Những câu hỏi về vụ Hồ Duy Hải và Lê Đình Kình (Bài 12b)

Nghiêm Huấn Từ

Tiếp theo: Bài 1: Nếu lâm nạn, liệu cách ứng phó nào tối ưu? Bài 2: Chống oan sai: Khó như lên Trời! Bài 3: Vì sao Hồ Duy Hải chưa thể bị thi hành án; Bài 4: Sai trái phiên tòa giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải; Bài 5bài 6: Chặng đường gian lao đi đến phiên giám đốc thẩm; Bài 7A: Khúc khuỷu con đường tới phiên tòa tái thẩm; Bài 7B: Đồng chí Nguyễn Hòa Bình và phiên tòa tái thẩm; Bài 8: Hoán đổi vị thế giữa bên “Buộc tội” và “Gỡ tội”; Bài 9: Liệu “kiến nghị” của VKS có cứu được Hải? Bài 10: Phiên tòa tái thẩm: Hy vọng sống của Hồ Duy Hải; Bài 11: Vụ Lê Đình Kình: Xử như một vụ án chính trị; Bài 12a: Vụ Lê Đình Kình: Nạn nhân tiêu biểu của Luật Đất Đai

II- Có sửa được oan sai không?

1- Chỉ sửa được những oan sai cụ thể trong các vụ hình sự cụ thể

– Thời gian chục năm gần đây đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ án oan sai, ở mức “suýt tử hình” – nạn nhân cứ như từ cõi chết hiện về… Do vậy, buộc pháp luật của chế độ XHCN phải nhận sai và phải sửa. Hầu hết nạn nhân bị vu tội giết người. Kèm giải oan, họ được xin lỗi, bồi thường vật chất, phục hồi danh dự…

– Nhưng đây chỉ là sửa những oan sai cụ thể nào đó… chớ không phải là sửa lại cách xử án dẫn đến oan sai. Ví dụ, cách xử (không có tranh tụng tới cùng) khiến ông Nguyễn Thanh Chấn bị oan sai năm 2004, nhưng (sau 16 năm) tới phiên giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải, năm 2020 – do đích thân chánh tòa tối cao làm chủ tọa – thì cách xử vẫn thế… Chưa cần xử vụ Lê Đình Kình, nhiều người đã hết trông mong nó được xử theo cách tranh tụng đúng nghĩa. Quả nhiên.

– Như vậy, chuyện giải oan chỉ thực hiện trong những vụ án hình sự đúng nghĩa. Đó là những vụ “không có yếu tố thách thức quyền lực của ĐCS”. Trước quan tòa, người bị oan chỉ khóc lóc kêu oan, cố tỏ ra hối lỗi và thành khẩn, cầu xin sự khoan hồng… mà không dám có bất cứ hành động phản kháng nào.

– Hồ Duy Hải, tuổi U30, lúc đầu tưởng rằng nhận tội 25 lần sẽ được giảm án; nhưng con người non dại này không ngờ điều này lại bị đồng chí Nguyễn Hòa Bình (bí thư TƯ, chánh tòa tối cao, tuổi U60, lõi đời trong sự nghiệp chính trị) đã dùng ngay nó để kết án tử hình lần thứ ba cho anh ta.

– Còn oan sai trong đất đai thì khác. Đầu tiên, nó chưa mang tính hình sự, chỉ có khiếu kiện dai dẳng vì thiệt hại và mất nguồn sống. Nơi có nghĩa vụ giải oan đã không giải quyết vấn đề, mà chỉ nghĩ mưu đối phó rất tắc trách, vô cảm, khiến nạn nhân phẫn nộ… Thế là thành án. Dường như chưa có vụ kiện đất đai nào được đưa ra tòa Hành chính giải quyết. Do vậy, cách sửa trong các vụ liên quan đất đai (gọi là “sửa”) là không trúng, hời hợt, hoặc… không sửa. Thậm chí, không thể sửa, vì sự bất công nằm ngay trong Luật và các văn bản dưới luật. Ví dụ, giá đền bù quá rẻ mạt, mặc dù cơ quan phụ trách đã vận dụng tối đa mọi quy định, nhưng vẫn… chỉ được mức ấy.

2- Không thể sửa, chỉ sửa nửa vời trong oan sai đất đai

Còn những vụ án có sự phản kháng cường quyền – dù chỉ dùng luật, dùng lý lẽ, dù ôn hòa… nhưng sẽ bị xử cách khác. Tức là bị xử như một vụ án chính trị. Đặc điểm rất dễ nhận ra là chúng hạn chế ở mức tối đa số người dự khán, đưa tin, vì cách xử phi lý và phi công lý.

Ở nước ta, các vụ án loại này chủ yếu do tranh chấp đất đai: Một bên là người dân mất đất, bên kia là hai từ vô cảm: “thu hồi” và “cưỡng chế” đã được luật hóa. Quan tòa là đại diện bằng xương thịt của hai từ này. Nói khác, oan sai, bất công đã nằm ngay trong luật. Làm sao có thể sửa thật sự?

– Một số vụ khác, cũng bị xử rất nặng, nhưng liên quan tới việc sử dụng các quyền ghi trong Hiến Pháp, trước hết là quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội. Rốt cuộc, vẫn bị quy là chống đối. Từ “chống đối” rất phổ biến trong các vụ án loại này, là do vậy. Nhưng loại án này thuộc chủ đề của loạt bài khác. Xin tạm khất.

3- Khắc phục oan sai bằng thay đổi cách xét xử?

a- Thay đổi cách xét xử: Cực khó, ngay trên lý thuyết

Ở nước ta, thay đổi tư pháp nói chung và thay đổi cách xét xử nói riêng, phải do cấp tối cao quyết định. Chúng ta đang có cơ quan Cải cách Tư pháp do TBT Nguyễn Phú Trọng trực tiếp nắm giữ. Nó đã làm được những gì, có Trời biết! Chỉ biết rằng Luật Hình sự mới (tranh tụng thay cho thẩm vấn) có hiệu lực từ năm 2018 nhưng tới năm 2020 các tòa án vẫn xử theo cách cũ, chẳng thấy đồng chí Nguyễn Phú Trọng động tĩnh gì. Chớ nghĩ sự chậm chạp là do tai biến tuần hoàn não. Đồng chí vẫn nhanh như chớp tặng huân chương và danh hiệu cho 3 chiến sĩ công an trong vụ đột kích nhà dân ở thôn Hoành.

Trong mọi lĩnh vực (kinh tế, văn hóa, giáo dục…) thì cải cách tư pháp là chậm trễ nhất. Nó liên quan tới bản chất của ý thức hệ; nói khác, nó là một trong những thước đo chính xác sự kiên trì chủ nghĩa Giáo-Mác-Lê. Nói khác, nếu đã muốn nêu gương kiên định CNCS thì không thể nêu gương cải cách tư pháp. Nếu hiểu như vậy, sẽ dễ hiểu rằng thay đổi cách xét xử là sự thay đổi ghê gớm ở những nước do ĐCS cầm quyền. Phải có một sức ép rất lớn từ dân và từ quốc tế, ngoài ra không một nội lực tự thân nào của ĐCS đưa tới sự cải cách tư pháp mà người dân mong đợi.

Chúng ta không có quyền quên rằng những chữ “của dân, do dân, vì dân” là phát ngôn vĩ đại của vị tổng thống nước Mỹ (chủ nghĩa Tư bản), còn phát ngôn của lãnh tụ CS chỉ mang ý nghĩa thương dân, đứng trên dân và ban ơn cho dân mà thôi. Ví dụ, một ngõ tối khiến tai nạn giao thông xảy ra, được chính quyền mắc một bóng đèn điện (dùng tiền ngân sách, do dân đóng góp) nhưng người dân (được dạy) để nói rằng: Đó là “ơn đảng, ơn nhà nước”…

Mác coi Nhà nước (gồm tư pháp) là bộ máy đàn áp của giai cấp cai trị (cướp được chính quyền) để chống lại “sự ngóc đầu dậy” của giai cấp mất quyền và các giai cấp phản kháng khác. Mác cho rằng, tư pháp của nhà nước tư bản có chức năng chống lại sự “ngóc đầu dậy” của giai cấp phong kiến (vừa mới bị lật đổ), đồng thời chống lại sự phản kháng của giai cấp “bị tư bản bóc lột” (tức Công-Nông). Thế thì tư pháp XHCN cũng như vậy. Nó phải là công cụ đàn áp các giai cấp đối địch. Và đàn áp mọi đối kháng nói chung. Nó chống cả đối lập, đối thoại – như ta đang thấy. Rất đúng lý thuyết.

b- Trên thực tế: Càng khó

Năm 2015, luật tố tụng mới thay cho luật cũ, cụ thể là thay cách xử bằng thẩm vấn bằng cách xử tranh tụng và phải áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội. Điều này, các bài trước đã nói nhiều và tạm đủ. Tư liệu tiếng Việt cũng không thiếu. Giới tư pháp nước ta có 3 năm để tập dượt, thích nghi và áp dụng cách xét xử mới – nghĩa là, tới năm 2018 luật mới có hiệu lực và được áp dụng vào một vụ án điển hình: Vụ Hoàng Công Lương. Nhưng cách xét xử vẫn không thay đổi, thể hiện rõ nhất là sự trả thù hèn hạ ngay ở phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, mặc dù có tới 50 ngàn chữ ký phản đối.

Mở đầu phiên sơ thẩm, BS Hoàng Công Lương bị dự kiến mức án do VKS đề nghị là 3 năm tù treo, nhưng vị BS trẻ cũng như 8 luật sư thấy bị cáo hoàn toàn vô tội, do vậy đã tranh biện “đâu ra đấy”. Cuối phiên tòa, khi tuyên án, dư luận thật bất ngờ: Bị cáo Lương bị tuyên 42 tháng tù, tức 3,5 năm giam giữ. Rành rành, đây là sự trả thù cả bị cáo, luật sư và răn đe cả dư luận.

Nước ta cũng vậy. Trong cải cách ruộng đất, mục tiêu chính trị là tiêu diệt giai cấp địa chủ, các tòa án đã tuyên hàng trăm ngàn án tử hình, dẫu vô số oan sai. Các tòa án xử giai cấp tư sản cũng “sắt máu” không kém. Khi đã tiêu diệt xong hai giai cấp thù địch (địa chủ, tư sản) tòa án XHCN tiếp tục xử cực kỳ nghiêm khắc với bất cứ cá nhân hoặc nhóm nào có biểu hiện chống đối hoặc cứng đầu.

Xin lấy ngay một ví dụ nóng bỏng nhất và gần nhất ngay trong phiên tòa sơ thẩm vụ Lê Đình Kình vừa qua. Hầu hết bị cáo thuộc tội “chống công vụ” đều được giảm án so với đề nghị của Viện Kiểm sát (tỏ lòng khoan hồng). Báo chí rầm rầm dùng hai chữ “nhân văn”. Riêng bà Nối – con nuôi ông kình, mù chữ, không hành động gì khi xảy ra vụ án, nhưng tại tòa, bà này có một số câu nói và thái độ phản kháng, do vậy chỉ riêng bà phải nhận mức án cao hơn so với đề nghị của VKS. Đây là sự trả thù rất hèn hạ và trắng trợn, nhưng cũng rất đặc trưng cho tư pháp XHCN.

Tóm lại, dường như tư pháp nước Việt Nam ngày nay không thể tự điều trị được cái bệnh bẩm sinh của mình, bởi vì nó đã thâm căn từ khi ĐCS ra đời và bộc lộ khi đảng này cướp được chính quyền, hoạt động công khai và quyết đưa đất nước “đi lên” CNXH.

c- Sửa nó, về lý thuyết mà nói, chỉ có hai cách

Một, là sự đấu tranh bền bỉ, mà tiên phong là giới luật sư và mục tiêu là nâng cao khai dân trí, để cho cách xử án bằng tranh tụng thật sự thay thế cách xử bằng thẩm vấn. Đây chỉ là chuyện thực hiện nghiêm một bộ luật do chính ĐCS ban hành. Người thực hiện đều là đảng viên. Thế mà khó.

– Và hai (cơ bản hơn), là người dân lấy lại được quyền sở hữu nói chung, gồm cả sở hữu đất đai. Hai từ “thu hồi” và “cưỡng chế” phải bị loại trừ vĩnh viễn khỏi Luật Đất đai, thay bằng “thương lượng” bình đẳng trong mua-bán đất. Cách thứ hai này khó như bắc thang lên Trời, khi dân trí chưa đủ cao.

III- Công nhận quyền sở hữu đất đai: Đừng hy vọng

1- Luật này đã từng thay mới 3 lần và sửa cả chục lần

Trên thực tế, Luật Đất đai ở nước ta đã bị thay thế 3 lần, bằng “luật mới”. Và 3 luật này đã được sửa hàng chục lần, để “mới” hơn nữa. Nhưng điều duy nhất không thể sửa là “sở hữu toàn dân”. Đó là thứ hư quyền (bánh vẽ) dành cho dân. Còn thực quyền nằm trong tay các đồng chí tự xưng là “đại diện” cho chủ sở hữu. Trong đó, hai quyền khiến 100 triệu dân kinh hãi nhất, là quyền “thu hồi” và quyền “cưỡng chế”.

Gần đây nhất, một Kiến nghị bỏ khung giá đất do chính quyền thành Hồ đưa ra. Vẫn chỉ là sửa chữa vặt, do quy luật thị trường tạo áp lực, và cũng để thu được thêm tiền thuế.

Đầu đuôi thế này: Giá đất do thị trường (đúng nghĩa, thực tế) là “đúng giá” và lên-xuống theo cung-cầu. Nhưng chính phủ nước CHXHCNVN đưa ra một “khung giá” (tối thiểu và tối đa) nói chung chỉ bằng 1/5 hoặc 1/10 giá thực tế trên thị trường. Đây là sự áp dụng thành quả lý luận về “thị trường định hướng XHCN” mà đồng chí Nguyễn Phú Trọng – với tư cách chủ tịch Hội đồng lý luận – đã sáng tạo ra từ nhiều năm trước. Giá đất XHCN rẻ bèo so với giá thật.

Chính khung giá này cũng được dùng để tính thuế hàng năm, khiến người sử dụng đất chỉ phải nộp thuế rất thấp (tính theo giá đất), do vậy cứ tha hồ “biết ơn”. Và tha hồ “tưởng bở”. Cho đến khi rơi vào tình cảnh bị “thu hồi đất” người dân mới bừng tỉnh, mà… ngất đi. Vì số tiền đền bù thiệt hại cũng dựa vào khung giá đất (rẻ mạt). Điều này cắt nghĩa vì sao được đền bù gấp đôi hay gấp ba cái giá quy định, mà người mất đất vẫn tự thấy thiệt hại quá lớn, buộc phải khiếu nại để kêu oan. Không cần đưa ví dụ, vì mọi hậu quả thê thảm vẫn đang phô bày khắp nơi.

2- Xin chớ chửi cha nhà lý luận số 1

Có người đề nghị sửa Luật Đất đai, trong đó việc bồi thường đất theo giá thị trường, hy vọng oan sai sẽ giảm rất cơ bản. Nghe thì dễ, thực hiện cũng không khó. Ngoài tác dụng giảm oan sai, còn có tác dụng ngăn chặn tình trạng tham ô qua giá đất. Đúng tất. Nhưng có lẽ, người đề xuất chỉ có thiện chí, mà chưa suy nghĩ xa hơn.

Xin nhớ rằng, làm như vậy chỉ thu được lòng dân mà thôi. Nhưng cái hại là hàng triệu dân oan (từng nếm mùi mất đất) sẽ không chịu ngồi yên ôm hận, mà sẽ rùng rùng đứng dậy đòi thêm tiền bồi thường. Thế mới công bằng. Nhưng cái hại lớn hơn nữa, là nhân đấy mọi người sẽ phê phán Luật Đất đai, ồn ào đến mức hệ thống truyền thông hùng mạnh hiện nay vẫn không sao át giọng được nữa.

Cái hại lớn nhất – khiến đảng ta chịu không thấu – là lý luận về thị trường định hướng sẽ sụp đổ quá sớm so với tuổi thọ mà lẽ ra nó được hưởng. Không thể ngồi nhìn nó chết, trong khi người sáng tạo ra nó chưa cam chịu chết.

3- Một so sánh nhỏ

– Ở đây, chỉ xin nhận xét rằng: Trong vụ Thủ Thiêm, diện tích đất bị “thu hồi” rộng hàng ngàn hecta, gấp chục (hoặc trăm) lần diện tích cánh đồng Sênh. Nhưng cường độ phản kháng của dân ở hai nơi lại ngược nhau. Đồng bào ở Thủ Thiêm chỉ phản kháng ở mức… cam chịu, do vậy không cần phiên tòa nào xử những người đầu sỏ chống đối. Nếu đã không có phiên tòa đưa đến “đầu rơi, máu chảy” thì tên vụ án chỉ là “vụ Thủ Thiêm”.

– Thêm một điều khác nhau nữa: Các đồng chí đầu trò “thu hồi” (cướp) đất ở Thủ Thiêm đã lộ danh tính, đang ngấp nghé vòng tù tội; còn các đồng chí đầu sỏ trong âm mưu “thu hồi” đất ở cánh đồng Sênh vẫn đang giấu mặt, đang thay mặt tuyên giáo và pháp luật để dạy dỗ và xử trí người dân.

4- Công nhận quyền sở hữu đất đai: Không bao giờ

Đặc trưng số 1 của chủ nghĩa tư bản là tôn trọng sở hữu tư nhân (tư hữu). Đặc trưng số 1 của chủ nghĩa cộng sản là xóa bỏ tư hữu. Trắng và đen. Nước và lửa. Bởi vậy, khi một đảng CS tuyên bố tôn trọng quyền tư hữu… là đồng nghĩa tuyên bố “tự sát”. Xin nhấn mạnh: Đó là nói về một đảng CS chân chính, thật sự vẫn trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác-Lê.

Theo định nghĩa chung, quyền sơ hữu thể hiện bằng 3 quyền nhánh: Quyền nắm giữ, quyền sử dụng và quyền quyết định (đối với vật sở hữu). Ở nước ta, phát ngôn chính thức (ghi trong luật): Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, còn ĐCS chỉ giữ 3 quyền nhánh mà thôi. Trong đó, đảng giữ rịt 2 quyền trong tay, không buông; còn quyền thứ ba (quyền sử dụng) được tạm giao cho dân (ghi rõ trong sổ đỏ). Xin mọi người đọc lại những chữ ghi trong Sổ Đỏ. Nhưng quyền sử dụng cũng chỉ giao tạm thời, khi nào cần (thích, muốn hoặc bỗng nhiên nổi hứng) đảng “ta” sẽ áp dụng “thu hồi” và “cưỡng chế”.

Ngoài lý do sống còn của lý tưởng CS cao cả, thể hiện sự trung thành với chủ nghĩa Mác-Lê, còn thêm lý do lợi ích vật chất khổng lồ nhờ độc quyền quản lý đất đai, ĐCS không thể công nhận quyền tư hữu đất đai nói riêng và tư hữu tư liệu sản xuất nói chung.

Không thể xuất phát từ thiện chí, dùng lợi ích dân tộc, kèm theo lý lẽ thuyết phục và lời lẽ lễ độ… mà hy vọng thành công trong việc khuyên ĐCS công nhận quyền tư hữu đất đai.

Hãy bảo trọng.

N.H.T.

Nguồn: baotiengdan.com/2020/09/22

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn