Một số ý kiến về bài viết của ông Nguyễn Phú Trọng

*

ĐÔI ĐIỀU VỀ MỤC TIÊU NĂM 2025, 2030, VÀ 2045 CỦA VIỆT NAM

Nguyễn Ngọc Chu

Ngày 02/9/2020 Cồng TTĐT Chính phủ giới thiệu bài viết của TBT CTN Nguyễn Phú Trọng có tiêu đề "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới". Trong bài viết có nêu ra mục tiêu cho các năm 2025, 2030 và 2045. Cụ thể là:

- Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

- Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

- Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

(http://baochinhphu.vn/…/Chuan-bi-va-tien-hanh-th…/405735.vgp).

VÀI SỐ LIỆU VỀ XẾP HẠNG THU NHẬP GDP BÌNH QUÂN ĐẦU NGƯỜI

1. Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế năm 2019 thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2019 là 2 750 USD xếp thứ 129/187 quốc gia.

Trong bảng thống kê này, Singapore có thu nhập GPD bình quân đầu người 64 041 USD xếp thứ 7, Úc xếp thứ 10 (56 352 USD), Nhật Bản xếp thứ 24 (39 306 USD), Hàn Quốc xếp thứ 28 (31 346 USD), Kuwait xếp thứ 30 (30 839 USD), Slovakia xếp thứ 40 (19 582 USD), Palau xếp thứ 50 (16 091USD), Nga xếp thứ 60 (11 327 USD), Malaysia xếp thứ 63 (10 942 USD), Trung Quốc xếp thứ 67 (9 608 USD) Serbia xếp thứ 80 (7 243 USD), Thái Lan xếp thứ 81 (7 187 USD), Iraq xếp thứ 90 (5 930 USD), Tonga xếp thứ 100 (4 666 USD), Indonesia xếp thứ 115 (3 871 USD), Philippines xếp thứ 127 (3 104 USD).

2. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới năm 2017 thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2017 là 2 343 USD xếp thứ 133/186 quốc gia.

Trong bảng thống kê này, Thuỵ Sĩ có thu nhập GPD bình quân đầu người 80 190 USD xếp thứ 3, Vương quốc Anh xếp thứ 22 (39 720 USD), Slovenia xếp thứ 35 (23 597 USD), Hy Lạp xếp thứ 40 (18 613 USD), Chile xếp thứ 50 (15 346 USD).

3. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc năm 2017 thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2017 là 2 342 USD xếp thứ 135/192 quốc gia.

Trong bảng thống kê này, Mỹ có thu nhập GDP bình quân đầu người là 60 055 USD xếp thứ 9, Đức xếp thứ 18 (44 976 USD), Tây Ban Nha xếp thứ 33 (28 354 USD), Latvia xếp thứ 50 (15 625 USD), Lào xếp thứ 134 (2 457 USD).

(https://vi.wikipedia.org/…/Danh_s%C3%A1ch_c%C3%A1c_qu%E1%BB…)

CÂU HỎI VỀ VỊ TRÍ VIỆT NAM?

1.

- “Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp”.

“Qua mức trung bình thấp” ở đây là bao nhiêu USD và giữ vị trí bao nhiêu trên bảng xếp hạng? Thứ 90? 100?

Xin lưu ý rằng, nếu bảng xếp hạng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế năm 2019 xếp Tonga thứ 100 với thu nhập GDP bình quân đầu người là 4 666 USD thì đến năm 2025 vị trí thứ 100 sẽ có thu nhập GDP bình quân đầu người lớn hơn 4 666 USD. Đó là do sự thay đổi sức mua của tiền tệ và sự tiến bộ của tất cả các nước. Các nước đều tiến lên, chứ không phải các nước dừng cho mỗi một mình Việt Nam tiến lên. Cho nên, ước lượng rằng, vị trí thứ 100 vào năm 2025 sẽ có mức thu nhập GPD bình quân đầu người lớn hơn 6000 USD.

Bởi vậy, đến năm 2025 Việt Nam có được xếp hạng ở vị trí trong khoảng 90 - 100 không? Thu nhập GDP bình quân đầu người của Việt Nam vào năm 2025 có vượt 6000 USD không?

Có nguồn tin cho biết có thể Việt Nam đến năm 2025 đạt thu nhập GDP bình quân đầu người là 4 688 USD. Con số này không đưa Việt Nam lọt vào top 100.

(https://vnews.gov.vn/…/viet-nam-se-thanh-nuoc-co-thu-nhap-t…)

2.

- “Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao”.

Thu nhập trung bình cao là bao nhiêu USD? và tương ứng là vị trí thứ bao nhiêu trên bảng xếp hạng?

Thu nhập trung bình cao phải tương đương với vị trí xếp hạng trong khoảng 40 - 50. Tương ứng theo giá trị năm 2019 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là Slovakia (19 582 USD, vị trí 40) và Palau (16 091 USD, vị trí 50).

Nhưng nếu tính sự thay đổi sức mua của tiền tệ và sự tiến bộ của các nước khác, thì để có vị trí thứ 50 vào năm 2030, tối thiểu phải có thu nhập GDP bình quân đầu người từ 22 000 USD trở lên.

Việt Nam có thể đạt được con số 22 000 USD vào năm 2030?

Theo tính toán của ngân hàng Standard Chartered Ấn Độ thì với tốc độ tăng trưởng GDP 7% năm, đến năm 2030 thu nhập GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt 10400 USD.

(http://tapchitaichinh.vn/…/thu-nhap-binh-quan-dau-nguoi-cua…)

3.

- “Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Thu nhập cao phải nằm ở vị trí 1-30 trên bảng xếp hạng thế giới. Theo bảng xếp hạng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế năm 2019 thì vị trí thứ 30 là của Kuwait (30 839 USD).

Đến năm 2045, để giữ được vị trí thứ 30 thì thu nhập GDP bình quân đầu người phải đạt được ở mức khoảng 55 000 - 60 000 USD, tương đương với thu nhâp GPD bình quân đầu người của Úc năm 2019 (56 352 USD, vị trí 10).

CHỈ LẬP KẾ HOẠCH 5 NĂM

Mỗi nhiệm kỳ chỉ có 5 năm. Cho nên chỉ lập kế hoạch 5 năm. Đừng đặt kế hoạch hộ đời sau. Vì trước hết là không bao giờ đúng. Thời cựu TBT Nông Đức Mạnh đã đặt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp. Mục tiêu đó đã trở thành mục tiêu hão (https://tuoitre.vn/viet-nam-tro-thanh-nuoc-cong-nghiep-nam-…).

Điều quan trọng nữa, là cờ đến tay ai người đó phất. Lịch sử Việt Nam 70 năm trở lại đây đã minh chứng, rằng người sau chẳng bao giờ nghe theo người trước. Sau Cụ Hồ, cố TBT Lê Duẩn thay đổi cả tên nước lẫn tên đảng. Vừa mới đây thôi, ước muốn cố TBT Lê Khả Phiêu được hoả thiêu và rắc tro trên 3 dòng sông cũng không thực hiện được.

Thế giới vô cùng phức tạp, lại diễn biến hàng ngày. Không lập kế hoạch dài hạn không ai chê không sáng suốt. Lập kế hoạch dài hạn không đúng, chỉ dẫn đến mất lòng tin.

CÓ CON ĐƯỜNG NÀO KHÁC KHÔNG?

Cách đây 50 năm, Hàn Quốc và Singapore đều nằm vào nhóm các quốc gia có thu nhập thấp của thế giới. Thế mà nay Hàn Quốc trở thành cường quốc, còn Singapore lọt vào top 10 quốc gia có thu nhập GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới.

Nếu Việt Nam không thay đổi, thì các mục tiêu 2025, 2030, và 2045 sẽ đi theo vết xe đổ của cựu TBT Nông Đức Mạnh.

N.N.C.

Nguồn: FB Nguyen Ngoc Chu

*

MẤY Ý KIẾN CẢM NHẬN VỀ BÀI VIẾT CỦA ÔNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Ngô Ngọc Trai

Mới đây Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh mùng 2 tháng 9, được nhiều báo đăng tải. Là bài viết của người đứng đầu Đảng và Nhà nước cho nên nội dung có mức độ rộng mở bao quát nhiều vấn đề, mỗi người làm việc ở các ngành lĩnh vực khác nhau khi đọc sẽ thấy được ý kiến chỉ đạo riêng đối với ngành lĩnh vực mình.

Là luật sư thường xuyên lên tiếng thúc đẩy cho cải cách thể chế, cải cách nền tư pháp. Mới đây tôi còn viết một tiểu luận về “Giải pháp đột phát cho phát triển kinh tế và lợi ích sát sườn cho doanh nhân”, trong đó đưa ra một số đề xuất giải pháp khả thi mà tôi cho rằng sẽ tạo ra bước phát triển đột phá cho nền kinh tế. Thực tế tiểu luận này đã được tôi chuẩn bị cho in thành sách có độ dày khoảng hơn 300 trang, nhưng việc thu xếp tưởng như đã xong xuôi thì đến phút cuối lại bị ách lại.

Xem kỹ bài viết của ông Nguyễn Phú Trọng tôi thấy có nhiều nội dung gợi nhắc tới công việc mình đang làm. Trong một bài không quá dài mà ông đã sử dụng đến 9 lần từ “đột phá” cho thấy một sự chú trọng rất đáng lưu ý về việc cần tạo ra các bước đột phá để phát triển.

Tôi đặc biệt quan tâm đến đoạn văn sau và từ đột phá trong đoạn văn này:

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, v.v..., khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Chú trọng xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chính sách để giải quyết hiệu quả, hài hoà mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội. Đặc biệt, phải tạo được những bước ĐỘT PHÁ thực sự về thể chế để giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, rất thiết thực và cụ thể như: Huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, khắc phục tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tài sản công; tích tụ, tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các chủ thể kinh tế và các loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước; khuyến khích, tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; tháo gỡ tình trạng không thống nhất, mâu thuẫn, chồng chéo trong xây dựng và thực thi pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đang cản trở sự phát triển và vận hành của nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập quốc tế.

Tôi cảm thấy như đây chính xác là đoạn tóm lược thu gọn nội dung cuốn sách của tôi, vì nội dung sách tôi dẫn chứng các vấn đề thực tiễn để chỉ ra các chính sách cần thực hiện để tháo gỡ, cứ như là ông Trọng hay thư ký của ông ấy đã nắm được nội dung tiểu luận tôi viết vậy.

Hoặc ngược lại, những gì tôi quan tâm trăn trở cũng chính là những gì mà ông Nguyễn Phú Trọng trăn trở trong tư cách người đứng đầu Đảng và Nhà nước. Khi những người cùng thực sự trăn trở về sự phát triển của đất nước thì người ta thường có cái nhìn gần với nhau.

Vậy thì những cán bộ tuyên giáo nào đó đã ý kiến khiến Nhà xuất bản Hội Nhà văn ách lại cuốn sách của tôi, khi mà họ đã biết rõ nội dung cuốn sách là những đề xuất xây dựng thiết thực, thì có phải những người này đã đi ngược lại quan điểm của người đứng đầu Đảng và Nhà nước hay không?

Khi mà bản thân tôi cũng ý thức về tính cấp thiết của những bước cải cách đột phá nhằm tạo ra phát triển kinh tế, xây dựng củng cố nội lực quốc gia, để đất nước đủ khả năng trụ vững kháng ngừa trước những biến động thách thức đến từ bên ngoài, vậy những cán bộ tuyên giáo kia ngăn cản tôi ra sách, bịt miệng trí thức, thì có phải là hành vi phản bội lại lợi ích quốc gia dân tộc, đi ngược lại lợi ích của nhân dân hay không?

Ngành tuyên giáo nên đọc kỹ bài viết của ông Nguyễn Phú Trọng và kiểm tra đối chiếu lại với việc xử lý bản thảo cuốn sách của tôi, nếu không có gì thay đổi thì tôi chỉ có thể hiểu rằng các cán bộ tuyên giáo này đang kiên trì chống lại Đảng, chống lại Nhà nước và đi ngược lại lợi ích của nhân dân.

N.N.T.

Nguồn: FB Ngô Ngọc Trai

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn