Về nền điện lực dân chủ ở trên thế giới và độc tài ở Việt Nam

Nguyễn Đức Thắng

Kính gửi TS. Hà Đăng Sơn,

Rất vui là anh đã thấy được nhiệt điện than sẽ suy tàn ở trên Thế giới, mặc dù nó không được ghi rõ cụ thể, tường minh là “cắt giảm nhiệt điện than” trong văn bản thỏa thuận Paris 2015 mà anh đã từng viết cho tôi là mất công tìm “toét mắt” mà không thấy.

Cũng rất vui là anh đã thấy được sức sống, vươn lên mãnh liệt của điện gió và điện mặt trời và pin/ắc qui trong lưu trữ điện năng (ENERGY STORAGE) mà anh đã không tin tưởng và nhầm lẫn với POWER STORAGE.

Tuy nhiên, đến nay anh vẫn còn băn khoăn để Việt Nam tham gia tổ chức IRENA (Cơ quan NLTT quốc tế), vì như anh viết:

“- Tôi cũng rất ủng hộ việc Việt Nam gia nhập IRENA, tuy nhiên phí thường niên lại khá cao (12 ngàn đô la Mỹ/năm:

http://www.inform.kz/en/kazakhstan-to-become-full-fledged-irena-member_a2536854). Là cựu cán bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mong anh Thắng góp ý với các Bộ đang nắm ngân sách nhà nước để dành một khoản 300 triệu VND/năm nộp phí hội. Cũng mong anh chia sẻ giúp các lợi ích mà hội viên của IRENA nhận được khi có tư cách thành viên IRENA”.

Về câu bình luận của anh trong email vừa rồi, đoạn tô vàng dưới đây:

“Hoàn toàn ủng hộ bác Thắng trong việc khuyến khích người dân từ bỏ lưới điện quốc gia, như đã nêu trong bài viết! Đề nghị bác nêu kiến nghị này lên Chính phủ và Liên hợp quốc, để EVN không còn được độc quyền làm điện nông thôn nữa. Người dân sẽ được tự lắp đặt pin mặt trời để tự phát điện thắp sáng, các thôn bản huyện xã sẽ không cần những đường dây đấu nối lưới điện quốc gia như tơ nhện nữa”.

Tôi xin giải trình, làm rõ câu ngoại suy của anh “khuyến khích người dân từ bỏ lưới điện quốc gia”: Mong anh Sơn đọc chậm và kỹ lại toàn bộ bài tôi viết về “Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg, ngày 18/3/2016 sẽ đưa điện lực Việt Nam trở về thời kỳ “đồ đá” so với Thế giới”, để hiểu thật chính xác ý tưởng của người viết. Vì tôi là người viết, trong đầu tôi không bao giờ tồn tại suy nghĩ này. Anh đã đọc vội, đọc lướt nên ngoại suy thành như vậy.

Tôi đã mô tả một nền điện lực dân chủ của Thế giới trong tương lai gần (đến năm 2050) sẽ là một nền điện lực rất xanh, rất sạch, một nền điện lực vì dân, do dân, từ dân mà ra; một nền điện lực dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng, như ở dưới đây:

Sẽ có rất nhiều các trang trại điện gió và trang trại điện mặt trời rải rác khắp nơi đấu  nối vào với lưới điện chung, ở mọi quốc gia. Nóc của nhiều triệu tòa nhà, văn phòng, cơ quan, viện, trường, khách sạn, công ty, nhà máy đều là những nguồn cung điện mặt trời. Nhiều triệu hộ gia đình ở nhiều nước trên Thế giới sẽ thi nhau tự sản xuất điện NLTT, tích trữ vào pin/ắc qui để dùng, đủ cho cả tuần không nắng, không gió, hay thừa thì bán vào lưới điện. 100% vùng xâu, vùng xa, hải đảo sẽ có điện.

Quan điểm phải/bắt buộc đấu nối với lưới điện quốc gia sẽ trở lên lỗi thời. Nhiều trăm triệu hộ gia đình trên Thế giới sẽ tự sản xuất điện NLTT, hình thành lên những lưới điện thông minh qui mô mini, siêu mini (mini/micro smart grids) cho một xóm, tổ, thôn, bản, làng... Nhiều triệu người sẽ đứng ra liên doanh, liên kết kinh doanh vận hành những lưới điện mini này. Giám sát, theo dõi tiêu dùng điện, thanh toán tiền điện, tất cả sẽ qua điện thoại di động thông minh (Pay As You Go – PAYG, vừa đi vừa thanh toán). Chủ doanh nghiệp sản xuất hay chủ hộ gia đình chỉ cần lệnh cho phần mềm/chương trình điều khiển là muốn tiết kiệm tiền điện, cần giảm phát thải khí CO2, sau đó phần mềm (software) sẽ tự động làm tất  cả mọi việc còn lại. Căn cứ những dữ liệu lịch sử về tiêu dùng điện và thời gian có nắng, có gió của các ngày trước, tháng trước, phần mềm sẽ dự báo tình hình nắng, gió cho ngày mai để điều khiển lưới điện thông minh mini/micro đảm bảo cung cấp đủ điện cho doanh nghiệp/hộ gia đình sử dụng, sao cho hiệu quả nhất về kinh tế và giảm phát thải CO2.

Vai trò điều tiết điện (dispatchability) truyền thống của nhiệt điện than sẽ biến mất. Thay vào đó là điện khí ga cùng với triệu triệu các pin/ắc qui và người tiêu dùng sẽ đảm đương. Vào giờ cao điểm, khan hiếm điện giá cao,  người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng điện lưu trữ trong pin/ắc qui. Khi điện cung trên lưới dư thừa, điện gió và điện mặt trời hoạt động mạnh, giá điện sẽ rẻ, người tiêu dùng sẽ nạp điện vào pin/ắc qui để tích trữ. Vì điện NLTT sẽ được sản xuất và phân bố ở khắp nơi, luôn cận kề xung quanh người tiêu dùng điện, nên ở đâu cần thì điện từ nơi “thừa” gần nhất sẽ “chạy” đến, không cần phải từ đi Bắc xuống Nam, không cần phải chạy từ Đông sang Tây, giảm đáng kể tổn thất điện trên đường dây”.

Tôi không có tư tưởng “khuyến khích người dân từ bỏ lưới điện quốc gia”: Một nền điện lực dân chủ, vì dân, do dân, dân biết, dân làm đương nhiên phải là một nền điện lực gắn kết, hợp tác với nhau (integration of so many small smart grids).

Chúng ta đã quen sống trong nền điện lực độc tài, EVN cho gì được nấy, hệ thống các nhà máy điện tập trung và lưới điện quốc gia như là của EVN. Nhà nước đầu tư rất nhiều tiền của vào điện, người dân dùng điện đều trả tiền điện đầy đủ, thế mà EVN cứ như ông chủ của hệ thống điện. 47 dự án điện gió liên minh lại, cùng với tư vấn quốc tế của GIZ (Đức) đã đeo bám Bộ Công thương, năn nỉ xin nâng giá mua điện gió lên chút ít đủ để cho họ thở  nhưng không được, đành phải từ bỏ nhiệt huyết với điện gió, mặc dù đã nộp đơn cho UBND các tỉnh. Muốn mua điện của EVN cũng không dễ, muốn bán điện cho EVN rất khó khăn, gian khổ lắm. Chính vì vậy mà Chủ tịch Ban liên lạc Hội cựu Th.S và TS của AIT AA đã viết:

Tôi thành thực khuyên EVN để cho tỉnh Bạc Liêu ngắt ra khỏi lưới quốc gia và tự múa với 200 MW điện gió, tạo ra show case cho cả thế giới lác mắt khi một tỉnh của VN hoàn toàn dựa vào NLTT, điện sạch. Đảm bảo sau 3 ngày toàn bộ lãnh đạo Bạc Liêu quỳ mọp dưới chân TGĐ EVN xin đấu lại lưới quốc gia để hưởng hương hoa của điện bẩn”.

Vì ngành điện là trụ cột, xương sống của nền kinh tế, nên nếu còn duy trì nền điện lực độc tài này có nghĩa ngành điện của Việt Nam không chịu phát triển. Trong nền điện lực dân chủ, người dân đều được hoan nghênh sản xuất điện và bán điện, không phải cầu cạnh xin ai. Không phải xem có nằm trong Qui hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Người dân không phải xin giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng, chứng nhận ĐTM (IEA) của Sở TNMT.

Trong nền điện lực dân chủ không một độc tài nào có thể ngăn cản được sự hoạt động và phát triển của nó. Vì các thiết bị, linh kiện, pin/ắc qui của điện mặt trời là quá rẻ đối với nhiều triệu gia đình nên họ sẽ tự làm, tự lắp đặt, thậm chí không cần phải thuê thợ, chuyên gia. Tất tật đều được sản xuất dưới dạng modul, chỉ việc ghép nối, làm giá kệ để đỡ và cài đặt phần mềm điều khiển là xong. Tự  người dân sẽ làm điện mặt trời. Giống hệt anh có thể tự lắp ráp một cái máy tính để bàn công năng cao (setting up super game desktop computer) để anh thỏa mãn niềm đam mê các games của mình. Sau khi anh chọn ra được một cấu hình (configuration) máy tính mà anh thích, anh ra cửa hàng chọn mua các thiết bị, linh kiện, về nhà chỉ cần 1 chiếc tuốc nơ vít là đủ để lắp ráp chiếc máy tính công năng cao. Nhiều các công ty lắp ráp máy tính ở Việt Nam đã làm như thế  từ cách đây gần 15 năm. Rất nhiều học sinh lớp 10 đam mê game và máy tính, được bố mẹ có điều kiện cho tiền, ra cửa hàng mua mother board, CPU, RAM, high resolution LED monitor, graphics card, hard disk, ổ SSD, power supply, keyboard, mouse … đang tự “sản xuất” máy tính cho mình, tại nhà. 100% linh kiện mới, chính hãng, bảo hành tùy từng thiết bị 1 năm đến 3 năm, tổng giá thời điểm 01/2018 khoảng 10 triệu đồng mà tôi đã làm.  SẢN XUẤT ĐIỆN MẶT TRỜI CHO HỘ GIA ĐÌNH CŨNG SẼ TƯƠNG TỰ NHƯ VẬY.

Cách đây hơn 30 năm, Chính phủ Liên Xô viện trợ cho Chính phủ Việt Nam 1 chiếc  máy tính Minsk 32, được đặt trong cả một tòa biệt thự cổ thời Pháp trong Thành (gần Hoàng thành Thăng Long), giao cho Viện Kỹ thuật Quân sự vận hành, quản lý. Mỗi một ca vận hành máy, khoảng từ 3 – 5 người, chủ yếu để tính toán in ra bảng lương, bảng quản lý nhân sự, vật tư và lác đác một vài sĩ quan đến chạy các chương trình tính toán, nghiên cứu khoa học của mình. Hệ thống điều hòa hút ẩm chạy 24/24 giờ.

Ngày nay, mỗi một cán bộ công chức đều có một máy tính để bàn (desktop) với màn hình độ phân giải cao. Nhiều triệu người kể cả sinh viên và học sinh đều có một máy tính xách tay (laptop) công năng tương tự như máy tính Minsk 32, như đa năng, đa nhiệm hơn Minsk 32 ở chỗ có thể lưu  trữ một kho sách tương đương một thư viện, có thể nói chuyện với người ở rất xa, xem phim, nghe nhạc, xem và sản xuất video clips, đọc báo, biên tập tin và phát hành tin ở qui mô toàn cầu. SẢN XUẤT ĐIỆN VÀ PHÂN PHỐI ĐIỆN TRONG NỀN ĐIỆN LỰC DÂN CHỦ SẼ TƯƠNG TỰ  NHƯ VẬY.

Thuần tùy cơ chế thị trường là động lực, là sức mạnh thúc đẩy sự phát triển của điện gió và điện mặt trời, điện biomass là những ngành điện mới  nổi (emerging electricity). Trong nền điện lực dân chủ không ai có thể ngăn cản được sự phát triển của những loại điện mới nổi này. Tổng thống Donald Trump mặc dù rút khỏi thỏa thuận Paris 2015, lý do chính là từ chối cắt giảm phát thải cacbon và đóng góp tài chính, cũng không thể cứu vớt được sự chôn vùi của ngành than và nhiệt điện than ở Mỹ vào năm 2050. Rất nhiều cán bộ, nhân viên của ngành này sẽ chuyển sang làm điện gió và điện mặt trời, sạch sẽ hơn, nhàn hạ hơn.

Lưới điện mini/micro smart grids cũng do người dân tự đầu tư. Lưới điện của tổ dân phố này sẽ đấu nối với tổ dân phố kia. Lưới điện của đầu làng sẽ đấu nối với lưới của cuối làng. Lưới điện của làng này sẽ đấu nối với làng khác. Nhiều làng đấu nối thành lưới điện của xã. Nhiều xã tích hợp lại thành lưới điện cấp huyện, rồi đến tỉnh. 63 lưới điện cấp tỉnh tích hợp lại thành lưới điện cấp quốc gia. Đầu làng thiếu điện mà cuối làng thừa thì điện sẽ tự động chạy đến. Làng A thiếu điện thì điện thừa từ làng bên liền kề chạy sang. Điện không phải chạy đi chạy lại nhiều lần từ Bắc vào Nam, từ Đông sang Tây, giảm tổn hao điện đáng kể. Phần mềm và các đồng hồ đo điện thông minh sẽ đo được hết, để tính toán, thanh toán tiền công khai, minh bạch và chính xác. Ví dụ, tháng này hộ tôi sử dụng 1.000 chữ điện. Điện mặt trời trên nóc nhà tôi chỉ sản xuất được có 600 chữ. Như vậy nhà tôi phải  trả tiền điện cho 400 chữ từ sử dụng điện lưới. Hộ nhà C nào đó, do có điều kiện hơn, lắp đặt công suất lớn hơn, sử dụng không hết, có dư thừa ví dụ 500 chữ điện, họ sẽ nhận được tiền 500 x 2.000đồng = 1.000.000 đồng.

Do nền điện lực ở đất nước ta đang và lâu dài sẽ là độc tài (duy nhất trên Thế giới), không có dân chủ nên tôi mới gọi là National Grid, là tài sản của quốc gia. Ở nền điện lực dân chủ khó có thể gọi là tài sản quốc gia được. Vì lưới điện ở xã B là do người dân ở xã đó đầu tư, hay một doanh nghiệp nào đó đầu tư làm sao có thể gọi là của lưới điện quốc gia được? vô lý quá. Chính vì vậy, đôi nơi trong bài viết, tôi gọi là lưới điện CHUNG. Ở đất nước Nhật Bản sau này cũng  vậy, nếu họ có gọi, có viết là lưới điện quốc gia, chúng ta cũng nên hiểu là lưới điện chung. Thu nhập của những hộ nghèo của Nhật đến năm 2030 cũng thừa sức để họ làm điện mặt trời, đủ dùng cho cả tuần âm u, không nắng.

Ở Việt Nam ta, tôi chỉ cầu mong sao cho có nền điện lực dân chủ, không cần Chính phủ phải trợ cấp cho điện mặt trời, điện gió và điện biomass; không cần Chính phủ phải ưu đãi thuế nọ thuế kia cho các doanh nghiệp làm điện gió, điện mặt trời, điện biomass; chỉ cần công khai, minh bạch, dân chủ và cởi mở với những người làm điện mini/micro/pico. Còn nếu được EVN và Bộ Công thương hết lòng ủng hộ thì khỏi phải nói, điện xanh, điện sạch sẽ thăng hoa luôn ở Việt Nam.

Với tư duy về hệ thống điện của tôi  như vậy mà anh Sơn viết “Hoàn toàn ủng hộ bác Thắng trong việc khuyến khích người dân từ bỏ lưới điện quốc gia” đúng là oan cho tôi quá, mong anh Sơn xem xét lại.

Với nền điện lực độc tài, Bộ Công thương và EVN dễ dàng bóp chết được các doanh nghiệp đầu tư các dự án trang trại điện gió, trang trại điện mặt trời. Quan điểm các lãnh đạo tối cao của ngành điện lực đã rõ là ưu tiên số 1 nhiệt điện than, phải là trụ cột, chủ lực của ngành điện. Còn điện gió và điện mặt trời nếu có làm, chỉ để trang trí, đối ngoại, xoa dịu lòng dân.

Dự án cỡ qui mô trang trại (điện gió và điện mặt trời) để kinh doanh rõ ràng là phải xin phép đầu tư. Nếu dự án không nằm trong Qui hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì sẽ bị loại. Điều này là dễ lắm, vì tại Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg, ngày 18/3/2016, tổng sản lượng điện gió và điện mặt trời trên cả nước đến năm 2030 chỉ có 5,5%. Vượt quá là nằm ngoài Qui hoạch. Trường hợp may mắn, dự án còn nằm trong Qui hoạch, thì sẽ sắp hàng đợi và chờ để được cấp phép đầu tư.

Chưa hết những “ưu việt” của nền điện lực độc tài. Đó là cửa ải về giá. Cửa này mới đích thực là cửa tửđối với điện gió và điện mặt trời, chỉ có ở Việt Nam. Vì điện than của Việt Nam đang là hoàng tử, nên cho đến năm 2030 có giết chết 25.000 người/năm (Kết quả của nhóm nghiên cứu của Đại học Harvard, báo cáo tại hội thảo ngày 29/9/2015 tại Hà Nội do Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID) thuộc VUSTA tổ chức) cũng không sao, hủy hoại nặng nề môi trường sinh thái cũng không sao, thuế BVMT đã nhiều năm nay đối với nhiệt điện than coi như bằng 0, phát thải cacbon lớn nhất cả nước nhưng phí phát thải cũng bằng 0. Chính vì vậy nhiệt điện than mới có giá thành vô cùng rẻ, khoảng 6,5 – 7,5 cent Mỹ/kWh. Mức giá này đương nhiên sẽ đánh bại điện gió, điện mặt trời, điện biomass tại Việt Nam trong 5 năm tới. Nhưng ở các nền điện dân chủ, giá thành của nhiệt điện than đã trở thành đắt nhất so với tất cả các loại điện xanh, điện sạch.

Giá bán lẻ điện sinh hoạt ở Việt Nam là giá lũy tiến, giai đoạn nửa đầu năm 2018 như sau: Nếu 1 tháng, hộ gia đình sử dụng khoảng 600 kWh, đơn giá bình quân 8,7cents/kWh; đối với 800 kWh sẽ là 9 cents/kWh, 1100 kWh sẽ là 10,5 cents (tính theo tỷ giá của Vietcombank) …

Ở Việt Nam, giá mà sau một đêm ngủ dậy, vài quan chức phụ trách thuế BVMT của Bộ Tài chính, tỉnh ngộ nghĩ rằng cần phải trả lại công bằng giữa thuế xăng và thuế than, không thể giữ mãi sự bất công này, bằng việc chuyển đổi, giảm thuế xăng từ 4.000 đồng/L xuống về 1.000 đồng/L và tăng thuế than đang từ 15đồng/kg lên 2.000 đồng/kg. Tổng thu thuế BVMT “bất công” đối với than, xăng và dầu năm 2018 khoảng56.350 tỷ đồng. Nếu đổi mới thuế, tổng thuế BVMT “công bằng” đối với than, xăng và dầu năm 2018 sẽ khoảng 154.000 tỷ đồng thu vào NSNN (chi tiết mời xem tại đây). Chỉ cần sự “minh mẫn” chút xíu đó thôi đã thừa đủ để làm cho giá nhiệt điện than trở nên đắt đỏ và xa xỉ so với điện xanh, điện sạch. Công khai và minh bạch EVN cứ chọn điện rẻ nhất mà mua, từ thấp lên cao. Đó chính là các loại điện NLTT, sẽ được  thăng hoa cất cánh ngay từ đầu năm 2020. Nhờ vậy, sức khỏe của gần 100 triệu dân Việt Nam sẽ dần được cải thiện, môi trường sinh thái sẽ đỡ tàn tệ hơn. Cả đất nước hiện đang “vô tư, vô cảm” đập phá 80 nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 4 hiện đại xuống chỉ còn một nửa (cho cả giai đoạn 10 năm từ 2020 – 2030).

Rất buồn là Bộ Công thương đã trình Thủ tướng ban hành Quyết định số: 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/ 2011: Qui định mức giá mua điện gió là 1.614 đồng/kWh (tương đương 7,8 centUS/kWh). Tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, ngày 11/4/2017 về “Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam” qui định giá mua điện mặt trời 2.086 đồng/kWh (tương đương với 9,35 Uscents/kWh). Ở thời kỳ 2016 – 2020 đây là những giá mua điện gió và điện mặt trời rẻ  nhất Thế giới. Mức giá “bóp chết” loại hình năng lượng siêu sạch này. Trong khi cùng thời điểm giá mua điện gió của Philippine từ 12 – 20 centUS/kWh. Thái Lan và Indonesia là 18 centUS/kWh.

Tuy nhiên, nền điện lực độc tài ở Việt Nam chỉ có thể kìm hãm được những dự án trang trại điện gió và điện mặt trời, còn với điện mặt trời trên các nóc nhà là không thể. Khi mà giá thành điện mặt trời trên nóc nhà rẻ hơn nhiệt điện than cực bẩn, nhiều người dân sẽ đồng loạt tự làm. Đối với dân có lợi là họ làm. Người dân sẽ đầu tư chỉ vừa đủ để dùng, thiếu tí nào thì sử dụng điện lưới đã có, vì nếu dư thừa chẳng biết bán đi đâu, EVN không mua. Rõ ràng nền điện lực độc tài không thể phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong sản xuất điện mặt trời. Ngược lại, nền điện lực dân chủ khuyến khích nhà nhà “kinh doanh” điện mặt trời, toàn xã hội làm điện mặt trời, vì tất cả đều được hoan nghênh và đấu nối vào với lưới điện chung. 1 kWh điện thừa bán vào lưới điện cũng được phần mềm điều khiển ghi chép. 1 kWh điện thiếu, mua từ lưới điện quốc gia cũng được ghi chép, tính toán và thanh toán chính xác.

Trong nền điện lực dân chủ sẽ phát huy được sức mạnh của toàn dân trong sản xuất điện NLTT, nên sẽ có dư thừa điện NLTT, sẽ thay xăng để chạy ô tô, xe máy điện. Sau 12 năm nữa, vào năm 2030 lượng ô tô xe máy điện (bao gồm xe tải nhẹ và xe buýt) sẽ tăng lên gấp 27 lần!!, đạt 30 triệu xe. Vào năm 2050, các ô tô, xe điện sẽ tiêu thụ 9% tổng nhu cầu điện năng toàn cầu. Điều này rõ ràng sẽ làm giảm tiêu dùng xăng trong tương lai, giảm phát thải cacbon, thực hiện được những cam kết thỏa thuận Paris 2015  (Theo Bloomberg New Energy Outlook 2018).

N.Đ.T.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn