Biết bệnh sao không ra toa chữa trị?

Hiền Lương

(VNTB) – Nền kinh tế tài chính đang phải định hướng theo yêu cầu chính trị là trong khuôn khổ của “xã hội chủ nghĩa”

“Vốn chảy vào bất động sản thì còn nhiều vấn đề, kể cả thị trường vốn, kể cả thị trường tiền tệ. Đây là bất cập rất lớn. Vừa rồi chúng ta phát hiện, Chính phủ đánh giá, tổ chức thực hiện, chỉ đạo các ngành, cấp kiểm soát vấn đề này”.

Bắt mạch nền kinh tế tài chính

Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Lê Minh Khái có nhận xét như trên tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về tình hình kinh tế – xã hội cuối năm 2021, những tháng đầu năm 2022, diễn ra hồi trung tuần tháng 5-2022.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng cho biết, hiện Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để sửa Nghị định 153 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. “Trong lúc chưa sửa thì theo dõi sát tình hình, báo cáo đầy đủ tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng như thị trường tiền tệ cho vay của bất động sản những khoản nào tới hạn, những cái nào phát hành mới thì rà soát, đánh giá rủi ro để kiểm soát tốt nhất”, ông Khái nói.

Thật ra vấn đề không hẳn như giải thích của ông Khái.

Tại Hội nghị: “Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế” diễn ra hồi hạ tuần tháng tư vừa qua, Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an đã điểm mặt chỉ tên các hành vi thiếu minh bạch trên thị trường vốn hiện nay.

Theo tướng Tuyến, đang có sự xuất hiện của những hành vi thiếu minh bạch trên thị trường với nhiều thủ đoạn tinh vi phức tạp.

Phải chăng là căn bệnh mãn tính?

Ý kiến của tướng Tuyến là đang có ba hành vi phổ biến trong thị trường tài chính được cho là dấu hiệu của hình sự.

Thứ nhất, việc chấp hành không đúng quy định của pháp luật về công bố các thông tin liên quan đến thị trường và giao dịch. Theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chỉ riêng trong năm 2021 đã có 38 đoàn thanh tra kiểm tra và ban hành 471 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 20 tỷ đồng.

Phân tích các hành vi vi phạm thì chủ yếu tập trung vào các hành vi như: công bố thông tin không đúng sự thật, thao túng giá chứng khoán và các hành vi này chưa đến mức xử lý hình sự. Đặc biệt là hành vi mua bán cổ phiếu không báo cáo, không công bố thông tin trước khi giao dịch của các cổ động lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan cổ đông nội bộ vẫn diễn ra có chiều hướng gia tăng phức tạp, làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp đến các giao dịch, đặt ra những vấn đề về thiếu minh bạch trên thị trường chứng khoán.

Theo tướng Tuyến thì những hành vi này tác động đến tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoản, ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam và tiềm ẩn những vấn đề phức tạp.

Thứ hai, tình trạng cung cấp, đưa thông tin sai lệch thất thiệt trên các trang mạng xã hội và lôi kéo các nhóm đầu tư, nhóm tư vấn mua bán gây thiệt hại cho nhà đầu tư có chiều hướng gia tăng. Lợi dụng thị trường chứng khoán phát triển, số lượng nhà đầu tư gia tăng, các hội nhóm chứng khoán lập nhiều nhóm kín tư vấn lôi kéo nhà đầu tư tham gia mua bán cổ phiếu nhằm trục lợi.

Tham luận của Thiếu tướng Lê Văn Tuyến cho hay trong năm 2021 và đầu năm 2022 trên thị trường đã xuất hiện nhiều thông tin thất thiệt gây ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng như một số thông tin không lành mạnh gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.

Thứ ba, do tình hình dịch bệnh Covid-19 trong thời gian vừa qua kéo dài, dòng tiền nhàn rỗi chưa được đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều nhà đầu tư tập trung vào đầu tư chứng khoán, gây tiềm ẩn gia tăng nợ xấu và an toàn an ninh tiền tệ.

Tương tự, đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Tuyến cho rằng, thị trường này cũng nổi lên một số vấn đề tiềm ẩn rủi ro đến an ninh tiền lệ như việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo đạt tỷ lệ thấp, chiếm khoảng 50,9%.

“Tình trạng doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu nhỏ, kết quả sản xuất kinh doanh thấp, thua lỗ nhưng vẫn phát hành khối lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp với mục đích huy động vốn cho công ty mình; phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhưng sử dụng sai mục đích, mức lãi suất trái phiếu cao khiến doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ mất khả năng thanh toán cũng như là vỡ nợ”, ông Tuyến nói.

Cần ra toa thuốc đủ mạnh, trúng liều

Phát biểu tại “Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng vừa là nhà đầu tư trực tiếp, vừa là nhà phát hành lớn.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2021, có 41 tổ chức tín dụng tham gia với tổng dư nợ trái phiếu tín dụng là 274 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,63% tổng dư nợ tín dụng của hệ thống. Qua đó góp phần gia tăng thanh khoản, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển.

Trái lại, với vai trò là nhà phát hành, năm 2021, trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành chiếm 36,18% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường. Tính đến 31/3/2022, có 29 tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu với dư nợ khoảng 427 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,7% tổng vốn huy động nền kinh tế.

Theo đó, các tổ chức tín dụng là đối tượng phát hành trái phiếu lớn thứ hai trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, là định chế chính tạo lập thị trường trái phiếu doanh nghiệp, góp phần gia tăng cả lượng và chất đối với hàng hóa được giao dịch trên thị trường.

Mặc dù tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp với cả tư cách nhà đầu tư và đơn vị phát hành như trên, tuy nhiên, Thống đốc vẫn cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam có quy mô còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Bởi vậy, doanh nghiệp phải dựa rất nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng, kể cả vốn trung dài hạn (năm 2021, quy mô tín dụng đạt 124,3% GDP).

“Thực trạng này đã và đang tạo sức ép và rủi ro lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng khi nguồn vốn chủ yếu là ngắn hạn với tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn chiếm khoảng 82% tổng huy động vốn”, Thống đốc nhấn mạnh.

Đánh giá về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Thống đốc cho rằng vẫn còn những bất cập khác. Điển hình như việc các nhà đầu tư như các doanh nghiệp bảo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán chưa khẳng định vai trò chủ đạo trên thị trường; hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện, các quỹ tương hỗ chưa phát triển, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế…

Liều thuốc nào đủ mạnh, trúng liều cho những “bệnh lý” của nền kinh tế tài chính đang phải định hướng theo yêu cầu chính trị là trong khuôn khổ của “xã hội chủ nghĩa”?

H.L.

VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn