Tà thuyết về văn hóa

Nguyễn Đình Cống

Năm 1924 cụ nghè Ngô Đức Kế (1878-1929) viết bài “Chánh học cùng tà thuyết”, mở đầu như sau:Vận nước thịnh hay suy, quan-hệ tại đâu?  Tại nhân tâm thế đạo. Nhân tâm thế đạo xấu hay tốt, cỗi gốc tại đâu?  Tại học thuyết tà hay chính. Rộng xét năm châu, trải xem lịch sử, dọc ngang mấy vạn dặm, trên dưới mấy nghìn năm, từ đông đến tây, từ xưa đến nay, hễ nước nào khi vận nước cường tất là khi ấy trong nước chính học sáng rệt, nước nào khi vận nước suy đốn, tất là khi ấy trong nước tà thuyết lưu hành. Chính học sáng rệt thì thế đạo nhân tâm phải tốt, mà vận nước cũng theo chính học nổi lên, tà thuyết lưu hành thì nhân tâm thế đạo phải hư mà vận nước cũng theo tà thuyết mà đắm mất”.

Khi tà thuyết lưu hành, người ta dễ dàng truyền bá những ngụy biện, đổi trắng thay đen, cụ nghè viết: “Vả lại cái tính loài người, theo điều phải thì khó khăn như trèo ngược núi, theo điều xằng thì dễ dàng như nước chảy xuôi. Vậy cho nên lúc vận nước đã suy, thì trăm nghìn người phò trì chính học mà không đủ, một người xướng lên tà thuyết mà hãm hại nhân tâm thế đạo có thừa; gớm ghê thay! Cái tà thuyết làm say đắm lòng người không biết đến đâu mà nói! Một người xướng, mười người họa, cho đến trăm, nghìn người họa, lần lần phong bành cả nước; lấy trái làm phải, lấy xấu làm đẹp, lấy thối làm thơm, mà thế đạo nhân tâm hiện ra một tấn xú kịch: nước không thành nước, người không thành người!”.

Cụ nghè viết tiếp: “Thương hại thay! trong nước kẻ học thì ít, kẻ không học thì nhiều; học mà có kiến thức thì ít, học mà không có kiến thức thì nhiều: những văn chương nhảm nhí, ngôn luận càn xiên đã tràn khắp cả nước làm cho phải trái điên đảo, đen trắng lẫn phèo, rồi ra lấy dốt làm thông, tôn nịnh làm thánh: đá vũ phu mà cho là ngọc, nàng Vô Diệm mà cho là sắc khuynh thành; đạo đức càng ngày càng suy đồi, nhân tâm càng ngày càng theo về đường hư ngụy” (1).

Xã hội Việt Nam vào năm 1924, tuy kiểm duyệt khắt khe nhưng vẫn còn một chút tự do ngôn luận, tự do báo chí, tuy có nhiều người bị tà thuyết mê hoặc nhưng cũng còn có nhiều người được làm phản biện để thức tĩnh những ai còn có lương tri. Nhưng trong xã hội mà mọi tiếng nói phản biện đều bị ngăn cấm, mọi người làm phản biện đều bị quy tội là phản động, là kẻ thù giai cấp, có gặp may lắm mới thoát tù tội hoặc đày ải thì tình hình khác xa! Họ vừa viết hoặc nói, dù chỉ một câu, chưa cần đọc, chưa cần nghe, không cần biết họ đúng sai chỗ nào, thì những người tôn sùng tà thuyết đã vội vàng phủ định và lăng mạ, chỉ vì cái nhãn phản động. Mà đã là phản động thì phải xóa bỏ tất cả mọi thứ kể cả sinh mạng. Trong lúc đó một người có vai vế nói ra một câu, chưa biết đúng sai như thế nào thì đã có hàng ngàn, hàng vạn lời nịnh bợ, tung hô.

Tà thuyết về chính trị, về khoa học, về mê tín dị đoan… là dễ hiểu, nhưng liệu có tà thuyết về văn hóa hay không, khi mà nghe nói đến văn hóa là người ta nghĩ về những điều chân, những điều thiện, những thành tựu tốt đẹp về tinh thần và vật chất? Thực ra là có đấy, đặc biệt là ở những nơi mà dân trí còn thấp, những nơi mà nhiều nghịch lý còn tìm được chỗ ẩn náu và phát triển.

Khi theo dõi Hội nghị Diên Hồng về văn hóa tháng 11 năm 2021, tôi phát hiện ra nhiều người, kể từ lãnh đạo cấp cao đến người tổ chức, tham dự và hưởng ứng hội nghị, đã phạm một sai lầm rất lớn là nhầm lẫn, ghép các “Hoạt Động Văn Hóa” với “Bản Chất Văn Hóa”. Nhầm lẫn do hai nguyên nhân: (1) Văn Hóa là một khái niệm rất rộng, có nhiều định nghĩa khác nhau; (2) Việt Nam có một Bộ Văn hóa chuyên quản lý, điều hành các hoạt động văn hóa.

Sau Hội nghị Diên Hồng về văn hóa, đặc biệt khi biết về dự án chi 350 ngàn tỷ đồng để chấn hưng văn hóa, tôi đã viết một số bài báo vạch ra sự nhầm lẫn tai hại này, hy vọng thấu đến tai mắt lãnh đạo và có điều chỉnh, nhưng hình như không một ai có trách nhiệm chịu để ý đến. Hơn nữa gần đây, từ VTV1 tôi còn nghe thấy kế hoạch làm “Công nghệ văn hóa” để chấn hưng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc thì càng ngạc nhiên (không biết tôi có nghe nhầm không)!

Sự nhầm lẫn này, nếu chỉ là của dân thường thì tác hại không lớn, chỉ gây ra nhận thức không đúng. Nhưng khi lãnh đạo cấp cao bị nhầm hoặc cố tình nhầm rồi từ đó vạch ra dự án chi một núi tiền để chấn hưng văn hóa dân tộc và tuyên truyền cho nó, rồi áp đặt cho nhiều người thì sự nhầm lẫn ấy đã trở thành một thứ tà thuyết. 

Nhầm lẫn hoạt động với bản chất là tai hại, chứng tỏ còn bị vô minh ngự trị.

Hoạt động văn hóa  được định nghĩa: “Văn hóa là những hoạt động của con người nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần”. Đó là những hoạt động như biểu diễn, phim ảnh, xuất bản, lễ hội, bảo tàng, di tích, triển lãm, thư viện…

Bản chất văn hóa được định nghĩa: “Văn hóa là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra”. Những giá trị này mới mang tính đậm đà bản sắc dân tộc. 

Phải chăng cả hai định nghĩa đều bắt đầu bằng “Văn hóa là…” làm cho người ta có cớ để nhầm, một sự nhầm được nâng lên thành tà thuyết để lợi dụng.

Tà thuyết về văn hóa đang làm rối loạn tinh thần của những người Việt có lương tri, đang biến xã hội thành một loại bùng nhùng như cụ nghè Kế viết: “Ngôn luận càn xiên đã tràn khắp cả nước làm cho phải trái điên đảo, đen trắng lẫn phèo, rồi ra lấy dốt làm thông, tôn nịnh làm thánh: đá vũ phu mà cho là ngọc, nàng Vô Diệm mà cho là sắc khuynh thành; đạo đức càng ngày càng suy đồi, nhân tâm càng ngày càng theo về đường hư ngụy”.   

Chấn hưng văn hóa là khôi phục bản chất tốt đẹp của văn hóa dân tộc, bản chất đó được hình thành và phát triển trên nền tảng tình yêu thương và lòng tôn trọng con người chứ chủ yếu không phải chi nhiều tiền để làm mới một số công trình (đặc biệt là tượng đài và vườn hoa) hoặc phát triển các hoạt động văn học nghệ thuật. 

Những người, khi nói đến văn hóa thường kèm theo “đậm đà bản sắc dân tộc” thường chỉ là loại sáo vẹt, nói mà không hiểu bản chất văn hóa nằm ở đâu, họ sợ không nói theo câu đó của lãnh đạo sẽ bị đánh giá thấp, mặc dầu nếu có ai đó dám liều mạng hỏi lãnh đạo “cái đậm đà bản sắc dân tộc” ấy được thể hiện như thế nào thì chắc rằng nhiều lãnh đạo chỉ ậm ờ vòng quanh. 

Bản chất văn hóa chủ yếu ở giá trị tinh thần, mà để tạo ra nó, tổ tiên chúng ta  không cần đến nhiều tiền mà đã thực hành và truyền bá đạo đức làm người lương thiện. Nền đạo đức ấy đang bị suy thoái.

Tà thuyết về văn hóa đang lưu hành rộng rãi với công suất lớn, nó sẽ gây ra những tác hại khôn lường. Nếu những người có lương tri không tìm cách chặn lại thì rồi không biết đất nước này, dân tộc này sẽ đi về đâu!

Ghi chú:

(1)- Bàì đăng tạp chí Hữu Thanh số 21, năm 1924,vào Google, gõ tìm “Luận về chánh học cùng tà thuyết”.

- Nàng Vô Diệm là người phụ nữ cực  xấu ở nước Tề (thời Chiến quốc bên Tàu), khá thông minh, được nhà vua phong làm vương hậu.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn