GIẢI PHÁP HỢP LÝ NHẤT “LÒNG DÂN LÀ Ý ĐẢNG”

Tô Văn Trường

Đất nước ta đang có sự kiện rất nóng bỏng được người dân Việt Nam rất quan tâm đó là dự luật đặc khu kinh tế chuẩn bị được Quốc hội dự kiến bấm nút vào ngày 15/6 sắp đến. Lịch sử dân tộc chắc chắn sẽ ghi lại thời khắc thiêng liêng này.

Nhà nước ta là của dân do dân, vì dân. Xuất xứ câu nói “của dân, do dân, vì dân” thực ra là của Pericles, một nhà tư tưởng thời cổ đại trước Thiên Chúa giáng sinh, sau đó, được Tổng thống Mỹ và nhiều người khác nhắc lại.

Đối với một đất nước, một dân tộc thì đường lối, chính sách là bậc vĩ mô, “sai một ly sẽ đi cả dặm” do đó, các cấp lãnh đạo, giới chức sắc cần nghiêm túc và thật lòng khi thăm dò ý dân, hòa nhã nghiêm túc khi nghe người dân phản biện. Có lẽ chỉ có những người vô tâm mới có thể yên tâm trước thực trạng đất nước ta hiện nay. Chừng nào còn lương tâm, biết yêu, biết ghét thì làm sao mà yên tâm, mà tin yêu! Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói trước cử tri Hà Nội rất chính xác: “Mất lòng tin của dân là mất tất cả”. Suy rộng ra, mất dân là mất nước. Và khi đó học thuyết, thể chế này nọ còn nghĩa lý gì? Đừng quên dân đẻ ra chính quyền, và cả hệ thống chính trị này đều sống được là nhờ tiền thuế của dân.

Nghị sỹ là cương vị dân cử vào trong nghị trường để có chức năng nghị bàn, nghị luận, chất vấn, chứ đâu phải là chỉ cho đủ số, đủ chỗ và… “bấm nút” - kiểu “nghị gật”! Tấm gương về trí tuệ và bản lĩnh của các đại biểu Quốc hội các khóa trước như Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Quốc Thước, Phạm Thị Loan, Bùi Thị An đã được một số đại biểu Quốc hội đương chức khóa 14 tiếp tục thổi hơi thở của cuộc sống vào nghị trường như Dương Trung Quốc, Trương Trọng Nghĩa, Lê Thanh Vân, Nguyễn Anh Trí vv…

Nguyễn Trãi xưa đã từng nói: “làm lật thuyền mới biết sức dân như nước” - chí lý thay, khi ngồi chễm chệ, say sưa tựa mạn thuyền thì chỉ thấy nước… lăn tăn bợ đít thuyền thôi! Ngang dọc chỉ thấy thuyền chứ ai thèm biết gì đến nước! Nhưng, cái thứ nước êm đềm đó đã lật biết bao nhiêu triều đại trong lịch sử! Triều đại thì hiển nhiên là có thể hưng vong, nhưng dân tộc thì chỉ có thể thịnh suy chứ không thề vong được!

Đất nước này không phải là tài sản sở hữu riêng của nhóm lợi ích và những người cầm quyền. Những vấn đề kinh tế trọng đại, đụng tới quốc kế dân sinh, an ninh quốc phòng phải được công khai minh bạch trong cả nước và có sự đồng thuận, giám sát của cả nước. Trước hết, là phải tạo ra một cơ hội để cho tất cả công dân kể cả các nhà quản lý, các nhà lập chính sách và các nhà khoa học, cùng nhau thảo luận để có sự đồng thuận cao đáp ứng được lòng mong mỏi và kỳ vọng của nhân dân.

Chúng ta đã tốn không biết bao nhiêu là tiền của, công sức, thời gian để tổ chức học tập và làm theo tấm gương vĩ đại của Bác Hồ. Thực tế, người ta lại không làm điều đơn giản, thiết thực nhất theo lời dậy của Cụ Hồ “Dân chủ là làm sao cho dân mở miệng” (đừng làm dân sợ không dám mở miệng, càng không nên làm dân chán không thiết mở miệng).

VUSTA là tổ chức của các nhà khoa học có chức năng phản biện xã hội tư vấn và giám sát nhưng thực tế cũng phải hoãn không thể tổ chức buổi tọa đàm về dự luật đặc khu kinh tế vì những nguyên nhân khách quan? Tuy nhiên, các nhà khoa học trong các hiệp hội như Hội Khoa học Kinh tế VN, Hội Khoa học và Kinh tế biển, Hội Địa lý vv… cũng đã gửi thư chính thức đến lãnh đạo nhà nước có chung kết luận đề nghị tạm hoãn, dừng thông qua luật đặc khu kinh tế.

Hàng loạt các ý kiến của các chuyên gia có uy tín trong và ngoài nước kể cả các vị lão thành cách mạng băn khoăn lo ngại, về hàng loạt “lỗ hổng” trong dự thảo từ cơ sở pháp lý, mục tiêu, hiệu qủa kinh tế, an ninh quốc phòng, nhiều nội dung không phù hợp với thực tế, vv… thì lại được ông Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng vô tình hay cố ý làm ngơ trước các chứng cớ lịch sử trong quan hệ giữa VN và Trung Quốc đã ‘loạn ngôn” khi trả lời phỏng vấn của báo chí về dự luật đặc khu kinh tế.

Chuyện Trung Quốc lấn lướt gây sức ép với VN ngoài Biển Đông (chiếm đất, chiếm đảo, xây căn cứ, đuổi khoan dầu, vẽ Đường lưỡi bò…) và trên các mặt trận chính trị, kinh tế, quốc phòng… là việc rõ như ban ngày, đứa trẻ con cũng biết. Dù có nói ra hay không, đây cũng là vấn đề quan tâm hàng đầu của mọi người VN, trong đó có những người cầm quyền, chi phối mọi chính sách đối nội, đối ngoại.

Vậy mà trong phát biểu của mình, Nguyễn Chí Dũng làm như không biết. Vu vạ cho những người lo cho an ninh của Việt Nam là gây chia rẽ với Trung Hoa, sợ làm như vậy thì Trung Hoa mếch lòng, thật là một thái độ hồ đồ đến kỳ quặc và hết sức vô trách nhiệm. Ông viện dẫn về Đặng Tiểu Bình nhưng nên nhớ rằng đối với dân tộc Việt Nam họ Đặng là “tội đồ” vì phát động cuộc chiến tranh xâm lược biên giới 1979 gây biết bao tổn thất, đau thương mất mát cho nước ta.

Chung quy lại: Chắc chắn thời hạn cho thuê đất đến 99 năm sẽ bị loại bỏ trong dự luật. Điều mong muốn nhất của người dân trước hết, hãy cho tạm dừng thông qua luật đặc khu kinh tế còn đầy rẫy các “lỗ hổng”. Kinh nghiệm của nước ta và thế giới: một chính sách, một luật chỉ có thể thành công, thúc đẩy phát triển đất nước khi chính sách, luật đó có sự đồng thuận của dân. Đồng thuận càng cao, thành công càng càng lớn.

Ý kiến trong xã hội ta về luật đặc khu kinh tế còn quá phân tán, quá khác nhau, quá gay gắt… như hiện nay thì có thể khẳng định ngay Luật này chắc chắn sẽ thất bại ngay sau khi Quốc hội thông qua. Biết trước là thất bại, có nên ép Quốc hội thông qua không?”

Quốc hội khóa 13 có cú vấp chưa từng có trong tiền lệ lịch sử là thông qua bộ luật hệ trọng là luật hình sự mà chưa có hiệu lực đã phải ngưng để sửa vì phát hiện hàng trăm lỗi.

Trên tinh thần cùng nhau tìm cách làm tốt nhất vì lợi ích lâu dài của toàn dân tộc. Dự luật đặc khu kinh tế cần được hỏi ý kiến toàn dân theo Luật trưng cầu dân ý năm 2015.

T.V.T.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn