Cuộc khủng hoảng an ninh thực sự của Putin

Andrei Soldatov & Irina Borogan / Foreign Affairs (July 6, 2023)

Trịnh Khải Nguyên-Chương dịch

14/07/2023

putin

Vladimir Putin | Minh họa bởi Erhan Yalvaç Nguồn: www.setav.org/

Một trong số nhiều câu hỏi chưa được trả lời thỏa đáng về cuộc nổi dậy của thủ lĩnh Wagner, Yevgeny Prigozhin là tại sao guồng máy an ninh rộng lớn của Nga lại chuẩn bị quá kém cỏi để đối phó với cuộc nổi dậy đó. FSB, cơ quan an ninh chính của Điện Kremlin, từ lâu đã đặt nặng vấn đề “phòng ngừa” và thực hiện các bước tích cực để ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa nào đối với nhà nước Nga. Thậm chí cơ quan này còn gài mật báo viên trong tổ chức Wagner. Tuy nhiên, hình như họ đã không có hành động nào để ngăn chặn cuộc binh biến trước khi nó bắt đầu, hoặc để cảnh báo Điện Kremlin về kế hoạch của Prigozhin.

Sau khi lực lượng Wagner khởi động cuộc binh biến, cả FSB và Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga, cơ quan chính với nhiệm vụ duy trì an ninh nội bộ và trấn áp bất ổn ở Nga, đều thất bại, vì đã không hoàn thành nhiệm vụ của mình như là những lực lượng phản ứng nhanh. Lực lượng Vệ binh Quốc gia đã cố gắng hết sức để tránh đối đầu trực tiếp với Wagner; về phần FSB – tuy trong tay có một số lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ – hình như không hề phản ứng bằng bất kỳ hành động nào. Thay vào đó, cơ quan an ninh quyền lực nhất trong nước chỉ đưa ra một thông cáo báo chí kêu gọi chiến binh các cấp của Wagner đứng ngoài cuộc nổi dậy và yêu cầu họ đi bắt giữ Prigozhin.

Điều gây sửng sốt không kém là phản ứng của cơ quan tình báo quân đội Nga, GRU, trước trò đu bay ngoạn mục của Wagner. Hãy nhìn lại thời điểm khi lực lượng Wagner tiến vào Rostov-on-Don, bản doanh bộ chỉ huy quân đội Nga trong cuộc chiến Ukraine. Khi Prigozhin ngồi cùng với Yunus-Bek Yevkurov, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Vladimir Alekseyev, Phó Giám đốc thứ nhất của GRU, Alekseyev hình như đồng ý với Prigozhin rằng có vấn đề với thành phần lãnh đạo quân đội Nga. Khi Prigozhin nói rằng ông ta muốn gặp Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tướng Valery Gerasimov, người đứng đầu lực lượng Nga ở Ukraine, để bắt hai ông này trả lời về những sai lầm của mình, Alekseyev đã cười và trả lời: "Ông cứ việc đi gặp hai ông ấy!" Ngay sau khi những câu nói này được phát sóng, một thành viên của lực lượng đặc biệt Nga đã nói với chúng tôi, “Alekseyev đã đúng.”

Sau cuộc khủng hoảng Prigozhin, Tổng thống Nga Vladimir Putin phải đối diện với một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Sự việc trở nên khá rõ ràng là mối đe dọa lớn hơn đối với chế độ Putin có thể không phải tự thân cuộc binh biến, mà là phản ứng của quân đội và các cơ quan an ninh đối với cuộc binh biến đó. Giờ đây, ông ta cần tìm cách đối phó với thất bại về tình báo và an ninh, cùng lúc không tạo ra mối bất ổn mới nào nguy hại đến khả năng nắm giữ quyền lực của mình. Và không giống các cuộc khủng hoảng trước đây, lần này ông ta không thể dựa vào các cơ quan an ninh mà lâu nay ông ta vẫn sử dụng để đảm bảo ổn định chính trị.

Mối đe dọa do cuộc nổi dậy của Prigozhin gây nên không liên quan nhiều đến sức mạnh tương đối của lực lượng Wagner. Khi Wagner loan báo chiến thắng ở Bakhmut vào tháng Năm vừa rồi, Prigozhin huênh hoang tuyên bố đó là một thắng lợi lớn trong trận chiến kéo dài hàng tháng trời, và nó đã thổi phồng tham vọng của ông ta lên đến mức độ nguy hiểm. Tuy nhiên, trên thực tế, chiến thắng Bakhmut chỉ hơn một thành công cục bộ một chút, và giá trị của nó còn là một câu hỏi đáng nghi ngờ. Trong những tuần lễ kể từ khi cuộc phản công của Ukraine bắt đầu, chiến thắng ấy đã trở thành một ký ức xa vời. Wagner không đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn cuộc phản công, và những người lính đánh thuê của Prigozhin – mặc dù năng lực của họ đã được thổi phồng rất nhiều – hình như ít dính dáng đến cuộc chiến hơn nhiều so với thời gian mùa xuân.

Kỳ thực, cuộc nổi dậy diễn ra chính xác vào thời điểm ảnh hưởng của Wagner đang suy yếu và bộ chỉ huy quân sự của Nga đang lấy lại niềm tin mới. Với cuộc phản công của Ukraine bắt đầu chậm chạp, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng xe tăng của Ukraine và các loại vũ khí tiên tiến khác do phương Tây cung cấp dễ bị tiêu diệt hơn dự đoán, đồng thời sĩ quan chỉ huy Nga báo cáo rằng tinh thần chiến đấu của quân đội đang lên cao. Chiến binh Wagner không còn được xem là lực lượng có năng lực duy nhất từ phía Nga.

Không nên ngạc nhiên về những thay đổi trong nhận thức này. Kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, quân đội Nga đã ở trong tình trạng thay đổi tâm trạng liên tục và đột ngột. Ví dụ, sự hăng hái lúc chiến tranh mới bùng nổ gần như ngay lập tức tan biến để nhường chỗ cho những bối rối do thất bại nặng nề của chiến dịch ban đầu. Sau đó, vào mùa hè năm 2022, quân đội trở nên tự tin hơn ở mặt trận miền đông, nhưng lại hứng chịu cú sốc từ cuộc phản công lớn đầu tiên của Ukraine và việc để mất Kherson. Tuy nhiên sau đó, niềm tin được phục hồi khi quân đội tái bố trí, chờ đợi một cuộc tấn công lớn vào mùa đông, nhưng chỉ để thất vọng nhiều hơn khi không có tiến triển khả quan nào. Tiếp theo là chiến thắng tại Bakhmut, và rồi sau đó là sự lo lắng khi Nga chờ đợi một cuộc phản công lớn của Ukraine.

Cuộc nổi loạn đã mở ra cánh cửa cho sự chỉ trích từ bên trong.

Ngay cả trước cuộc binh biến của Prigozhin, vận may bấp bênh của Nga ở Ukraine đã dẫn đến một thứ chủ nghĩa thần bí ngày càng gia tăng trong quân đội các cấp. Các tiểu đoàn được đặt theo tên thánh; ngày càng nhiều những người lính chia sẻ tượng thánh và lời cầu nguyện trên Telegram; các linh mục ủng hộ chiến tranh thu hút được nhiều người theo dõi. Nhưng sự bất ổn cũng đã làm xói mòn niềm tin vào giới lãnh đạo quân đội. Kỳ thực, đây là vấn đề đã có từ lâu lắm của quân đội Nga. Chiến tranh Crimea năm 1856, Chiến tranh Nga-Nhật năm 1904-05, Thế chiến thứ Nhất, sau cuộc xâm lược của Hitler vào Liên Xô năm 1941, và gần đây hơn, trong các cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Chechnya.

Do đó, ý nghĩa trọng đại của cuộc nổi dậy của Prigozhin là cánh cửa đã mở cho những chỉ trích nhắm vào thành phần lãnh đạo quân đội Nga. Và như Prigozhin đã làm với tư cách là người đứng đầu Wagner, Alekseyev, với tư cách là Phó giám đốc tình báo quân sự, cho thấy rằng sự chỉ trích này có thể đến từ bên trong. Đúng vậy, những lời bình luận của Alekseyev có sức nặng đáng kể – nó cho thấy vấn đề Wagner phức tạp như thế nào. Alekseyev là một trong những tướng lĩnh quyền uy nhất trong giới tình báo quân đội. Nhưng ông ta cũng là một trong những người sáng lập Wagner, và có kinh nghiệm lâu năm giám sát các lực lượng đặc biệt của Nga, được các đơn vị đó kính trọng, như tường trình của chính chúng tôi đã nêu rõ.

Bình luận của Alekseyev là tín hiệu cho những người trong quân đội chia sẻ quan điểm của Prigozhin rằng có thể có chỗ cho một cuộc đối thoại nghiêm túc về giới lãnh đạo quân đội. Mặc dù họ chưa sẵn sàng hỗ trợ Wagner hành động, nhưng phe cánh này trong quân đội đã nhìn thấy cơ hội để bắt đầu phát biểu quan điểm của mình về những gì đang xảy ra trong cuộc chiến. Nói tóm lại, Alekseyev đã phá vỡ sự im lặng xung quanh giới lãnh đạo quân sự Nga và biến điều không thể thành có thể.

Chính trong bối cảnh này, Putin đã phát biểu trước công chúng khi cuộc binh biến kết thúc. Ông ta hình như không chú ý nhiều đến Prigozhin mà quan tâm đến chính quân đội. Bài diễn văn với ngôn từ mạnh mẽ của Putin nhằm gửi một thông điệp rõ ràng tới các lực lượng vũ trang. Đại để, Putin nói: Tôi sẽ gọi Prigozhin là kẻ phản bội để các anh em, với tư cách là quân đội, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tránh xa ông ta và bỏ ngoài tai những điều ông ta kêu gọi. Khi làm như vậy, Putin đã không tính toán sai – ông ta muốn cắt Wagner khỏi quân đội và các cơ quan an ninh, và vào thời điểm hiện tại, có vẻ như ông ta đã làm như vậy.

Nhưng về lâu dài, Putin đã cho phép ló dạng một thách thức mới đối với sự ổn định chính trị mà ông ta hằng ấp ủ. Ông ta dẹp được cuộc binh biến, nhưng những lời chỉ trích đối với các tướng lĩnh hàng đầu vẫn còn và có khả năng ngày càng gia tăng. Việc 13 phi công Nga bị lực lượng Wagner bắn hạ và Shoigu và Gerasimov hoàn toàn vắng mặt trong cuộc khủng hoảng chỉ càng đổ thêm dầu vào lửa cho sự bất mãn trong quân đội. Và điều gì sẽ xảy ra khi Nga phải chịu những thất bại mới trong cuộc chiến và tinh thần chiến đấu của quân đội xoay ngược trở lại theo chiều hướng tiêu cực?

TÌNH TRẠNG BẤT AN – QUỐC GIA BẤT ỔN

Tinh thần chiến đấu của quân đội chỉ là một trong những điều Putin cần phải lo lắng. Việc ông ta xử lý các cơ quan an ninh sau cuộc khủng hoảng có thể khiến việc nắm giữ quyền lực của ông ta gặp những bất lợi lớn hơn. Hiện tại, ông ta chỉ giản dị đứng bên cạnh. Mặc dù có nhiều bàn tán ở Moskva về một cuộc đàn áp sau vụ nổi dậy, nhưng những tin đồn này chỉ liên quan đến quân đội; Putin để yên cho FSB và Lực lượng Vệ binh Quốc gia. Thay vì chỉ trích thành phần lãnh đạo FSB và Lực lượng Vệ binh Quốc gia đã khiến ông ta thất thố trong cuộc khủng hoảng, hình như Putin quyết định hoặc không làm gì cả hoặc trao cho các cơ quan này nhiều quyền hạn hơn. Thực tế là Lực lượng Vệ binh Quốc gia hy vọng sẽ củng cố vị thế của mình bằng cách xin phép sử dụng xe tăng.

Các cơ cấu an ninh trong guồng máy cai trị của Nga vẫn bình chân như vại. Điều này đặc biệt gây sửng sốt khi xem xét hành động của FSB trong cuộc khủng hoảng. Khi Prigozhin chiếm bản doanh của Quân khu Miền Nam – nơi ông ta có cuộc nói chuyện với Yevkurov và Alekseyev – nó gần giống như một vụ bắt giữ làm con tin một số chỉ huy trưởng quân đội hàng đầu của Nga. Dù vậy, theo các nguồn tin từ trong nội bộ FSB, để đối phó với lực lượng Wagner, các đặc vụ FSB ở Rostov-on-Don chỉ dựng rào chắn rồi nằm ẹp trong trụ sở bản doanh. Cũng vắng mặt trong cuộc khủng hoảng là một số quan chức an ninh hàng đầu của Putin, bao gồm người đứng đầu Hội đồng An ninh, Nikolai Patrushev, và người đứng đầu FSB, Alexander Bortnikov. Trong khi đoàn lính đánh thuê Wagner tiến quân về Moskva, bắn hạ vài chiếc trực thăng và bắn phá loạn xạ vào nhà dân trên đường đi, thì các vị tướng dũng cảm này không hề thấy xuất hiện – không hề có mặt tại hiện trường hay trước công chúng.

Các cơ quan an ninh bị tê liệt vào thời điểm khủng hoảng quốc gia. Điều này nghe có vẻ gây sốc, nhưng đây không phải lần đầu các cơ quan an ninh của Nga bị tê liệt vào thời điểm quốc gia khủng hoảng. Ví dụ như trong vụ âm mưu đảo chính năm 1991, trong đó một nhóm các quan chức Cộng sản do một lãnh tụ KGB chỉ đạo, đã quản thúc Tổng Bí thư Mikhail Gorbachev tại biệt thự mùa hè của ông ở Crimea. Mặc dù kế hoạch giành chính quyền của họ thất bại và hàng chục nghìn người xuống đường biểu tình nhằm bảo vệ quyền tự do, nhưng các sĩ quan KGB đã chọn thái độ bất can thiệp và họ ở nhà. Còn các sĩ quan trực có mặt tại trụ sở KGB ở Lubyanka đêm hôm đó thì dựng rào chắn xung quanh dinh thự xong đứng trên cửa sổ theo dõi biến chuyển dưới đường phố.

Năm 2004, khi quân khủng bố bắt hơn 1.000 trẻ em và giáo viên làm con tin tại một trường học ở Beslan, Bắc Ossetia, các tướng lĩnh hàng đầu của Nga hình như phản ứng bằng sự sợ hãi và bất lực. Vào thời điểm đó, Patrushev, lúc đó là Giám đốc FSB, tháp tùng Bộ trưởng Nội vụ Rashid Nurgaliyev đến sân bay thành phố, bí mật trao đổi gì đó, rồi vội vã quay trở lại Moskva. Các quan chức sợ hãi đến mức họ để mặc cho chi nhánh FSB địa phương giải quyết vụ khủng hoảng, nhưng địa phương hoàn toàn không có khả năng giải quyết một vụ khủng hoảng khủng bố ở quy mô này. Cuối cùng, hơn 300 người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em. Putin không bao giờ trừng phạt những quan chức này, và những năm sau đó, Patrushev và Nurgaliyev đều liên tục có mặt trong Hội đồng An ninh Nga.

CÓ TỘI VẪN THOÁT?

Lần đầu tiên trong hơn 20 năm cầm quyền, nền tảng cứ địa KGB của Putin có thể không phục vụ tốt cho ông ta. Là một sĩ quan KGB lúc đó, ông ta đã không thèm đưa tay ra để bảo vệ chế độ chính trị mà ông ta từng tuyên thệ bảo vệ, ngày nay ông ta hình như sẵn sàng chấp nhận những lời bào chữa của tướng tá FSB. Tất nhiên, vẫn có thể có những cuộc thanh trừng trong thời gian sắp tới, nhưng trong các cuộc khủng hoảng trước đây, khi Putin quyết định thực hiện một thay đổi, thường nó diễn ra nhanh chóng: chẳng hạn như năm 2004, khi các chiến binh Chechnya chiếm quyền kiểm soát Ingushetia trong một thời gian ngắn, tại FSB, gần như chỉ sau một đêm, người ta thấy đầu rơi (Chú thích của người dịch: Đầu rơi, hiểu theo nghĩa bóng, bị thanh trừng, không phải nghĩa đen).

Hiện tại, chẳng những Prigozhin không bị trừng phạt mà cả toàn bộ cơ quan an ninh được xem là có trọng trách bảo vệ Putin từ một đe dọa như vậy, vẫn nhởn nhơ. Đối với bất kỳ kẻ độc tài nào, đây là một cách thế kỳ lạ để tái khẳng định quyền uy kiểm soát. Ngắn hạn, Putin có thể xem đó là cách tốt nhất để giảm thiểu tính cách trầm trọng của cuộc khủng hoảng và tiếp tục con đường trước mắt. Nhưng các cơ chế an ninh của ông ta sẽ không thể cứu ông ta ra khỏi một thực tế mới đã hình thành, trong đó cánh cửa đã mở cho những chỉ trích nhắm vào quân đội, thậm chí thách thức quyền uy của nó. Nếu những thách thức như vậy tiếp tục, chúng có thể không chỉ giới hạn trong quân đội, mà có nguy cơ lấn sang phạm vi quyền lực của chính Putin.

A.S. & I.B.

(T.K.N.C. dịch)

Nguồn bản dịch: vietbao.com/a316339

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn