Việt Nam phản ứng gì khi được hỏi về cáo buộc ‘bắt cóc’ Trịnh Xuân Thanh?

VOA Tiếng Việt

26/02/2021

Hôm 25/2, khi được hỏi “có hay không việc Việt Nam tiến hành vụ việc bắt cóc” ông Trịnh Xuân Thanh ở Đức theo chuyên án mang bí số VT17 như báo chí nước ngoài loan tin, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời thẳng vào câu hỏi của phóng viên mà chỉ nói chung chung về vụ án này. Một ít trang báo của Việt Nam có đăng tin về phát biểu của người phát ngôn nhưng ngay sau đó đã đồng loạt gỡ bài.

Các trang báo Việt Nam đăng nội dung trả lời của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 25/2/2021 về việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh nhưng sau đó đã gỡ bài. Photo Thanh NienVietnam Finance.

Ngay sau cuộc họp báo chiều ngày 25/2, trang Thanh Niên và trang Sputniknews dẫn lời Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói: “Vụ án Trịnh Xuân Thanh vi phạm pháp luật đã được đưa ra xét xử công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Hiện nay, Trịnh Xuân Thanh đang trong quá trình thi hành án theo như bản án, phán quyết của tòa án”.

Trong bản tin có tựa đề “Bộ Ngoại giao trả lời câu hỏi có hay không việc ‘bắt cóc’ Trịnh Xuân Thanh?” báo Thanh Niên cho biết rằng phóng viên của Thông tấn xã Đức DPA đã đặt câu hỏi về việc Đài Phát thanh và truyền hình nhà nước Slovakia RTV hôm 23/2 đã phát bản tin về việc mà họ cho là liên quan đến chuyên án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mang bí số VT17.

“Xin người phát ngôn xác thực và bình luận những thông tin mà Đài truyền hình Nhà nước Slovakia và Nhật báo Taz của Đức đăng tải. Có hay không việc Việt Nam tiến hành vụ việc bắt cóc như cáo buộc?”, báo Thanh Niên dẫn lời đại diện DPA hỏi.

“Theo phóng viên này, trong bản tin kể trên nêu thông tin về việc 12 cán bộ của Bộ Công an Việt Nam sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã được Nhà nước vinh danh và trao tặng huân chương vào mùa hè năm 2020” trang Thanh Niên viết.

Bài báo của Vietnam Finance được VOA chụp trước khi bị gỡ, ngày 26/2/2021.Bài báo của Vietnam Finance được VOA chụp trước khi bị gỡ, ngày 26/2/2021.

Tuy nhiên, vài giờ sau thì bản tin này của báo Thanh Niên đã bị gỡ xuống. Một số ít các trang báo khác của Việt Nam như trang Khoa học và Đời sống hay Vietnam Finance có đăng tin, nhưng đến chiều ngày 26/2 thì cả hai trang này cũng đã gỡ bài.

Từ Đức, nhà báo Lê Trung Khoa nêu nhận định với VOA về phản ứng của Việt Nam trước câu hỏi của DPA.

“Phản ứng của phía Việt Nam đối với những thông tin – đầu tiên do Đài truyền hình Slovakia đăng tải hôm 23/2, và tờ báo Taz đăng tải hôm 24/2 với thông tin chi tiết và nhiều tình tiết mới – thì Việt Nam đã phải trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn Đức DPA. Nhưng họ trả lời như vậy thì gần như là lãng tránh câu hỏi, không trả lời trực tiếp mà chỉ nhắc lại những việc họ đã nói trước đó.

“Họ nói như vậy có nghĩa là họ không bác bỏ cũng không nhận.

Nhưng họ trả lời như vậy thì gần như là lảng tránh câu hỏi... Họ nói như vậy có nghĩa là họ không bác bỏ cũng không nhận.

Nhà báo Lê Trung Khoa

“Với cách trả lời như vậy là không hợp lý và phóng viên cũng không có thêm thông tin gì mới, nhưng điều này chứng tỏ rằng khi Việt Nam càng lãng tránh vụ án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh với chuyên án VT17 thì họ càng gặp rắc rối và khó khăn với Đức, Slovakia và cả Liên minh châu Âu”.

Hôm 24/2, báo Taz đăng bài “Những kẻ bắt cóc được Hà Nội vinh danh” trong đó nói về 12 mật vụ và cán bộ an ninh của Bộ Công an Việt Nam được tặng huân chương vào tháng 7/2020 do Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký duyệt do hoàn thành chuyên án VT17.

Nhà báo Lê Trung Khoa nhận định:

“Sau vụ án bắt cóc diễn ra vào tháng 7/2017 phía Việt Nam luôn từ chối việc bắt cóc và nói rằng ông Trịnh Xuân Thanh tự về đầu thú. Nhưng 17 phiên tòa tại Berlin với những bằng chứng chi tiết và cả các nhân chứng đã xác nhận rõ đây là vụ bắt cóc do mật vụ Việt Nam tổ chức mang cấp nhà nước.

“Họ đã trao tặng huân chương chiến công hạng nhất, hạng nhì, hạng ba cho 12 sĩ quan an ninh, tình báo Việt Nam. Có thể nói đây là sự khiêu khích và gây sự khó chịu rất lớn cho các nước như Đức, Slovakia, nơi trực tiếp xảy ra vụ việc này”.

Phía Đức nói ông Trịnh Xuân Thanh đã bị tình báo Việt Nam bắt cóc trên một con phố ở thủ đô Berlin và được chở qua Slovakia, sau đó mang về Việt Nam bằng máy bay mượn của Slovakia để đưa sang Nga, từ đó đem về Hà Nội, nơi ông bị xét xử và kết án tù chung thân vào năm 2018 vì tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”.

Nhật báo Taz của Đức hôm 24/2 đăng thông tin phát hiện mới về bí số VT17 cho vụ án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức. Tờ báo này dẫn lời một phóng viên Slovaki RTV nói: “Kể từ khi mã bắt cóc VT17 được biết đến, các cơ quan an ninh Slovakia và Đức cũng đã có những cách tiếp cận điều tra mới”.

Xem thêm

Hình ảnh ông Trịnh Xuân Thanh "về nước thú tội" được chiếu trên truyền hình Việt Nam.

1. Việt Nam ‘lên án’ Slovakia vì trục xuất nhà ngoại giao liên quan vụ bắt cóc

2. Quanh tin Việt Nam vinh danh 12 cán bộ an ninh 'vì vụ bắt cóc ở Đức' – Lê Mạnh Hùng

3. Báo đảng gỡ bài Bộ Ngoại giao CSVN trả lời cáo buộc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

Nguồn: VOA tiếng Việt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn