Mỹ không muốn cỗ máy nặng 180 tấn rơi vào tay Trung Quốc

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang theo bước người tiền nhiệm để ngăn cản một công ty Hà Lan bán máy móc thiết yếu trong chế tạo vi xử lý cao cấp cho Trung Quốc

thuong chien My - Trung anh 3

CEO của ASML Peter Wennink (đang đứng) tại một hội thảo tại Veldhoven, Hà Lan vào năm 2020. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh những cánh đồng ngô ở thị trấn Veldhoven, Hà Lan là xưởng chế tạo những máy móc quan trọng hàng đầu trong ngành công nghệ của công ty ASML (Hà Lan). Trong số ấy là cỗ máy với tên gọi hệ thống quang khắc siêu cực tím (EUV).

Cỗ máy nặng 180 tấn này đang được nhiều công ty như Intel, Samsung Electronics, và Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. sử dụng để sản xuất chip cho mọi sản phẩm, từ điện thoại thông minh, thiết bị mạng 5G, tới máy tính trong trí tuệ nhân tạo.

Trung Quốc cũng muốn mua cỗ máy EUV trị giá 150 triệu USD này cho nhà sản xuất chip trong nước để ông lớn smartphone Huawei và những công ty công nghệ Trung Quốc khác giảm bớt phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài.

Nhưng đến nay, ASML chưa gửi đi một máy EUV nào vì chính phủ Hà Lan, dưới sức ép của Mỹ, không phát hành giấy phép xuất khẩu cho Trung Quốc.

“Đồng minh tốt không bán loại thiết bị này cho Trung Quốc”

Mỹ nhận ra giá trị chiến lược của máy EUV dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, sau khi có ước tính cho thấy công nghệ trong nước của Trung Quốc cần ít nhất 10 năm mới có thể sánh ngang công nghệ của ASML. Quan chức chính quyền Trump sau đó bắt đầu vận động Hà Lan cấm xuất khẩu EUV.

“Việc này phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia chung của chúng ta”, Nazak Nikakhtar, một quan chức trong Bộ Thương mại Mỹ dưới chính quyền Trump, kể lại lời mình nói với người đồng cấp Hà Lan.

Lập trường dưới thời ông Trump đến nay đã được chính quyền Tổng thống Joe Biden tiếp nối. Theo giới chức Mỹ, Nhà Trắng đề nghị Hà Lan hạn chế bán EUV cho Trung Quốc vì lo ngại an ninh quốc gia.

Những năm qua, Washington đã và đang nhắm tới các công ty Trung Quốc như Huawei và thuyết phục đồng minh hạn chế dùng thiết bị của tập đoàn này vì lo ngại gián điệp. Trong khi đó, Huawei cho rằng cáo buộc gián điệp là vô căn cứ.

Charles Kupperman, phó cố vấn an ninh quốc gia khi ấy, đã mời quan chức ngoại giao Hà Lan tới Nhà Trắng vào năm 2019.

“Đồng minh tốt không bán loại thiết bị này cho Trung Quốc”, ông Kupperman nhớ mình từng nói với đối phương như vậy.

Chưa đầy một tháng sau khi ông Biden lên nhậm chức, cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan đã nói chuyện với người đồng cấp Hà Lan về vấn đề “hợp tác công nghệ cao”. Tiếp tục hạn chế hoạt động kinh doanh giữa ASML và Trung Quốc có ưu tiên hàng đầu trong danh sách việc cần làm của ông Sullivan, theo giới chức Mỹ.

Nỗ lực vận động của Mỹ đã khiến quan hệ giữa Trung Quốc và Hà Lan trở nên rạn nứt. Quan chức Trung Quốc thường xuyên hỏi giới chức Hà Lan rằng tại sao họ không cấp giấy cho phép ASML vận chuyển máy quang khắc tới Trung Quốc, theo một số nguồn thạo tin.

Trả lời báo chí vào năm 2020, đại sứ Trung Quốc tại Hà Lan khi ấy từng cho biết quan hệ thương mại song phương sẽ bị tổn hại nếu ASML không được phép gửi máy cho Trung Quốc.

Thiệt hại ngoài dự kiến trong chiến tranh lạnh công nghệ

Áp lực mà Mỹ đặt ra đối với ASML và Hà Lan là thiệt hại ngoài dự kiến trong cuộc chiến tranh lạnh về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong lúc vận động phía Hà Lan, ông Kupperman từng nói đã chỉ ra rằng máy móc của ASML sẽ không thể vận hành nếu không có cấu kiện từ Mỹ, và Nhà Trắng có quyền hạn chế xuất khẩu những cấu kiện ấy sang Hà Lan.

Chính quyền ông Biden hiện không cân nhắc tới biện pháp trên nhưng cũng đang lôi kéo đồng minh phương Tây cùng phối hợp kiểm soát xuất khẩu, theo các nguồn thạo tin.

Động thái trên có thể tạo ra hệ quả vượt quá ASML và càng làm gián đoạn chuỗi cung ứng bán dẫn vốn đang gặp khó khăn toàn cầu.

Tổng giám đốc ASML Peter Wennink từng nhận định việc giới hạn xuất khẩu có thể phản tác dụng.

“Kiểm soát xuất khẩu là công cụ hợp lý khi xử lý các vấn đề an ninh quốc gia cụ thể và rõ ràng. Nhưng nếu đó là một phần trong chiến lược chung quốc gia (nhằm duy trì) thế dẫn đầu về chip bán dẫn, các chính phủ cần nghĩ kỹ đến việc công cụ này nếu bị lạm dụng có thể cản trở đột phá trung hạn, bằng cách giảm thiểu nghiên cứu và phát triển”, ông Wennink nói trong một tuyên bố.

Ông Wennink cũng nhận định trong giai đoạn ngắn hạn tới trung hạn, biện pháp kiểm soát xuất khẩu được dùng trên quy mô lớn “có thể làm giảm năng lực sản xuất chip toàn cầu, từ đó làm nghiêm trọng thêm vấn đề về chuỗi cung ứng”.

Tại sao Mỹ ngăn Trung Quốc có máy EUV?

ASML tách khỏi tập đoàn điện tử đa quốc gia Royal Philips NV vào thập niên 1990. Có trụ sở tại thị trấn Veldhoven, gần biên giới Hà Lan - Bỉ, ASML chuyên công nghệ quang khắc - quá trình dùng ánh sáng để in trên bề mặt nhạy sáng.

Công nghệ quang khắc có vai trò then chốt trong sản xuất chip. Thông thường, nhà sản xuất sẽ dùng ánh sáng để vạch các ô carô trên đĩa bán dẫn silicone. Sau đó, họ loại bỏ những đường đã vạch lên đĩa bán dẫn bằng hóa chất. Những ô vuông silicone còn lại sẽ trở thành bóng bán dẫn.

Một đĩa silicone càng có nhiều bóng bán dẫn thì chip càng mạnh. Một trong những cách để tăng số lượng bóng bán dẫn trên miếng silicone là vạch ra đường càng mỏng càng tốt. Đây cũng chính là chuyên môn của ASML vì máy EUV của hãng này có thể in được đường mỏng nhất trên thế giới.

Cần tới 3 chiếc Boeing để vận chuyển, máy EUV của ASMl dùng tia laser và gương để vẽ những đường chỉ rộng 5 nm (1 nm bằng 0,000001 mm). Trong vài năm nữa, khoảng cách này dự kiến được giảm xuống dưới 1 nm. Trong khi đó, một sợi tóc người có chiều rộng 75.000 nm.

ASML dự kiến sản xuất 42 máy EUV vào năm 2021 và 55 máy trong năm 2022. Năm 2020, các công ty Trung Quốc đóng góp 17% vào tổng doanh thu của ASML nhưng những giao dịch này chỉ là các cỗ máy đời cũ.

Các nhà phân tích nhận định rằng thiếu đi cỗ máy tân tiến nhất của ASML, nhà sản xuất chip Trung Quốc không thể chế tạo loại chip hiện đại nhất cho tới khi máy móc nội địa bắt kịp.

Trả lời nhà phân tích, tổng giám đốc ASML Wennink cho biết lệnh cấm xuất khẩu cho Trung Quốc chưa gây thiệt hại tới hoạt động kinh doanh của hãng vì nhu cầu ở những nơi khác còn rất lớn.

Năm 2020, ASML báo cáo doanh thu khoảng 6,5 tỷ USD và lợi nhuận khoảng 4,1 tỷ USD. Giá cổ phiếu của công ty đã tăng gấp 7 lần trong 5 năm qua.

Nguồn: Zingnews

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn