Thanh tra, kiểm tra đã ở đâu trong các vụ án tham nhũng tày trời?

LS Đặng Đình Mạnh

Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương vừa bị bắt giữ đã nối dài thêm danh sách quan chức trong chính quyền lẫn trong CDC cả nước bị tống giam vì liên quan đến vụ tai tiếng Việt Á. Đến mức, trong hệ thống CDC, công chúng không hỏi quan chức nào đã bị bắt, mà họ phải hỏi quan chức nào chưa bị bắt thì có lẽ câu trả lời sẽ nhanh hơn.

clip_image002

Nguồn ảnh minh họa từ VnExpress: Ông Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, người vừa bị bắt giữ

Chưa hết, trước đó, ông cựu bộ trưởng y tế và ông cựu chủ tịch thủ đô bị tước đảng tịch, bãi nhiệm tư cách đại biểu quốc hội, cách chức và tống giam đều là hệ quả từ cuộc điều tra vụ đại án Việt Á.

Đương nhiên, Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường – nơi làm việc của ông cựu bộ trưởng y tế và ông cựu chủ tịch thủ đô, các CDC và hầu hết tất cả cơ quan công quyền trong cả nước đều có thành lập đầy đủ các thiết chế gồm thanh tra nhà nước từ hệ thống chính quyền và ủy ban kiểm tra từ hệ thống đảng. Nhưng phát hiện ra tội phạm của họ lại không từ các thiết chế thanh tra, kiểm tra mà là từ kết quả điều tra của cơ quan điều tra hình sự thuộc công an.

Trong trường hợp này, câu hỏi cần đặt ra rằng: Các thiết chế thanh tra, kiểm tra đã ở đâu? Đã làm gì? Khi xảy ra sự việc vi phạm pháp luật trong cơ quan mà mình có trách nhiệm và thẩm quyền thanh tra, kiểm tra? Đã tê liệt ư?

Việc tham nhũng trải qua nhiều giai đoạn và đa phần trường hợp, cơ quan công an chỉ có thể hiện diện ở giai đoạn cuối khi hành vi tham nhũng đã hoàn thành. Ở các giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc đang phạm tội, thì lẽ ra các thiết chế thanh tra, kiểm tra sẽ có tác dụng như những "cái phanh hãm" việc tham nhũng, nhưng hầu như chúng đều vô tác dụng.

Không chỉ cá biệt trong vụ án Việt Á, mà các vụ án liên quan đến các quan chức khác cũng vậy. Các thiết chế thanh tra, kiểm tra nơi có cán bộ tham nhũng hầu như bất động, có cũng như không. Và có bao giờ cán bộ chức năng từ các thiết chế này đã bị truy trách nhiệm?

Nhìn ra thế giới bên ngoài, họ đã làm gì để hạn chế tham nhũng, điều đang trở thành quốc nạn ở nước ta? Câu trả lời thật ra không quá khó: Phân chia quyền lực, đối trọng quyền lực, giám sát quyền lực và cạnh tranh quyền lực... đều chính là "cái lồng nhốt quyền lực" mà người đứng đầu đảng tìm kiếm khi nhận ra quyền lực tha hóa đến mức nào khi thiếu sự kiểm soát, kiềm chế.

Rõ là không quá khó khăn tìm giải pháp khắc phục, nhưng vẫn quá khó khăn để giải pháp trở thành chính sách mà vận dụng nếu chưa xác định đúng quan điểm về quản trị quốc gia.

Điều thú vị là cơ sở để đưa các giải pháp quản trị quốc gia đã được xác định trong chính Điều lệ Đảng CSVN, phần lời nói đầu với tựa "Ðảng và những vấn đề cơ bản về xây dựng Ðảng", tại đoạn 4 (phần chữ in lớn dưới đây) định rằng : "Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, TIẾP THU TINH HOA TRÍ TUỆ CỦA NHÂN LOẠI, NẮM VỮNG QUY LUẬT KHÁCH QUAN, XU THẾ THỜI ĐẠI và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân". Trong đó, đoạn văn thức "tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại" chính là cơ sở để vận dụng các phương pháp quản trị đã giúp nhiều quốc gia trên thế giới trở nên hùng cường, thịnh vượng. Đồng thời với điều đó, đương nhiên, phải ngừng tự tiện chụp cho chúng chiếc mũ "phản động" hoặc "thù địch".

Nếu không, cuộc chiến “đốt lò” sẽ còn tiếp diễn mãi không dứt, xứ sở vẫn bị nạn tham nhũng tàn phá cho tan hoang. Vì lẽ, “đốt lò”, cách ấy chỉ chữa trị triệu chứng đằng ngọn, chúng chưa chạm được phần gốc phát sinh căn bệnh. Các phương cách “hãm phanh” bằng thanh tra, kiểm tra đã kém phát huy chức năng của mình.

Hòn ngọc Viễn Đông cổ

Đ.Đ.M.

Nguồn: FB Manh Dang

Đọc thêm:

Đỉnh cao trơ trẽn: Thì ra là ông chớ ai vào đây

18/09/2022

Cù Mai Công

Sau khi bị đình chỉ sinh hoat Đảng, ngày 17-9-2022, ông Phạm Xuân Thăng, nguyên bí thư tỉnh Hải Dương đã bị bắt vì liên quan vụ Việt Á. Cùng bị bắt với ông Thăng là ông Phạm Mạnh Cường – cựu giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương.

Cơ quan điều tra xác định hai bị can này đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo làm trái các quy định của pháp luật trong đấu thầu để Công ty Việt Á thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản nhà nước.

Cuối năm ngoái, khi vụ Việt Á nổ ra ở Hải Dương, ngay lập tức, Bí thư tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng đã bày tỏ thái độ hết sức nghiêm khắc với hành vi này. Tại Hội nghị lần thứ 48 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy diễn ra ngày 21-12, ông Thăng chỉ đạo làm rõ trách nhiệm liên quan sai phạm tại CDC. Ông nhấn mạnh sai phạm của ông Phạm Duy Tuyến – giám đốc CDC tỉnh Hải Dương – là rất nghiêm trọng, đi ngược lại với nỗ lực chống dịch của cả hệ thống chính trị và gây bức xúc trong cán bộ, nhân dân trong tỉnh.

Sau đó, 17-6-2022, ông Thăng trở thành Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Hải Dương.

Quá ngưỡng mộ một vị lãnh đạo anh minh. Hình ảnh mẫu mực ấy còn được ông thể hiện cách đây nửa tháng khi dự buổi khai giảng năm học ở một trường trong tỉnh: dõng dạc gõ trống làm gương cho học trò.

Giờ nhân dân cả nước suýt té ghế khi ổng bị bắt. Thì ra chính ổng “đi ngược lại với nỗ lực chống dịch của cả hệ thống chính trị và gây bức xúc trong cán bộ, nhân dân trong tỉnh” chớ ai vô đây.

Không chỉ ông Thăng, tới giờ gần 100 vị quan chức liên quan Việt Á đã xộ khám, dù trước đây lắm vị cũng “nói thánh nói tướng” lắm, thề thốt “không nhận một đồng nào của Việt Á”, này nọ lung tung. Cuối cùng bể huể hết. Cái này không phải là vô liêm sỉ thì là gì?!

Trong cao điểm chống dịch Covid năm ngoái 2021, trước một số hiện tượng “kỳ lạ” dồn dập trong chống dịch, hai anh cựu Cỏ Cú và cựu Chánh Văn (Đoàn Công Lê Huy – hiện là cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Bộ 4T) đã bảo nhau: “Sau Covid sẽ có hàng loạt cán bộ đi tù”.

Danh sách này có lẽ chưa hết. Và chắc chắn không chỉ là Việt Á mà còn nhiều vụ khác. Lò vẫn đang nóng với những kẻ trơ trẽn đỉnh cao của thói vô liêm sĩ.

Những học trò nghe tiếng trống của ông Thăng hôm ấy giờ nghĩ gì?

C.M.C.

Nguồn:

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn