Phản ứng của Việt Nam đối với sự bao vây của Trung Quốc

Carlyle A. Thayer trả lời các câu hỏi của độc giả trang Thayer Consultancy

1 tháng 9 năm 2022

Bauxite Việt Nam dịch

1. Việt Nam ngày càng bị bao vây, với việc quân đội Trung Quốc được bố trí về phía đông, ở Biển Đông; về phía bắc ở biên giới với Trung Quốc; và về phía nam và phía tây là mối đe dọa của một căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Campuchia. Việt Nam nghĩ gì về khả năng bị bao vây này và chính phủ VN phản ứng như thế nào?

TRẢ LỜI: Các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Việt Nam nhận thức rõ về sức mạnh quân sự và năng lực công nghệ ngày càng tăng của Trung Quốc. Họ áp dụng một quan điểm lạc quan về vị trí chiến lược của họ; nói cách khác, cái gọi là bao vây Việt Nam của Trung Quốc đưa ra cả cơ hội và thách thức. Như bản đồ Biển Đông dưới đây chỉ ra, trong khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và quân sự hóa 7 thực thể ở Biển Đông, thì Việt Nam chiếm 21 bãi đá và rạn san hô, có từ 49 đến 51 tiền đồn, ở Trường Sa.

clip_image001

Vào tháng 2 năm 2021, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua nghị quyết khởi động chương trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của Việt Nam. Đại hội đã kêu gọi xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam “tinh gọn và mạnh mẽ” vào năm 2025, hiện đại hóa các “quân chủng, quân đoàn và lực lượng” được lựa chọn vào năm 2030, và sau đó là hiện đại hóa toàn bộ quân đội.

Các cán bộ cao cấp trong Quân đội viết trên Tạp chí Quốc phòng Toàn dân (All People’s National Defence Journal) sau Đại hội 13 đã xác định các quân, binh chủng, lực lượng sẽ được ưu tiên là: Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân, Cảnh sát biển, Thông tin liên lạc, Lực lượng tác chiến điện tử, Lực lượng trinh sát kỹ thuật, Lực lượng tác chiến mạng và Lực lượng mật mã (mật mã).

2. Việt Nam có thể làm gì để có thể phá vỡ vòng vây này? Nó có nghĩa là hợp tác nhiều hơn với các nước chống lại Trung Quốc như Mỹ và Nhật Bản? Hay là những gì mà Việt Nam biết là phải sống chung với nó như hiện nay?

TRẢ LỜI: Cái gọi là sự bao vây Việt Nam của Trung Quốc hiện chưa hoàn thành. Trung Quốc đã cung cấp một khoản vay và đang hỗ trợ Campuchia hiện đại hóa căn cứ hải quân của họ tại Ream. Nhưng Trung Quốc vẫn chưa thiết lập căn cứ quân sự chính thức cũng như triển khai tàu chiến hải quân thường trực.

Việt Nam và Campuchia đã có cam kết không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình. Chẳng hạn, tháng 12/2021, kết thúc chuyến thăm chính thức Campuchia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hai nhà lãnh đạo của hai nước đã ra Tuyên bố chung: “Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh dựa trên nguyên tắc không cho phép bất kỳ thế lực thù địch nào sử dụng lãnh thổ của mỗi bên để làm tổn hại đến an ninh của bên kia...”.

Việt Nam và Campuchia hiện đang thực hiện Nghị định thư nhiều năm bao gồm các năm 2020-2024 và Kế hoạch hợp tác cụ thể cho năm 2022. Chẳng hạn, vào ngày 23 tháng 5 năm 2022, Đại tướng Tea Banh và Thượng tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia và Việt Nam, lần lượt tổ chức giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới đầu tiên tại Hà Nội.

Trong khi việc bố trí quân đội hiện đại của Việt Nam là phòng thủ, thì nghị quyết Đại hội 13 đã chỉ đạo Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam “chủ động ngăn chặn nguy cơ chiến tranh và xung đột từ xa” thông qua dự báo chính xác và hành động kịp thời.

Học thuyết quân sự của Việt Nam được điều chỉnh cho các khu vực địa lý khác nhau như biên giới đất liền, các đảo trên Biển Đông và miền biển. Có những báo cáo chưa được xác nhận rằng Việt Nam đã đặt các bệ phóng tên lửa trên một số địa điểm của mình ở quần đảo Trường Sa.

Một năm sau đại hội 13, người Nga xâm lược Ukraine. Cuộc xung đột này đã cung cấp cho Việt Nam những bài học về cách thức sử dụng lực lượng bất đối xứng để chống lại một lực lượng lớn hơn về mặt số lượng. Nền công nghiệp quốc phòng của Việt Nam đã có khả năng sản xuất tên lửa chống hạm và phòng không tiên tiến. Hải quân Nhân dân Việt Nam có sáu tàu ngầm lớp Kilo cải tiến (lớp Kilo thuộc Dự án 636 Varshavyanka).

Năm 2019, Việt Nam đã ban hành Sách Trắng Quốc phòng tuyên bố: “Việt Nam nhất quán chủ trương không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào, không đứng về phía nước này chống lại nước khác, không cho phép bất kỳ nước nào khác thiết lập căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của mình để thực hiện các hoạt động quân sự chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.”. Gọi chung là “Bốn không”.

Tuy nhiên, Sách Trắng Quốc phòng 2019 của Việt Nam tiếp tục nêu rõ “tùy theo hoàn cảnh và điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ xem xét phát triển các mối quan hệ quốc phòng và quân sự cần thiết, phù hợp với các nước khác ...”. Nga là nhà cung cấp vũ khí và công nghệ quân sự chính của Việt Nam, nhưng mua sắm đã giảm đáng kể từ hơn 1,2 tỷ USD năm 2016 xuống còn 30 triệu USD năm 2021. Ngoài ra, Việt Nam đã mua vũ khí và công nghệ quân sự từ Ấn Độ, Israel, Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Đồng thời, VN đã hợp tác chặt chẽ về phòng không với Lực lượng Phòng vệ Không quân của Nhật Bản.

3. Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức nào?

TRẢ LỜI: Việt Nam sẽ phải đối mặt với hai thách thức lớn trong việc đáp ứng mục tiêu hiện đại hóa quân đội Việt Nam. Đầu tiên, VN cần khôi phục tốc độ tăng trưởng kinh tế cao để có thể tài trợ cho việc mua sắm các vũ khí đắt tiền. Thứ hai, tránh các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ nếu VN quyết định mua sắm lớn từ Nga.

Cái gọi là luận điểm bao vây cho rằng Trung Quốc và Việt Nam coi nhau là đối thủ cạnh tranh và là kẻ thù tồi tệ nhất, dẫn đến kết luận rằng Việt Nam có rất ít lựa chọn ngoài việc liên kết với Hoa Kỳ. Tình hình thực tế phức tạp hơn nhiều. Trung Quốc là thách thức quân sự lớn nhất đối với Việt Nam vì tiềm lực kinh tế mạnh của TQ. Nhưng rất khó để chứng minh rằng Trung Quốc có ý định gây áp lực buộc Việt Nam phải khuất phục trước Bắc Kinh hoặc tấn công Việt Nam dựa vào một số hành động khiêu khích hiện hữu đối với lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Bất kỳ cuộc xung đột vũ trang nào giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ có những tác động toàn cầu và dẫn đến sự gián đoạn thương mại qua Biển Đông mà nền kinh tế Trung Quốc rất phụ thuộc vào.

C.A.T.

Nguồn bản gốc: http://viet-studies.net/kinhte/VNResponseToEncircl_Thayer.pdf

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn