Tôi khóc cho những người trẻ Việt Nam*

Nguyễn Bích Lan

Nền giáo dục mục ruỗng

Hà Giang là vùng đất mình gắn bó rất sâu, và khá thấu hiểu. 15 năm trước, đã lang thang khắp các bản làng, điểm trường, ăn ở với các thầy cô, ngược núi đến trường với những đứa trẻ.

Đã từng đoạt giải Nhất cuộc thi Phóng sự quy mô quốc gia với bài viết về hành trình đưa những đứa trẻ ra khỏi rừng rậm của thầy cô. Nhưng rồi, càng đi sâu, càng thấy lộ ra sự tréo ngoe của ngành giáo dục tỉnh này, mà sự thối rữa từ trên xuống, từ dưới lên.

Có đợt, mình đi khảo sát các trường bán trú, thấy có trường lượng học sinh bán trú ăn ở trường có độ 20-30 em, nhưng khai khống lên cả trăm em, để trục lợi tiền trợ cấp của Nhà nước. Ví dụ cho dễ hiểu, trường lập danh sách có 100 em, để mỗi tháng nhà nước chu cấp cho 500.000 đồng/em, thì thực tế chỉ có 20-30 đứa ăn ở trường. Ấy thế nhưng, mấy lần mình đột xuất vào nhà bếp kiểm tra, chẳng thấy thầy cô với đầu bếp đâu, chỉ thấy bọn trẻ tự nấu ăn. Hai ba chục đứa trẻ chỉ có miếng bí để làm thức ăn. Có trường, lộ thông tin có nhà báo vừa vào, lập tức có đầu bếp đến xào thịt thơm lừng, mặc dù học sinh kể hàng ngày chỉ có mớ rau. Tức là, lãnh đạo không chỉ khai khống rút tiền nhà nước, mà còn ăn bớt tiếp miếng thịt của bọn trẻ. Thật không thể tin nổi khi nhà nước cấp khoảng 20 triệu/tháng tiền ăn cho bọn trẻ, nhưng đầu bếp tiêu hết có hơn triệu, vì toàn cho bọn trẻ ăn cơm rau.

Có câu chuyện thế này, hồi làm báo Công an, cơ quan mình chở tivi màn hình cỡ lớn lên tặng một trường, quần áo mới, cặp sách balo. Cẩn thận đến nỗi phát trực tiếp cho mấy trăm học sinh. Ấy thế nhưng, vài hôm sau đã có thông tin dân kể tivi về nhà hiệu trưởng, cặp sách bị gom lại bán tá lả ngoài thị trấn.

Sự việc trục lợi ngân sách là vi phạm pháp luật, trục lợi miếng thịt là vi phạm đạo đức nghiêm trọng, nhưng nghĩ mãi, mình quyết định không viết, dù hồ sơ và thông tin đầy đủ. Nghĩ đến cảnh cả chục giáo viên có thể mất việc, khi họ bỏ cả trăm triệu ra chạy suất biên chế, mà mình không đủ can đảm. Với lại vì đại cục chung, không muốn làm mất hình ảnh đẹp về giáo viên miền núi. Mình ra Sở gặp một vị lãnh đạo, giao hồ sơ và cung cấp thông tin đề nghị chấn chỉnh hiện tượng phổ biến khắp tỉnh kia. Đồng chí rất tiếp thu nhưng chắc cũng chả làm gì, vì có lẽ ăn chia cả rồi.

Sự mục ruỗng đó đã tạo nên cơn đại địa chấn như vụ Sầm Đức Xương, khi mà cả thầy và đám quan chức tỉnh mua dâm học sinh trong độ tuổi áo trắng đến trường.

Hôm công bố điểm thi PTTH Quốc gia, thông tin điểm thí sinh Hà Giang cao chót vót, thì chả cần ai đặt nghi vấn hay chứng cứ gì, mình cũng biết thừa sẽ có tiêu cực. Bởi đơn giản, nó là sự mục ruỗng từ trên xuống, từ dưới lên.

Mà thực ra, nền giáo dục cả nước này nó nát rồi chứ chẳng cứ gì Hà Giang.

clip_image001

Ảnh: Độ 20-30 đứa chỉ có miếng bí, dù Nhà nước đã cấp đủ tiền để chúng

ăn cơm có thịt.

Phạm Dương Ngọc

Về vụ sửa điểm thi ở Hà Giang một bạn Facebook của tôi viết: "Sửa 330 bài trong 33 phút! Nhiêu đây đi làm công an, sản sinh ra một thế hệ đàn áp. Nhiêu đây đi làm bác sĩ, sản sinh ra một đội ngũ giết người".

Sự thật có lẽ đúng vậy, nhưng tôi không trách những thí sinh đã bị [được (?) – BVN chú thích] sửa điểm đó, bởi họ là những người trẻ (mới trên dưới 18 tuổi).

Người trẻ trên dưới 18 tuổi ở nước ta đâu phải như người trẻ ở Hongkong dám xuống đường, kêu gọi bãi khóa đòi chính quyền tổ chức bầu cử phổ thông đầu phiếu, phản đối chính sách thân Tàu!

Người trên dưới 18 tuổi ở nước ta không như người trẻ ở Mỹ dám đứng trước tòa Bạch Ốc đọc diễn văn như một người đối thoại ngang bằng với Tổng thống đòi xem xét về luật sở hữu vũ khí!

Người trẻ trên dưới 18 tuổi ở nước ta là những đứa trẻ được nhồi ý nghĩ vào đầu từ bên ngoài qua những bài văn mẫu, qua cách giảng dạy nói không với phản biện và ý kiến trái chiều, nhất nhất tuân theo sách giáo khoa không căn vặn.

Người trẻ trên dưới 18 tuổi của chúng ta được cha mẹ, thầy cô dạy phải ngoan ngoãn nghe lời bề trên, mặc kệ những gì diễn ra xung quanh miễn sao mình yên ổn.

Người trẻ của chúng ta được ấn vào những cái khuôn đúc sẵn, thị trường gì, làm nghề gì đã có bố mẹ quyết định thay, từ bé đã chứng kiến bố mẹ mình hoặc bố mẹ đứa khác điều khiển điểm thi như làm xiếc.

Người trẻ trên dưới 18 tuổi của chúng ta hoặc là những đứa trẻ được xếp lên những chiếc ghế kê sẵn của quyền lực hoặc gạt xuống xung quanh chân ghế làm những kẻ vâng dạ to xác sau này.

(Tôi khóc cho những người trẻ ở nước ta hơn là trách họ. Xin lỗi những người trẻ hiếm hoi không thuộc các trường hợp nói trên).

Kẻ đáng trách ở đây là những người trưởng thành về thể xác mà nhân cách mục ruỗng như Trọng Lương. Hắn và những kẻ đồng mưu với hắn, đã bóp chết cơ hội trở thành những con người lương thiện liêm chính của những người trẻ và tạo ra những kẻ đứt dây thần kinh xấu hổ không thể nào phẫu thuật để nối liền, tước đoạt cơ hội làm người một cách đàng hoàng để tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc đời mình cũng như giá trị của sự tự lực vươn lên.

Giống như mọi người tôi có thể nhìn thấy sự chạm đáy thê thảm của nền giáo dục Việt Nam đương thời qua sự kiện tẩy điểm ở Hà Giang. Nếu có điều gì thật sự bất ngờ trong vụ việc này thì theo tôi đó là, một lời xin lỗi khẩn trương của ông Bộ trưởng Nhạ và bất ngờ hơn, là một người trẻ nào đó trong số những người trẻ được (bị) sửa điểm sẽ đứng lên, nhìn thẳng vào dư luận đang sôi sục mà tuyên bố một cách rành rọt rằng "Tôi không muốn điều đó! Không muốn bị sửa điểm! Hãy để chúng tôi là chính mình, đừng nhét chúng tôi vào khuôn của các người!"

clip_image003

Ảnh: bảng điểm đã đi vào lịch sử đen tối của nền giáo dục VN đương thời.

clip_image005

Tác giả vụ sửa điểm (Nguồn Shoha)

N.B.L.

Nguồn: https://www.facebook.com/nguyen.b.lan/posts/10211231472255265

* Tên bài do BVN đặt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn