Kiến nghị các tỉnh không được phản đối điện than: Vô lý

Minh Thái

(Khoa học) - Theo một số ý kiến, đề nghị các địa phương phía Nam không được phản đối nhiệt điện than của Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN là vô lý.

Tại hội nghị Tổng kết ngành Công Thương diễn ra vào hôm 27/12, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã có những đề xuất, kiến nghị xung quanh việc phát triển các dự án nguồn điện.

Cụ thể, theo báo Lao động, để đảm bảo hệ thống điện, ông Ngãi cho biết, bên cạnh chủ đầu tư phải đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện lớn giai đoạn 2021-2025 và sau năm 2025, thì cũng cần tăng cường mua điện từ Trung Quốc và Lào.

Đặc biệt, ông Trần Viết Ngãi đề nghị Thủ tướng chỉ đạo một số tỉnh phía Nam không được phản đối một số dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương mình.

Theo lý giải của ông Ngãi, với công nghệ hiện đại sử dụng lò siêu tới hạn, do đó các nhà máy nhiệt điện than hiện tại và tương lai không gây ảnh hưởng môi trường lớn, cần được khuyến khích làm nguồn điện chủ lực.

Do tình hình cấp bách các dự án nguồn điện phía Nam bị chậm tiến độ, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng kiến nghị Thủ tướng ít 2 tháng 1 lần trực tiếp nghe chủ đầu tư các dự án nhiệt điện than khí; các tổng thầu, các tập đoàn, các địa phương xem xét tháo gỡ vướng mắc khó khăn để có chỉ đạo cụ thể.

Trao đổi với TBKTSG về đề xuất trên, ông Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ và là một chuyên gia về môi trường nhấn mạnh, đây là đề xuất vô lý và trái với những quy định đã có.

Ông Tuấn cho biết, theo quy định, đối với các dự án nhiệt điện than khi triển khai làm báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đều có phần bắt buộc là phải tham vấn ý kiến cộng đồng, tức hỏi ý kiến của người dân sống trong khu vực dự án và ý kiến của địa phương.

Một dự án nhiệt điện than tại Đồng bằng sông Cửu Long

“Tham vấn có nghĩa là đi hỏi ý kiến của địa phương, của người dân xem họ có đồng ý hay không mới triển khai, nhưng ở đây lại đề nghị các tỉnh không được từ chối, như vậy còn tham vấn làm gì nữa?”, ông nêu vấn đề và cho rằng Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam thấy có nhiều địa phương đã từ chối điện than nên mới đề xuất như vậy. “Nhưng đề xuất đó là vô lý, trái quy định”, ông Tuấn tái nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội đồng khoa học năng lượng thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tuy không trả lời thẳng vào câu hỏi, nhưng cho rằng việc lựa chọn nguồn điện để phát triển, thì có nhiều phương án khác nhau, bao gồm có nhiệt điện than, điện gió, điện mặt trời, thủy điện…

Tuy nhiên, theo ông Duệ, việc quyết định lựa chọn nguồn năng lượng nào để đầu tư, thì địa phương phải đặt trong bài toàn tổng thể khi xét về yếu tố kỹ thuật, kinh tế và môi trường.

“Phương án nào có lợi thì chọn”, ông nhấn mạnh và giải thích có lợi tức là phải đảm bảo được kỹ thuật tốt; suất đầu tư và giá thành điện năng phải rẻ; không ảnh hưởng đến môi trường, tức không gây phát thải khí nhà kính, khói bụi..., ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Liên quan yếu tố kỹ thuật, ông Duệ tỏ ra băn khăn: thứ nhất, thông thường kỹ thuật tốt thì giá cao; thứ hai, nhiên liệu đầu vào liệu có đảm bảo được nguồn cung cấp lâu dài hay không vì một dự án như điện than có vòng đời 20-30 năm; thứ ba, do bài toán kinh tế nên các nhà đầu tư thường chọn công nghệ rẻ, nhưng việc này nó sẽ phát sinh vấn đề ô nhiễm.

“Do đó, quan điểm của tôi là chọn cái nào phải đảm bảo tiêu chí tốt về mặt kỹ thuật, hiệu quả về kinh tế và phải đảm bảo môi trường”, ông cho biết.

TS Lê Anh Tuấn cho biết, nếu tính toán các loại chi phí, bao gồm cả về chi phí xã hội và môi trường, thì suất đầu tư vào điện than không hề rẻ so với các loại năng lượng tái tạo như: điện mặt trời hay điện gió.

“Do mình không tính vô cái phí môi trường và phí xã hội nên mình nói điện than rẻ”, ông nói.

Trước đó, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long như Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu; thậm chí mới đây Thừa Thiên-Huế cũng tuyên bố từ chối đầu tư dự án nhiệt điện than do lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường từ loại năng lượng hóa thạch này.

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2030 cả nước sẽ có hơn 70 nhà máy nhiệt điện than. Dự kiến giai đoạn 2018-2022, tổng công suất các nguồn điện đưa vào vận hành 34.864 MW, trong đó nhiệt điện than 26.000 MW, sản xuất khoảng 131 tỷ kWh (chiếm gần 50% sản lượng điện). Tuy nhiên, tới nay mới có 7 dự án nhiệt điện than được khởi công và đang triển khai xây dựng với công suất 7.860 MW, còn thiếu 18.000 MW theo yêu cầu.

Vì sao trong khi thế giới đang cắt giảm điện than do chi phí cao và ô nhiễm môi trường, Việt Nam vẫn xem đây là nguồn năng lượng quan trọng? Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lý giải, các dự án thủy điện lớn và vừa trên các dòng sông đã được quy hoạch, về cơ bản đã được đầu tư và khai thác hết.

Trong khi đó, điện gió và điện mặt trời chỉ tập trung ở một số tỉnh miền Trung, Tây nguyên, không đảm bảo ổn định cấp điện, do phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Thêm vào đó, giá điện năng lượng tái tạo (điện mặt trời khoảng 2.100 đồng/kWh và điện gió 1.900-2.200 đồng/kWh) khá cao.

Do vậy Bộ Công Thương cho rằng vẫn phải phát triển các nguồn điện than để đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển, để giá điện phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thu nhập của người dân.

Trong khi đó, trữ lượng than trong nước đang dần cạn kiệt, việc gia tăng các nhà máy nhiệt điện than theo Quy hoạch điện VII, đã đưa than lọt vào nhóm hàng nhập khẩu lớn của Việt Nam. Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu than 927 triệu USD, năm 2017 đã tăng lên 1,52 tỷ USD và 2018 vượt 2,25 tỷ USD.

Dự kiến, nhập khẩu than năm 2019 sẽ vượt mốc 3 tỷ USD. Song kịch bản nhập khẩu than với khối lượng lớn để phục vụ sản xuất điện trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức trước sự cạnh trạnh của các nước nhập khẩu than với khối lượng lớn trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc…

Việt Nam đang chịu áp lực lớn theo cam kết về chống biến đổi khí hậu, đặc biệt khi sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Cả nước hiện có 28 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành, với tổng công suất khoảng 18.000 MW, chiếm 39% trong cơ cấu nguồn điện. Điều đã được cảnh báo rất nhiều, là nguồn thải từ nhiệt điện than gồm có khí thải lò hơi, nước thải công nghiệp, chất thải rắn như tro, xỉ, rất nguy hại với môi trường.

Trong bối cảnh Việt Nam đang nằm trong nhóm nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu trong tương lai gần, nếu không có hành động ứng phó tích cực, việc hàng chục nhà máy nhiệt điện than tiếp tục được xây dựng và vận hành ít nhất 30 năm nữa, liệu có đi ngược cam kết trên của Việt Nam?

M.T.

Nguồn: https://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/kien-nghi-cac-tinh-khong-duoc-phan-doi-dien-than-vo-ly-3394250/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn