Thủy điện xả lũ chết người, không ai chịu trách nhiệm

December 4, 2021

Xin tha tội

Xin đồng-bào tha tội cho tôi. Từ hơn mười năm nay tôi không thuyết-phục được chính-quyền ra lệnh chủ-nhân các đập thủy-điện trút hay tua-bin hết nước trong hồ để không phải xả-lũ vào mùa mưa.

Kỹ sư ĐẶNG Đình Cung, cư trú tại Pháp

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) .- Các nhà máy thủy điện xả lũ nhưng không thông báo cho các khu vực hạ du dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng nhưng không ai chịu trách nhiệm.

Một số báo tại Việt Nam dẫn lời viên chức tỉnh Phú Yên kêu ca về những ngày thành phố Tuy Hòa và phần lớn tỉnh này bị ngập lụt, nhà cửa, vườn ruộng chìm sâu dưới nước làm cho 10 người chết và thiệt hại tài sản nghiêm trọng chưa thống kê, các ngày 30 Tháng Mười một và mùng 1 Tháng Mười Hai.

Căn nhà bà Phạm Thị Quờn (74 tuổi, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa, Phú Yên) tan hoang vì thủy điện xả lũ. (Hình: PLTP)

Thủ phạm là một loạt các đập thủy điện và hồ thủy lợi từ các khu vực thượng nguồn của tỉnh Gia Lai, tới tấp xả xuống hệ thống sông rạch của tỉnh Phú Yên. Tất cả các đập thủy điện và hồ thủy lợi tại Phú Yên lại cũng vội vã xả lũ để tránh vỡ đập khiến cho một vùng rộng lớn chìm nhanh trong biển nước, dân không kịp trở tay.

Tờ Tuổi Trẻ hôm Thứ Bảy mùng 4 Tháng Mười Hai dẫn lời ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thông tỉnh Phú Yên kêu rằng các đập thủy điện “tỉnh nào vận hành tỉnh nấy” không có sự phối hợp giữa các địa phương dù sông rạch liên thông với nhau. “Bởi vậy nên mạnh hồ nào hồ ấy xả, cuối cùng hạ du ở Phú Yên bị nhấn chìm trong lũ”.


Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Phan Phước Thiện, Phó giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai, rồi ông Nguyễn Thanh Bình, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai), giải thích rằng họ “gửi thông tin cụ thể đến Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên như: thời gian xả nước, lưu lượng nước…” và “trước khi xả lũ phải được lệnh của trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh mới được xả.”

Nhưng ông Lữ Ngọc Lâm – Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên thấy được thuật lời nói rằng “trên thực tế cơ quan thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Phú Yên không nhận được thông báo từ phía Gia Lai về việc xả lũ trong ngày 30 Tháng Mười Một 2021”.

Tờ Pháp Luật thành phố Sài Gòn hôm Thứ Bảy kể rằng “lãnh đạo Phú Yên đã thấy trước nguy cơ cả vùng hạ du sông Ba sẽ ngập lụt, một mặt chỉ đạo tỉnh ứng phó, một mặt liên tục gọi điện thoại lên Gia Lai yêu cầu điều tiết nước ở các hồ thủy điện, không xả lũ ồ ạt gây ngập lụt cho hạ du. Tiếc là các cuộc điện thoại đều không có người nghe…”

Báo này cáo buộc các đập thủy điện “chưa tuân thủ Quyết định 878 năm 2018 của Thủ tướng về quy trình vận hành các hồ chứa trên lưu vực sông Ba.” Theo đó, phải “thông báo về thời gian, lưu lượng vận hành điều tiết của địa phương phía thượng nguồn cho Phú Yên” nhưng đã không làm.

Tờ Pháp Luật thành phố Sài Gòn còn viết rằng “Điều đáng nói, câu chuyện “mạnh ai nấy xả” không phải là lần đầu, khi tỉnh Phú Yên đã từng có ý kiến ra trung ương về việc này nhưng chuyện đâu vẫn vào đấy.”

Không ai chịu trách nhiệm.

Qua cái Quyết Định 878 của nhà cầm quyền trung ương năm 2018 “ Lệnh vận hành các hồ điều tiết lũ trái với các quy định trong quy trình dẫn đến công trình đầu mối, hệ thống các công trình thủy lợi, giao thông và dân sinh ở hạ du bị mất an toàn thì người ra lệnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.” Tờ Pháp Luật viết. “Cứ mỗi cơn lũ khủng khiếp qua đi, các bên liên quan vẫn thường báo cáo rằng tất cả đều đúng quy trình, rằng thì là do thiên tai chứ ít khi nhìn nhận trách nhiệm của mình trong công tác điều phối xả lũ, trách nhiệm của mình trước bao sinh mệnh, tài sản của người dân bị thiệt hại.”

Huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định chìm sâu dưới nước lụt ngày 1 Tháng Mười Hai 2021 vì thủy điện xả lũ. (Hình: Zing)

Truyền thông trong nước đăng tải nhiều hình ảnh, các video clip xả lũ và cảnh ngập lụt đường sá, nhà cửa tại Tuy Hòa (Phú Yên), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa) của các hồ thủy lợi và đập thủy điện ngày 30 Tháng Mười Một. Tình trạng “không có khả năng tích nước” của các hồ thủy điện tại tỉnh Phú Yên không phải chỉ riêng địa phương này. Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Nghệ An cũng đều một “bệnh.”

Năm 2020, thiệt hại từ các loại thiên tai và lũ lụt mà các đập thủy điện góp phần không nhỏ tại Việt Nam làm cho 356 người chết và tài sản mất mát ước tính 35,181 tỉ đồng (khoảng $1 tỉ 370 triệu USD), theo thống kê của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai CSVN.

T.N.

Nguồn: Người Việt

Đọc thêm:

Lũ lớn 'quá nhanh, quá nguy hiểm' ở miền Trung do thủy điện xả lũ

02/12/2021 06:30 GMT+7

Duy Thanh

TTO - Chỉ trong vòng 7 giờ (từ 8h đến 15h ngày 30-11), thủy điện Sông Ba Hạ (nằm trên sông Ba, thuộc địa phận huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) đã nâng lượng xả lũ về sông Ba từ 4.000m3/s lên 9.000m3/s.

Lũ lớn quá nhanh, quá nguy hiểm ở miền Trung do thủy điện xả lũ - Ảnh 1.

Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ 9.400m3/s lúc 15h chiều 30-11 - Ảnh: DUY THANH

Đây quả là lượng xả lũ tăng nhanh hiếm thấy đối với thủy điện này nhiều năm qua.

Dù sau đó, theo chỉ đạo vận hành xả lũ của chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, thủy điện này giảm dần lượng xả nhanh trong vài giờ để xuống còn mức 5.400m3/s, nhưng hạ du vẫn ngập lụt nặng nề.

Vì sao phải xả lũ lớn "cấp tốc" như vậy? Ông Trần Lý - Tổng giám đốc Công ty CP thủy điện Sông Ba Hạ - nói do những ngày qua mưa cực lớn ở Tây Nguyên nên 2 thủy điện phía trên của thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ và chảy qua tràn quá lớn với tổng lượng xả đạt 10.000m3/s.

"Thủy điện Sông Ba Hạ là thủy điện cuối cùng trong bậc thang, nên khi nước lũ thượng nguồn xả về quá lớn, chúng tôi buộc phải xin phép để xả lũ và luôn tuân thủ sự điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên".

Còn ông Trần Hữu Thế - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - nói ngay trong tối 30-11, khi thấy áp lực lũ lụt hạ du quá lớn, trong lúc nước lũ từ các thủy điện phía trên vẫn đổ về hồ thủy điện Sông Ba Hạ nhiều, ông đã phải đề nghị với Bộ Công thương để sử dụng vận hành liên hồ chứa trong trường hợp đặc biệt.

Đó là yêu cầu các thủy điện phía trên phải giảm lượng xả lũ lại để giảm bớt áp lực cho hồ chứa thủy điện Sông Ba Hạ, nhằm để thủy điện này kiềm chế mức xả lũ, không làm trầm trọng thêm lũ lụt hạ du sông Ba.

"Hồ chứa của thủy điện Sông Ba Hạ chỉ có 150 triệu m3, trong khi trong 24 giờ, lượng lũ từ 2 thủy điện Đắk Srông và Krông Hnăng đổ về hồ chứa này lên đến 600 triệu m3. Như vậy, nếu thủy điện Sông Ba Hạ có xả lũ cạn hồ đi nữa thì chỉ trong 6 giờ, nước lũ lại lấp đầy hồ ngay.

Do vậy để đảm bảo an toàn hồ đập, chúng tôi đã chỉ đạo vận hành xả lũ linh hoạt, xả nhiều khi triều cường chưa cao và xả thấp khi triều cường đạt đỉnh để giảm bớt ngập lụt và cũng đảm bảo an toàn hồ đập" - ông Thế nói.

Trong khi đó, chiều 1-12, khi kiểm tra tình hình ứng phó mưa lũ tại Phú Yên, ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên Pphó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - đánh giá mưa lũ tại tỉnh Phú Yên những ngày qua là rất lớn.

Theo ông Hoài, chính quyền địa phương đã triển khai rất tốt việc di dời người dân đến nơi an toàn, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19.

Đến tối 1-12, 2 thủy điện Sông Ba Hạ và Sông Hinh vẫn còn xả lũ về sông Ba với tổng lượng xả 4.754m3/s. Lũ trên sông Ba sau khi đạt đỉnh vào rạng sáng 1-12 đã giảm khá chậm, đến chiều cùng ngày vẫn xấp xỉ báo động 3.

Nhiều địa phương thiệt hại nặng nề

* Phú Yên: 3 người chết và 6 người mất tích. Gần 18.000 ngôi nhà bị ngập trong lũ.

* Bình Định: 3 người chết, 2 người bị thương. Toàn tỉnh có 16 nhà dân bị sập và hư hỏng, 31.378 ngôi nhà bị ngập nước; 9.052m đường nông thôn bị sạt lở...

* Khánh Hòa: 1 người chết, 1 người mất tích. 1 tàu đánh cá bị đánh chìm, 2 sà lan đang thi công đập ngăn mặn sông Cái bị nước lũ cuốn trôi làm hư hại đường ống cấp nước sinh hoạt bắc qua cầu sông Cái, đang mắc kẹt tại cầu Hà Ra.

* Đắk Lắk: 1 người chết, 1 người mất tích. Nhiều tuyến đường và cầu cống ở 2 huyện M’Đrắk và Ea Ka bị hư hỏng nặng.

D.TH. - L.T. - M.C. - TR.T.

Còn hơn 90.000 hộ dân miền Trung - Tây Nguyên bị mất điện do lũ

Còn hơn 90.000 hộ dân miền Trung - Tây Nguyên bị mất điện do lũ

TTO - Đến tối 1-12 đã có gần 78.000/171.000 hộ sử dụng điện tại 6 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên bị ảnh hưởng bởi mưa lũ đã được ngành điện khắc phục cấp điện trở lại.

D.T.

Nguồn:  tuoitre.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn