” mà Trung Cộng đặt cho người đứng đầu Hồng Kông hiện nay. Thế kỷ 19, nhà Thanh đã phải nhượng Hương Cảng cho người Anh với thời hạn 99 năm, sau khi bại trận mấy lần. Bây giờ Cộng sản Việt Nam tự nguyện hiến dâng.

Những ưu đãi giành cho tài phiệt ngoại quốc có thể biến các đặc khu thành lãnh địa của họ. Họ chỉ cần đầu tư 110 tỷ đồng ($5 triệu đô la) sẽ được cấp thẻ tạm trú 10 năm, được miễn thuế thu nhập trong vòng 5 năm và giảm tiếp 50% sau đó. Họ được miễn thuế thuê đất 30 năm, có thể bán lại tài sản và tài sản được thừa kế. Họ được quyền thuê người nước ngoài vào làm việc 180 ngày trong một năm, không cần giấy phép lao động.

Những ưu đãi này sẽ dẫn đến một làn sóng di dân mới, đặc biệt là giới lao động không có nghề chuyên môn từ Trung Quốc. Các xí nghiệp Trung Cộng đã đưa công nhân của họ tràn ngập khắp nước ta, lập các “thành phố Tàu” từ Formosa Hà Tĩnh tới các mỏ bauxite ở Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Quang Dy nhắc lại: “trước đây hầu hết các dự án lớn tại Việt Nam rơi vào tay các tập đoàn Trung Quốc, … Ngoài Vũng Áng (đã nằm trong tay Trung Quốc), Vân Phong và Cửa Việt là hai vị trí chiến lược hiểm yếu đang bị Trung Quốc nhòm ngó. Từ Bắc Trung bộ đến Nam Trung bộ, nhiều vị trí phòng thủ chiến lược đã và đang được giao cho doanh nghiệp làm dự án mà không tính đến yếu tố an ninh quốc gia. Tại Đà Nẵng và Nha Trang, nhiều vị trí phòng thủ chiến lược dọc bờ biển đã bị các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm”. Và lo lắng: “không có lý gì các đặc khu kinh tế đó lại không rơi vào tay họ và biến thành các tô giới của Trung Quốc’.” Ông viết: “Ninh Bình không phải là đặc khu kinh tế, nhưng đã là ‘vương quốc’ riêng”.

Khi có tranh tụng giữa người nước ngoài và người Việt, Luật Đặc khu còn cho phép các bên được lựa chọn toà án nước ngoài xét xử. Điều kiện này không khác gì những đòi hỏi tài phán mà các đế quốc Tây phương đã bắt triều đình nhà Thanh bên Tàu và nhà Nguyễn ở nước ta phải theo trong thế kỷ 19. Khi đó, các đế quốc đã dí súng vào đầu đám vua quan để được quyền “ngoại tài phán” trong các tô giới. Bây giờ Cộng sản Việt Nam tự nguyện hiến dâng.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải, Vũng Tầu lo rằng: “…chắc chắn ba Đặc khu ấy sẽ là ba thành phố Trung Hoa khổng lồ. Và chỉ trong vòng 30 năm vừa tăng trưởng dân số… và di dân, tối thiểu mỗi nơi ít nhất có từ 7 triệu đến 10 triệu người. Vài ba chục triệu người Trung Hoa nối đời sinh ra trên mảnh đất 99 năm ấy…” Ông báo động: “Thử xem dân tộc Uyghur ở Trung Á bị… nhập vào lãnh thổ Trung Hoa từ cuối thế kỉ 19… Năm 1949, tỉ lệ người Hán trên vùng lãnh thổ này chỉ chiếm 4%. Tới năm 2000 người Hán đã chiếm tỉ trọng 46%. Vài năm gần đây người Hán đã áp đảo với tỉ lệ 60/40.

Nhưng trên đây chỉ là những mối lo xa nếu chúng ta sống trong thời bình. Mối lo gần hơn, như ông Nguyễn Quang Dy nêu lên là, “Nếu xung đột tại Biển Đông xảy ra thì ba đặc khu Vân Đồn, Vân Phong, và Phú Quốc có ý nghĩa chiến lược hiểm yếu,… không chỉ đối với Việt Nam mà còn cả các nước ASEAN”. Bởi vì, “Nếu ba vị trí chiến lược đó bị đối phương (Trung Quốc) chiếm thì coi như hết cờ (và “xong phim”).

Ông giải thích: “Vân Đồn… án ngữ cửa ngõ phía Đông Bắc, để ngăn chặn thủy quân Trung Quốc xâm nhập bằng đường biển, như thời Ngô Quyền chống quân Nam Hán (938), thời Lý Thương Kiệt chống quân Tống (1075- 1077), thời Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên Mông (1287-1288). Nếu Vân Đồn có vị trí chiến lược… nhìn ra Vịnh Bắc Bộ, thì Phú Quốc có vị trí chiến lược án ngữ cửa ngõ phía cực Nam nhìn ra Ấn Độ Dương, trong khi Vân Phong có vị trí chiến lược án ngữ cửa ngõ Miền Trung nhìn ra Biển Đông”.

Nhà báo Thiên Điểu mô tả: “Vân Đồn rõ ràng chỉ phục vụ cho hàng hóa Trung Quốc ra Biển Đông. Nghĩa là Việt Nam chỉ thu được tiền ‘cho thuê bến bãi’ là chính; nhưng sẽ không dễ cạnh tranh với cảng Phòng Thành; Thẩm Quyến…” ở bên Tàu. Trong khi đó, “Phú Quốc có vị trí chiến lược án ngữ cửa ngõ phía cực Nam nhìn ra Ấn Độ Dương,… bất cứ ai cũng hiểu được giá trị của Phú Quốc nếu các tuyến hàng hải (nối vùng Đông Nam Á tới Australia, Nhật Bản, Trung Đông, châu Âu, châu Phi) được hình thành cho những tàu tải trọng lớn của thế giới đi qua.

Ông Nguyễn Quang Dy nhắc nhở: “…người ta đã chóng quên bài học xấu về các dự án lớn như ‘đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng’, khai thác bauxite Tân Rai và Nhân Cơ; cũng như kinh nghiệm xấu tại Chu Lai (Quảng Nam, 2003), Dung Quất (Quảng Ngãi, 2005), Nhơn Hội (Bình Định, 2005), Chân Mây (Thừa Thiên, 2006), Vân Phong (Khánh Hòa, 2006), Phú Yên (2008).

Ông đặt câu hỏi Tại sao các nơi đó thất bại? Và trả lời: “không cải tổ thể chế để kiểm soát quyền lực và tham nhũng, thì các mô hình phát triển tương tự sẽ lặp lại bài học ‘lợi bất cập hại”.

Nhận xét này vạch ra tai họa của nước Việt Nam hiện nay: Một chế độ độc tài đảng trị, ra lệnh cho quốc hội bù nhìn làm ra những đạo luật bán nước. Không ai ngoài đảng được quyền tự do phát biểu ý kiến, không ai được tự do lập hội, lập đảng để tranh đấu bảo vệ tổ quốc.

Nhật báo Người Việt hoan nghênh và ủng hộ bản ý kiến của giới trí thức Việt Nam trong và ngoài nước ký ngày 30 tháng 5 năm 2018, yêu cầu các đại biểu: “KHÔNG biểu quyết thuận để thông qua dự luật Đơn vị Hành chính-Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc”. Và “KHÔNG tiếp tay cho đám tư bản đứng sau đề án này”.

Tuy nhiên, chúng ta không hy vọng Việt Cộng sẽ chịu lắng nghe những lời nói phải. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã thú nhận: “Bộ Chính trị đã chỉ đạo, (quốc hội) phải bàn để ra luật”. Biết hậu quả của dự luật này, phải nói rằng họ sẽ cho ra một đạo luật bán nước.

Nhà văn Nhất Chi Mai, là sinh viên chuẩn bị ra trường của Đại học Y Dược ở Việt Nam, đã chỉ mặt Đảng Cộng sản để hỏi: “Vì sao tôi cho rằng nguy cơ mất nước quá rõ ràng? Năm 1958 trong Công hàm Phạm Văn Đồng các vị đã giao chủ quyền Hoàng Sa cho Trung Cộng. Năm 1988 Lê Đức Anh ra lệnh ngưng nổ súng cho Trung Cộng chiếm Gạc Ma ở Trường Sa, 64 chiến sĩ Việt Nam làm bia cho bọn Tàu bắn. Năm 1979 Trung Cộng kéo quân xuống… đòi dạy cho tập đoàn Lê Duẩn một bài học, 6 vạn quân và dân Việt Nam tử thương. (Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã ở châu Âu) các vị đã nhận Trung Quốc làm cha đỡ đầu trong Hội nghị Thành Đô. Năm 1999 các vị lại cắt ẢI NAM QUAN, THÁC BẢN GIỐC cho Trung Cộng.

Dự Luật Đặc khu là một bước nữa trên con đường bán nước của Đảng Cộng sản.

N.N.D.

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/mot-du-luat-ban-nuoc/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn