Vẫn rất cần “ngọn lửa của trái tim Đankô” (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi, số 59)

Tương Lai

…dù cho có một sự thật phũ phàng “quần chúng không quần chúng như ta tưởng” vẫn nghiệt ngã tồn tại, thì ngọn lửa của khát vọng tự do và sự thương yêu con người cháy bỏng từ trái tim Đankô lại càng cần để xua tan đi sự u tối, sự lừa mị và sự tàn ác của bạo lực. Chính ngọn lửa ấy đã thắp sáng niềm tin và khơi dậy bản lĩnh của những người trẻ tuổi…

Biểu tình tại nhà, từ phải sáng trái: Huỳnh Tấn Mẫm, Huỳnh Kim Báu, Tương Lai, Lê Công Giàu.

Ngày mồng ba Tết Kỷ Hợi, tôi nhận được email chúc Tết của một học trò cũ. Anh là một đại tá về hưu, đang chăm sóc một mảnh vườn nho nhỏ ở một trang trại bên đê sông Hồng. Sau một chặng đường dài cầm súng, nay bàn tay chai sạn ấy đang khoan thai từ tốn với chiếc cuốc vun gốc cho mấy cây nhãn đã qua mùa bói quả. Nhắc lại kỷ niệm của những ngày thầy trò bên nhau trong lớp học sau ngày 10.10.1954 tiếp quản Thủ đô ở trường Chu Văn An, P. gợi trong tôi một thời xa ngái với biết bao những hoài niệm vang bóng một thời trai trẻ.

Trong mênh mang những hoài niệm ấy, anh tô đậm dòng chữ “Thầy ơi, liệu ngọn lửa của trái tim Đankô thầy giảng từng làm bừng cháy trong chúng em ngọn lửa của lý tưởng cao cả và khát vọng mãnh liệt có còn cháy sáng nữa không, có cần nữa không, thầy?”. Để lý giải câu hỏi anh đặt ra cho tôi, P. gợi lại câu chuyện mà bạn bè sinh viên Đại học Tổng hợp cùng khóa với anh kháo nhau về chuyện nhờ hai chục trứng gà mà một ông bạn cùng khoa của họ né được đợt tuyển quân vào giai đoạn quyết chiến cam go buổi ấy dẫn đến Hiệp định Paris 1973, để rồi sau đó cứ từng bước, từng bước anh ta bò lên trên con đường quyền lực ngày càng rộng mở nhờ bạn cùng trang lứa ngã xuống lót đường cho anh ta. Và rồi, những người may mắn trở về từ bom đạn chiến trường mà anh ta đã khôn khéo lẩn trốn, thì họ buộc phải dỏng tai lên mà nghe anh ta lên lớp về tính kiên định và sự trung thành qua sự rao giảng mùi mẫn về đạo đức!

Có lẽ đây không chỉ là câu hỏi học trò cũ đặt ra cho thầy xưa, mà e là một song đề (dilèmne) có tính triết luận? Cái thời chúng tôi bên nhau trong sôi sục khát vọng về tìm tòi chân lý và ý nghĩa cuộc sống trên đường đời phía trước trong rộn ràng háo hức của tuổi trẻ buổi ấy thì đã lùi vào dĩ vãng hơn nửa thế kỷ rồi. Bao nhiêu nước chảy qua cầu! Vô vàn những con đường mới mở với những ngả ba ngả bảy, rồi những cầu vượt, cầu treo ngang “tầm thế giới”, nếu có khác chút đỉnh là điểm xuyết thêm vào những BOT ăn cướp. Chỉ ác một nỗi, “cướp xưa băng nhóm làng nhàng, cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi”* đang giữ nhịp cuộc sống theo một góc nhìn có phần tàn nhẫn nhưng khó bác bỏ của hiện thực. Có sự phũ phàng đó, mới có câu hỏi kia của người học trò yêu quý của tôi đặt ra cho tôi vào đúng dịp “mồng Một Tết cha, mồng Ba Tết thầy”.

Trong thời đoạn của công nghệ 3.0, rồi 4.0 thì không chỉ tư duy phải thay đổi, mà khái niệm biểu đạt tư duy, ngôn từ diễn đạt khái niệm cũng phải làm sao thể hiện được sự sống động của đời sống với bao biến đổi dữ dội. Phải chăng cái khái niệm “cướp” trong ngôn ngữ thơ của Nguyễn Duy kia cũng phải uyển chuyển sao cho thích hợp với nội dung chất đầy nguyên liệu hiện thực của đời sống trong triều đại trị vì của “Tổng Chủ” vừa có “lý luận” vừa thừa thãi “đạo đức`”chăng? Mà đâu chỉ trong ngôn ngữ thơ. Trong báo chí cũng nhiều “uyển chuyển” như vậy. Thì chẳng phải nhà báo Nguyễn Tường Thụy vừa đặt tên cho bài viết của mình là “Anh cướp” đó sao? Gọi hai tên cướp là “anh” vì đã đột nhập vào phòng kế toán Trạm thu phí Dầu Giây khoắng đi 2,22 tỉ đồng hôm mùng 4 Tết, giữa ban ngày. Con số hơn 2 tỉ làm dư luận giật mình.

Người ta tính ra, mới tiền thu phí BOT của một ca đã là 2 tỉ, thì một ngày ba ca phải là 6 tỉ, vậy thì một tháng, rồi một năm riêng trạm này thu là bao nhiêu? Đây là lý do để nhà báo gọi hai tên cướp là “anh” vì họ đã giúp phơi bày ra giữa thanh thiên bạch nhật số tiền các BOT thu từ tiền mồ hôi nước mắt của dân, trực tiếp là từ hầu bao của những lái xe. Nói “thu” là cách nói theo kiểu “có lý luận” chứ dân gian thì nói toạc ra đó là ăn cướp một cách công khai, được nhà nước bảo kê bằng các văn bản pháp luật và các chỉ thị nghị quyết. Rồi có lúc thấy nó trắng trợn quá, mưu sĩ của thể chế ăn cướp kia bịa ra một khái niệm “thu giá” bị dân chửi cho tung tóe. Rát mặt, chính quyền phải lươn lẹo biện minh để rồi không kèn không trống dẹp bỏ sự ngu xuẩn nọ. Vì thế mà trên mạng, người ta hài hước đề nghị “ân xá cho hai anh cướp”, thậm chí có người còn đề nghị phong… anh hùng cho hai “anh cướp”. Cái lý họ đưa ra là, với vụ cướp kia, chuyện thu phí mới được phơi bày, chứ lâu nay thì chúng nó giấu như mèo giấu cứt. Thì cũng một phường mèo mả gà đồng câu kết với nhau để tự tung tự tác ăn cướp của dân, như bao chuyện tăng giá, tăng thuế khác.

Thì phải tăng để tận thu chứ sao giờ khi mà lạm phát thực tế đã lên tới vài ba chục phần trăm mỗi năm chứ đâu phải “được kềm chế dưới 5%/năm” như người ta đang khơi khơi tuyên bố. Chỉ so sánh con số tổng dư nợ tín dụng cho vay vào thời điểm năm 2008 là 2,3 triệu tỷ đồng thì năm 2017 lên đến khoảng 7 triệu tỷ đồng - tức gấp đến 3 lần, trong lúc giá dầu thô năm 2018 giảm từ 73 USD/thùng xuống chỉ còn chưa đầy 50 USD/thùng, tức sụt đến 30%. Cho dù có hút cạn tài nguyên của đất nước đem bán, thì hầu hết các mỏ đều đã khai thác trong thời gian dài và đang trong giai đoạn cuối dẫn tới suy giảm sản lượng tự nhiên hàng năm từ 15% tới trên 30% như VietNamNet đưa tin với dòng tít đậm: “Suy kiệt: Lời cảnh báo từ mỏ dầu lớn nhất Việt Nam” kèm theo lời than thở của ông tân Tổng Giám đốc PVN: “Móng mỏ Bạch Hổ còn quanh quẩn 10 triệu tấn, tối đa chỉ khai thác được 4-5 năm nữa thôi… Việc duy trì mỗi năm khai thác trên 4 triệu tấn là một thách thức”. Điều này báo hiệu dự toán thu ngân sách năm 2019 về dầu thô của Việt Nam chắc phải hụt một khoản tiền lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.

Tiền đâu bù vào nếu không “tận thu” dưới mọi hình thức? Tận thu của ai nếu không từ đồng tiền còm cõi mồ hôi nước mắt của đại bộ phận người dân? Bịp bợm đánh tráo khái niệm kiểu “thu giá” hoặc bao lời bịp bợm mỹ miều, gian xảo, lì lợm khác hàng ngày được tung ra, nếu không bị phá sản ngay lúc mới ban hành thì cũng chỉ có thể nhất thời đánh lừa những người thiếu hiểu biết. “Bài ca cách mạng” ra đời năm 1930 có câu: “bòn khố rách sắm dù sơn kiệu, hút máu dân làm rượu làm trà” dường như vẫn mang tính cập nhật, chỉ có điều, biểu tượng “sắm dù sơn kiệu” và “làm rượu làm trà” từ bòn rút máu xương của dân của 89 năm trước đây thì đã mất tính cập nhật rồi. Vì nếu chỉ so với cái biệt phủ của một quan cấp giám đốc sở của một tỉnh, nhờ vào quyền uy vô hạn của bà chị là Bí thư Tỉnh ủy đang được lòng ai đó một cách bí ẩn mà ông em có đất xây cung điện trên một vị trí đẹp như mộng, hoành tráng chẳng kém cung điện. Cứ xem cái cầu dây văng nằm ngang trên lòng hồ nước xanh biếc trong “biệt phủ” thì mới thấy thứ “cướp nay có đảng có đoàn” là sang trọng và ngang ngược đến cỡ nào! Đấy là mới quan cấp Sở của một tỉnh miền núi nghèo phải thường xuyên cứu đói. Chứ nếu khơi ra đến cấp lãnh đạo Tỉnh, lãnh đạo Bộ rồi cao hơn nữa, thì xem ra cái “biệt phủ” kia chưa là cái đinh gì!

Biệt phủ ở Yên Bái.

Khi mà người ta có “lý luận” hơn”, từng trải nghiệp vụ dày dặn vì đã thấm nhuần quy luật biện chứng “quyền lực đẻ ra sở hữu” mà Max Weber đã đúc kết để bổ sung cho cái nguyên lý: “quyền lực có xu hướng tham nhũng, quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng cũng tuyệt đối” do Lord Acton đưa ra từ thế kỷ XIX thì ngu gì mà chơi ngông kiểu viên quan cấp sở của tỉnh miền núi kia. Có phát rồ thì mới mà trêu ngươi người đời, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, càng kín nhẹm bao nhiêu càng hay bấy nhiêu, lại được tiếng là “đạo đức, liêm khiết”. Nhận được lại quả hai biệt thự to đùng thì sai vợ bán ngay, cho dù cây kim trong bọc rồi cũng thò ra vì ai bán và bán cho ai thì hồ sơ giao dịch đâu đã phi tang trót lọt, nhưng trước mắt hãy thế đã. Thì chẳng phải đã có tin đồn về ngón đòn trả đũa của ai đó đòi khui ra cái dự án khủng nọ được “phê duyệt” thật nhanh gọn mà nếu bung bét ra thì cái tội trạng “phê duyệt” của Tất Thành Cang về chủ trương chuyển nhượng và giá chuyển nhượng do Công ty Tân Thuận chuyển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai, nói như ngôn ngữ đường phố Hà Nội là, “còn phải gọi bằng cụ”! Cho nên thay vì vung tiền xây “biệt phủ”, cứ lẳng lặng thực thi quy luật dùng quyền lực tạo thành sở hữu, một loại sở hữu thật kín đáo và an toàn là thượng sách.

Vậy là, so với lời mẹ dặn con thuở xưa “con ơi mẹ dặn con này, cướp đêm là giặc cướp ngày là quan” thì cái cung cách câu kết giữa nhà nước và doanh nghiệp dựng ra các BOT vẫn là chuyện dễ thấy, thủ thuật ém nhẹm và kín đáo kia còn tàn độc và ngang ngược gấp bội truyện “cướp” ngày xưa. Cho nên “bây giờ mẹ phải dặn thêm, quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày”. Từng có câu “ăn trộm có tang, chơi ngang có tích”. Nhưng đấy đã là chuyện xưa cũ của một thời người ta tin rằng, những chuyện trộm cướp phi pháp bao giờ cũng để lại tang chứng, dấu tích, rồi thì kẻ ác làm việc xấu sẽ bị trừng trị. Đó là cái nền tảng đạo lý xã hội để cho người dân lương thiện bám vào đấy mà tồn tại, mà mong duy trì cuộc sống đầy bất trắc, chống trả lại cái nghịch lý “ăn trộm ăn cướp, thành phật thành tiên, đi chùa đi chiền bán thân bất toại”. Nhưng rồi cái “nghịch lý” kia lại trở nên cái “thuận lý” mang tính phổ biến trong một môi trường xã hội nhiễu nhương của một hệ thống giá trị bị đảo lộn, bị đập vỡ. Ví dụ về chuyện những “sở hữu” được ém nhẹm và thật kín đáo kia dù sao cũng nói được những ám ảnh “tang chứng, dấu tích” dù nằm giấu kín trong tim đen cũng không thể không là một bất an trong sâu thẳm mặc dầu cái “nghịch lý” đã “tự diễn biến” thành “thuận lý”! Nhưng, dù sao thì những chuyện “cướp đêm, cướp ngày”, cướp “ngông nghênh” và cướp “có lý luận” thì đó cũng là nỗi lo lắng của cả xã hội trong buổi nhiễu nhương này. Nỗi ám ảnh của mọi người lương thiện là cướp đêm hay cướp ngày cũng là cướp cả.

Điều cần nói nhất vào thời điểm này chính là nỗi ám ảnh của cả một dân tộc là bọn cướp nước thì lại đang đứng trước một cái nghịch lý tệ hại khi kẻ cướp lại trở thành “bạn vàng” vì chúng khoác cái chiêu bài “cùng chung ý thức hệ XHCN” với những người đang thao túng bộ máy quyền lực. Kể từ “một thời kỳ Bắc thuộc rất nguy hiểm đã bắt đầu” mà Nguyễn Cơ Thạch từng gióng tiếng chuông cảnh báo từ gần ba thập kỷ trước, thì nay những Ích Tắc, Chiêu Thống đương đại đang cúi đầu thần phục Bắc Kinh để giữ bằng được cái ghế quyền lực đã lung lay, rệu rã.

Còn gì nhục nhã và đau đớn hơn, trong suốt mấy chục năm, kể từ sau Hội nghị Thành Đô năm 1990, cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc và dã man của Trung Quốc trên sáu tỉnh biên giới phía Bắc nước ta đã bị một bộ phận những người giữ quyền lực cấp chóp bu theo lệnh “thiên triều” cố tình ỉm đi. Cả một hệ thống chính trị với những công cụ truyền thông, văn hóa, giáo dục tuyệt đối phải làm theo cây gậy chỉ huy từ chóp bu.

D:\Pictures\A\1_c.jpg

Bảng gỗ khắc ghi tội ác của quan Trung Quốc xâm lược.

Chẳng những thế, chúng đã đàn áp thô bạo và tàn nhẫn những người yêu nước, đặc biệt là lớp trẻ dũng cảm và kiên cường quyết lên án cuộc chiến tranh xâm lược. Máu của những người yêu nước thương nòi, căm thù bọn xâm lược truyền kiếp của lũ bành trướng phương Bắc lại đổ. Chỉ có điều, máu đổ của mấy thập kỷ vừa rồi, đau đớn thay, không từ họng súng của bọn xâm lược, mà là từ dùi cui và nắm đấm có nghề của những công cụ được huấn luyện chu đáo từ một bộ máy quyền lực cam tâm hèn với giặc, ác với dân. Đằng đẵng ngần ấy năm trời kể sao cho xuể về những người dân yêu nước, đặc biệt là lớp trẻ, ngậm đắng nuốt cay, kìm mối hận vào lòng khi là nạn nhân của những thủ đoạn tàn ác, xảo quyệt hèn với giặc, ác với dân ấy. Hãy chỉ nói đến ngày lễ trọng tưởng niệm 40 năm ngày nổ ra cuộc chiến tranh xâm lược đẫm máu của Trung Quốc tại sáu tỉnh biên giới phía Bắc đã phơi bày rất cụ thể thủ đoạn xảo quyệt của lũ Ích Tắc, Chiêu Thống đương đại.

Trước sức ép của lòng dân phẫn nộ cùng với công luận quốc tế trong bối cảnh của những sự kiện cuộc gặp Donald Trump - Kim Yong Un tại Hà Nội sẽ diễn ra trong ngày 28.2.2019 với cái nhìn săm soi của giới báo chí, truyền thông thế giới, người ta buộc phải nới lỏng sợi dây thòng lọng thít cổ báo chí, truyền thông lâu nay để bật đèn xanh cho vài cây bút viết về điều lâu nay bị cấm ngặt không được nhắc đến cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc 17.2.1979, thì nay được bật đèn xanh cho bung ra chút ít để đánh bóng mạ kền chút đỉnh về tính “chính danh” của chủ nhà đón khách. Đã có người thở phào. Có người nhẹ dạ tin rằng có những ngọn gió xoay chiều. Thế rồi những chiêu trò kệch cỡm kia bỗng lại tịt ngóm. Một làn sóng trấn áp thô bạo lại dồn dập diễn ra nhằm ngăn chặn những hành động biểu thị lòng yêu nước nhân ngày tưởng niệm 40 năm những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man ấy.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/02/H1-14.jpg

Những người Hà Nội tại Nghĩa Trang Vị Xuyên.

Đâu phải như giọng điệu quen thuộc là nhằm ngăn ngừa những hành động quá khích của những người lợi dụng chuyện thắp hương tưởng niệm, biểu tình bày tỏ thái độ chống Trung Quốc xâm lược để làm “rối loạn đường phố”, đe dọa an ninh, an toàn xã hội! Hãy xem chúng đối xử với một số các nam nữ cán bộ lão thành, những trí thức và tuổi trẻ yêu nước Hà Nội khi họ đến dâng hoa, thắp hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại nghĩa trang Vị Xuyên, Hà Giang. Chúng hoạnh họe không cho căng băng rôn tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh đòi phải xin phép chính quyền mới được căng. Rồi một tấm bảng nhỏ với mấy dòng “Nhân dân không bao giờ quên” cũng không cho đưa lên chỗ đài liệt sĩ. Thử hỏi, nhóm nhỏ những người Hà Nội yêu nước, thương nòi, nhớ ơn anh hùng, liệt sĩ giữa một Nghĩa trang Quốc gia tại Hà Giang thì đe dọa ai mà phải có lực lượng ngăn chặn nếu không phải là để nhằm vừa lòng “thiên triều” đã có chiếu chỉ mà những công cụ bạo lực này chỉ thi hành mệnh lệnh của những kẻ cam phận chư hầu từ bên trên? Chẳng phải chỉ với người Hà Nội yêu nước. Người yêu nước ở Sài Gòn cũng bị ngăn chặn ráo riết và thô bạo. Họ không được đến dâng hương tưởng niệm những người đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu chống Trung Quốc xâm lược nhân 40 năm ngày 17.2 tại chân tượng Đức Thánh Trần. An ninh chốt chặn từ mờ sáng những người bị chính quyền xem là “nguy hiểm”, cho dù họ đã từng là những chiến sĩ cách mạng chống Mỹ cứu nước trước 1975, là tù chính trị Côn Đảo, là cán bộ trung kiên đã bị địch giam cầm, bị đánh đập dã man, sau 1975 là những cán bộ từng giữ những trọng trách, chỉ vì họ không chịu cúi đầu khiếp nhược trước kẻ cướp nước. Nhiều trí thức và những người yêu nước khác cũng đã bị trấn áp thô bạo!

Vậy là sau một thời gian “tháo rọ mõm” cho báo chí chính thống được viết, được đưa tin về cuộc chiến tranh biên giới sau một thới gian đằng đẵng buộc phải ngậm miệng chắc là bị “thiên triều” nhắc nhở nên “rọ mõm” lại buộc vào, chỉ còn loáng thoáng những tiếng oăng oẳng. Cùng với đó, những “hội thảo khoa học” được mở ra. Bên cạnh một số luận điểm lâu nay âm thầm giấu kín để được hành nghề, để còn được ăn, được nói, được gói, được mở thì nay được thận trọng thăm dò đưa ra. Ấy thế mà rồi khốn nạn thay, vẫn cứ có những “nhà khoa học” muốn tiếp tục con đường kiên định theo chỉ dẫn của Đảng trên cao, đã cho rằng đề cập đến cuộc chiến tranh biên giới 1979 cần tránh những từ “chúng”, “quân địch”, “giặc”, “dã man”, “tàn bạo”, “khát máu”! Khi trả lời phỏng vấn, ngài “giáo sư tiến sĩ” chủ biên chương trình sử học phổ thông nọ đã nói rằng khi đưa trận chiến biên giới phía Bắc vào sách giáo khoa cần tránh những từ mang tính gây hấn, biểu cảm sự miệt thị. Theo hắn ta thì, dùng những từ này trong cuộc chiến 1979, không hề giúp cho các lập luận, phân tích, đánh giá gia tăng tính thuyết phục. Trái lại, làm bộc lộ rõ thái độ định kiến, áp đặt, phiến diện, thiếu khách quan và do đó, thiếu tính thuyết phục!

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/02/H2-2.jpg

Việc làm thất nhân tâm trục chuyển lư hương dưới chân tượng ĐƯC THÁNH TRẦN ở Sài Gòn ngày 17.2.2019.

Chẳng riêng gì gã giáo sư tráo trở trơ trẽn đó. Có lẽ ông Tổng Trọng nên tặng bảng vàng danh dự cho ngài “giáo sư tiến sĩ” thuộc loại “động vật quý hiếm” này vì đã giúp ông làm vừa lòng ông bạn vàng cùng chung ý thức hệ. Thì có những con người kiểu ấy mới có cái điều đáng sỉ nhục sau: ngay khi chiếc thòng lọng sít cổ báo chí không cho động đến Trung Quốc xâm lược vào dịp 40 năm cuộc chiến tranh xâm lược ấy thì truyền thanh và truyền hình nhà nước những ngày qua vẫn không dám gọi đích danh Trung quốc là kẻ xâm lược mà phải đổi thành “đối phương từ bên kia biên giới”. Và vì có kiểu tư duy và cách diễn đạt trí trá biểu thị sự đớn hèn của một lũ vong nô kia mới có chủ trương và hành động thất nhân tâm, đáng phẫn nộ và đáng phỉ nhổ nọ, khi nhà cầm quyền Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh dám cả gan cho trục chuyển lư hương dưới chân tượng Đức Thánh Trần bên Bến Bạch Đằng để dời đi nơi khác đúng vào ngày 17.2.2019. Chúng làm chuyện thất nhân tâm đó để nhằm ngăn chặn những người Sài Gòn yêu nước đến dâng hương tưởng niệm những người đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu chống Trung Quốc xâm lược nhân ngày lễ trọng 40 năm cuộc chiến biên giới phía Bắc như chúng đã công khai giải thích. Một não trạng ngu xuẩn nhất đang ngồi nhầm chỗ vào cái ghế quyền lực cũng khó hình dung nổi vì sao lại có một tâm địa đen tối cỡ ấy để mà đưa ra một quyết định dại dột cũng tới cỡ ấy. Chúng điên rồi sao? Không, chúng không điên. Chúng trung thành! Trung thành với ai? Trung thành với Đảng của ông Trọng.

Chúng được dạy dỗ theo định hướng XHCN, thà mất nước chứ không để mất Đảng. Mà muốn không mất Đảng thì phải bám chặt vào “người đồng chí cùng chung ý thức hệ” với Nguyễn Phú Trọng! Cho nên Bí thư Quận ủy Quận 1 nói ráo hoảnh: “Việc di chuyển, chỉnh trang này hết sức bình thường nằm trong kế hoạch chung chỉnh trang các địa điểm văn hóa ở quận sau Tết… Một số người dân thường hay chọn Q.1 để gây sự chú ý. Do vậy công tác xây dựng lực lượng nòng cốt, triển khai công tác phòng chống tội phạm, khủng bố được quận xây dựng, quán triệt đến từng phường. Anh em cũng khá nhuần nhuyễn trong công việc này!”.

Quả là chúng “khá nhuần nhuyễn”. Chúng chỉ quên mất một điều, trong cảm thức của người Việt Nam, chiếc lư hương là một vật mang tính biểu tượng linh thiêng, thậm chí là linh thiêng nhất trên bàn thờ tổ tiên, bàn thờ thành hoàng, bàn thờ thần phật. Người ta kiêng kỵ việc dịch chuyển lư hương, ngay cả những gốc cây hương còn lại sau khi phần hương đã cháy hết người ta cũng thận trọng và kính cẩn nhấc ra khỏi lư hương rồi đem đốt thành tro chứ không vứt bỏ bừa bãi. Không phải là ngẫu nhiên mà người Việt Nam ta gọi anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo là Đức Thánh Trần. Theo sử gia Phan Huy Chú thì “Ngài không những là anh hùng của một thời đại mà cho đến các bậc tướng thần cổ kim cũng ít ai bì kịp”.

Vì vậy có thể nói, trong hệ thống nhân thần được thờ tại Việt Nam, thì không có vị thần nào được thờ nhiều như Trần Hưng Đạo mà Đền Kiếp Bạc là thiêng liêng nhất. Hàng năm đến ngày 28 tháng Tám âm lịch, người dân khắp nơi lũ lượt kéo về đây dâng lễ. Bởi vậy mới có câu “tháng Tám giỗ Cha”! Nguyễn Bỉnh Khiêm từng có những lời trang trọng về Ngài:

Nghi ngút khói hương không dứt

Đền thiêng Vạn Kiếp trang nghiêm

Thiêng liêng thờ phụng tôn sùng

Sánh với thập phương Bồ Tát.

Cần biết rằng trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, Phan Huy Chú đã xem Nguyễn Bỉnh Khiêm là “một bậc kỳ tài, hiền danh muôn thuở”, còn Nguyễn Thiếp, danh sĩ cuối thế kỷ XVIII ca ngợi ông là người “đã nắm được huyền cơ của tạo hóa” và Phạm Đình Hổ trong “Vũ trung tùy bút” thì cho rằng: “Lý học như Nguyễn Bỉnh Khiêm… là tinh hoa của non sông đúc lại”.

Khi so sánh Đức Thánh Trần với “thập phương Bồ Tát”, nhà lý học Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thấu hiểu sâu sắc tâm thế của người dân Việt khi “phong Thánh” cho người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, hình tượng tiêu biểu nhất cho ý chí và bản lĩnh chống giặc phương Bắc, kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam, là theo một quy luật bất thành văn “sinh vi tướng, tử vi thần” trong truyền thống văn hóa dân tộc. Như vậy là Ngài đã chiếm lĩnh một vị trí thiêng liêng trong tâm linh của họ. Mà nói đến tâm linh là nói đến niềm tin thiêng liêng mang tính huyền bí song không thiếu chất liệu thực tế mà cha ông họ đã cảm nhận và trải nghiệm.

Vậy thì Bí thư quận Kim Yến, mụ hãy chờ đấy!

Và chính trong bối cảnh nhiễu nhương, bung bét của hệ thống giá trị bị đảo lộn, đạo lý xã hội bị băng hoại mà tôi nghĩ về câu hỏi và tìm cách trả lời cho người học trò cũ, một đại tá về hưu đang ưu tư về vận nước đã dẫn ra ngay từ lời mở đầu bài viết. Dạo ấy tôi đã đọc cho những người trẻ tuổi, học trò của tôi tại trường Chu Văn An câu chuyện về Đankô:

“Nghĩ ngợi không thể hất bỏ được tảng đá bên đường ta đi. Kẻ nào không mó tay vào việc gì thì cũng chẳng làm nên công chuyện gì… Hãy đứng lên, chúng ta sẽ xuyên qua rừng, bởi vì rừng cũng có chỗ kết thúc, mọi cái trên đời đều có chỗ kết thúc! Ta đi đi! Nào! Tiến bước… Trong tim anh bừng lên ngọn lửa nhiệt thành thiết tha muốn cứu thoát họ, đưa họ lên con đường sáng sủa và những tia lửa của niềm mong muốn mãnh liệt ấy lóe lên trong mắt anh. Nhưng họ, sau đoạn đường dài vất vả pha chút tuyệt vọng đã nguyền rủa anh, họ lại tưởng anh nổi khùng lên nên mắt mới sáng quắc như vậy, và họ giữ miếng như chó sói, họ tiến sát đến và vây chặt lấy anh… Còn anh, anh đã hiểu thấu ý nghĩ của họ, vì thế ngọn lửa trong tim anh càng cháy rực hơn nữa… Rừng vẫn hát bài ca thê lương, sấm chớp đùng đùng, mưa như trút nước.

- Ta phải làm gì cho các người đây? Đankô gào to hơn sấm. Rồi, anh đưa hai tay xé toang lồng ngực, dứt trái tim ra và giơ cao trên đầu. Trái tim cháy rực sáng như mặt trời, sáng hơn mặt trời và cả khu rừng im lặng, sáng lên dưới ngọn đuốc của lòng yêu thương vĩ đại dành cho mọi người. Trước ánh sáng của trái tim Đankô, bóng tối tan tác… Đoàn người sửng sốt đứng trơ ra như phỗng.

- Đi thôi! Đankô thét lớn và xông lên phía trước, tay giơ cao trái tim cháy rực, soi đường đi cho đoàn người. Và họ xông lên theo anh, sung sướng, mê cuồng… Chàng Đankô can trường và kiêu hãnh đưa mắt nhìn thảo nguyên bao la trước mặt, sung sướng nhìn khoảnh đất tự do và bật lên tiếng cười tự hào. Rồi anh gục xuống… Đoàn người vui sướng và tràn đầy hy vọng không để ý rằng Đankô đã chết và không thấy được trái tim can đảm của anh vẫn cháy bừng bừng cạnh xác anh. Chỉ có một người vốn tính cẩn thận trông thấy điều đó, sợ xảy ra chuyện không hay, liền giẫm lên trái tim kiêu hãnh ấy… Trái tim tóe ra một loạt tia sáng rồi tắt ngấm… Đấy là duyên do của những ánh lửa xanh thường xuất hiện trên thảo nguyên vào trước cơn dông!”.Và rồi, sau gần hai phần ba thế kỷ gặp lại, họ vẫn nhắc lại kỷ niệm buổi ấy.

Hai phần ba thế kỷ đủ cho một nước nhỏ chuyển mình trở thành một nước lớn về kinh tế, văn hóa, nhất là về khoa học và công nghệ, để đạt được một tầm vóc đáng nể về vị thế quốc tế! Còn nước ta với hơn 90 triệu dân, đứng thứ 13 thế giới về dân số nằm trên một vị thế địa chính trị của một bán đảo ở ngã ba giao thương quốc tế từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương thì lại phải dồn sức cho cuộc chiến tranh cứu nước thuộc loại tàn khốc nhất trong lịch sử, để rồi khi vết thương chiến tranh chưa liền da, đã phải triển gân sức chống lại kẻ thù truyền kiếp tiếp tục dã tâm mà cha ông chúng ngàn đời không từ bỏ. Cần nhắc lại rằng đạo quân Trung Quốc xâm lược lần này lên tới 60 vạn, tấn công trên toàn tuyến biên giới trải dài gần 1.300 km mà sự tàn ác dã man cũng chẳng thua kém những gì cha ông chúng đã để lại trên từng tất đất thấm máu của quê hương đất nước ngàn năm của chúng ta.

Nhưng, điều tệ hại đáng sợ nhất là kẻ thù xâm lược lại được danh xưng là “đồng chí cùng chung ý thức hệ”, nguồn cơn của những điều sỉ nhục tệ hại kể trên. Khi mà thế lực cầm quyền vẫn đang phải đắm đuối trong cuộc tranh giành quyền lực, một nhúm nhỏ những kẻ đang thao túng quyền lực ấy đang phải dồn sức cho cuộc thanh toán đối thủ, thì lấy đâu sức mà lo cho nước, cho dân. Có chăng là những thủ thuật mị dân đi liền với trấn áp khủng bố, cho dù biết đó cách giải khát bằng thuốc độc, và bạo lực là chỉ báo của sự suy vong. Cho dù thế thì nhất thời, một bộ phận không nhỏ người dân thiếu hiểu biết đã bị chi phối và phải câm lặng trong sự sợ hãi trước những thủ đoạn của bộ máy toàn trị phản dân chủ đang tự tung tự tác.

Phải chăng vì thế mà vẫn cần, rất cần ngọn lửa của trái tim Đankô thắp sáng lên “ngọn đuốc của lòng yêu thương vĩ đại dành cho mọi người “ để họ có thể “xông lên theo anh, sung sướng, mê cuồng” cho dù vẫn sẽ có người “sợ xảy ra chuyện không hay”, đã dại dột và lạnh lùng “giẫm lên trái tim kiêu hãnh ấy”! Và dù cho có một sự thật phũ phàng “quần chúng không quần chúng như ta tưởng” vẫn nghiệt ngã tồn tại, thì ngọn lửa của khát vọng tự do và sự thương yêu con người cháy bỏng từ trái tim Đankô lại càng cần để xua tan đi sự u tối, sự lừa mị và sự tàn ác của bạo lực. Chính ngọn lửa ấy đã thắp sáng niềm tin và khơi dậy bản lĩnh của những người trẻ tuổi, và không chỉ người trẻ tuổi, mà là cho những ai đủ trí tuệ và kinh nghiệm để tin rằng “mọi cái trên đời đều có chỗ kết thúc”. Ngày kết thúc của những nhiễu nhương, tàn độc và nhục nhã sẽ không còn xa.

18.2.2019

T.L.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn