Tin ai bây giờ?

Mai Lan

Làm sao không hoang mang cho được khi buổi sáng đọc báo online thấy tin về văn bản của chính quyền TP.HCM yêu cầu cho học sinh, sinh viên nghỉ đến hết tháng 3-2020. Tới chiều, báo chí đăng tin Việt Nam chỉ còn 1 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị.

Nói thêm, tôi cũng là nhà báo và ít nhiều, tôi cũng mang máng những sự thật ẩn chứa đàng sau các tin tức “Breaking News” đó ở mùa dịch virus cúm đến từ Trung Quốc đại lục.

Hết dịch thì sao lại nghỉ học?

Theo báo chí Việt Nam thì, “Chiều 21-2, bệnh nhân Việt kiều 73 tuổi cũng sẽ ra viện tại TP. HCM. Tính từ 21-2, Việt Nam chỉ còn duy nhất 1 bệnh nhân COVID-19”. Và báo chí cũng cho hay là, “Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, hiện các tỉnh, thành phố như Thanh Hóa, Khánh Hòa, TP.HCM, đã không còn người nhiễm Covid-19 mới. Các địa phương này đang làm các thủ tục để công bố hết dịch”.

Thế nhưng ở văn bản mà báo chí đăng công khai vào sáng ngày 20-2, lại cho thấy có gì đó mâu thuẫn.

“Trước tình hình diễn biến phức tạp khó lường của dịch bệnh COVID – 19, trong đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ và chưa có dấu hiệu ổn định trong thời gian ngắn sắp tới. Với tinh thần đảm bảo sự an toàn và sức khoẻ cho học sinh luôn phải đặt lên hàng đầu và nhằm giúp các địa phương, đơn vị, cơ sở giáo dục chủ động trong việc xây dựng triển khai đồng bộ kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2019-2020 – UBND TP. HCM đã có đề xuất nêu trên” – đó là đoạn trích trong văn bản mà chủ tịch Nguyễn Thành Phong của TP. HCM kiến nghị kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên, học viên đến hết tháng 3 và điều chỉnh thời gian năm học 2019-2020.

Nguồn lây nhiễm đang tiếp tục bủa vây

Trên báo Người Lao Động ngày 20-2 có bài viết với đoạn mở đầu như sau: “Giới chức Trung Quốc khẳng định dường như tốc độ lây lan của virus đang chậm lại. Tuy nhiên, giới chuyên gia y tế thế giới cảnh báo vẫn còn quá sớm để khẳng định Covid-19 đã nằm trong tầm kiểm soát” – https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/cuoc-chien-chong-covid-19-vao-giai-doan-quyet-dinh-20200219205515349.htm

Lưu ý, ngày 13-2, hành khách trên tàu Westerdam đã cập cảng Sihanoukville của Campuchia và di chuyển đi nhiều nơi. Trong đó, có những hành khách quá cảnh tại TP. HCM. Sau khi nhận được thông tin, nhà chức trách TP. HCM đã lên các phương án xử lý những chuyến bay có hành khách đến từ tàu Westerdam, thời gian tính từ lúc cập cảng Sihanoukville chưa qua 14 ngày, nhằm đảm bảo an toàn cho những hành khách đi cùng chuyến. Hiện tại, đường bay Phnom Penh – Tân Sơn Nhất có các hãng bay đang khai thác là Vietnam Airlines, Qatar và Cambodia Angkor Air (K6). Tin tức cụ thể về số hành khách này thì báo chí chưa khai thác được.

“Nga cấm công dân Trung Quốc nhập cảnh từ ngày 20-2 vì dịch COVID-19” là bài báo trên tờ Tuổi Trẻ ngày 20-2 (https://tuoitre.vn/nga-cam-cong-dan-trung-quoc-nhap-canh-tu-ngay-20-2-vi-dich-covid-19-2020022010312616.htm). Bài báo cho biết, Hãng thông tấn RBK, sắc lệnh giới hạn đi lại đối với công dân Trung Quốc do Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ký ngày 18-2 và có hiệu lực từ ngày 20-2.

Theo Phó thủ tướng Nga Tatyana Golikova, biện pháp mạnh này được đưa ra nhằm bảo vệ sức khỏe người dân Nga trong bối cảnh tình hình bệnh dịch ở Trung Quốc diễn biến phức tạp. Vì lý do người Trung Quốc tiếp tục đổ vào Nga sau khi dịch bệnh bùng phát, việc hỗ trợ cách ly cho họ trở nên không khả thi, bà Golikova giải thích. Lệnh cấm của Nga sẽ có hiệu lực vô thời hạn, ít nhất ngày nào Trung Quốc chưa nới lỏng các biện pháp ngăn dịch trong nước.

Còn theo Bộ Ngoại giao Nga, theo chỉ thị của Thủ tướng, Nga sẽ dừng cấp visa du lịch, học tập, lao động, mục đích cá nhân… cho công dân Trung Quốc từ ngày 20-2, chỉ trừ ngoại lệ là visa công vụ, làm ăn, nhân đạo và quá cảnh.

Nếu như chính phủ Nga cứng rắn về vấn đề này thì Việt Nam lại thiếu kiên quyết, mặc dù xét về tổng thể ngành y tế, Việt Nam còn kém Nga khá xa.

Việt Nam chưa bao giờ đóng cửa với Trung Quốc

Trước thông tin Ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị yêu cầu Ngoại trưởng Việt Nam, Phạm Bình Minh “sớm khôi phục cho công dân Trung Quốc sang Việt Nam” trong một cuộc gặp tay đôi vào chiều ngày 19-2, thì chỉ một ngày sau đó, chiều 20-2, phó Phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam – ông Đoàn Khắc Việt lên tiếng như sau: “Để phòng chống dịch bệnh COVID-19 lan rộng, ảnh hưởng tới sức khỏe của công dân Việt Nam, chính phủ Việt Nam cũng như phía Trung Quốc thời gian qua đã phối hợp chặt chẽ trong giao thông vận tải hai nước, trên tinh thần chống dịch nhưng không đóng cửa, không ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, thương mại, cũng như giao lưu con người hai bên”.

Cũng theo phó Phát ngôn, Việt Nam chỉ tạm dừng qua lại ở các lối mở, đường mòn không chính thức. Còn ở các cửa khẩu, không có quy định dừng, mà chỉ có các biện pháp về quản lý dịch bệnh, trong đó có việc người Trung Quốc, người nước ngoài, kể cả người Việt Nam đến từ Trung Quốc phải chịu cách ly 14 ngày… Không có chuyện cấm hẳn giao lưu giữa hai bên.

Ngôn ngữ ngoại giao trong trường hợp này có thể hiểu một cách dân dã, là rất có thể nhiều bệnh viện dã chiến ở Việt Nam đang khẩn trương lập ra, nhằm tới ‘khách hàng’ là những người đến từ Trung Quốc sẽ được ‘mời’ vào ở đây miễn phí trong nửa tháng với lý do ‘cách ly 14 ngày’. Số tiền bạc mà ngân sách quốc gia của Việt Nam phải gánh chịu trong trường hợp này, có lẽ sẽ ‘giúp’ cho đồng hồ nợ công của Việt Nam thêm nhảy múa…

“Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” thì đành phải vậy thôi, có gì đâu mà phải hoang mang!

Thay lời kết

Thủ tướng Australia Morrison tuyên bố gia hạn lệnh cấm với những người đến từ Trung Quốc để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm virus corona.

“Uỷ ban An ninh Quốc gia hôm nay đã quyết định rằng các trường hợp nhiễm virus corona tiếp tục gia tăng ở Trung Quốc đại lục khiến chúng ta cần phải siết thêm hạn chế đi lại với công dân nước ngoài tới Australia thêm một tuần nữa, tới ngày 29-2”, Thủ tướng Scott Morrison ra tuyên bố hôm 20-2.

Người dân Australia cũng được khuyến cáo không tới Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Qantas Airways, hãng hàng không lớn nhất Australia, cũng thông báo hoãn các chuyến bay thẳng từ Sydney đến Bắc Kinh và Thượng Hải kể từ ngày 9-2.

M.L.

VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn