Cách thức ngăn chặn Trung Quốc trên Biển Đông

Hunter Stires

Mỹ và đồng minh phải sử dụng sức mạnh của họ trên mọi lĩnh vực quân sự và phi quân sự. Theo đó, các hoạt động hộ tống bảo vệ hàng hải sẽ đi kèm với các nỗ lực đồng thời nhằm giúp các chính phủ và nền kinh tế ở Đông Nam Á vững vàng hơn trước ảnh hưởng xấu của Trung Quốc, cũng như việc phát triển và triển khai các lực lượng chiến đấu tinh nhuệ với nhiệm vụ ngăn chặn hành vi gây hấn quy mô lớn của Trung Quốc.

Việc quản lý một hệ thống quốc tế giúp duy trì nguyên tắc pháp lý và triết học về quyền tự do trên biển là một trong những lợi ích quốc gia quan trọng nhất của Mỹ dù không được công khai.

Việc duy trì trật tự hàng hải một cách tự do và cởi mở là nhu cầu cấp thiết đối với một quốc gia với khả năng kết nối lên đến hơn 80% dân số thế giới hiện phụ thuộc vào vận tải hàng hải. Trong gần 4 thế kỷ qua, các đại dương được xác định theo nguyên tắc pháp lý (sau đó được điển chế hóa trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển) là tài sản chung toàn cầu, mà chủ quyền quốc gia đối với chúng bị giới hạn và hoàn toàn phụ thuộc vào các vùng đất liền tiếp giáp. Tuy vậy, cơ chế mang ý nghĩa sống còn này lại đang bị đe dọa nghiêm trọng ở Biển Đông.

Trung Quốc đang hành động hung hăng không chỉ để giành quyền kiểm soát về mặt quân sự, mà thậm chí còn quan trọng hơn là để áp đặt một chế độ thống trị thay thế đối với tuyến đường cửa ngõ vô cùng quan trọng này, dựa trên luật pháp trong nước của Trung Quốc và quan điểm của Bắc Kinh về chủ quyền trên biển.

Cách tiếp cận hiện nay của Mỹ đối với vấn đề này không giải quyết được khía cạnh cốt lõi trong hành vi gây hấn của Trung Quốc, vì sự phô trương lực lượng một cách rời rạc và không được duy trì lâu dài trong các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ như có thể thấy hiện nay; do đó không tạo được tác động chiến lược mang tính quyết định.

Nhưng chiến thắng của Trung Quốc cho đến nay không phải là chiến thắng chung cuộc. Để có thể phục hồi, Mỹ và các đồng minh cần phải điều chỉnh lại sự hiểu biết của họ về chiến dịch của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời định hướng lại chiến lược nhằm ngăn chặn chiến dịch đó.

Cuộc chiến giữa các cơ chế pháp lý

Mấu chốt của thách thức ở Biển Đông không phải là một cuộc đối đầu thông thường giữa các lực lượng. Đó chưa phải là một cuộc chiến tổng lực mà cả Mỹ và Trung Quốc hiện đều tìm cách tránh né, mà thay vào đó là một cuộc cạnh tranh về ý chí chính trị, thể hiện qua một cuộc đọ sức tay đôi giữa hai hệ thống thẩm quyền pháp lý mang tính cạnh tranh, cụ thể là giữa một hệ thống luật biển quốc tế hiện hành gần như được khắp nơi công nhận và một bên là quan điểm theo chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc về chủ quyền hàng hải, theo đó gọi các vùng biển là các “vùng lãnh thổ xanh” và tuyên bố chủ quyền đối với chúng giống như với đất liền để ngăn chặn sự xâm nhập của tàu thuyền và thủy thủ các nước khác. Trong cuộc chiến giữa các cơ chế pháp lý này, phản ứng của các dân biển địa phương ở các nước Đông Nam Á – trái ngược với hành động của cả hai bên tham chiến – sẽ quyết định kết quả chung cuộc. Do đó, câu hỏi mang tính quyết định ở đây không phải là “bên nào sẽ chiếm ưu thế trong cuộc chiến” mà là “người dân sẽ tuân theo luật pháp của bên nào”.

Cuộc chiến giữa các cơ chế pháp lý diễn ra dưới hình thức cạnh tranh ngầm nhằm giành được sự ủng hộ, trong đó ai đề xướng cơ chế nào sẽ tìm kiếm trong dân chúng những người ủng hộ cho cơ chế đó. Quá trình này không hẳn là một nỗ lực nhằm giành lấy “tình cảm và ý chí” vì đó là một cuộc đấu tranh để giành quyền kiểm soát, bằng cách thuyết phục hoặc cưỡng ép người dân phải tuân theo một bộ luật mà không phải của phe đối lập. Với quyền tự do lựa chọn mà không có bất kỳ biện pháp gây sức ép nào từ hai phía, ngư dân địa phương ở các nước Đông Nam Á gần như chắc chắn sẽ lựa chọn tuân thủ hệ thống luật pháp quốc tế hiện hành vốn bảo vệ và thực thi quyền tự do hàng hải của tất cả các quốc gia.

Lợi ích mà một trật tự cởi mở và dựa trên quy tắc hiện hành mang lại càng trở nên rõ ràng hơn khi so sánh với phương án đối lập – cơ chế ủng hộ một vùng biển lấy Trung Quốc làm trung tâm, thiếu tự do và khép kín, trong đó tàu thuyền các nước khác ngoài Trung Quốc chỉ có thể đi lại nếu được Bắc Kinh cho phép.

Vì cơ chế do nước này đề xuất đối với Biển Đông thiếu hấp dẫn về mặt định tính, Trung Quốc đang tìm cách giành được sự ủng hộ thông qua việc sử dụng các công cụ tiêu cực mang tính cưỡng chế thể hiện sức mạnh dân tộc của mình. Theo đó, Trung Quốc đã hăm dọa và đe dọa sử dụng vũ lực thông qua lực lượng cảnh sát biển và dân quân biển, đồng thời được lực lượng Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) với năng lực tác chiến tinh nhuệ hậu thuẫn, Trung Quốc có thể biến nơi này trở thành một khu vực không an toàn đối với dân biển địa phương khi di chuyển qua những vùng biển mà họ có quyền tiếp cận chính đáng theo luật pháp quốc tế.

Điều này không có nghĩa là Trung Quốc không có phương tiện nào trong kho vũ khí chính trị của họ để giành được sự ủng hộ của các nước Đông Nam Á một cách tích cực thay vì tiêu cực. Trái lại, ở cấp chính phủ, Trung Quốc đã và đang sử dụng rất hiệu quả các biện pháp khích lệ - hứa hẹn phát triển cơ sở hạ tầng, hối lộ và thu hút giới tinh hoa… - để thuyết phục các mắt xích yếu ớt có vai trò then chốt tại các nước Đông Nam Á chấp nhận hành vi trơ tráo của Trung Quốc trên biển. Trường hợp của Philippines trong 6 năm qua là một ví dụ minh họa cho điều này.

Năm 2012, dưới thời Tổng thống Philippines Benigno Aquino III, Trung Quốc đã dùng các biện pháp đe dọa để trục xuất Hải quân Philippines khỏi bãi cạn Scarborough. Sau khi vi phạm thỏa thuận giảm tình trạng leo thang căng thẳng do Mỹ làm trung gian bằng cách đưa tàu quay trở lại rạn san hô hiện không được bảo vệ này, Trung Quốc đã sử dụng các công cụ thực thi pháp luật hàng hải trên danh nghĩa để quấy rối và áp đặt ý chí của mình đối với các ngư dân Philippines, buộc họ phải rời bỏ khu vực này, từ đó để lại các ngư trường trù phú quanh Scarborough cho các tàu Trung Quốc độc quyền khai thác.

Khi Rodrigo Duterte lên nắm quyền năm 2016, Trung Quốc đã dùng sức hấp dẫn của các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng để khuyến khích Duterte ngả hẳn sang hướng từ bỏ lập trường chính trị-ngoại giao và pháp lý mạnh mẽ của đất nước ông trong các tranh chấp trên Biển Đông. Khi điều này xảy ra, Trung Quốc đã cho phép các tàu đánh cá của Philippines quay trở lại khu vực đầm phá thuộc bãi cạn Scarborough, nghĩa là Trung Quốc hiện cho phép Philippines tận hưởng thành quả từ EEZ của chính họ nhưng theo các điều kiện do Bắc Kinh đặt ra.

Vì sao chiến dịch của Trung Quốc lại là một cuộc nổi dậy trên biển?

Nếu so sánh với bất kỳ hình thức chiến tranh nào, thì những hành động của Trung Quốc trên biển giống như một cuộc nổi dậy. Mặc dù Clausewitz không sai khi tuyên bố rằng mọi cuộc chiến tranh đều là sự mở rộng của hoạt động chính trị dưới các hình thức khác, nhưng không có bất kỳ hình thức chiến tranh nào khác xét về bản chất mang tính chính trị và tập trung vào các vấn đề về quản trị và luật pháp nhiều như một cuộc nổi dậy. Các cuộc nổi dậy thực chất là các cuộc tranh cãi về việc ai là người cai trị trong một cộng đồng dân cư và một không gian địa lý cụ thể, tức là các bên chiến đấu để xác định xem luật pháp của bên nào có hiệu lực và do đó tìm kiếm đáp án cho câu hỏi được đặt ra trước đó: Người dân phải thực thi luật pháp của ai?

Bắc Kinh tìm cách sử dụng sức mạnh dân tộc Trung Hoa để áp đặt hệ thống thẩm quyền của riêng họ đối với dân chúng các nước láng giềng Đông Nam Á, ép buộc họ phải tuân thủ bằng cách đe dọa sử dụng vũ lực. Đây là điều các lực lượng nổi dậy đã làm từ xưa. Các tài liệu mang tính lý thuyết về sự nổi dậy từ thời của T. E. Lawrence đến Mao Trạch Đông và xa hơn nữa thường nhắc tới một thành tố có ý nghĩa sống còn là “sự ủng hộ của người dân”. Tuy nhiên, cách diễn đạt như vậy có thể gây hiểu lầm vì nó dường như nói lên tình cảm tích cực và sự cảm thông của dân chúng đối với lực lượng nổi dậy. Trên thực tế, động lực ở đây là sự kiểm soát, vốn có thể được thiết lập bằng cách thuyết phục hoặc phổ biến hơn là thông qua nỗi sợ hãi. Chẳng hạn, lực lượng Taliban đã tìm cách cấm trẻ em gái Afghanistan đến trường và nên tấn công những người dám vi phạm mệnh lệnh đó. Trong khi các cuộc tấn công như vậy nhằm vào các nữ sinh ở Mỹ thường được mô tả là những hành vi vi phạm trắng trợn nhân quyền đúng với bản chất của chúng, nhưng trong bối cảnh chiến lược, có thể coi những hành động tàn bạo này là cách thức (đáng khinh về mặt đạo đức) để Taliban khẳng định thẩm quyền đối với cộng đồng cư dân mà lực lượng này đang tìm cách kiểm soát.

Do đó, việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh trên biển để áp đặt luật pháp trong nước của họ đối với người dân vùng Biển Đông rất phù hợp với truyền thống nổi dậy, cho dù trong trường hợp này, cuộc nổi dậy diễn ra trong môi trường biển và cơ chế thịnh hành là hệ thống luật pháp quốc tế chứ không phải chính quyền một quốc gia. Chính vì cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với chủ quyền trên biển khi cho rằng có thể tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển giống như trên đất liền - có thể hiểu là một sự tiến triển so với lập trường địa chính trị trong lịch sử của Trung Quốc với tư cách một đế quốc hám lợi trên đất liền. Vậy nên không có gì ngạc nhiên khi Bắc Kinh đưa chiến lược nổi dậy của họ ra biển, khi xét tới vai trò nổi bật của nhà lý luận mang tính nền tảng về các cuộc nổi dậy Mao Trạch Đông trong kho tàng chiến lược của Trung Quốc. Cho đến nay, cuộc nổi dậy của Trung Quốc ở trên biển vẫn tiếp diễn mà phần lớn không bị cản trở do những nỗ lực khác đáng chú ý hơn của họ - chiếm giữ lãnh thổ và mở rộng phạm vi chống tiếp cận/ngăn chặn xâm nhập khu vực - đã thu hút sự chú ý của Mỹ và các đồng minh nhiều đến mức che đậy thành công nỗ lực mang tính quyết định (ép buộc bằng vũ lực đối với dân biển) và mục tiêu chiến lược cuối cùng trong chiến dịch của họ (áp đặt một hệ thống quản trị thay thế của Trung Quốc, lật đổ hệ thống luật pháp quốc tế hiện hành trên biển và qua đó giúp Trung Quốc có được chủ quyền hợp pháp đối với một vùng rộng lớn của Biển Đông nằm trong phạm vi “đường 9 đoạn”).

Cách thức để Mỹ và đồng minh chiếm lấy ưu thế: Chống nổi dậy trên biển

Một khi vấn đề chiến lược ở Biển Đông được xác định là một cuộc nổi dậy, thì giải pháp chiến lược của Mỹ và đồng minh cần theo sự chỉ đạo của chiến lược đối phó tự nhiên là chống nổi dậy.

Cách tiếp cận “chống nổi dậy trên biển” trong lĩnh vực hàng hải đòi hỏi sự bảo vệ đối với dân biển địa phương cũng như sự bảo đảm an ninh cho họ trước những hoạt động quấy rối của Trung Quốc để họ có thể thực hiện các quyền hợp pháp của mình một cách an toàn theo cơ chế quốc tế hiện hành về quyền tự do trên biển, qua đó khiến người dân cảm nhận được một sự bảo vệ hữu hình và một niềm tin cần thiết trước các thách thức sự và đe dọa của Trung Quốc. Cần phải trấn an người dân rằng các quy tắc trên thực tế vẫn không thay đổi.

Chính vì điều này mà các hoạt động tự do hàng hải hiện tại của Mỹ là chưa đủ - mặc dù các tàu khu trục quá cảnh trong phạm vi 12 hải lý tính từ các cấu trúc địa hình riêng lẻ bị chiếm đóng trên biển có thể truyền đạt những thông điệp mang tính pháp lý về việc Mỹ không công nhận các tuyên bố chủ quyền cụ thể, nhưng những hoạt động như vậy không mang lại bất kỳ hiệu quả thực tế nào vì chúng không kéo dài, và do đó không tác động được tới lòng tin của người dân vào khả năng của chính họ trong việc thực thi các quyền hợp pháp quốc tế của mình. Trung Quốc cũng như các nước ở Biển Đông đều biết rằng các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ chỉ là một động thái nhất thời, vì như các nhà tuyên truyền Trung Quốc đã nhắc nhở với thế giới, rằng tàu của Mỹ chắc chắn sẽ rời đi, và người dân sẽ bị đe dọa và quấy rối ngay khi Hải quân Mỹ một lần nữa biến mất phía sau đường chân trời.

Chiến lược chống nổi dậy trên biển nhằm mục đích mang lại chiến thắng trong cuộc chiến giữa các cơ chế pháp lý trên lĩnh vực mang tính quyết định, cụ thể là ở sự tuân thủ và hành vi của ngư dân. Và giống như các nỗ lực chống nổi dậy trên đất liền, chiến lược này đòi hỏi Mỹ và đồng minh phải sử dụng sức mạnh của họ trên mọi lĩnh vực quân sự và phi quân sự. Theo chiến lược chống nổi dậy trên biển, các hoạt động hộ tống bảo vệ hàng hải sẽ đi kèm với các nỗ lực đồng thời nhằm giúp các chính phủ và nền kinh tế ở Đông Nam Á vững vàng hơn trước ảnh hưởng xấu của Trung Quốc, cũng như việc phát triển và triển khai các lực lượng chiến đấu tinh nhuệ với nhiệm vụ ngăn chặn hành vi gây hấn quy mô lớn của Trung Quốc đang nhằm vào các đồng minh của Mỹ dọc theo chuỗi đảo thứ nhất.

Mục tiêu chính của chiến lược chống nổi dậy trên biển là nhằm vô hiệu hóa các lực lượng của Trung Quốc ở Biển Đông trong những tình huống chưa đến mức chiến tranh, như Trung Quốc từng làm đối với các lực lượng của Mỹ trong vài năm trở lại đây. Nếu Mỹ và đồng minh có thể cân bằng thành công giữa việc duy trì sự răn đe khi xung đột ở mức độ cao và việc thực hiện chống nổi dậy trên biển khi xung đột ở mức độ thấp, thì những công cụ ép buộc mới và tốn kém của Trung Quốc sẽ trở nên lỗi thời và vô dụng nếu người dân, dưới sự bảo vệ của Mỹ và đồng minh, cảm thấy đủ tự tin để không phải bận tâm đến những lời cảnh cáo và hăm dọa từ phía Trung Quốc.

Thách thức đối với Washington và thủ đô các nước đồng minh là việc huy động sự tham gia của cộng đồng tri thức năng động vào lĩnh vực này để xác định cách thức tiến hành tốt nhất sao cho hoạt động chống nổi dậy trên biển có thể vận hành ở mức chi phí chấp nhận được trong một khoảng thời gian dài. Nếu lịch sử mang tính chỉ dẫn, thì chiến dịch này cần phải được tiếp tục cho tới khi ban lãnh đạo Trung Quốc nhận ra rằng cuộc nổi dậy trên biển của họ không thể lật đổ sự cai trị của luật pháp quốc tế hiện hành bằng cách ép buộc, cũng như những lợi ích thực sự mà Trung Quốc có thể nhận được khi chấp nhận và tuân thủ hệ thống hiện tại dựa trên quyền tự do trên biển. Một khi các cộng đồng chiến lược ở Mỹ và các nước đồng minh thành công trong việc tìm ra được giải pháp cho những vấn đề còn tồn tại về cách thức hoạt động, thì chiến lược chống nổi dậy trên biển có khả năng mang lại một chiến thắng quyết định và rất cần thiết cho Mỹ và đồng minh, cũng như cho một trật tự quốc tế tự do dựa trên các quy tắc vốn được họ bảo vệ.

H.S.

------

Tác giả bài viết là Hunter Stires, một học giả tại Học viện Hải chiến Mỹ John B. Hattendorf- Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử Hàng hải Mỹ, đồng thời là một chuyên viên không thường trực tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ. Ông là đồng tác giả cho cuốn sách “China is Waging a Maritime Insurgency in the South China Sea. It's Time for the United States to Counter It.”, xuất bản lần đầu tiên vào tháng 11 năm 2018. Bài viết trên được đăng tải trên trang The National Interest.

Tuấn Minh (gt)

Nguồn bản dịch: http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-nuoc-ngoai/7362-cach-thuc-ngan-chan-trung-quoc-tren-bien-dong

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn