Tây Tạng dưới gót giày Đại Hán

Thụy My

Đồng hóa dân tộc khác bằng mọi giá là tội ác man rợ nhất của đủ thứ chính quyền Đại Hán trong lịch sử, đã để lại không biết bao nhiêu pho sách kinh nghiệm bê bết máu, để cho nhà nước CS do họ Tập điều hành hôm nay kế thừa.

Hãy đọc một đoạn trong sắc chỉ của Minh Thành Tổ gửi viên Tổng binh chỉ huy đội quân xâm lược ồ ạt kéo sang đánh chiếm Việt Nam vào năm 1406 – đạo sắc nói rõ tim đen của vị Hoàng đế phương Bắc là phải triệt hạ bằng sạch toàn bộ sách vở chữ viết của nước ta lúc bấy giờ: “Một khi binh lính vào nước Nam, trừ các sách kinh và bản in của đạo Phật, đạo Lão thì không thiêu hủy; ngoài ra hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến cả những loại [sách] ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ, như loại sách có câu “Thượng đại nhân, khưu ất dĩ” một mảnh một chữ đều phải đốt hết. Khắp trong nước phàm những bia do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì đều giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá sạch hết thảy, một mảnh một chữ chớ để còn” (Sắc chỉ ban bố 10 điều cho quân lính tuân hành, không đề ngày, xếp ngay sau đạo sắc ngày 4 tháng Bảy nhuận năm Vĩnh Lạc thứ 4 (21.8.1406). Việt kiệu thư, Thư viện KHXH, ký hiệu: VH. 000276 - HV. 000281, Q. 2; tờ 16a - 17b. Nguyên văn: 兵 入 。除 釋 道 經 板 經 文 不 燬 。外 一 切 書 板 文 字 以 至 俚 俗 童 蒙 所 習 。如 上 大 人 丘 乙 已 之 類。片 紙 隻 字 悉 皆 燬 之 。其 境 內 中 國 所 立 碑 刻 則 存 之 。 但 是 安 南 所 立 者 悉 壞 之 。 一 字 不 存 (Binh nhập, trừ Thích, Đạo kinh bản kinh văn bất hủy. Ngoại nhất thiết thư bản văn tự dĩ chí lý tục đồng mông sở tập, như “Thượng đại nhân Khưu ất dĩ” chi loại, phiến chỉ chích tự tất giai hủy chi. Kỳ cảnh nội Trung Quốc sở lập bi khắc tắc tồn chi. Đãn thị An Nam sở lập giả tất hoại chi, nhất tự bất tồn).

Minh Thành Tổ là kẻ thù bất cộng đới thiên của dân tộc Việt, nhưng so với họ Tập thế kỷ XXI này thì rõ ràng ông ta chưa là cái gì cả, kể cả cái dã tâm muốn “dọn sạch” mọi tộc người đang cư trú trên trái đất để… nhường chỗ cho người Hán. Nhưng Tập có làm được như lòng tham vô đáy của y hay không? Tình hình cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung mấy hôm nay dường như đang có khả năng… biến y thành một chú ễnh ương cố phình bụng thành con bò, hay một cô Perrette nhảy múa tung tăng với một liễn sữa đội trên đầu thì phải.

Nguyễn Huệ Chi

clip_image002

Toàn cảnh quần thể tu viện Tây Tạng Lạc Nhược Hương (Larung Gar) trước đây, nay đang bị cưỡng chế giải tỏa.Wikimedia

Le Figaro hôm nay 13/07/2018 cho biết «Bắc Kinh tăng cường đô hộ Tây Tạng», mà điển hình là việc cưỡng chế giải tỏa tu viện Phật giáo Lạc Nhược Hương (Larung Gar). Hàng ngàn tăng ni đã bị trục xuất khỏi quần thể tu viện bị giám sát nghiêm ngặt.

Lạc Nhược Hương là một trong những Thiền viện Phật giáo Tây Tạng lớn nhất thế giới, với tu viện trung tâm bao quanh là vô số những ngôi nhà gỗ nhỏ sơn đỏ, cất chi chít quanh sườn đồi ở độ cao 4.000 mét thuộc huyện Sắc Đạt (Sertar), châu tự trị Tạng Cam Tư tỉnh Tứ Xuyên.

Chính quyền Trung Quốc từ mùa hè 2016 đã tung ra chiến dịch san ủi nhà cửa, cưỡng chế tăng ni đi nơi khác. Tuy nhiên khó thể biết cụ thể những gì đang diễn ra tại đây, vì muốn vào Lạc Nhược Hương phải đi qua một trạm kiếm soát của công an để kiểm tra danh tính, còn người ngoại quốc thì bị cấm cửa.

Đặc phái viên Le Figaro đã tìm gặp Phuntsok, một nhà sư ở Lạc Nhược Hương đi thăm người thân bị bệnh tại một thành phố gần đó. Nhà sư tuổi đôi mươi kể lại, chỉ muốn khóc mỗi lần nhớ đến sự xuất hiện của những cỗ xe ủi, và các tăng ni bị lùa lên hàng loạt xe buýt trong khi cư dân chỉ biết đẫm lệ nhìn theo. Năm 2016, chỉ trong vài tháng có đến 30-40% người đang tu tập bị đuổi đi, trong số 20.000 nhà sư và ni cô ở Lạc Nhược Hương. Human Rights Watch ước tính khoảng 5.000 tăng ni bị cưỡng chế, và mục tiêu của nhà cầm quyền Bắc Kinh là giảm số cư dân xuống còn 5.000 người.

· Đọc thêm: Trung Quốc cưỡng chế tu viện Tây Tạng để "uốn nắn ý thức hệ"

Các tăng ni bị cưỡng chế về quê phải viết giấy nói mình «tự nguyện» ra đi, hứa sẽ không quay lại Lạc Nhược Hương. Họ còn phải cam kết «ủng hộ chính sách của chính phủ», không có bất cứ hành động chống đối nào. Một số còn bị buộc phải tham gia những khóa «cải tạo ái quốc». Một video của tổ chức phi chính phủ Free Tibet cho thấy các ni cô mặc quân phục, bị bắt buộc hát những bài khẳng định Trung Quốc và Tây Tạng là «những người con của cùng một Mẹ Tổ quốc».

Sau khi giải tỏa, chính quyền cho xây lên những tòa nhà hiện đại, đưa khoảng 100 cán bộ đảng cộng sản về làm nòng cốt tại Lạc Nhược Hương, sáu quan chức đảng đã được cử làm lãnh đạo tu viện. Bắc Kinh không quên các cuộc biểu tình của tu sĩ Phật giáo tại Lhassa hồi tháng 3/2008, sau đó mở rộng trên toàn cao nguyên Tây Tạng. Người biểu tình đòi hỏi phải cho Đạt Lai Lạt Ma quay về, tố cáo bị chèn ép về kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng. Phong trào đã bị đàn áp thẳng tay, nhưng một dạng phản kháng khác nổi lên : trên 150 người Tây Tạng đã tự thiêu phản đối Trung Quốc kể từ năm 2009.

Le Monde còn nêu ra trường hợp Tashi Wangchuk, một thanh niên 30 tuổi bị kết án 5 năm tù hồi tháng Năm vì «xúi giục ly khai». Tội của anh là đã công khai xuất hiện trong một video dài 9 phút của New York Times hồi cuối năm 2015, đòi hỏi trẻ em Tây Tạng phải được học tiếng mẹ đẻ trong trường học. Anh tố cáo : «Trên toàn vùng Tây Tạng, từ tiểu học cho đến trung học, không còn có một chương trình nào được giảng dạy bằng ngôn ngữ của chúng tôi».Theo Wangchuk, đây là «sự thảm sát có hệ thống nền văn hóa Tây Tạng». «Về chính trị, khi một quốc gia muốn diệt trừ một quốc gia khác, thì trước hết phải tiêu diệt ngôn ngữ và chữ viết của quốc gia đó».

Trung Quốc cao giọng khoe bảo vệ các sắc tộc thiểu số, nhưng theo nhà nghiên cứu Maya Wang của Human Rights Watch, việc kết án Tashi Wangchuk nằm trong quy trình «đồng hóa nền văn hóa Tây Tạng».

T.M.

Nguồn: http://vi.rfi.fr/chau-a/20180713-tay-tang-duoi-got-giay-dai-han

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn