Cần xác định lại giá thành đường sắt tốc độ cao

Nguyễn Ngọc Chu

clip_image002

1.

Đường sắt Việt Nam vô cùng lạc hậu. Việc xây dựng đường sắt tốc độ cao vừa chở khách vừa chở hàng, thông suốt từ Cần Thơ – TPHCM - Hà Nội - Lạng Sơn là điều bắt buộc. Vì thế rất mừng khi nghe tin Thủ tướng đề xuất ưu tiên xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao TPHCM - Cần Thơ. Vấn đề không thể không bàn là giá thành đắt đỏ.

Theo thiết kế, tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ dài 174,41 km, tốc độ chở khách 190 km/h, tốc độ chở hàng 120 km/h, có 15 nhà ga, 11 trạm bảo dưỡng. Tổng mức đầu tư 9, 07 tỷ USD (213 948 tỷ đồng). Bình quân 52 triệu USD/km (https://plo.vn/thong-tin-moi-nhat-ve-du-an-duong-sat...).

Trong khi đó, tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc đoạn Vientiane - Botan dài 422 km, tốc độ chở khách 160 km/h, tốc độ chở hàng 120 km/h, 10 ga hàng hoá, 10 ga hành khách, 75 đường hầm, 77 cây cầu. Tổng mức đầu tư 5,9 tỷ USD. Bình quân 14 triệu USD/km cho tuyến đơn và 28 triệu USD/km cho tuyến đôi (https://tuoitre.vn/lao-khai-truong-tuyen-duong-sat-toc-do...)

Như vậy, một cách tương đối, giá thành 1 km tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ đắt gấp 1,85 lần tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc (cho tuyến đôi). Nếu lưu ý rằng, vốn chung 2 nước chiếm 40%, vốn vay Trung Quốc 60%, Trung Quốc là người xây dựng, thì có thể đồ rằng, giá trị xây dựng thực của nhà thầu không quá 75%, tức là khoảng 10,5 triệu USD/km cho tuyến đơn, và 21 triệu USD cho tuyến đôi.

2.

Một tín hiệu tích cực khác, là Hội đồng thẩm định nhà nước đã đề xuất phương án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tốc độ chở khách 200 km/h, tốc độ chở hàng 120 km/h, mà không chấp thuận phương án chỉ chở khách 320 km/h. Hội động thẩm định nhà nước cũng đã có công khi điều chỉnh rút ngắn tuyến đường xuống 1.508,6km thay vì 1.559km, và giảm giá thành đầu tư xuống 61,02 tỷ USD, ít hơn 15,34 tỷ USD so với 76,39 tỷ USD theo đề xuất của Bộ GTVT (https://tuoitre.vn/hoi-dong-tham-dinh-nha-nuoc-ket-luan). Cũng rất cần ghi nhận, trong việc bảo vệ phương án kết hợp chở khách với chở hàng có sự đề xuất kiên trì của Bộ KH&ĐT.

3.

Dự án đường sắt tốc độc cao cần một khoản đầu tư rất lớn. Giá thành của Việt Nam đang dự toán là rất cao. Tuyến TPHCM - Cần Thơ là 52 triệu USD/km. Tuyến Hà Nội - TPHCM là 40,45 triệu USD/km. Tổng của cả hai tuyến HN - TPHCM - Cần Thơ dài 1683,01km có tổng đầu tư là 70,09 tỷ USD. Theo giá thành đường sắt tốc độ cao Lào - Trung Quốc, thì toàn tuyến 1683,01km Hà Nội - TPHCM - Cần Thơ chỉ đòi hỏi tổng vốn đầu tư 47 tỉ 124 triệu USD. Ít hơn dự toán của Việt Nam đến 23 tỷ 966 triệu USD.

Tiết kiệm được khoản tiền 23 tỷ 966 triệu USD cho nhân dân là một công lao lớn. Nhưng không ai lạ lẫm với yêu cầu chi phí ngược lại tối thiểu 25% ở Việt Nam. Nếu chỉ mất 25 % chi phí ngược lại thì đã là may mắn. Bởi khi mất 25 % chi phí ngược lại, đối tác thường nâng giá không phải 25% mà là 200%, 300%. Điều đó giải thích tại sao giá thành xây dựng và mua sắm thiết bị ở Việt Nam từ các dự án nhà nước lại đắt hơn 3,4 lần hoặc cao hơn nữa.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà mới được Chính phủ phân công làm Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và các dự án đường sắt quốc gia. Là người được đào tạo bài bản, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà không thể không biết được giá thành của đường sắt tốc độ cao.

Liệu các lãnh đạo trẻ mới trong Chính phủ có thể chữa trị được “căn bệnh ung thư về giá” ở Việt Nam? Nếu không chữa được “căn bệnh ung thư về giá” thì công cuộc chống tham nhũng còn phải kéo dài không có hồi kết.

N.N.C.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn