Dân Thủ Thiêm: Nghị quyết bồi thường 'có hợp lòng dân'?

Ben Ngô

Thủ Thiêm

Ý kiến nói người dân Thủ Thiêm "đã chịu đựng và tổn thương suốt hơn 20 năm qua"

Người phụ nữ trong vụ "ném giày" nói với BBC rằng Hội đồng Nhân dân "chỉ có thể đại diện và giám sát chứ không thể thay thế người dân Thủ Thiêm" khi thông qua chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư.

Ý kiến này được đưa ra trong lúc có tin chính quyền TP Hồ Chí Minh sắp trình Hội đồng Nhân dân thông qua chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư cho người dân Thủ Thiêm.

"Trong lúc chờ trung ương kết luận về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố đã gặp người dân, xây dựng chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư, sắp tới trình Hội đồng Nhân dân thông qua," Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân được tờ Người Lao Động dẫn lời.

Các báo ở Việt Nam không đưa thêm chi tiết về chính sách bồi thường được căn cứ trên cơ sở nào.

'Nghị quyết có hợp lòng dân?'

Người phụ nữ trong vụ "ném giày" nói "HĐND chỉ có thể giám sát, không thể thay dân Thủ Thiêm thông qua chính sách bồi thường".

Người phụ nữ trong vụ "ném giày" nói "HĐND chỉ có thể giám sát, không thể thay dân Thủ Thiêm thông qua chính sách bồi thường".

Trả lời BBC hôm 10/7, bà Nguyễn Thị Thùy Dương, người phụ nữ trong vụ "ném giày ở Thủ Thiêm" năm ngoái, nói:

"Hội đồng Nhân dân thực chất là một Quốc Hội thu nhỏ tại các tỉnh thành. Là một cơ quan lập pháp có chức năng giám sát và thông qua các nghị quyết và chủ trương. Họ đại diện cho tiếng nói của người dân. Nên việc Hội đồng Nhân dân đưa ra nghị quyết về chính sách đền bù mới là quyền được hiến định."

"Tôi nhấn mạnh là đền bù chứ không phải hỗ trợ. Vì đây là phần người dân đáng được nhận chứ không phải dân đi xin và Chính phủ "thương tình" nên cho. Nhưng chúng ta phải xem lại Hội đồng Nhân dân dựa trên cơ sở nào để thông qua nghị quyết. Không thể để một nhóm người quyết định quyền lợi và số phận của hàng ngàn, hàng chục ngàn người theo tính chủ quan được."

"Muốn thông qua nghị quyết, trước tiên Hội đồng Nhân dân phải lấy ý kiến của chính những người dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch giải tỏa ở khu Công nghệ cao quận 9 và cả Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ở đây, tôi chưa thấy có sự thống nhất ý kiến giữa người dân Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Hội đồng Nhân dân thì nghị quyết thông qua đường nào?"

nhân

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân

"Có hợp lòng dân không? Có đúng với giá trị tài sản người dân bị mất không? Chỉ có người dân Thủ Thiêm mới có quyền được quyết định vận mệnh của họ. Hội đồng Nhân dân chỉ có thể đại diện và giám sát chứ không thể thay thế họ. Có vị nào trong Hội đồng Nhân dân đã phải sống cuộc đời đau khổ của họ đâu?"

"Với tư cách là một người theo đuổi và quan sát vụ việc này khá lâu. Tôi yêu cầu chính quyền TP.Hồ Chí Minh giải quyết được đúng với những giá trị mà người dân đáng được nhận. Chính quyền thành phố phải biết tôn trọng người dân của mình chứ không phải giải quyết cho xong để "xếp xó".

"Người dân có trách nhiệm xây dựng đất nước chứ không phải làm mồi nuôi sống tham nhũng. Trong trường này cần đặc biệt chú trọng vai trò giám sát và kết nối người dân của Hội đồng Nhân dân đúng với tinh thần "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra."

Nếu chính quyền không thể đưa ra được cơ sở pháp lý và các bằng chứng thuyết phục để phản bác lại các cáo buộc của người dân thì chính quyền cần phải tôn trọng sự thật và hành động có trách nhiệm là có các quyết định để trả lại công bằng cho người dân.

Luật sư Phùng Thanh Sơn

  

Bà Thùy Dương cũng cho biết thêm:

"Đối với các quan chức sai phạm ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tôi nghĩ không chỉ là kỷ luật mà cần phải thanh tra, kiểm toán toàn diện quy hoạch, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra khởi tố vụ án về việc sai phạm khi thực hiện quy hoạch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm như đề nghị của Thanh tra Chính phủ. Trong đó, hành vi xâm hại tài sản của Nhà nước và người dân đã được thể hiện rất rõ."

"Ở Thủ Thiêm có rất nhiều nhóm dân khác nhau. Có nhóm người bị xua đuổi, có nhóm người bám trụ lại, có những người bị lưu lạc do chính sách đền bù... Họ đã chịu đựng và tổn thương suốt hơn 20 năm nay rồi. Tôi nghĩ chính quyền TP Hồ Chí Minh nên đưa ra các quyết sách phù hợp với từng nhóm khác nhau làm sao để đáp ứng được tinh thần nhân văn mà Quyết định 367 của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phê duyệt khi thực hiện Khu đô thị mới Thủ Thiêm."

Thủ Thiêm

'Tôn trọng sự thật'

Cũng trong hôm 10/7, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói với BBC:

"Quyền lợi của người dân Thủ Thiêm không thể giải quyết bằng nghị quyết của Hội đồng Nhân dân. Bởi Hội đồng Nhân dân không phải là cơ quan hành chính nhà nước, cũng không phải là cơ quan giải quyết tranh chấp. Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân chỉ có thể mang tính an sinh xã hội cho người dân Thủ Thiêm chứ không thể thay thế quyết định hành chính, phán quyết của tòa án."

"Quyền và lợi ích chính đáng của người dân Thủ Thiêm phải xem xét đánh giá một cách toàn diện. Các thiệt hại phải căn cứ vào số liệu, bằng chứng cứ và được xem xét đánh giá công khai chứ không thể bằng cảm tính của các đại biểu Hội đồng Nhân dân. Nếu chính quyền Thành phố chỉ giải quyết quyền lợi của người dân Thủ Thiêm trên cơ sở của Nghị quyết Hội đồng Nhân dân thì chẳng khác nào người dân bị buộc phải nhận tiền "bồi thường" như vụ Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường biển trước đây."

"Trong vụ Thủ Thiêm theo tôi có hai nhóm sai phạm:

  • Sai phạm gây thiệt hại trực tiếp cho người dân có đất bị thu hồi;
  • Sai phạm gây thất thoát ngân sách, tài sản nhà nước.

"Đối với các sai phạm gây thiệt hại cho ngân sách, tài sản Nhà nước, có thể phải cần đến việc thanh tra vì những thông tin liên quan đến các sai phạm này người dân không thể kiểm tra, giám sát."

"Riêng đối với việc thu hồi đất ngoài phạm vi quy hoạch, sử dụng quỹ đất tái định cư cho mục đích thương mại thì không cần vì không ai có thể thanh tra, giám sát tốt hơn người dân Thủ Thiêm. Việc này nó liên quan trực tiếp đến lợi ích người dân Thủ Thiêm nên họ phải chuẩn bị đầy đủ thông tin và kiến thức để kiểm tra, giám sát."

"Khi người dân đưa ra cơ sở pháp lý và bằng chứng cho các cáo buộc của mình đối với chính quyền. Chính quyền có nghĩa vụ đưa ra các cơ sở pháp lý và bằng chứng hợp pháp để phản bác lại các cáo buộc của người dân."

"Nếu chính quyền không thể đưa ra được cơ sở pháp lý và các bằng chứng thuyết phục để phản bác lại các cáo buộc của người dân thì chính quyền cần phải tôn trọng sự thật và hành động có trách nhiệm là có các quyết định để trả lại công bằng cho người dân."

"Với các quy định pháp luật trước đây cũng như hiện nay, chính quyền thành phố hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để xử lý các sai phạm tại Thủ Thiêm một cách công bằng cho người dân Thủ Thiêm mà không cần phải chờ đợi kết luận hay chủ trương gì từ trung ương. Vấn đề nằm ở chỗ người có trách nhiệm giải quyết có đủ bản lĩnh để xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật hay không."

"Theo tôi, đảm bảo nguyên tắc công bằng thì toàn bộ lợi nhuận từ việc sử dụng quỹ đất tái định cư cho mục đích kinh doanh thương mại phải được trả về cho những người dân Thủ Thiêm đủ điều kiện được tái định cư. Đối với đất ngoài quy hoạch bị thu hồi thì phải trả lại đất cho dân hoặc bồi thường theo giá thị trường hiện nay."

B.N.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48933003

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn