Tìm thấy gì trong sâu thẳm bức tranh “Nam Bộ”?

Nguyễn Huy Cường

Giữa những ngày nghiệt ngã của đại dịch COVID đang bủa vây mảnh đất Nam Bộ, đọc câu chuyện này để thêm yêu và cảm phục con người nơi đây.

Bauxite Viet Nam

Trong 24 giờ qua, có lẽ cảm hứng tích cực, tạo năng lượng sống nhiều nhất là hình ảnh anh Minh Râu bán rau ở Biên Hòa.

Nếu nhìn vào những dòng chữ sai chính tả, những đề nghị vừa hồn nhiên, vừa…tức cười (xem ảnh)

Những giá cả vừa trên trời vừa dưới đất…

Thì có lẽ những người chưa từng đến miền Nam sẽ dễ bị dẫn dụ đến cách hiểu người miền trong này ưa tếu táo, không sâu sắc hoặc bông tồng văn nghệ văn gừng…

Không hẳn đâu bạn.

Tôi xin kể vài câu chuyện của chính tôi và gia đình tôi gặp trong 30 năm sinh sống tại xứ xở nhiều nắng gió này để chúng ta biết được cái gì cũng có căn nguyên của nó, cái gì cũng có nguồn gốc, cốt lõi của nó.

Đọc để hiểu thêm tâm tính đồng bào mình.

Ta hãy hiểu được ta trước khi hiểu thế giới rộng dài này.

Câu chuyện thứ nhất.

Ở xã YK gần nhà tôi hồi đó ở huyện Hạ Hòa Phú Thọ có một ông cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954.

Khi hết nhiệm vụ quân đội ông về công tác tại Nông trường Vân Lĩnh gần nhà.

Ông lấy một cô vợ trẻ trung ở địa phương, đẻ vài đứa con.

Đoạn đời trước 1975 của ông cơ cực lắm, ông chỉ là một nông dân kiểu mới, buông sung, trồng chè, làm lúa kiếm ăn.

Bà vợ ông thì ‘hơi bị” yêu đời, có vài mối nhân tình.Ông biết cả.

Năm 1985 ông về quê Nam.

Bao nhiều năm sống trên đất Bắc, ông tích cóp được một cái nghề rất tầm thường nhưng khi về đây, vùng biển có nghề cá thì lại là đắc địa là nghề đan sọt chứa hàng hóa, cá tôm.

Ông giầu lên rất nhanh.

Ngày tôi vào Nam thăm ông (khoảng 1986) thì ông thăm hỏi rất kỹ những vị…nhân tình cũ của vợ ông.

Tôi mô tả kỹ cho ông hoàn cảnh khốn khổ, thân phận thấp hèn của những người này hôm nay.

Ông nhắn nhủ tôi về nói với họ (lúc này mấy ông kia cũng “xuống xề”, già cả cả rồi) là: cho con em họ vào đây, ông kiếm công ăn việc làm cho, ngoài đó khổ lắm.

Về sau những cô cậu con của mấy ông bố lãng tử, anh hùng mã thượng hồi nào nay đang đói nhăn răng, vào Nam, được ông nâng đỡ, khá cả.

Câu chuyện thứ hai.

Khoảng năm 1994 tôi sống ở Sài Gòn, vừa viết lách vừa làm đủ nghề để kiếm sống.

Một lần ba giờ sang, tôi dậy chạy cuốc xe ôm từ Tân Kỳ Tân Quý ra bến xe Văn Thánh hồi đó.

Tôi có đặc điểm là ít khi nói giá tiền trước nếu khách là người miền Nam.

Nhưng chưa bao giờ khi xuống xe, họ trả rẻ hơn mức giá mình dự định.

Một lần…

Khách là một ông trung niên lịch lãm (trang phục sang và thơm) gọi xe tôi.

Sau này tôi biết ông là một vị chức trách của chế độ cũ, đã là “đốc sự hành chánh” đàng hoàng, giỏi tiếng Anh.

Trên đường đi ông hỏi tôi về cái chuyện Nhật thực đang diễn ra ở Phan Thiết.

Kiến thức của tôi về địa lý khá vững, tôi giải thich cho ông khá tường tận.

Đến bến xe ông ra hiệu cho tôi quay lại một tiệm cà phê đầu Đinh Tiên Hoàng- Đa Kao bây giờ.

Lần đầu tiên tôi được uống li cà phê sữa nóng sao mà ngon vậy (có lẽ cũng vì không phải trả tiền).

Ông ngồi với tôi chừng ba giờ liền. Ông hỏi nhiều chuyện lắm.

Khi ông hỏi về tài nguyên miền Bắc, tôi thẳng thắn đáp: Tôi có đọc sách nói miền Nam trù phú, giầu đẹp nhưng miền Bắc cũng giầu đẹp không kém.

Ven sông Hồng mùa lũ cá nhiều như đất, phụ nữ cũng chộp được.

Trên rừng, cây trái phong phú, ngon, ngọt.

Nhưng nay họ tàn phá hết rồi.

Tôi lớn lên đến đâu thì con cua đồng bé đi đến vậy.

Sau đó ông bảo tôi chở ông quay về, ông không đi ra bến xe nữa.

Cuốc xe từ Tân Bình ra Văn Thánh hồi đó cả đi cả về chừng 30 ngàn là cùng, ông trả cho tôi 200 ngàn.

Tôi có ý ngỡ ngàng, biết ơn, thì ông giải thích: Tôi trả công cho anh vì anh giúp tôi hiểu ra nhiều vấn đề. "Câu chuyện Nhật thực là tôi thử anh đấy, tôi biết nhiều hơn anh. Nhưng qua đó tôi biết không phải “Thằng Bắc kỳ” nào cũng dốt nát, hợm hĩnh".

Qua vài câu chuyện sau, ông lại biết tôi biết nghề làm báo mà vẫn cần cù chạy xe ôm thì ông rất quý.

Sau đó ông giao cho tôi một “hợp đồng” rất thơm: Ông có ba chục hecta trồng điều, xoài trên Bình Phước. Vợ con ông đã đi Mỹ rồi. Cái nhà ở Tân Bình giờ là nhà cũ của ông ở chờ thời, sẽ đi nốt. Một hai tuần ông về Sài Gòn một lần nghỉ ngơi, mua sắm rồi lại lên Chơn Thành coi vườn.

Nay ông giao cho tôi việc, một hai ngày một lần, ăn mặc tươm tất đến mở cửa vào nhà, mở điện, mở đài cho nó ra vẻ nhà có chủ.

Ông trả công khá hậu.

Ông giải thích “xưa thì không sao, giờ có mấy cậu…Bắc kỳ đến mua đất làm nhà ở gần, họ là người bình dân, hơi đói khổ, dễ tắt mắt…

Tôi phì cười thầm: sợ mấy tay Bắc kỳ ăn trộm mà lại thuê một tay Bắc kỳ không rõ lai lịch trông coi nhà thì “kỳ” thật.

Trong nhà ông, đủ thứ quý: từ cái cassettl Akai đến cái TV 9 inch chạy pin, cái gì cũng lạ mắt và…dễ mất.

Nhưng suốt nửa năm tôi làm nhiệm vụ cho đến ngày ông đi, không mất mát gì.

Công việc của tôi khá tốt và từ đó chúng tôi thành bạn rất thân cho đến ngày ông ra đi.

Câu chuyện thứ ba.

Có một bà ở miền Bắc vào Đồng Nai sinh sống.

Ở địa phương có một vạt rau muống ven sông hầu như hoang dã, rất ngon.

Bà hái rau mớ lại mang ra chợ bán.

Bà ngạc nhiên thấy rau của bà tươi ngon, bó to mà không ai mua.

Đến ngày thứ hai thì một cô bán rau ở dãy hàng rau gần đó lại nói: “Dì ơi, người ở đây lười lắm, muốn bán được rau dì phải nhặt nhạnh sạch sẽ, bó đẹp đẽ, bằng đầu bằng đuôi, tươm tất, họ mang về là dùng ngay mới bán được.

Bà “Bắc kỳ” làm theo thì sau đó rất đắt hàng. Đắt hơn cả rau của bà kia.

Câu chuyện nhỏ cuối cùng

Hồi đó, tôi viết cho tờ báo “Hoa học trò” bởi tờ báo này của trẻ thơ, hầu như …phi chính trị nên còn viết được.

Trước đó (1980/1990), viết ... tô hồng thì không phải cái gu của mình. Viết…không tô hồng, viết thật quá thì đi tù như chơi. Tôi đã tự treo bút một thời dài. Sau đó tôi “kết” HHT vì thế.

Khi thấu hiểu hoàn cảnh của mình, các anh Lệ Bình Phạm , Quốc Vị, Luynh Lê v.v... giúp cho tôi làm thêm nghề …phát hành báo, cho hưởng 20%. Nhờ trời, cũng sống được.

Vài lần phát hành trên Trường Điểu Cải cách Dầu Giây chừng 30 km về phía Đà Lạt, tôi để ý thấy một cậu học sinh lớp 6 hay mua 5 cuốn liền.

Tiền cậu trả thường là những đồng tiền lẻ cong queo, cuốn lại từng phần riêng.

Nhưng rồi có lần, tôi thấy cậu mua bằng tờ tiền 50 ngàn mới tinh.

Tôi hỏi kỹ thì ra những lần trước, cậu mua giùm mấy bạn cùng tuổi, thất học, họ ở trong rẫy sâu trong rừng điều bằng tiền các bạn ấy gửi.

Lần này là cậu mới có “lương” là khoản tiền đi tìm dược liệu trong đồi cho một ông thầy thuốc Đông y dưới Sài Gòn trả nên cậu mua tặng 4 bạn kia.

Cậu giải thich là mấy bạn kia nghèo lắm, ki cóp được tiền mua một cuốn, khó lắm.

Sau lần này tôi về, gom món báo ế, tập san, báo khác… mang cho nhóm bạn này. Họ hành phúc vô cùng. Nhưng người hạnh phúc nhất có lẽ là anh bạn “nhà thầu” có đồng tiền mới kia.

Thưa các bạn.

Bốn câu chuyện nho nhỏ, giản dị tôi chọn trong trăm ngàn hình ảnh mảnh đất, con người Nam Bộ mà tôi chứng kiến, tôi trải nghiệm, rút đúc từ đời sống thật để thấy, một dải đất nhân hòa, đáng yêu, phóng khoáng đã tạo ra tâm tính những con người như anh Minh Râu, bà bán rau, ông Đốc sự, ông cán bộ tập kết và cậu học trò trường Điểu Cải kia.

Để giúp chúng ta hiểu thêm, hiểu sâu sắc hai chữ “Nam Bộ” trăm quý ngàn yêu này.

Hôm nay, câu chuyện anh Minh Râu bán rau trở thành một động lực đẹp giúp bà con ta vượt qua khúc thời gian nóng bỏng của dịch dã, để sống, để yêu thương nhau hơn.

Tôi vừa bấm đốt ngón tay nhẩm tính: Liệu…có thể nào anh “Minh Râu” bán rau đang nổi tiếng này chính là cậu bé học sinh lớp 6 trường Điểu Cải ở Định Quán xưa hay mua báo Hoa Học trò tặng bạn không? Phải anh không?

Hết dịch tôi về Nam, sẽ tìm lại vạt rừng ở Định Quán nơi tôi đến tặng sách báo cho các bạn, tìm anh.

N.H.C.

Nguồn: Fb Nguyễn Huy Cường

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn