Việt Nam 2020: Gắn kết cái gì và thích ứng ra sao?

Chiến Thành

Hình minh họa. Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Hà Nội hôm 27/2/2019

Hình minh họa. Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Hà Nội hôm 27/2/2019. AFP

Gắn kết giữa đối nội với đối ngoại thành một chủ trương nhất quán! Hãy thích ứng với môi trường mới, không gian Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP)! Nới bỏ dần cái “gông” ý thức hệ và phải tự cường trong bang giao với Trung Quốc! Hãy vượt thoát hiệu ứng “bóng đè” của Bắc Kinh để tránh thân phận “con thuyền không bến”! “Gắn kết” và “chủ động thích ứng” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố hôm 4/11 hãy trở thành phương châm mới cho chính sách lâu dài, chứ không chỉ riêng năm Chủ tịch ASEAN.

__________

Từng quan niệm đối ngoại là sự kéo dài của đối nội, nhưng từ ngày “mở cửa”, Việt Nam nhận ra rằng, luận đề ấy của Lênin đã quá đát. Thời nay, hai mặt ấy cần phải được tích hợp thành một thể thống nhất. Ngay trong đối ngoại cũng phải sòng phẳng mới có được lòng tin từ đối tác. Tờ “Quân đội Nhân dân” ngày 23/12/2019 tố cáo Mỹ là “thế lực thù địch” của đất nước, đang tìm cách lật đổ chế độ cộng sản Việt Nam (?!) Trong khi cũng chính dàn báo chí “quốc doanh” ấy từng đăng tải các tuyên bố của chính quyền Mỹ, cả hành pháp lẫn Quốc hội, đã ủng hộ độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trước sự xâm lấn ngang ngược của Trung Quốc suốt 113 ngày mùa hè 2019 tại Bãi Tư Chính. Chính phủ Mỹ còn tặng vũ khí hiện đại cho Hà Nội để bảo vệ lãnh hải như tàu tuần tra cỡ lớn lớp Hamilton. Với chính sách “lá mặt lá trái” ấy, không chỉ Mỹ mà cả châu Âu cũng không hiểu Việt Nam muốn gì? Tiếp tục lừa bịp người dân trong nước về mối đe dọa của “đế quốc Mỹ”, trong khi lờ đi kẻ thù thực sự, rõ ràng đối với nhân dân Việt Nam chính là Tàu cộng đang chiếm đóng Hoàng Sa và nhiều đảo ở Trường Sa.

3 “điểm chốt” của ngoại giao

Ngày 17/12/2019, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng giải thích quyết định chọn lựa chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” và các định hướng ưu tiên lớn cho năm Chủ tịch ASEAN 2020. Thứ trưởng khẳng định, những kết quả đạt được của đối ngoại đa phương trong thời gian qua sẽ góp phần giúp Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020. Cử toạ bị sốc trước bài thuyết trình của ông Dũng tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS). Dù tân đại sứ của Hà Nội tại Trung Quốc Phạm Sao Mai có thề thốt gì ở Bắc Kinh ngay hai hôm sau đó, ngày 19/12, thật ra không còn mấy ý nghĩa, nếu rồi đây, ngoại giao Việt Nam có thể được triển khai theo hướng ông Dũng trình bày. Tuy nhiên, đấy cũng chỉ là một giả thuyết! Lập luận ngược lại, một think-tank nghiên cứu về Trung Quốc khá có uy tín ở trong nước, đã bác cái nhìn lạc quan nói trên. Theo think-tank này, càng gần đến deadline của “thoả ước Thành Đô”, Việt Nam tuyên bố gì không quan trọng. Vấn đề là trên việc làm, ĐCSVN đã “hoàn thành kế hoạch” đến đâu trong việc hiện thực hoá “tiến trình Thành Đô” mới là điều Bắc Kinh quan tâm.

Hình minh họa. Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai

Hình minh họa. Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai. Photo: RFA

Nhưng hãy tạm gác “ác mộng Thành Đô” và thuyết âm mưu sang một bên để trở lại buổi rao giảng có thể đi vào lịch sử ấy. Tại đấy, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng “chốt” lại 3 vấn đề: i) Hy vọng trong thời gian Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN, Trung Quốc sẽ thể hiện sự kiềm chế và dừng các hoạt động (vi phạm CS và EEZ của Việt Nam). ii) Những gì Trung Quốc đã hành động (như vừa qua) là rất đáng lo ngại, vì đó cũng là mối đe dọa không chỉ nhằm vào Việt Nam mà còn nhắm vào các nước khác, vốn thấy trước nguy cơ bị bức hiếp trong tương lai. iii) Mùa hè vừa qua, không phải các nước ASEAN ủng hộ hành động (trên biển đảo) của Trung Quốc, mà chỉ là họ đã phản đối theo một cách khác. Ba nội dung này chắc chắn đã khiến Ngoại trưởng Vương Nghị “lộn cả mề”. Nhưng kỳ lạ là cả ông Cảnh Sảng hoặc bà Hoa Xuân Oánh vẫn chưa mở miệng phản đối ông Dũng sau tuyên bố “bạo phổi” nói trên. Một điều phản ánh chính sách bưng bít thông tin là cả làng báo “mậu dịch” Việt Nam không được phép đăng chi tiết về những điều ông Dũng rao giảng tại ISEAS.

Tính táo bạo trong bài thuyết trình của ông Dũng càng nổi bật, nếu chúng ta biết được rằng, chỉ trước đó không lâu, người có địa vị cao hơn ông Dũng là Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh, tại cấp cao ASEAN-35 vừa qua ở Bangkok (đầu tháng 11/2019) đã bị chính Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phản kháng kịch liệt, thậm chí còn đe doạ một cách vô lối, bất chấp cả những nguyên tắc sơ đẳng trong ngoại giao quốc tế. Lúc bầy giờ, ông Minh chỉ mới đề cập một cách gián tiếp việc Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam mà Vương ngoại trưởng đã lập tức “nổi đoá”, vu vạ cho ông Minh là vi phạm thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước trong vấn đề biển đảo. Theo cái đà Ngoại trưởng Vương “quạt” ông Minh, phát biểu như ông Dũng vừa qua tại Singapore có thể “thổi bay” cái ghế thứ trưởng của ông. Tuy nhiên, lần này, các sợi dây bảo hiểm cho cả ông Minh lẫn ông Dũng có vẻ đủ mạnh và đủ chắc, nên cho đến giờ này, chưa thấy có tai nạn nghề nghiệp nào xẩy ra với hai thầy trò Phạm Quốc Dũng cả (Amen!).

Những dự báo kém lạc quan

Ngược lại với âm hưởng trong bài thuyết trình nói trên, một số dự báo từ các chuyên gia hàng đầu về chính trị quốc tế lại không mấy lạc quan như thế. Trong một phân tích hôm 16/12/2019, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định: “Năm 2020 sẽ rất quan trọng. Nếu công ty Rosneft Vietnam (liên doanh với Nga) nối lại hoạt động khai thác tại lô dầu khí như mùa hè qua thì sẽ có nguy cơ bị các tàu hải cảnh của Trung Quốc quấy nhiễu”. Vị Giáo sư có tên tuổi này còn nhận định tiếp: “Trong năm 2020, chúng ta sẽ có khả năng thấy sự tiếp tục của những nỗ lực từ phía Trung Quốc để gây sức ép lên các quốc gia ven Biển Đông để ngưng hoặc chấm dứt các hoạt động của các tàu khai thác dầu của nước ngoài”. Dự báo này còn dựa trên một tầm nhìn bao quát hơn, đó là sang năm mới, cuộc tỷ thí về địa-chính trị giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ chuyển dịch dần từ cuộc thương chiến kịch liệt trong 17 tháng qua sang căng thẳng và đối đầu trên Biển Đông.

Hình minh họa. Hình chụp hôm 23/6/2014: tàu Trung Quốc (trái) đâm tàu Việt Nam ở Biển Đông

Hình minh họa. Hình chụp hôm 23/6/2014: tàu Trung Quốc (trái) đâm tàu Việt Nam ở Biển Đông. AFP

Theo dự báo của một chuyện gia khác, GS. Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI), việc xây lấp các đảo nhân tạo đã giúp Trung Quốc gây sức ép lên các nước khác. Ông Poling khẳng định: “Việc xây dựng các cơ sở quân sự ở Trường Sa đã cho phép Bắc Kinh có thể triển khai tàu. Họ có thể triển khai tàu hải cảnh và thậm chí cả tàu dân quân biển đến các nơi và thường trực ở đó 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần trong toàn bộ khu vực nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn”. Trong năm 2020 tới, Trung Quốc được cho cũng sẽ thúc đẩy việc hoàn tất các vòng tham vấn về Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Bắc Kinh trước đó đã đưa ra một khung thời gian để hoàn thành các vòng tham vấn này vào năm 2021. Việc Bắc Kinh hối thúc các nước ASEAN hoàn tất các vòng đàm COC sẽ khiến các nước này ít có thời gian thu xếp “đồng thuận” với nhau trước khi mặc cả với Trung Quốc về các vấn đề còn tranh cãi như phạm vi địa dư, tính ràng buộc về pháp lý của COC, cũng như việc giải quyết các tranh chấp sẽ được thực hiện ra sao và vai trò của các bên thứ ba ngoài khu vực sẽ như thế nào.

Hiển nhiên, chúng ta mong thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đúng và mấy ông tây vừa được trích dẫn đã dự báo sai! Tuy nhiên, để những hy vọng của ông Dũng trở thành hiện thực hoàn toàn không phải chuyện dễ dàng, bởi khó khăn không chỉ đến từ một Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn trong các tranh chấp lãnh hải mà còn từ thái độ thực dụng của một số nước ASEAN, ngay cả các bên đưa ra yêu sách chủ quyền như Philippines và Brunei. Nếu phần lớn các nước trong khối tiếp tục với chủ nghĩa thực dụng của họ, Việt Nam có nguy cơ bị bỏ lại đơn độc trong cuộc đấu tranh nhằm yêu cầu Trung Quốc có những nhượng bộ cần thiết trong dự thảo về Bộ quy tắc COC. Chính vì vậy, việc có thêm một không gian thứ hai ngoài Đông Nam Á, đó là không gian Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) là một cơ hội đối với Việt Nam. Trong khi các nước ASEAN chỉ nhấn mạnh sự hợp tác về kinh tế trong khuôn khổ đại chiến lược này thì Việt Nam cần nhanh chóng giảm bớt sự phụ thuộc vào cái “máng lợn kinh tế” của Bắc Kinh và tăng cường thúc đẩy các khía cạnh an ninh - chiến lược trong sự hợp tác về quốc phòng với “Bộ tứ” như hai năm vừa qua.

Các đại án và dự án “đắp chiếu”

Từ địa hạt ngoại giao trở về với thời sự trong nước, chúng ta gặp cả “rừng” bình luận về đại án MobiFone - AVG vốn đang rúng động các loại ghế trong chính quyền. Vụ này tuy không trực tiếp dính đến ngoại giao, nhưng nó bộc lộ trước quốc dân và quốc tế cái bản chất của một trong những chính thể toàn trị còn tồn tại cho đến hôm nay. Thế giới thấy rất rõ rằng, bên dưới lớp “vỏ” chống tham nhũng, câu kết MobiFone - AVG là một cuộc chơi được dàn dựng để cướp đoạt tiền bạc của người dân ở phạm vi kinh hoàng, ngoài trí tưởng tượng của cả kẻ mua lẫn người bán. Đó là một cuộc cướp đoạt và chia chác vô lương tâm. Đưa hối lộ và nhận hối lộ chỉ là một thành tố của cuộc chơi. Một tác nghiệp của cuộc chia chác “bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình” bao gồm nhiều công đoạn. Vụ đại án đã đang xử nói lên thực trạng lem luốc của nền tư pháp do ĐCSVN chỉ đạo và thực thi, còn dân gian thì mỉa mai rằng, đó là một nền tư pháp chuyên xử các bản án “bỏ túi”.

Hình minh họa. Dự án đường sắt Cát Linh  - Hà Đông có vốn Trung Quốc bị trễ tiến độ nhiều lần và đội vốn

Hình minh họa. Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có vốn Trung Quốc bị trễ tiến độ nhiều lần và đội vốn. AFP

Nhưng ngoài đại án MobiFone - AVG, chúng ta hiện đang có tới 12 dự án “đắp chiếu”. Liệu cái “lò vôi” của Nguyễn Phú Trọng có dám “tôi” vụ nào trong số này, đặc biệt là những vụ có yếu tố Trung Quốc? Tổng đầu tư sau khi đội vốn lên tới 64.000 tỷ VND, tăng gần 50% tổng vốn ban đầu. Tính đến năm 2018, tổng nợ của các dự án này là gần 60.000 tỷ VND. Quả thật là những con số khủng khiếp! Tất cả đều là các dự án đầu tư công, có đặc điểm chung là yếu kém từ khâu xây dựng, thẩm định đến kiểm tra, giám sát tiến độ dự án. Một phân ba các dự án này là tiền vay ODA Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc, triển khai dự án là phải nhận tổng thầu Trung Quốc theo hình thức “chìa khóa trao tay” với thiết bị công nghệ “bãi rác”. Tổng thầu Trung Quốc nhiều yếu kém, chậm tiến độ, đội vốn. ODA Trung Quốc lãi suất rất cao tới 3%/năm, trong khi các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ 1 - 1,5%/năm . Tổng thầu Trung Quốc còn tính thêm phí quản lý, phí cam kết mỗi thứ 0,5%/năm, khiến vốn đội lên năm này qua năm khác. Đặc biệt, xử lý các dự án thua lỗ này cần có lộ trình và chế tài mạnh hơn, không thể đề ra thời hạn rồi tiếp tục bị lùi mà không ai chịu trách nhiệm.

Đất nước có bao giờ được như thế này chăng? Tổng chủ Nguyễn Phú Trọng từng cao hứng “tự sướng” như thế. Quả thật đất nước chưa bao giờ có nhiều đại án và các dự án “buồn” thế này. Chẳng ở đâu có nhiều quan chức, doanh nhân bị tù đày nhiều như ở Việt Nam. Thế nhưng có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi tại sao như vậy không? Một khi hệ thống đã mắc lỗi thì dù có “xử” cả dãy hàng trăm người, “khui ra” cả trăm vụ việc thì liệu hệ thống ấy có khả năng phục hồi lại được không? Từ hồi xử đại án Năm Cam, dư luận đã yêu cầu, phải xử luôn cả cái cơ chế đẻ ra Năm Cam, chứ không chỉ bản thân vụ án. Lần này, dư luận chắc chắn sẽ yêu cầu phải xử cả cái hệ thống sinh ra các đại án và những dự án “đắp chiếu” ấy. “Lỗi hệ thống là một loại lỗi từ gốc đến ngọn, từ lý thuyết đến mô hình”, cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã từng nã đại pháo thẳng vào dinh luỹ của nhóm bảo thủ trong ĐCSVN như thế cách đây hàng chục năm có lẻ. Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống vẫn “dặt dẹo” một bước tiến hai bước lùi trên con đường bất định cho đến ngày hôm nay. Nhưng trong một thể chế toàn trị như Việt Nam và Trung Quốc, “buồn” nhiều khi cũng mắc tội hình sự! “Buồn” có thể là một “âm mưu” nào đó từ các thế lực thù địch (?!)

Thay kết luận

Qua cái nhìn riêng rẽ từ một vài khía cạnh của các hiện tượng đối ngoại và đối nội nói trên, chúng ta nhận ra thực tế, ngày nay không thể có cuộc hội nhập toàn diện với thế giới dân chủ, văn minh khi mà pháp luật trong nước lại nhập nhèm đến thảm hại như vậy. Về đối ngoại, càng không thể nói một đằng, làm một nẻo. Vừa muốn tranh thủ Mỹ và thế giới phương Tây, ngửa tay nhận “quà biếu”: các tầu tuần tra hiện đại và cả hiệp định thương mại thế hệ mới với châu Âu, nhưng mặt khác lại “tốc váy” chửi Mỹ và các nước dân chủ như một bà già mất gà ở nhà quê. Nền ngoại giao “bắt bí” của Kim Jong-un cho thấy là bất khả thi. Nếu ai đó đặt hy vọng vào nền ngoại giao “Chí Phèo”, chắc chắn cũng sẽ thất bại. Bài viết trên tờ “QĐND” ngày 23/12 nếu là một bài viết theo đơn đặt hàng thì chẳng đáng bàn, nhưng nếu đó là một tuyên bố chính sách thì thật là đại hoạ cho đất nước. “Khấu đầu” trước kè thù nhưng lại dối trá, không thực tâm với bạn bè, đối tác đang giang tay cứu mình, đó là não trạng của những kẻ hoảng tưởng và rối loạn nhân cách, không xứng đáng ở vị trí lãnh đạo quốc gia. C.T.

_______

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/vietnam-2020-how-to-engage-and-to-adapt-12272019094415.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn