Đến tận cửa tử mới xùy đô la (1)

BBC Tiếng Việt

Nói về việc kiên cường bám lấy 3 triệu đô la nhận hối lộ của Phạm Nhật Vũ cho đến tận phút cuối cùng, “một đô cầm chắc, một cắc không thò” thì Nguyễn Bắc Son và toàn thể gia đình con cái ông ta đúng là giữ được bản lĩnh của người Cộng Sản.

Bái phục con nhà nòi!

Bauxite Việt Nam

*** 

Thử toẹt chút chơi

Ngày 2.6.2015, Thủ tướng Dũng trực tiếp ký quyết định 752/QĐ-TTg sáp nhập Đài truyền hình kỹ thuật số VTC thuộc Bộ Thông tin và truyền thông do bộ trưởng Son quản lý vào VOV-Đài Tiếng nói Việt Nam.

VOV chuyên nói bỗng dưng chả mất xu nào lại có cả phương tiện truyền thông... hình VTC.

Sáu tháng sau ngày 14.12.2015, Lê Mạnh Hà con trai của đại tướng Lê Đức Anh thay mặt Văn phòng Chính phủ ký công văn số 2678 công bố ý kiến cũng của Thủ tướng Dũng nhưng lần này là cho phép Tổng công ty viễn thông MobiFone cũng của bộ Thông tin và Truyền thông tức là cũng thuộc quyền quản lý của bộ trưởng Son, mua AVG để làm... truyền hình.

Tại sao ban lãnh đạo MobiFone hiện đang xếp hàng vào tù nói rằng từ lâu muốn mở rộng kinh doanh sang lãnh vực truyền hình lại không yêu cầu bộ trưởng Son và thủ tướng Dũng cho mình quản lý đài truyền hình VTC để khỏi mất xu nào?

Phải chăng việc mua AVG là kế hoạch không do ban lãnh đạo MobiFone ủ... mưu mà do ai đó ngoài MobiFone?

Ai đó dàn mưu quy trình MobiFone mua AVG hợp lý nên đã vội vàng tống khứ ngay VTC khỏi bộ TT-TT qua VOV.

Ai đó là ai?

Tài sản của Dân trong tay các quan cứ như mớ tôm mớ cá ngoài chợ thế này chả trách nợ công mỗi ngày Dân è cổ gánh chất chồng.

***

Trung tướng Hữu Ước kể gã nghe, một ngày đẹp giời 5 năm trước đại tướng Đại Quang gọi lên rồi lệnh: bàn với AVG phối hợp cơ sở vật chất của AVG
mở kênh truyền hình An ninh. Trung tướng phải tuân lệnh đại tướng là đương nhiên.

Tại sao đại tướng Đại Quang trăm công ngàn việc lại quan tâm ưu ái đến vị thế một công ty tư nhân như AVG như thế để tạo điều kiện cho AVG đứng ra cung cấp cơ sở vật chất cho một kênh truyền hình An ninh rất quyền uy?

Trung tướng Hữu Ước bảo: thôi, ông ấy mất rồi...

AVG của nhà Nhật Vũ ra đời 2011 thuê sóng và mua sóng nhiều đài truyền hình để làm Truyền hình An Viên. Ở thể chế này tư nhân không được phép làm truyền hình nhưng xưa nay vẫn làm báo và đài núp... bóng.

AVG đình đám tập hợp các anh tài truyền thông liên tục phát sóng, trong đó cả một kênh liên quan Phật pháp mà ông chủ Nhật Vũ là Phật tử.

Nhưng như trung tướng Hữu Ước thừa nhận do ào ào chi ngông mà thu không bao nhiêu nên AVG chỏng gọng lỗ.

Đúng lúc chỏng gọng đó vớ được công văn vào cầu này làm sao các ông chủ AVG không tưng bừng sướng cho được?

Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ký công văn 2678 gửi Bộ Thông tin và truyền thông truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng như sau:

Sau khi xem xét đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông và ý kiến các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an về Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu để phát triển dịch vụ truyền hình.

Một thế trận đã được bung ra với đủ lực lượng... đúng quy trình.

Với quy trình ấy thì ý kiến của thủ tướng Dũng là quyết định cao nhất và cuối cùng.

Vì thủ tướng Dũng, người có toàn quyền thay mặt nhà nước quản lý các tập đoàn kinh tế nhà nước cho phép MobiFone một công ty nhà nước vốn chỉ có chức năng kinh doanh mảng điện thoại có thêm chức năng làm dịch vụ truyền hình, không những thế trong công văn này còn thể hiện chỉ đạo của thủ tướng cho phép MobiFone mua đích danh AVG để làm truyền hình nữa.

Nếu không có ý kiến này thì không thể có chuyện MobiFone mua AVG dù với giá nào
để rồi ngày hôm nay lũ lượt các quan chức ra toà.

Phiên toà mới luẩn quẩn các giấy phép con mà Son và Tuấn chỉ đạo, ký nhưng chưa đụng đến giấy phép mẹ này.

Phiên toà mới đụng đến trách nhiệm của các nhà quản lý trực tiếp MobiFone chứ chưa đụng đến trách nhiệm liên quan của những người quản lý các nhà quản lý MobiFone.

Một cây cầu ở thủ đô Seoul bị đổ, thị trưởng bị lên án và thủ tướng nhận trách nhiệm liên đới đã cúi gập mình xin lỗi toàn Dân và từ chức.

Thật tiếc rằng để toàn bộ sự cố MobiFone ô nhục cho thể chế này xảy ra với án tử hình cho thuộc cấp của mình, thủ tướng Dũng không một lời nhận trách nhiệm.

Liêm sỉ phải chăng là thứ cấm kỵ bất thành văn ở thể chế này?

Lưu Trọng Văn

Ông Nguyễn Bắc Son tại tòaBản quyền hình ảnhTTXVN - Ông Nguyễn Bắc Son tại tòa

Gia đình cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã nộp lại toàn bộ số tiền bị truy tố tội nhận hối lộ.

Truyền thông tại Việt Nam cho hay tổng số tiền 66 tỉ đồng ở dạng "tiền mặt" đã được nộp nhằm khắc phục hậu quả với hành vi nhận hối lộ.

Chứng từ nộp tiền được gia đình gửi đến tòa một ngày trước khi TAND TP Hà Nội theo dự kiến tuyên án hai cựu bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bị cáo khác trong vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG.

Hôm 20/12, cơ quan công tố đề nghị mức phạt tử hình với ông Nguyễn Bắc Son cho tội "Nhận hối lộ".

Ông Son cũng bị đề nghị 16-18 năm tù về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và được cho là "người đứng đầu và chịu trách nhiệm cao nhất" trong đại án này.

Hôm 24/12 ông Son nói tại phiên tòa rằng "Hôm nay, qua Hội đồng Xét xử, một lần nữa, cho phép bị cáo gửi đến Tổng bí thư, đến Đảng, Nhà nước và nhân dân lời xin lỗi chân thành nhất".

Cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng bị đề nghị phạt tù với hai tội giống bị cáo Nguyễn Bắc Son với tổng hình phạt là 14-16 năm tù.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác năm 2020 của ngành Kiểm sát nhân dân tại Hà Nội sáng 27/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã đề cập tới vụ án AVG.

"Đây là lần đầu tiên làm rõ vụ án đúng là vụ án tham nhũng và tham nhũng với quy mô lớn. Thứ hai, đối tượng phạm tội là cán bộ cấp cao, 2 bị cáo nguyên là 2 Ủy viên Trung ương, đều ở vai trò lớn, ở mức án phải nói là cao nhất.

"...Với tinh thần 'trị bệnh cứu người', nếu ai khắc phục đúng tinh thần của Đảng, khắc phục được hết thì chúng ta khoan hồng," ông Trần Quốc Vượng nói.

Trong khi đó bị cáo Phạm Nhật Vũ, cựu chủ tịch AVG, người đưa hối lộ cho hai cựu bộ trưởng và các bị cáo khác, bị đề nghị phạt từ 3-4 năm tù.

Ông Pham Nhật Vũ chỉ bị đề nghị án 3-4 năm tùẢnh: BO CONG AN VN - Ông Pham Nhật Vũ chỉ bị đề nghị án 3-4 năm tù

Cơ quan công tố mô tả bị cáo Phạm Nhật Vũ đã "chủ động khắc phục toàn bộ" thiệt hại và "đã tự thú tội và ăn năn hối lỗi".

Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015 qui định mức hình phạt cao nhất đối với tội Đưa hối lộ là 20 năm tù nếu của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên.

Truyền thông tại Việt Nam đưa tin hơn 2000 cá nhân và tổ chức ký tên xin khoan hồng cho bị cáo Phạm Nhật Vũ, một động thái chưa có tiền lệ trong lịch sử tố tụng tại Việt Nam và gây phản ứng trái chiều trên mạng xã hội.

Trong quá trình xét xử, vợ bị cáo Phạm Nhật Vũ nói tại tòa rằng chồng mình là người duy nhất trong lịch sử các vụ án ở Việt Nam đã chủ động khắc phục toàn bộ hậu quả với số tiền lớn như vậy.

Bà Kolmakova Ekaterina Valerievna, công dân Nga, nói rằng ông Phạm Nhật Vũ "có cơ hội trốn ra nước ngoài nhưng đã ở lại để vay tiền khắc phục hậu quả và "đang mang khoản nợ gần 1.000 tỷ".

Phạm Nhật Vũ, sinh năm 1972, là em trai tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng nghiên cứu chiến lược - Bộ Công an) hồi tháng Chín cho rằng vụ án đã làm lộ rõ lỗ hổng khủng khiếp trong quản lý kinh tế của Việt Nam khi có cả bộ máy nhưng để một vài cá nhân thao túng.

Tướng Cương cũng đề cập đến vấn đề mà nhiều người thắc mắc. Đó là số tiền thất thoát lên tới gần 9000 tỷ đồng nhưng các bị can khai chỉ dùng khoảng 140 tỷ cho việc đưa - nhận hối lộ.

"Họ dùng số tiền chiếm tỷ lệ rất nhỏ để hối lộ, lại quả cho một số lãnh đạo. Vậy số còn lại vào túi của ai", ông Cương nói.

Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng cũng chia sẻ quan điểm này.

Ông được báo Zing.vn dẫn lời nói rằng "Thu hồi được tài sản là việc tốt nhưng không có nghĩa là thu hồi xong sẽ không tiếp tục xem xét, làm rõ sai phạm nữa. Chúng ta phải tiếp tục điều tra rõ xem còn ai được hưởng lợi từ khoản tiền hàng nghìn tỷ trong thương vụ MobiFone mua AVG".

Trong phiên xét xử vào ngày 18/12, cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son nói rằng mình chỉ bút phê chỉ đạo cấp dưới ký phê duyệt đầu tư dự án theo "tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ."

Người đứng đầu chính phủ Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50925404

(1) Đầu đề do BVN đặt.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn