Phát biểu của Viện trưởng KSNDTC Lê Minh Trí vi phạm quyền con người

RFA

2022.09.16

Một số luật sư và người hoạt động xã hội nói rằng phát biểu gần đây của Viện trưởng Lê Minh Trí của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) về công tác của ngành này thể hiện sự vi phạm quyền con người và nguyên tắc xét xử công bằng.

clip_image002[1]

Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí trả lời trước Quốc hội hôm 15/9/2022

Trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/9, ông Lê Minh Trí được truyền thông Nhà nước dẫn lời phát biểu với nội dung cho rằng "bảo vệ quyền con người là việc phải làm", tuy nhiên nhân quyền của nghi phạm, nghi can có thể bị hạn chế để bảo vệ cuộc sống bình yên của đa số người dân.

Bình luận về câu nói này của ông Lê Minh Trí, luật sư Hà Huy Sơn của Đoàn Luật sư Hà Nội nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua điện thoại:

“Theo giải trình của ông Lê Minh Trí tôi có thể hiểu là ông ấy nói đến như trường hợp ‘Tình thế cấp thiết’ của Điều 23 Bộ luật Hình sự. Để được coi là ‘Tình thế cấp thiết’ cần toà án quyết định, không có cá nhân nào, kể cả ông Lê Minh Trí có đủ thẩm quyền”.

Chương IV của Bộ luật Hình sự năm 2015 về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, quy định “Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa".

Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm, tuy nhiên trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

Cựu cán bộ của Tổng cục Tình báo Quân đội Vũ Minh Trí cho rằng phát biểu trên của ông Lê Minh Trí “rất tầm bậy”- vi phạm nguyên tắc bình đẳng và tiêu chuẩn nhân quyền phổ quát. Ông nói qua điện thoại:

“Hiến pháp đã quy định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt công dân loại 1-2 và 3, hay là giữa người phạm tội hay chưa phạm tội.

Kể cả những công dân phạm tội, họ có thể bị tước quyền công dân nhưng quyền con người của họ vẫn phải được tôn trọng và bảo đảm: họ phải được ăn uống, khám chữa bệnh và đọc sách báo…”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trong cuộc họp nêu trên đưa ra Báo cáo thẩm tra năm 2022 đối với Toà án Nhân dân Tối cao, VKSNDTC cho biết, có 17 trường hợp bị oan trong giai đoạn điều tra, truy tố thuộc trách nhiệm của ngành Kiểm sát.

Báo cáo còn nói công tác tố tụng còn để xảy ra trường hợp Viện Kiểm sát truy tố nhưng tòa án tuyên không phạm tội.

Giải trình về điều này, ông Lê Minh Trí nói: “Trong một vụ án, hai lời khai của người phạm tội hoặc ba lời khai của nhân chứng có liên quan thì có thể khởi tố, bắt giam để tránh bỏ lọt tội phạm. Còn kết luận có tội hay không thì tòa sẽ tuyên”.

Bình luận về câu trả lời này của người đứng đầu ngành Kiểm sát, cựu cán bộ của Ban Nội chính Trung ương, luật sư Lê Văn Hoà nói với RFA qua tin nhắn:

“Viện trưởng VKSNDTC nói thế là không ổn. Nếu chỉ căn cứ vào mấy lời khai đó mà đã khởi tố, bắt giam dễ gây ra oan. Nhiều hay ít lời khai của người phạm tội hay nhân chứng cũng chỉ để tham khảo và cần có thêm các nguồn thông tin khác để đối chiếu”.

Luật sư Ngô Anh Tuấn, người thường tham gia bào chữa trong các vụ án chính trị nói rằng ông không đồng thuận với phát biểu của người đứng đầu ngành Kiểm sát, vì như thế là vi phạm “nguyên tắc suy đoán vô tội”.

“Lời khai nhận tội của chính họ cũng không được xem là chứng cứ duy nhất để buộc tội họ chứ đừng nói sử dụng lời khai của hai người hay hai mươi người để buộc tội/bắt họ. Lời khai của nhân chứng hoặc của bị can bị cáo phải phù hợp với tình tiết khách quan có trong hồ sơ vụ án hoặc tình tiết khác có trong quá trình điều tra”, ông nhấn mạnh.

Đồng tình với các ý kiến trên, cựu sỹ quan tình báo Vũ Minh Trí nói:

“Ngành luật có nguyên tắc rất quan trọng, đó là trọng chứng hơn trọng cung. Nếu mà chỉ dựa vào lời khai của một người để đi bắt người khác thì anh sai rõ”.

Ông dẫn chứng ý kiến của mình bằng hàng loạt vụ án oan trong đó nghi phạm bị tra tấn và ép cung, buộc họ phải khai không đúng dẫn tới việc bắt bớ những người vô tội khác như trong vụ án ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, gia đình ông Nguyễn Thành Nghị có bảy người bị kết án oan và chỉ được giải oan sau 40 năm, nhưng chính quyền chỉ bồi thường 600 triệu đồng.

Trong phát biểu của mình, ông Lê Minh Trí cũng cho rằng, không nên dùng từ "oan sai" trong giai đoạn điều tra vì chỉ khi "tòa tuyên (bản án có hiệu lực thi hành - PV) một người không có tội mà bị kết án mới là oan".

Nhận định về việc này, luật gia không nêu tên từ Hà Nội nói:

“Khi chưa có đủ chứng cứ để chứng minh họ vi phạm pháp luật hình sự mà đã khởi tố, truy tố, xét xử họ và sau đó đình chỉ vụ án vì họ không phạm tội thì rõ ràng là quyền con người của họ đã bị xâm phạm, họ bị oan”.

Còn theo luật sư Ngô Anh Tuấn thì giải thích của ông Lê Minh Trí chỉ nhằm giảm nhẹ sai sót của ngành Kiểm sát bằng cách giảm tỷ lệ oan trong cả quá trình khởi tố, truy tố và xét xử.

Vẫn theo báo cáo của Ủy ban Tư pháp, mặc dù số lượng án thụ lý giảm nhưng số vụ bị tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung tăng trên 30%.

Trong giai đoạn xét xử, 55 trường hợp Viện Kiểm sát phải rút một phần quyết định truy tố tại phiên tòa, hoặc truy tố không đúng tội danh, không đúng khung hình phạt.

Chất lượng kháng nghị phúc thẩm trong một số vụ án còn hạn chế, không có căn cứ, sau đó Viện Kiểm sát cấp trên phải rút kháng nghị, báo cáo viết.

Nguồn: RFA Tiếng Việt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn