Mất cân bằng trong kinh tế toàn cầu: đi tìm nguyên nhân khoảng cách giàu nghèo trong xã hội (Bài 4)

Đoàn Hưng Quốc

[Tiếp theo Bài 1, Bài 2, Bài 3]

Có rất nhiều nghiên cứu về khoảng cách giàu nghèo ở Âu-Mỹ nhưng bài này chỉ chọn ra 2 giải thích được người viết xem như đáng chú ý nhất: quan điểm thứ nhất của kinh tế gia người Pháp Thomas Piketty cho rằng khoảng cách giàu nghèo là tất yếu một khi tài sản tích tụ trong xã hội tư bản, và lập luận thứ hai của kinh tế gia người Mỹ gốc Nhật Richard Koo cho thấy hố sâu giàu nghèo hiện là hậu quả của toàn cầu hóa. Hai gốc nhìn này có thể bổ túc lẫn nhau như giữa hai yếu tố nội tại và khách quan. Riêng phạm vi bài này sẽ sơ lược về Piketty và ảnh hưởng đến nền chính trị cánh tả Tây Phương, bài sau sẽ trình bày về Richard Koo và kế đó là một bài tổng hợp.

Thomas Piketty nổi tiếng với tác phẩm đồ sộ Vốn tư bản trong thế kỷ 21 (Capital in the Twenty-First Century) nhưng tóm gọn trong 2 câu nói dân gian là “nhà giàu ngày càng giàu” để rồi “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”.

Hố sâu giàu nghèo trong xã hội được san bằng sau khi trải qua một cơn đại biến như Trận dịch Đen (khiến 200 triệu người chết vào tế kỷ 14) hay Đại chiến (Thế chiến thứ II) tàn sát cả giới chủ lẫn người lao động. Vì tài sản bị hủy diệt cho nên chỉ còn lao động, trí tuệ và lương bổng của từng cá nhân là những yếu tố chính để mỗi người tự vươn lên. Những người thành công sau đó lại bắt đầu sở hữu tài sản. Trong khi lương bổng không thể chuyển nhượng từ cha sang con thì tài sản lại trở thành gia tài nên lâu ngày tích tụ trở thành yếu tố chính phân biệt giàu nghèo trong xã hội. Tài sản (nhà đất, cổ phiếu, v.v…) còn được dùng làm “vốn tư bản” (Capital) để đầu tư sinh lợi, và lợi tức từ tài sản có thể tăng nhanh hơn lương bổng (thí dụ giá nhà hay cổ phiếu có thể nhảy vọt 20% trong một năm trong khi lương chỉ tăng 5%). Một khi tài sản và lợi tức của xã hội tích tụ vào trong tay một thiểu số ưu đải thì lương bổng của đa số dân chúng còn lại không thể nào chạy theo kịp. Nói đơn giản nhà giàu ngày càng giàu.

Một thí dụ dễ hiểu là một gia đình có nhà trị giá 800 ngàn đô-la ở Sài Gòn để lại gia tài thì con tự động giàu, trong khi một thanh niên khác từ quê lên học và làm việc dù tài giỏi bậc nào cũng không thể nào mơ mộng mua được nhà ở thành phố nếu chỉ với đồng lương vài ngàn đô-la mỗi tháng.

Tài sản lại sản sinh ra quyền lực bóp méo nhà nước nhằm ưu đãi thành phần chóp bu trong khi bỏ rơi đại đa số còn lại. Hố sâu giàu nghèo một khi trở nên sâu rộng sẽ đe dọa đến nền dân chủ do quyền lực bị tập trung và dân chúng bất mãn chống đối. Trở lại thí dụ ở Việt Nam có tiền thì cho con cái du học lấy bằng đại học Hoa Kỳ trong khi thanh niên học giỏi ở dưới quê cố hết sức thì cũng chỉ lấy được mảnh bằng kém giá trị trong nước. Cho nên “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Một khi lớp người ăn trên ngồi trước thụ hưởng lợi tức của xã hội bằng thế lực và tài sản được hình thành - Piketty gọi đây là “rent seekers” tạm so sánh với những đại điền chủ không đi cày ruộng mà vẫn hưởng lợi tức cao - thay vì bằng lao động và trí tuệ thì nền dân chủ lẫn hệ thống tư bản đều bị khủng hoảng.

Cánh tả ở Mỹ gồm hai ứng cử viên Tổng thống ông Bernie Sander và bà Elizabeth Warren chủ trương đánh thuế tài sản (wealth tax) thay vì chỉ thu thuế lợi tức (income tax) để san bằng khoảng cách giàu nghèo. Tiền thuế được dùng đầu tư vào giáo dục, y tế và an sinh xã hội nhằm tạo cơ hội đồng đều cho đa số dân chúng còn lại.

Điểm mạnh của cánh tả ở chổ đề cập đến vấn nạn mà cánh hữu không hề nhắc đến tức tình trạng chênh lệch tài sản làm tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, và nếu kéo dài sẽ đe đọa đến nền dân chủ một khi quyền lực bị tập trung và dân chúng bất mãn nổi loạn. Hố sâu này còn đe dọa đến sức sống của nền tư bản khi cá nhân thành công nhờ vào thế lực và tài sản thay vì trông cậy vào lao động và trí tuệ của chính mình. Điểm yếu của cánh tả là chỉ đưa ra giải pháp tái phân phối tài sản (wealth distribution) qua thuế má - tức là theo kiểu xã hội chủ nghĩa - thay vì khuyến khích tạo ra tài sản (wealth creation) - tức là tư bản chủ nghĩa. Thành quả xã hội như chiếc bánh kinh tế không cần phân chia đồng đều mà phải tìm cách làm chiếc bánh nở to ra để mọi người có thêm phần trong đó. Thuế má càng cao thì người tài không có động cơ thúc đẩy làm giàu để tạo hàng triệu công ăn việc làm mới như trường hợp của các nhà tỷ phú Bill Gates (Microsoft), Jeff Bezzo (Amazon), Mark Zuckerberg (Facebook). Tài sản thu vào từ thuế má lại bị nhà nước tiêu xài phung phí khiến xã hội trở nên lười biến và ỷ lại dựa vào bổng lộc như y tế miễn phí, giáo dục miễn phí, giữ trẻ miễn phí, v.v… (cái gì cũng miễn phí thì dân chúng đừng có lo để nhà nước no) thay vì dùng tiền thuế đầu tư thúc đẩy dân chúng làm việc cho tương lai. Cho nên trong mùa tranh cử ứng viên nào đòi tăng thuế thì phải xem xét cẩn thận là tiền thuế để xài bậy (tax and spend) hay đầu tư (tax and invest) có hiệu quả, vì các chính trị gia chuyên mập mờ đánh lận con đen gọi tiêu xài là đầu tư.

Bài sau sẽ bàn về các yếu tố khách quan từ toàn cầu hóa khiến hố sâu giàu nghèo tăng vọt.

Đ.H.Q.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn