Khi người Pháp biểu tình, đình công, đốt phá

Từ Thức

Nhìn từ xa, người ta có cảm tưởng có 2 chiến cuộc đang diễn ra ở Âu Châu: Ukraine và Pháp.

Từ gần một tuần lễ, nước Pháp là một bãi chiến trường: giao tranh giữa người biểu tình và cảnh sát, đốt phá xe hơi, xe lửa, toà thị chính, các cơ sở công quyền, kể cả sân vận động, thư viện, trường học, rạp hát, cướp phá trong các siêu thị, các cơ sở kinh doanh…

Người ta có cảm tưởng như đang chứng kiến cảnh hỗn loạn ở một nước nghèo đói ở Phi Châu.

Nhìn từ xa, rất nhiều người đặt câu hỏi: tại sao dân Pháp biểu tình suốt ngày, tại sao bạo loạn hoành hành ở một xứ bình yên, có hệ thống an sinh vào loại tốt nhất trên thế giới?

Bạo loạn bùng nổ khi một thiếu niên 17 tuổi, Nahel M., bị cảnh sát bắn chết khi anh ta không tuân lệnh, phóng xe chạy khi bị cảnh sát chặn đường.

Đó là chuyện xảy ra hàng ngày: những người lái xe không bằng lái, sau khi uống rượu, xài cần sa, ma tuý, hay đang bị truy nã, phóng xe bỏ chạy khi bị cảnh sát chặn đường, kiểm soát. Sau mỗi đụng độ với cảnh sát, vì bất cứ lý do gì, kiểm soát giao thông, buôn bán ma tuý, bao giờ cũng có bạo loạn.

Vidéo về cái chết của Nahel lan truyền trên mạng xã hội, chiếu trên các màn ảnh TV, khiến cuộc bạo loạn bùng nổ, lan nhanh như thuốc súng.

Dân Pháp sống lại cuộc “nội chiến” 2005, khi lớp trẻ tại các khu bình dân, đa số là di dân, nổi loạn sau khi 2 vị thành niên bỏ mạng vì bị điện giựt khi trốn cảnh sát.

Kết quả 2 người chết, hàng trăm cảnh sát bị thương, 28.000 xe hơi bị đốt, ít nhất 200 triệu Euros các hãng bảo hiểm bồi thường các cơ sở bị đốt phá, thương gia bị cướp, chưa kể hàng tỷ Euros nhà nước bỏ ra để tái thiết vùng ngoại ô. Bạo loạn chỉ tạm yên khi Chính phủ ban hành tình trạng khẩn trương (état d’urgence) trên toàn lãnh thổ.

Biểu tình suốt ngày, suốt năm 

Câu hỏi thứ nhất: tại sao dân Pháp biểu tình suốt ngày?

Dân Pháp sống lại những ngày bạo loạn Gilets Jaunes (áo vàng), bùng nổ năm 2018, khi một nhóm biểu tình chống tăng giá xăng, kéo theo gần 3 triệu người, ngày đêm biểu tình, chiếm đóng các ngã tư, ngăn chặn giao thông, đập phá, làm tê liệt nước Pháp, đình trệ kinh tế trong 2 năm, tới nay nguồn căm phẫn vẫn còn âm ỉ, chỉ chờ cơ hội bùng nổ.

Cái bi hài kịch của phong trào Gilets Jaunes là người ta không biết yêu sách của họ là gì.

Những người tham dự thuộc đủ khuynh hướng, nhiều khi đòi hỏi trái ngược nhau, khiến Chính phủ Pháp, vốn có truyền thống nhượng bộ để cầu an, không biết phải làm gì.

Có người đòi giảm thuế, có người đòi tăng trợ cấp – nghĩa là nhà nước phải… tăng thuế – để tài trợ chuyện trợ cấp đủ loại, đã cực kỳ tốn kém ở Pháp.

Có người bất mãn vì vật giá leo thang, vì làng xóm miền quê càng ngày càng ít dân, không còn bác sĩ, nhà thương. Có người đòi chấm dứt di dân, coi đó là nguyên nhân của mọi bất an xã hội, người khác đòi một chính sách di dân cởi mở hơn.

Những người lãnh trợ cấp đòi được giúp đỡ nhiều hơn, người lương thấp bất mãn vì lợi tức nhiều khi thua cả những người chỉ ngồi chơi xơi nước, lãnh trợ cấp đủ loại.

Mỗi người một yêu sách, chỉ có chung một điều là sự bất mãn, cảm thấy mình bị bỏ rơi, không tìm thấy chỗ đứng của mình trong xã hội đang thay đổi.

Người ta gọi đó là cái sợ, rất mơ hồ, nhưng có thực, ở những nước Tây phương, kể cả Hoa kỳ: sợ bị “xuống cấp”  (déclassement).

Giới trung lưu sợ bị lôi xuống thành phần bình dân, giới lao động sợ xuống hàng những người nghèo.

Và nói chung, cái sợ của những quốc gia, trước đây là cường quốc, đang dần dần mất chỗ đứng, trước sự vùng dậy của những nước trước đây bị coi là nhược tiểu.

Trước những bất mãn đủ loại, các chính quyền, tả hay hữu, lúng túng, không biết phải làm gì.

Nếu chỉ ký ngân phiếu, tăng trợ cấp cho giới này, giới kia, gọi là dùng ngân quỹ quốc gia để được yên thân (người Pháp gọi là “acheter la paix sociale”: mua cái an ổn xã hội), như các chính phủ vẫn làm, chỉ có hậu quả là tăng nợ quốc gia, đã rất cao (3000 tỷ Euros), tăng lạm chi ngân sách thường niên, cũng đã rất lớn (80 tỷ), nhưng không giải quyết gì, vì trợ cấp bao nhiêu, người Pháp vẫn thấy chưa đủ, bao giờ cũng nghĩ mình thuộc số những người bị bạc đãi nhất.

Một vấn đề văn hoá

Văn hoá hàng dọc cổ truyền hay hiện đại, trên cùng có Giáo hoàng, có vua, có Tổng thống toàn quyền, người dân cuối cùng trông chờ hoàn toàn vào nhà nước, và khi nhà nước không thoả mãn các yêu sách, người dân bất mãn.

Trong khi đó, với văn hoá “hàng ngang” của xã hội Tin Lành, mỗi người dân thấy có bổn phận với cộng đồng, không trông chờ vào xã hội.

John Kennedy nói: Đừng hỏi nước Mỹ có thể làm gì cho bạn, hãy hỏi bạn có thể làm gì cho nước Mỹ. Đa số người Pháp nghĩ: Đừng hỏi tôi có thể làm gì cho nước Pháp, hãy hỏi nước Pháp có thể làm gì cho tôi?

Đó cũng là một trong những mâu thuẫn của dân Pháp: đòi hỏi rất nhiều, dù không hoàn toàn vị kỷ. Những phong trào trợ giúp người nghèo được sự hưởng ứng tích cực từ mọi tầng lớp xã hội.

Người Pháp là nạn nhân của chính họ. Lý tưởng của dân Pháp là sự công bằng, bình đẳng tuyệt đối; khi cái tuyệt đối đó chỉ là ảo tưởng, người ta có cảm tưởng bị phản bội.

Sau khi được bầu chỉ vài tháng, ông Tổng thống Pháp nào cũng bị dân mất tín nhiệm, số người ủng hộ chỉ còn 30, 20, hay 10%. Chỉ sau khi rời chức vụ, uy tín của cựu Tổng thống mới lên cao trở lại. Người dân thấy ông ta cũng làm được nhiều chuyện, và khó làm khác.

Nếu không đổ tiền ra để mua la paix sociale, một ông Tổng thống muốn cải tổ thực sự nước Pháp, sẽ kéo hàng triệu người xuống đường.

Khi Bộ Giáo dục muốn thực hiện chính sách 4 ngày học mỗi tuần, dân biểu tình, giáo chức biểu tình. Khi Chính phủ khác quyết định trở lại 4 ngày rưỡi, dân biểu tình, giáo chức biểu tình.

Khi Tổng thống Macron muốn cải tổ chính sách hưu bổng, hàng triệu người xuống đường ròng rã từ đầu năm 2023, kể cả khi luật đã được ban hành.

Tại các nước láng giềng, kể cả các nước giàu có nhất, tiến bộ nhất như các nước Bắc Âu, người ta coi chuyện về hưu ở tuổi 67, 68 là chuyện dễ hiểu. Khi người già càng ngày càng đông, người trẻ (nghĩa là người đóng góp cho quỹ hưu bổng) càng ngày càng ít, người Pháp cho là một đại hoạ, một… đàn áp nhân quyền không thể chấp nhận, khi nhà nước muốn tăng tuổi về hưu từ 62 lên 64. Luật mới cũng không thi hành ngay, mỗi năm tăng chỉ tăng dần dần thêm 3 tháng làm việc.

Cựu Thủ tướng Michel Rocard nói cải tổ chế độ hưu bổng, cực kỳ phức tạp ở Pháp, sẽ làm đổ 2 Chính phủ.

Trước vấn đề tuổi thọ càng cao, người già càng nhiều, có 3 biện pháp để giải quyết: hoặc làm việc lâu hơn, hoặc đóng góp nhiều hơn, hoặc lãnh tiền già ít hơn. Người Pháp từ chối cả ba giải pháp.

Trên nguyên tắc, tới nay người Pháp về hưu ở tuổi 62 nếu muốn lãnh trọn tiền hưu bổng, nhưng trên thực tế, có nhiều ngành được ưu đãi, về hưu sớm hơn 5, 10 năm.

Nước Pháp có… 42 chế độ hưu bổng khác nhau, mỗi chế độ có những đặc quyền đặc lợi, sau những cuộc… đình công hay tranh đấu đủ loại: chế độ hưu bổng công chức, nhân công hoả xa, nhân công hải cảng, quân đội, nghệ sĩ Opéra, nhân viên hay kịch sĩ thuộc Comédie Francaise… Tất cả đều đồng ý phải cải cách, nhưng không ai muốn từ bỏ đặc quyền của mình,

Bất cứ chính quyền Pháp làm gì, cũng có một nửa nước bất bình, nghĩ phải làm ngược lại.

Các ông Bộ trưởng Pháp chắc mơ được làm Bộ trưởng Việt Nam một ngày trong đời, bảo gì dân nghe, đặt đâu dân ngồi đó; báo chí đồng thanh ca ngợi không có chính sách nào tuyệt vời hơn.

Một quốc gia dành ngân khoản lớn nhất thế giới cho việc an sinh, giáo dục, xã hội, trợ cấp đủ loại (55% PIB, so với dưới 50% ở các nước có khuynh hướng xã hội tiến bộ nhất như Bắc Âu), nhưng người Pháp có cảm tưởng mình bị bạc đãi, nạn nhân của bất công.

Nước Pháp có luật lệ bảo vệ công nhân khắt khe nhất, làm việc ít giờ nhất, ngày nghỉ thường niên cao nhất, nhưng cũng là nước có số ngày nghỉ bệnh – giả hay thiệt – cao nhất, đình công, biểu tình liên miên.

Trong mùa Covid, chính sách bảo đảm an sinh, bảo vệ kinh tế quốc gia “bằng bất cứ giá nào” (quoi qu’il en coute) đã tăng mức nợ lên trên 230 tỷ Euro, trên 115% PIB. Nhà nước, trong suốt mấy năm Covid, trả lương cho người mất việc, bồi thường cho các xí nghiệp, thương gia lớn nhỏ bị thất thu hay phải đóng cửa, phát ngân phiếu mua xăng nhớt, thực phẩm, trả tiền điện cho những người có lợi tức thấp.

Sau Covid, kinh tế Pháp phục hồi nhanh chóng so với các nước láng giềng, kể cả Đức Quốc (là nước kinh tế hùng mạnh nhất ở Âu Châu, vẫn được coi là khuôn mẫu). Nạn thất nghiệp giảm. Hàng năm, ít nhất nửa triệu công việc không kiếm ra người làm, khiến nhiều cơ sở kinh doanh, tiệm ăn, khách sạn phải ngưng phát triển, vì thiếu nhân công. Du lịch khởi sắc. Các khách sạn phải giữ chỗ trước, tiệm ăn, tiệm cà phê đầy khách. Xe kẹt cứng hàng trăm cây số mỗi week-end, khi người Pháp đi nghỉ mát, chưa nói tới tháng 7, tháng 8 là mùa các xí nghiệp công, tư lần lượt đóng cửa nghỉ hè.

Tóm lại, ít có dân nước nào được chiều đãi như dân Pháp, nhưng ít có dân tộc nào bất mãn, sẵn sàng xuống đường như dân Pháp. Cũng chính vì được chiều đãi, dân Pháp trở thành ỷ lại, đòi hỏi chính quyền phải giải quyết mọi chuyện của mình.

Nhà văn Sylvain Tesson nói “người Pháp sống trong thiên đàng, nhưng nghĩ mình sống trong địa ngục”.

Sống trong thiên đàng, có lẽ hơi quá đáng. Bởi vì nước Pháp, như bất cứ quốc gia nào, cũng có những vấn đề kinh tế, xã hội, đôi khi trầm trọng. Nhưng một cách khách quan, rất khó hiểu không khí căng thẳng, đưa tới bạo hành, trong xã hội Pháp. Nhất là nhìn từ xa.

Phải giải thích thế nào chuyện người Pháp biểu tình, đình công, bãi thị suốt ngày?

Phải giải thích thế nào về những hành động bạo loạn, phá hoại, càng ngày càng nhiều?

Những nhóm bạo loạn không chỉ đốt phá các cơ sở công tư, mà còn đe doạ cả tính mạng những người dân cử, như thị trưởng, dân biểu, nền móng của chế độ dân chủ.

Hãy tạm nêu hai khía cạnh, văn hoá và chính trị, để giải thích một hiện tượng rất phức tạp.

Một vấn đề chính trị

Sinh hoạt chính trị, sinh hoạt nghiệp đoàn của Pháp bao giờ cũng đặt trên văn hoá tương quan lực lượng (rapport de forces), một mất một còn, thua ăn cả ngã về không.

Hình thức bầu cử, tổng thống chế ở Pháp khiến một đảng chiếm đa số, dù chỉ với số phiếu nhỏ, nắm trọn quyền. Hậu quả là bao giờ cũng có ít nhất là một nửa dân số có cảm tưởng mình thuộc phe thua cuộc, bất mãn.

Tại Đức, hay các quốc gia Bắc Âu, Chính phủ thường thường là sự thoả hiệp, nhiều đảng tham gia chính quyền, đa số dân thấy mình có đại diện.

Quốc hội Pháp có ít quyền hành, không như ở Đức (bà Merkel có lần chỉ trụ sở Quốc hội Bundestag nói với khách: my boss).

De Gaulle, rất ngại một dân tộc bất mãn kinh niên, không đồng ý với nhau về mọi chuyện (ông nói: làm sao có thể cai trị một dân tộc có 246 loại phó mát (fromages)?), nên đã làm một Hiến pháp cho phép Tổng thống có nhiều quyền nhất trong các nước dân chủ. Vai trò của Quốc hội rất giới hạn.

Khi tiếng nói của mình trong Quốc hội rất yếu, người dân có khuynh hướng bày tỏ quan điểm của mình ngoài đường.

Trong khi các nước khác ở Âu Châu, với sự nhượng bộ từ cả hai phía, vua và dân, dần dần đi tới thể chế quân chủ lập hiến, nước Pháp đã lật đổ chế độ quân chủ, chặt đầu vua và hoàng hậu.

Về sinh hoạt nghiệp đoàn, trong khi các nghiệp đoàn ở các nước Âu Châu khác đều có khuynh hướng dân chủ-xã hội, tìm cách cải thiện xã hội một cách ôn hoà qua thương lượng, đối thoại, các nghiệp đoàn Pháp có khuynh hướng mác-xít, tranh đấu theo tinh thần đấu tranh giai cấp, coi nhà nước, giới chủ nhân như kẻ thù, xí nghiệp không phải là nơi hành nghề để đi tới thịnh vượng chung, mà là một đấu trường, phải có bên còn bên mất.

Cho tới vài năm trước đây, CGT (Confédération Générale du Travail), nghiệp đoàn lớn nhất nước Pháp, còn trực thuộc Đảng Cộng sản Pháp (PCF). CGT chỉ ra khỏi quỹ đạo của Đảng Cộng sản khi thấy đảng này, từ một trong 2 đảng lớn nhất sau Đệ Nhị Thế chiến, chỉ còn dưới 2% số phiếu bầu trong các cuộc bầu cử, càng ngày càng bị giới thợ thuyền xa lánh.

Cả trong sinh hoạt chính trị lẫn sinh hoạt xã hội, một nước có truyền thống “công giáo” (catholique) như nước Pháp cũng khác hẳn các nước có văn hoá Tin Lành (protestant) như Đức, Hoà Lan và nói chung các nước Bắc Âu.

Các nước Bắc Âu có thói quen thương lượng, thoả hiệp để tìm giải pháp. Dân Pháp không có thói quen đó, văn hoá đó. Tất cả đều là tương quan lực lượng.

Những nghiệp đoàn ở Bắc Âu chỉ đình công khi các cuộc thương lượng thất bại, trong khi nghiệp đoàn Pháp đình công trước, thương lượng sau.

Khi các nghiệp đoàn Bắc Âu đình công, thường thường yêu sách của họ được thoả mãn, vì các nghiệp đoàn đoàn kết, nhất trí, coi quyền lợi của thợ thuyền là mục tiêu duy nhất. Họ cũng đại diện cho đa số: trên dưới 70% người làm việc ở Bắc Âu tham gia nghiệp đoàn, so với… 10% ở Pháp.

Giới chủ nhân ở Bắc Âu thảo luận với những nghiệp đoàn có uy thế, có tinh thần trách nhiệm, hiểu rằng cách hay nhất là đi tới thoả hiệp.

Pháp có rất nhiều nghiệp đoàn, và họ chia rẽ, nhiều khi chống nhau, cả về yêu sách lẫn đường lối tranh đấu.

Để cạnh tranh với nhau, mỗi nghiệp đoàn đòi hỏi mạnh hơn các nghiệp đoàn khác. Hậu quả là không ai muốn nhượng bộ, chủ nhân và nhà nước không biết phải thương lượng với ai. Kết quả là trong những thập niên gần đây, những cuộc đình công, bãi thị gây rất nhiều bạo hành, đều thất bại.

Nhìn từ bên ngoài, dân Pháp đình công suốt năm, suốt tháng. Một người bạn Pháp nói nửa đùa, nửa thực: ngày 15/7/2021 là một ngày đặc biệt, không có một cuộc đình công, biểu tình nào trên toàn nước Pháp.

Sự thực, số ngày đình công ở Pháp những năm gần đây giảm rất nhiều, lý do chính là đình công không mang lại kết quả cụ thể. Một thống kê cho hay: trên 1000 người, số ngày đình công là 168 những năm 70 (1970-1979), 62 những năm 80, và chỉ còn 31 những thập niên vừa qua.

Số ngày đình công giảm, nhưng người ta có cảm tưởng dân Pháp biểu tình suốt ngày, vì người Pháp đình công ồn ào (grève visible), theo thói quen gây gổ (régulation conflictuelle) khác với văn hoá đi tìm giải pháp trong thoả hiệp (régulation pacifiée) tại các nước láng giềng.  

Số người đình công cũng giảm, nhưng gây tiếng vang, vì làm tê liệt xã hội. Chỉ cần vài tài xế xe lửa, xe métro đình công có thể làm tê liệt cả nước. Chỉ cần vài “aiguilleurs du ciel” (những người điều hành các đường bay) đình công, các phi trường đóng cửa. Họ thay nhau đình công liên miên. Các “aiguilleurs” Pháp đình công, đòi tăng lương đều đều, mặc dù lương của họ cao hơn đa số các đồng nghiệp Âu Châu, và ngày nghỉ nhiều hơn thiên hạ. Các tài xế xe lửa tranh đấu để bảo vệ những đặc quyền, thí dụ quyền đi xe lửa miễn phí cho tất cả gia đình, từ cha mẹ tới con cháu, quyền được về hưu năm 52 tuổi như khi xe lửa còn chạy bằng than (nên đa số tài xế bị lao phổi vì phải xúc than, hít khói).

Tại sao bạo động?

Câu hỏi thứ hai: Tại sao luôn luôn có bạo động?

Sự thực, bạo động đã có từ lâu. Điển hình là cuộc Cách mạng 1789, khi người Pháp chặt đầu vua và  hoàng hậu.

Haussmann, ông préfet (tỉnh trưởng) vùng Paris, người đã vẽ lại, xây dựng lại thành phố Paris giữa thế kỷ 19, đã nới rộng các đường phố cũng để cho cảnh sát, xe cứu hoả can thiệp nhanh chóng trong các vụ nổi loạn. Năm 1920, nhà nước đã phải dùng quân đội, chuyện khó tưởng tượng ngày nay, để dẹp loạn.

Điều khác nhau, là trước đây, người biểu tình tôn trọng các cơ sở quốc gia, không ai nghĩ tới chuyện đốt phá nhà thương, trường học. Ngày nay, cái tabou (điều cấm kỵ) đó không còn nữa.

Người ta nói bởi vì xã hội càng ngày càng hung bạo, những giá trị cũ không còn nữa.

Sự thực, những bạo loạn bao giờ cũng có những nhóm cực đoan, cực tả hay cực hữu, đứng sau, sẵn sàng lợi dụng bất cứ cơ hội nào để nổi dậy.

Khi các nghiệp đoàn còn mạnh, có tổ chức chặt chẽ, những cuộc biểu tình diễn ra ôn hoà dù có hàng triệu người tham dự. Khi các nghiệp đoàn yếu, chia rẽ như hiện nay, sự xâm nhập của các nhóm cực đoan là điều không thể tránh.

Từ Black Bloc tới LFI

Nhóm hoạt động tích cực nhất là nhóm cực tả Black Bloc, cánh tay nối dài của các nhóm vệ binh đỏ như Brigate Rosse, ở Ý, Rote Armee Fraktion, ở Đức đã gây kinh hoàng tại Âu Châu những thập niên trước đây.

Ngày nay, các nhóm này ở Ý, ở Đức đã bị dẹp, nhưng ở Pháp, nơi luật lệ lỏng lẻo, Black Bloc vẫn hoành hành.

Black Bloc là một nhóm, vài ngàn người, không có tổ chức chính thức, quy tụ những phần tử cực tả, coi dân chủ là thuốc độc, chế độ tư bản là kẻ thù, các cơ sở nhà nước, kể cả nhà thương, trường học, là biểu tượng của sự thống trị, kinh doanh là người bóc lột người. Đốt phá tất cả là để xây dựng một xã hội mới.

Mỗi khi có đình công, biểu tình, các nhóm Black Bloc trà trộn vào, gây rối loạn, giao tranh với cảnh sát, khuyến khích, bảo vệ các nhóm phá hoại.

Trong khi đó, các đảng phái nhân cơ hội để… làm chính trị.

Đảng cực hữu RN (Rassemblement Natinonal), của bà Marine Le Pen, đang lên mạnh, 23% số phiếu trong vòng đầu, 41% vòng hai, trong cuộc bầu cử Tổng thống 2022, chỉ trích chính sách quá mềm yếu của Macron, tố cáo những vụ đốt phá, cướp bóc, hỗn loạn là do thanh thiếu niên gốc Ả rập, hay Phi Châu, đến từ các khu tập trung người di dân.

RN không quên nhấn mạnh là Nahel M., thiếu niên vừa bị bắn chết là người gốc Algérie, đã bất tuân lệnh cảnh sát. Và cũng như các thanh thiếu niên có vấn đề với cảnh sát, Nahel đã làm nhiều chuyện phi pháp, dù ít tuổi.

Đảng cực tả LFI (La France Insoumise), ngược lại, không lên án các vụ đốt phá, chỉ tố cáo cảnh sát đàn áp người biểu tình, coi tất cả những rối loạn xã hội đến từ bất công, nghèo đói. Chỉ cần phân chia đồng đều lợi tức, xã hội sẽ bình an.

Lãnh tụ của nhóm cực tả, Jean Luc Mélenchon, 21% số phiếu trong vòng đầu cuộc bầu cử Tổng Thống, mặc dù ngày nay đã về hưu, không bỏ một cơ hội nào để mô tả nước Pháp như một địa ngục.

Khâm phục Putin, nhiệt thành ủng hộ Chavez, Maduro – các nhà “cách mạng” Vénézuela –, bào chữa cho chính sách Trung Cộng ở Tibet, Tân Cương, gần như đồng loã với các nhóm Hồi giáo cực đoan, Mélenchon coi Macron là một nhà độc tài, dân Pháp là nạn nhân của áp bức.

Tả phái Pháp, trong quá khứ, đã cải thiện nước Pháp, thí dụ Mặt trận Bình dân (Front Populaire), nắm quyền từ 1936 tới 1938, đã thực hiện những bước tiến xã hội đáng kể, như nghỉ hè thường niên, hạn chế giờ làm việc, an sinh xã hội, bảo đảm hưu bổng…

Những thập niên gần đây, phe tả mất chỗ đứng, vì không thích ứng với thời đại.

Bất lực trong việc bảo vệ công ăn việc làm trong thời đại thế giới hoá, vỡ mộng với thực tế tại các nước xã hội chủ nghĩa kiểu Cộng sản, phe tả bị giới thợ thuyền xa lánh.

Đảng Xã hội, trước đây cùng với phe hữu thay nhau cầm quyền trong nửa thế kỷ, ngày nay chỉ còn từ 5 đến 10% phiếu bầu, Đảng Cộng sản dưới 2%.

Để lấp chỗ trống, đảng cực tả LFI của Mélenchon ra đời.

Rất ít được thợ thuyền ủng hộ, Mélenchon trông chờ vào số phiếu của người di dân. Vì vậy, ông ta không bỏ một cơ hội nào để kêu gọi xuống đường, đình công bãi thị, tố cáo cảnh sát đàn áp người biểu tình, tố cáo những hành động gọi là kỳ thị Hồi giáo, trong khi sự thực là các nhóm Hồi giáo cực đoan đang gặm nhấm xã hội Pháp.

Luật lệ Pháp lỏng lẻo, ít khi thực thi, đã khiến đời sống trong các khu bình dân bất an, nạn buôn bán ma tuý lộng hành, có nơi cảnh sát không dám đặt chân tới.

Những nhóm trẻ không việc làm – dù nạn thất nghiệp đã giảm, và các doanh nghiêp không kiếm ra nhân công, sẵn sàng ăn thua với nhân viên công lực, nhất là khi họ được Black Bloc huấn luyện, bảo vệ, được các nhóm cực tả bênh vực, coi như là nạn nhân của cảnh sát.

Cảnh sát Pháp không được huấn luyện chu đáo (12 tháng, so với 36 tháng ở Đức), vì nhu cầu an ninh cao, khẩn cấp, người muốn gia nhập cảnh sát càng ngày càng hiếm. Những tai hoạ, tử thương có thể xảy ra bất cứ lúc nào để đổ dầu vào lửa.

Trong bối cảnh đó, những cảnh bạo loạn sẽ tiếp tục xảy ra thường xuyên ở Pháp. Người ta e ngại thực trạng đó sẽ dẫn tới việc đảng cực hữu RN có thể nắm quyền trong những năm tới.

Những đảng cực đoan, cực tả hay cực hữu, có chung một điểm là hứa hẹn rất nhiều, đề nghị những giải pháp đơn giản, nghe thuận tai, nhưng khi áp dụng, thay vì giải quyết vấn đề, chỉ gây thêm đổ vỡ.

Paris, đầu tháng 7, 2023

T.T.

(tuthuc-paris-blog.com)

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn