Việt Nam: Vướng mắc chính là dân không có quyền lựa chọn mục đích sử dụng đất

Luật sư Ngô Ngọc Trai

Gửi bài cho BBC từ Hà Nội

clip_image002Luật sư Ngô Ngọc Trai tiếp xúc với người dân

Quyền tự quyết đối với tài sản hay là quyền tự do trong không gian riêng nhưng trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, Luật Đất đai bó buộc quyền tự quyết đó khi sử dụng đất của hàng triệu người dân.

Vì luật này là văn bản pháp lý quan trọng, ảnh hưởng tới quyền lợi pháp lý, dân sinh của hàng triệu người nên rất đáng nhận được nhiều sự quan tâm bàn luận.

Ở đây, tôi chỉ có thêm chút ý kiến này hy vọng sẽ đem lại gợi ý cho cơ quan soạn thảo sửa đổi.

Bất cập chính ở đâu?

Đối với chính sách pháp luật về đất đai hiện nay, nhiều người đã thấy được những bất cập nhưng lại chưa nhận ra được vấn đề nằm ở đâu, tôi thấy một trong những bất cập là nguyên nhân gây ra nhiều hệ lụy nằm ở quy định về phân loại đất.

Chỉ riêng nhóm đất nông nghiệp đã được phân thành 8 loại đất khác nhau theo quy định tại Điều 10 Luật Đất đai năm 2013. Cụ thể như sau:

Điều 10. Phân loại đất

Căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại như sau:

1. Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:

a) Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác;

b) Đất trồng cây lâu năm;

c) Đất rừng sản xuất;

d) Đất rừng phòng hộ;

đ) Đất rừng đặc dụng;

e) Đất nuôi trồng thủy sản;

g) Đất làm muối;

h) Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh;

Trên đây chỉ là 8 loại đất được phân ra đối với đất nông nghiệp, ngoài ra còn cả chục loại đất phi nông nghiệp khác được phân loại.

Với những tiến bộ về kỹ thuật quản lý hành chính hiện nay thì việc xác định phân loại đất theo mục đích sử dụng không có khó khăn gì, nhưng việc phân loại càng khoa học chi tiết thì hóa ra sẽ chỉ càng gây khó khăn cho người sử dụng đất mà thôi.

Bởi sau khi phân loại đất thì tại Điều 12 của Luật Đất đai năm 2013 lại quy định về một trong những hành vi bị nghiêm cấm là nghiêm cấm sử dụng đất không đúng mục đích.

Các chi tiết đã trói buộc nền kinh tế

Như thế việc phân loại đất quá chi tiết chính là tạo ra sự trói buộc trong sử dụng đất, điều mà người soạn luật có lẽ cũng không ngờ đến.

Tôi không rõ ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc họ có phân loại đất ra từng loại như thế không, và việc phân loại chỉ phục vụ cho công tác nghiên cứu thống kê để xây dựng chính sách vĩ mô hay cũng để giám sát việc sử dụng trong thực tế và yêu cầu bắt buộc việc sử dụng đất phải đúng mục đích.

Và không rõ người sử dụng đất ở các nước đó họ có quyền tự quyết về mục đích sử dụng hay cũng sẽ gặp khó khăn trong việc thay đổi mục đích sử dụng đất?

Chúng ta biết rằng theo pháp luật về dân sự thì một người có toàn quyền đối với tài sản thuộc sở hữu của mình trong đó gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, và quyền định đoạt.

Điều này đúng với cả ở Việt Nam và các nước. Khi đó một người có toàn quyền quyết định mục đích sử dụng tài sản của mình. Tất nhiên cũng có những ràng buộc trong khi sử dụng nhưng là ở quy tắc vĩ mô ví như tài sản là xe ô tô khi sử dụng đi ra đường thì phải theo luật giao thông.

Còn thì trong phạm vi không gian riêng khi mà việc sử dụng tài sản không ảnh hưởng đến ai thì công dân được toàn quyền tự do đối với tài sản sở hữu và mục đích sử dụng.

Đối với đất đai ở Việt Nam thì chúng ta biết là không thuộc tài sản sở hữu tư nhân, nhưng pháp luật cũng trao quyền và tạo không gian tiệm cận gần nhất với những quyền hạn rộng rãi của quyền sở hữu.

Trong đó người sử dụng đất được cho phép để lại thừa kế, tặng cho, cầm cố, thế chấp, mua bán chuyển nhượng quyền sử dụng. Và xu hướng đúng đắn cho tương lai cũng là củng cố và mở rộng quyền cho người sử dụng đất cho tiệm cận gần nhất với những quyền của người sở hữu tài sản.

Nhưng dẫu vậy thì hiện nay bất cập của việc thiếu vắng quyền sở hữu cũng vẫn còn và nó nằm ở quyền định đoạt (còn quyền chiếm hữu và quyền sử dụng thì đã có). Và một quyền tưởng là nhỏ nhưng quan trọng đó là lựa chọn mục đích sử dụng đất.

Hiện nay chúng ta biết rằng một trong những mục tiêu đặt ra đối với Luật Đất đai là làm sao phát huy được tính hiệu quả kinh tế trong sử dụng đất, coi đó là nguồn lực quan trọng cho công cuộc phát triển đất nước tiến tới công nghiệp hóa, mà theo đó thì nhiều diện tích đất nông nghiệp sẽ được chuyển sang đất làm công nghiệp với những khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị.

Đứng ở góc độ nhà nước là như vậy. Vậy thì ở góc độ hộ gia đình thì sao?

Họ có được đặt ra mục tiêu coi những mảnh ruộng vườn của mình là nguồn lực cho phát triển kinh tế hộ gia đình tiến tới thịnh vượng mà theo đó cũng tất yếu phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hay không?

Tại sao sự hợp lý ở góc độ nhà nước lại không được phép ở góc độ gia đình, cá nhân?

Ví dụ như hiện nay nhiều gia đình có một diện tích đất lúa hiệu quả canh tác thấp họ muốn mua thêm đất xung quanh để làm trang trại, tầm 2,3 nghìn mét vuông là làm được.

Khi đó họ sẽ muốn thay vì trồng lúa thì chuyển sang trồng cây ăn quả lâu năm, một phần đào ao thả cá và lấy nước tưới tiêu, xây chuồng trại chăn nuôi và một nơi ở cho gia đình trông coi.

Tất cả những điều đó sẽ khó làm được vì sẽ phải thay đổi mục đích sử dụng đất.

Hoặc khi làm trang trại sẽ phải xin phép và sự cho phép lại phụ thuộc vào quy hoạch, nếu địa phương không có quy hoạch cho chỗ này làm trang trại thì sẽ bị từ chối.

Trong khi đó khi thay đổi mục đích sử dụng đất sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều, có thể đất không cấy lúa cho gạo ăn nhưng sẽ có nhiều rau hoa quả cây trái, nhiều thịt cá hơn cho xã hội.

Bởi vậy người dân nên được trao quyền tự chủ nhiều hơn trong việc sử dụng đất thì việc khai thác nguồn lợi kinh tế từ đất mới đúng nghĩa và có hiệu quả.

Bài thể hiện quan điểm riêng của luật sư Ngô Ngọc Trai ở Hà Nội.

Nguồn: BBC Tiếng Việt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn