Cuộc đối thoại giữa hai linh hồn ở Đường Lâm


TS. Đinh Hoàng Thắng

Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh và Thám hoa Giang Văn Minh, hai sứ thần Đại Việt ở Trung Quốc – tuy cách nhau hơn 400 năm nhưng là hai tâm hồn đồng điệu – đã luận bàn về tinh thần kẻ sĩ, nạn nhũng lạm và một số vấn đề thời sự khác của nước Việt hiện nay tại buổi hội ngộ đầu tiên vào đêm mồng 5 rạng mồng 6 tháng Giêng 2020 tại xứ Gò Đõng, Đường Lâm, thành trấn Sơn Tây, cách Hà Nội 44km nhằm hướng Tây Bắc.
*

“Mừng Lão tướng đã thoát khỏi một kiếp người và cảm ơn ông đã chủ động yết kiến để luận bàn về thế sự: ‘Sống hay không sống? Đi tới hay lụi tàn?’. Vẫn biết uyên nguyên của chủ đề này đâu phải chỉ là vấn nạn của riêng ta hay của riêng xứ Đại Việt, nhất là trong bối cảnh kế hoạch của Trung Quốc giành quyền kiểm soát Biển Đông ngày càng nóng lên. Việt Nam không can thiệp vào nội bộ nước khác, nhưng cũng không để cho ai quẳng rác hay xả đạn sang nhà mình. Trung Quốc không có tư cách gì để mượn việc gây hấn trên Biển Đông nhằm giải tỏa bớt mâu thuẫn riêng của họ. Cảm ơn nhà viết kịch vĩ đại Shakespeare từ xứ sương mù đã đồng hành trong việc kết hợp giữa cõi đời với cõi tiên, giúp chúng ta giải bày nỗi trăn trở về lẽ sống, về ước vọng của con người trong mọi thời đại”… Sứ thần Giang Văn Minh vào đầu câu chuyện.
Ông vốn sinh ra tại xã Đường Lâm này (thị xã Sơn Tây), từng đỗ Thám hoa khoa Mậu Thìn, đời Vua Lê Thần Tông (năm 1628). Năm ấy không có ai đỗ Trạng nguyên hay Bảng nhãn, vì vậy, ông là người đỗ cao nhất. Năm 1637, vua Lê Thần Tông sai Giang Văn Minh làm chánh sứ sang tuế cống nhà Minh.
Nhà ngoại giao Nguyễn Trọng Vĩnh cách Thám hoa Giang Văn Minh 400 năm (để tránh tên húy các ngài, từ nay xin được nhắc danh xưng của “nhị vị” là Lão tướng và Thám hoa). Trong buổi hội ngộ đầu tiên, Lão tướng và Thám hoa đã trở thành đôi bạn vong niên. Thám hoa thăm hỏi Lão tướng: “Ông đi đường lâu thế? Ta đã cho người đón Lão tướng sau Noel (26/12/2019), thế mà mãi đến giờ này, sang năm 2020 mấy ngày rồi Lão tướng mới tới đây là sao?” (Cười!)
Mộ Thám hoa Giang Văn Minh

Biết là Thám hoa đang vui vì gặp tri kỷ, Lão tướng trần tình: “Thời của tôi phức tạp hơn thời các tiên sinh. Trước hết, tôi phải xin ra khỏi khu Mai Dịch để được an táng tại Xứ đồng Gò Đõng này với Cụ”.

Mộ Lão tướng và vợ. Nguồn ảnh: FB Nguyễn Xuân Diện

Thám hoa không dấu nỗi ngạc nhiên: “Ôi, tôi tưởng vào cỡ ‘công thần’ như ông thì còn phải xin với xỏ cái gì, mọi chuyện cứ tuỳ ý mình thôi chứ!”.
“Không! Không đơn giản như thế. Tất cả theo quy định, tiêu chuẩn tôi ‘phải táng’ trong đấy, nay ‘muốn an táng’ bên ngoài phải xin phép”, Lão tướng giải thích tiếp: “Thì đấy, con cháu tôi đang xin cho bà nhà tôi ra khỏi Mai Dịch về đây nhưng chưa được. Bà ấy từng là Uỷ viên Xứ uỷ Bắc Kỳ, chúng tôi an táng bà ấy trong Mai Dịch từ năm 2010”.
Thám hoa nghe ù cả tai, chóng cả mặt liền hỏi: “Tại sao chết rồi mà vẫn phân biệt chỗ chôn như thế?”.
Lão tướng phân bua: “Vâng, chúng tôi hứa xây dựng một xã hội công bằng, nhưng thưa tiên sinh, xã hội ấy vẫn có người bình đẳng nhiều, có người bình đẳng ít, tuỳ theo đánh giá của tổ chức”.
Thám hoa chủ động chuyển “topic” vì thấy câu chuyện đi vào ngõ cụt, hỏi tiếp: “Trước khi tới đây, ông đã dặn lại con cháu những điều quan trọng nhất đang làm dở chưa?”
Được lời như cởi tấm lòng, Lão tướng giải bày: “Đương nhiên là đã, thưa tiên sinh, tôi đã dặn con gái đầu, đừng lo điếu phúng rườm rà phức tạp, mà phải tiếp tục chí bền, gìn giữ và phát huy tinh thần kẻ sĩ bao lâu nay của nếp nhà”.
Thám hoa chợt hỏi: “Kẻ sĩ Đại Việt ngày nay liệu đã vượt thoát khỏi vòng kim cô của Hán triều thời hiện đại?”.
Lão tướng phân trần: “Chuyện kẻ sĩ thời nay dài lắm. Xưa, Tôn Ngộ Không chỉ có một vòng kim cô, thời nay, ngoài cái ‘gông’ của Đại Hán còn nhiều vòng kim cô khác, đặc biệt nguy hiểm là di sản ‘hủ Marx’, tư duy nhiệm kỳ. Các vòng kim cô này huỷ hoại tư duy kiến tạo và giải pháp đột phá. Điều đáng tiếc là số trí thức dũng cảm phản biện các chủ trương chính sách chưa nhiều, nhưng điều đáng tiếc hơn là chính quyền ít khi chịu lắng nghe họ. Nhìn chung, sức dự báo và định hướng dư luận xã hội của kẻ sĩ thời nay chưa cao”.
“Ồ, chính trong bối cảnh ấy, ta càng bái phục Lão tướng trong vai trò ‘chim báo bão’, mang trong mình tinh thần của tiền nhân như Chu Văn An, Ức Trai và dám chủ động 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' để trở thành nhà yêu nước hợp thời cuộc”. Thám hoa tỏ ra hiểu biết sâu sắc về người hàng xóm mới dọn đến, đánh giá cao “chất kẻ sĩ” trong Lão tướng: “Ta trân trọng khí phách của ông, nhất là những kiến nghị, vừa thực tiễn vừa khoa học trong các đề xuất chống lại nạn nhũng lạm mà hình như ở trên ấy các ông coi là ‘quốc nạn’ đúng không?”.
Lão tướng: “Đa tạ Thám hoa, tôi chưa có công trạng gì. Đến cái lò của ông Tổng chủ thiêu cả củi khô lẫn củi ướt mà dư luận vẫn còn ì xèo, vì hình như vẫn còn khu vực cấm, vẫn bị cho là cuộc đấu tranh giữa các nhóm lợi ích nhiều hơn là cuộc tổng công kích để dẹp ‘quốc nạn’”.
Cả Lão tướng lẫn Thám hoa cùng im lặng nghe bản tin từ Liên Hiệp Quốc: “Thực tế là hàng năm, Việt Nam vẫn tiếp tục 'góp lửa' vào danh sách nước có tỷ lệ tham nhũng cao (65%), đứng thứ hai thế giới sau Ấn Độ. Với mức tăng có vẻ đều đặn, Việt Nam có mặt trong số 5 nước bị dư luận cho là 'tham nhũng nhất' theo tổ chức Minh bạch Quốc tế”.
Lão tướng giải thích thêm cho Thám hoa: “Tiên sinh cứ nhìn cách quan chức trên hạ giới làm giàu, sắm hàng hiệu, cho con sang Mỹ và phương Tây học hành, khám chữa bệnh… sẽ thấy niềm tin của họ đang đặt vào đâu. Khi nhận ra lý tưởng cộng sản sai lầm, mọi sự tuyên truyền là giả dối, quan chức chỉ xem dân là đối tượng để họ cai trị, làm giàu trên sự đói nghèo của người dân, bán tháo tài nguyên lấy tiền nhét đầy túi riêng”.
Đang bàn về nạn nhũng lạm cả hai linh hồn bỗng chuyển đề tài. Thám hoa chất vấn Lão tướng về câu chuyện đặc khu và cách làm sao ngăn được chính quyền vay tiền làm đường cho Trung Quốc sử dụng. “Câu chuyện đặc khu nghe nói nhờ dân làm dữ nên có vẻ như dẹp được rồi, nhưng đề phòng họ ‘làm chui’. Còn chuyện vay tiền để làm đường cho Tàu thì ở dưới này cũng có nghe nhưng vẫn còn bán tín bán nghi. Tại sao đang nợ đìa mà lại hè nhau đi vay tiền để làm đường cho Trung Quốc khai thác như một tuyến trung chuyển hàng Tàu dán mác Việt, xuống Hải Phòng xuất đi Mỹ là sao? Liệu Trump biết ngón gian lận này chưa? Mà hình như ông ấy đã cảnh cáo Việt Nam mình lợi dụng nước Mỹ còn tệ hơn cả Tàu, sao không lo giải quyết dứt điểm, người Mỹ họ không đùa đâu?”.
Lão tướng giải thích sự phẫn nộ của người dân trên hạ giới khi nghe Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể xúc phạm đến lòng tự tôn dân tộc. Tâm nguyện và ý chí của người dân là không để các nhà thầu Trung Quốc “dây vào” tuyến đường huyết mạch quan hệ đến an ninh quốc phòng và vận mệnh quốc gia.
Lão tướng chưa kịp giải trình xong, Thám hoa đã tới tấp: “Sao Lão tướng không kể lại câu chuyện chính ông bị ngăn cản đi lại trên tuyến đường sắt Côn Minh - Thành Đô dạo ấy? Vào cái năm nào nhỉ…? À, đúng rồi, năm 1977, Trung Quốc cố làm bằng được con đường chiến lược bí mật để năm 1979 họ chở đại quân khu Thành Đô đến biên giới đánh ta. Chính cái đại đội của Sư 150 ta bắt sống được đã khai ra như thế. Từ đấy, Thành Đô là một cơn ác mộng (nightmare), nhưng đặc biệt là trong năm 2020 này, thời điểm được coi là thời hạn cuối của ‘tiến trình Thành Đô’. Từ cõi này mà bọn ta vẫn mất ăn mất ngủ, không rõ trên ấy thì sao?”.
Lão tướng cho biết, không những ông đã kể lại khá chi tiết mọi động thái của Trung Quốc trong những năm chuẩn bị tấn công ta, mà còn hoàn thành được một tài liệu mật dưới dạng hồi ký khá công phu về kinh nghiệm 13 năm làm sứ thần trên đất Tàu cộng sản. Thám hoa tỏ ý thán phục bản lĩnh kiên cường của Lão tướng nhưng lấy làm tiếc là tài liệu đúc kết chỉ được “chôn chặt” trong két sắt Bộ Ngoại giao. Dù sao con số thống kê do Lão tướng và nhiều nhà nghiên cứu khác tổng kết đã có ý nghĩa cảnh báo. Từ Bắc thuộc đầu tiên đến khi ta giành được độc lập, qua hàng ngàn năm, Trung Quốc 12 lần gây chiến tranh lớn hòng nô dịch Đại Việt. Tuy nhiên, chỉ trong 70 năm hai nước “chung đại cục”, “chung vận mệnh”, Trung Quốc đã liên tục áp dụng nhiều chính sách làm Việt Nam suy yếu, đặc biệt là trực tiếp tiến hành 4 cuộc chiến tranh và xung đột tàn khốc.
Hai linh hồn lại trao đổi tiếp về các vấn nạn môi trường, từ nước sông Đà đến không khí bị nhiễm độc, đặc biệt là việc tích nước và giảm xả nước xuống vùng hạ lưu sông Mêkông từ đập thủy điện Cảnh Hồng bên Trung Quốc đã diễn ra trong nhiều mùa khô, giờ đây mực nước sông Mêkông hạ thấp kỷ lục trong gần 100 năm nay. Cả 10 trong 13 tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải ra công bố tình trạng thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn. Năm nay, do tác động của hiện tượng El Nino, khô hạn trở lại vùng hạ lưu sông Mêkông với mức độ nghiêm trọng hơn năm 2016. Nhiều số liệu cho thấy mực nước ở các trạm đầu nguồn Việt Nam từ Thái Lan, Lào và Campuchia đều thấp hơn nhiều năm khô hạn trước đó, ngay cả trong giai đoạn cao điểm của mùa lũ năm 2019. Có thể mức độ khô hạn và xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 sẽ nặng nề hơn và nước mặn sẽ đến sớm và tràn sâu vào nội đồng vùng ven biển và vùng giữa đồng bằng. Thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và canh tác chắc chắn sẽ xảy ra ở các tỉnh ven biển ĐBSCL.
“Về nội tình đất nước, mối lo lớn nhất của Lão tướng tới đây là gì?”, Thám hoa đột ngột chất vấn. “Thưa tiên sinh, có hai nỗi lo chính, từ lãnh đạo đến dân ai cũng biết, nhưng giải pháp thì đang bế tắc”, Lão tướng trả lời tiếp: Lo nhất là đối phó với lũ làm nội ứng cho Tàu. Theo một sĩ quan cấp tướng bên an ninh, trước đây bọn này ít thôi, nhưng hiện nay quân số chúng lên đến hàng trăm. Mà điều nguy hiểm hơn, nguyên văn vị tướng này nói, hàng trăm này đang kéo theo hàng trăm khác! Nỗi lo thứ hai là các nhóm lợi ích. Bọn này vừa có tiền vừa có quyền. Đồng dao trong khắp chốn cùng quê hiện nay là “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ tiền không nhiều/ Đào núi và lấp biển/ Không làm được thì thuê”!
Thám hoa dò hỏi tiếp Lão tướng về các sứ thần Việt Nam dưới trào cộng sản làm ăn như thế nào trên đất Tàu. Thoáng nhận ra nét âu lo trên sắc diện của Lão tướng, Thám hoa hỏi có phải Lão tướng phiền lòng về việc sứ thần và triều đình đang đôn đáo tổ chức 70 sự kiện hoành tráng để chào mừng 70 năm thiết lập bang giao hai nước?
Thấy Lão tướng không “Yes” mà cũng chẳng “No”, Thám hoa lắc đầu mấy vòng rồi khuỵ dần xuống, hình như ông có dấu hiệu choáng sốc. Đám tuỳ tùng đưa Thám hoa vào phòng nghỉ ngơi. Lão tướng còn lại một mình trong phòng khách, băn khoăn tự hỏi, nếu cứ thế này thì quốc gia sẽ tiến lên hay lụi tàn. Tại sao đất nước lại “không muốn phát triển” như nhà nghiên cứu Phạm Chi Lan đã tổng kết! Lão tướng thiếp đi trong tiếng khua chiêng gõ mõ của lũ âm binh vừa đi xem chính quyền thành phố Hồ Chí Minh huy động 4.000 người diễn tập đàn áp, chống “tập trung đông người” biểu tình. Bọn này từ Sài Gòn đã về đến cổng tam quan, đang náo động sân đình. Không khí trở nên ngột ngạt, đầy lo âu. Linh cảm về những biến động dữ dội sắp xảy ra, Lão tướng – Nhà ngoại giao cáo từ lên kiệu trở về biệt viện. Cụ cũng không ngờ, cuộc đối thoại đầu tiên này lại tạo ra bầu không khí bi tráng bao trùm không gian Xứ đồng Đõng như vậy. Thế giới âm cũng sống trong lo âu và sợ hãi. Sợ hãi những vẫn còn hy vọng! Có cái gì đó đang sụp đổ ở đây? Hy vọng sẽ có đột phá nào cho năm 2020 này? Hai hồn ma cùng hiện lên một lúc để đàm đạo về các nỗi lo của trần thế phải chăng là điềm báo trước điều gì đó khác thường cho đất nước?
***

Chú thích của người kể chuyện:

“Giai thoại ghi lại như sau: Khi Thám hoa Giang Văn Minh vào triều, vua Tàu đã ngạo mạn ra một vế đối bắt sứ thần Đại Việt đối lại. Vế đối ra là: “Đồng Trụ chí kim đài dĩ lục”, nghĩa là: Cột đồng đến nay rêu mọc xanh. Ý nhắc lại việc xa xưa, khi Mã Viện đàn áp được cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã dựng một chiếc cột đồng rồi khắc lên đó mấy chữ: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” nghĩa là khi nào chiếc cột đồng này gãy thì xứ Giao Chỉ sẽ bị diệt vong. Vua nhà Minh hàm ý chẳng bao lâu nữa An Nam sẽ bị quân phương Bắc kéo sang tiêu diệt. Không để cho kẻ khác làm nhục quốc thể, Thám hoa đã dùng sự tích quân Nam Hán bị Ngô Quyền dìm chết trên sông Bạch Đằng năm 938 để đối lại: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng”, nghĩa là: Sông Bạch Đằng từ xưa máu còn đỏ đó. Vế đối là một lời cảnh cáo, khi đó được xem như cái tát thẳng vào mặt hoàng đế nhà Minh trước đông đảo văn võ bá quan và sứ bộ các nước. Vua Minh giận tím mặt, quên mất thể diện thiên triều, bất chấp luật lệ bang giao, đã trả thù bằng cách trám đường vào miệng và mắt ông, rồi cho người mổ bụng "xem bọn sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu". Đó là ngày 2 tháng 6 năm Kỷ Hợi 1639. Năm ấy ông 66 tuổi”.

Đ.H.T.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn