'Trường hợp rõ ràng' cho thấy Trung Quốc diệt chủng người Uighur

James Landale- Phóng viên ngoại giao BBC

Protests

Biểu tình chống lại việc Trung Quốc ngược đãi cộng đồng người Uighurs theo đạo Hồi

Có một "trường hợp rõ ràng" cho thấy chính phủ Trung Quốc đang thực hiện tội ác diệt chủng đối với người Uighurs, theo một thư ý kiến pháp lý chính thức mới được công bố ở Anh.

Tài liệu này kết luận rằng có những bằng chứng về các hành vi được nhà nước ủy quyền cho thấy ý định diệt trừ người Hồi giáo thiểu số ở Tây Bắc Trung Quốc.

Hành động đó bao gồm việc cố ý dùng cực hình đối với người Uighurs đang bị giam giữ, các biện pháp ngăn ngừa sinh đẻ - bao gồm cả triệt sản lẫn phá thai - và cưỡng bức tách trẻ em Uighurs ra khỏi cộng đồng.

Và, đáng nói nhất là có một trường hợp đáng tin cậy cho thấy rằng chính Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chịu trách nhiệm về những tội ác chống lại loài người này. Tài liệu nêu rõ "sự dính líu chặt chẽ của Tập Cận Bình" trong việc truy bức người Duy Ngô Nhĩ sẽ hỗ trợ một cáo trạng 'chính đáng' về tội ác diệt chủng của ông ta.

Tài liệu nêu rõ: "Trên cơ sở bằng chứng mà chúng tôi đã nhìn thấy, ý kiến thư này kết luận rằng có một trường hợp rất đáng tin cậy về các hành vi do chính quyền Trung Quốc thực hiện nhằm vào người Uighurs ở Khu tự trị Tân Cương và đây có thể là tội ác chống lại loài người và tội ác diệt chủng. "

Thư ý kiến pháp lý là đánh giá chuyên môn của một đại luật sư ngự dụng (Queen's Counsel, QC) - một chuyên gia độc lập trong lĩnh vực - người đánh giá các bằng chứng và pháp luật rồi đưa ra kết luận. Ý kiến này không có cơ sở pháp lý như phán quyết của tòa án, nhưng có thể được sử dụng làm cơ sở để khởi kiện.

Ý kiến này được đặt hàng - nhưng không được trả tiền - bởi Mạng lưới Hành động Pháp lý Toàn cầu, một nhóm vận động nhân quyền tập trung vào các vấn đề pháp lý xuyên biên giới, Đại hội người Uighurs Thế giới và Dự án Nhân quyền Uighurs.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã liên tục phủ nhận các cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người Uighurs ở Tân Cương.

Đại sứ quán Trung Quốc tại London cáo buộc các thế lực chống Trung Quốc ở phương Tây bịa đặt "những lời dối trá thế kỷ" về Tân Cương.

Tài liệu 100 trang - được viết bởi luật sư cấp cao tại Phòng Đại luật sư Essex ở London, gồm cả Đại luật sư ngự dụng Alison Macdonald - được hiểu là bản đánh giá pháp lý chính thức đầu tiên ở Anh về các hoạt động của Trung Quốc ở Tân Cương.

Thư ý kiến này đáng chú ý vì nó tạo ra một tiền lệ pháp lý để các thẩm phán Anh có thể đi theo nếu Nghị viện đồng thuận một dự luật mới cho phép Tòa thượng thẩm xử lý các vấn đề về diệt chủng. Các nghị sĩ thuộc tất cả các đảng đang hy vọng sẽ thông qua được sự điều chỉnh này tại Hạ viện vào thứ Ba, nhưng chính phủ đang làm việc cật lực để tránh bị đổ bể.

Các bộ trưởng đang hy vọng có thể ngăn cuộc nổi dậy bằng cách đề nghị tăng cường vai trò của các ủy ban quốc hội trong việc đánh giá nạn diệt chủng, nhưng các ủy ban liên quan được cho là đã bác bỏ ý kiến ​​này.

Thư ý kiến pháp lý dựa trên đánh giá pháp lý toàn diện trong sáu tháng với các bằng chứng công khai từ các chính phủ, tổ chức quốc tế, học giả, tổ chức từ thiện và báo đài.

Các tài liệu bao gồm bằng chứng, nhân chứng trực tiếp từ những người sống sót, hình ảnh vệ tinh và các tài liệu rò rỉ của chính phủ Trung Quốc.

Chứng minh tội ác diệt chủng có các đòi hỏi cao. Tòa án phải thiết lập các hành vi được thực hiện với mục đích diệt trừ toàn bộ hoặc một phần, một nhóm công dân, dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo.

Đi vào chi tiết, thư ý kiến pháp lý này đưa ra bằng chứng về những gì được mô tả là "nô lệ, tra tấn, hãm hiếp, cưỡng bức triệt sản và bức hại" đối với người Uighurs.

"Có bằng chứng thuyết phục cho thấy những người bị giam giữ phải chịu một loạt hình thức tổn hại thể chất nghiêm trọng", thư ý kiến nêu.

"Những người bị giam giữ kể rằng họ đã bị chính quyền trừng phạt bằng chích điện, buộc giữ tư thế căng thẳng trong thời gian dài, bị đánh đập, thiếu thức ăn, bị cùm và bịt mắt."

Luật quốc tế liệt các biện pháp nhằm ngăn chặn sinh đẻ đối với một nhóm người vào nhóm hoạt động bị coi là tội diệt chủng. Thư ý kiến đưa ra bằng chứng về việc cưỡng bức triệt sản hàng loạt như một phần của kế hoạch kiểm soát dân số đã được chính quyền Trung Quốc thừa nhận.

Thư ý kiến trên kết luận: "Có rất nhiều bằng chứng đáng tin cậy về việc phụ nữ Uighurs là đối tượng của biện pháp ngăn cản sinh sản, tạm thời hoặc vĩnh viễn (chẳng hạn bằng cách đặt vòng tránh thai mà không có sự đồng thuận hoặc buộc phải cắt bỏ tử cung), cũng như buộc phá thai. Những hành vi như vậy, theo quan điểm của chúng tôi, rõ ràng sẽ cấu thành một hình thức của việc diệt chủng theo [luật quốc tế]. "

Diệt chủng cũng có thể bao gồm việc cưỡng ép trẻ em từ nhóm dân tộc này sang nhóm khác.

Thư ý kiến cho biết: "Có bằng chứng về việc trẻ em Uighurs bị buộc rời khỏi cha mẹ. Điều này bao gồm việc đưa chúng vào trại trẻ mồ côi mà không có sự đồng thuận trong khi một hoặc cả hai cha mẹ chúng đang bị giam giữ, và việc bắt buộc chúng phải vào trường nội trú."

Thư ý kiến tiếp tục: "Việc trẻ em bị tước cơ hội thực hành văn hóa Uighurs ..., và đôi khi chúng được đặt tên theo tiếng Hán, và đôi khi chúng bị các gia đình Hán tộc nhận làm con nuôi, tất cả đều củng cố bằng chứng cho thấy việc chúng bị ép khỏi cộng đồng được thực hiện với mục đích diệt trừ cộng đồng người Uighurs trong tư cách là một nhóm dân tộc."

Đáng chú ý, thư ý kiến này cho rằng có một vụ "có vẻ xác đáng" cho thấy trách nhiệm cá nhân về tội ác diệt chủng thuộc về Chủ tịch Tập và hai quan chức cấp cao của Trung Quốc - Chu Hải Luân (Zhu Hailun), Phó bí thư Tân Cương, và Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), Bí thư đảng ủy Tân Cương.

Tài liệu trên dẫn các tài liệu nội bộ của Đảng Cộng sản bị rò rỉ và các bằng chứng khác, trong đó cho thấy "Ông Tập kiểm soát đường hướng tổng thể của chính sách nhà nước và đã thực hiện một loạt các bài phát biểu cổ xúy việc trừng phạt đối với người Uighurs. Ông Trần và ông Chu đã thi hành dựa trên chính sách tổng thể đó bằng cách đề ra và tiến hành các biện pháp đã được thực hiện trong Khu tự trị Tân Cương, bao gồm cả việc giam giữ và giám sát hàng loạt."

Thư ý kiến pháp lý cho biết: "Chúng tôi cho rằng có bằng chứng đáng tin cậy về tội ác chống lại loài người đối với mỗi người trong số ba người này."

Tài liệu bổ sung: "Bằng chứng được xem xét ở trên cho thấy sự nhúng tay chặt chẽ của Tập Cận Bình, Trần Toàn Quốc và Chu Hải Luân trong việc khởi xướng và thực hiện một loạt các biện pháp, được triển khai đồng bộ, nhằm vào người Uighurs với một mức độ mà người ta có thể suy ra có một ý định diệt trừ một nhóm người như vậy."

"Trong những trường hợp đó, chúng tôi cho rằng có một suy luận hợp lý rằng mỗi người trong số ba cá nhân đó đều có mục đích rõ ràng để diệt trừ, qua đó bổ sung cho lập luận cáo buộc họ diệt chủng."

Đại sứ quán Trung Quốc tại London khẳng định rằng dân số người Uighurs ở Tân Cương đang tăng lên. Họ nói rằng tất cả các dân tộc đều có địa vị pháp lý và quyền tự do về tôn giáo và văn hóa như nhau.

Đại sứ quán tuyên bố: "Một số thế lực chống Trung Quốc ở phương Tây đã âm mưu và gieo rắc nhiều thông tin sai lệch về Tân Cương và bịa đặt 'những lời dối trá thế kỷ' dưới nhiều hình thức khác nhau. Họ đã bôi nhọ hình ảnh của Trung Quốc và vu khống các chính sách đối với Tân Cương."

Cơ quan này còn nói thêm: "Bất cứ ai với tâm thế công bình đều có thể thấy rằng mục đích thực sự của những thế lực đó là đàn áp và kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc... Các động thái của họ được thúc đẩy bởi tâm lý Chiến tranh Lạnh, thế giới quan bá quyền và tư duy trò chơi có tổng bằng không. Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép trò quỷ quyệt và dối trá đó có thể thành công. Dối trá có thể đánh lừa mọi người trong một thời gian, nhưng không thể chiếm được lòng tin của thế giới. Hiện thực và sự thật cuối cùng sẽ đánh bay mọi dối trá."

J.L.

Nguồn: BBC Tiếng Việt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn