Giáo dục tâm linh cho trẻ em

Mạc Văn Trang

Đây là điều tôi đã suy nghĩ hơn chục năm nay nhưng ngại viết ra. Nay thấy nên viết. Trước hết phải nói rõ: Giáo dục nhà trường độc lập với tôn giáo và không nói về vấn đề tâm linh vô cùng rộng lớn, phức tạp.

Ở đây chỉ nói về giáo dục tâm linh bằng mấy việc cụ thể. Và mong rằng những ý kiến bàn luận cũng chỉ tập trung vào nội dung tôi trình bày, không bàn rộng về tâm linh.

 1. Vào bữa ăn, trước khi ăn, cả người lớn và trẻ em nên chắp tay, nói: Cảm ơn Trời Đất, cảm ơn người làm ra đồ ăn cho chúng ta. Nếu là mẹ/chị… nấu ăn cho thì nói thêm cảm ơn mẹ/chị… Có thể chỉ người lớn nhất trong mâm nói, còn cả nhà chỉ chắp tay cùng lắng nghe, nhập tâm.

Cứ như thế từ lúc trẻ 2-3 tuổi cho đến trưởng thành, sẽ thấy kết quả lạ lùng. Trẻ sẽ biết ăn uống từ tốn, biết quý trọng đồ ăn, biết trân trọng người làm cho món ăn… Lòng biết ơn, thái độ ân cần, quý trọng người phục vụ bữa ăn, quý trọng đồ ăn… được hình thành ở trẻ, đó là những nét nhân cách đáng quý của con người tử tế, ở bất kỳ quốc gia nào, chế độ nào.

(Nhiều tôn giáo có những cách khác nhau thực hiện “nghi lễ” này, tôi không bàn. Đây là nói cách giáo dục phổ thông nhất).

2. Ngày giỗ, ngày Tết, nên tập trung cả gia đình (trẻ em 3 – 4 tuổi nên được tham dự) đứng trước bàn thờ gia tiên, chủ lễ thắp hương và khấn vái, cả nhà chắp tay, vái… Sau phút tưởng niệm thành kính, rồi hãy “ăn cỗ”…

Cúng, vái, lạy… ra sao tùy phong tục từng nơi. Về giáo dục tôi chỉ đề xuất, cho trẻ em 3-4 tuổi tham gia vào lễ, như vậy có tác dụng giáo dục các em lòng kính nhớ tổ tiên; có niềm tin rằng tổ tiên, ông bà vẫn sống cùng chúng ta, ta làm điều tốt, xấu tổ tiên đều biết… Vậy biết ơn, yêu kính tổ tiên, ông bà… ta phải làm điều tốt…

Lòng kính nhớ Tổ tiên là một phần của tình yêu quê hương, đất nước, những tình cảm đó giúp con người sống có nội tâm, sâu sắc hơn; thái độ ứng xử xã hội khác với những người “vô thần lơ láo”…

3. Hai trường hợp đặc biệt mà tôi biết.

Hơn 20 năm trước tôi đã viết về bà mẹ ở Bắc Ninh giáo dục con bằng tâm linh có tác dụng tốt. Bà có một con gái và hai con trai, bố các cháu mất lúc 40 tuổi, bà lại lâm bệnh, mắt mờ không nhìn rõ. Ba con của bà đều chăm học, chăm làm, thương mẹ, sống tử tế và đều vào Đại học. Sinh viên nhưng vừa học vừa làm, ngày nghỉ lại về lao động giúp mẹ…

Bà chia sẻ: Lúc còn sống bố cháu luôn mong muốn con chăm, ngoan, học giỏi. Bố mất rồi, hễ cháu nào có kết quả học tập tốt, làm được việc tốt, tôi lại thắp hương, cùng với các cháu “báo cáo “ với Bố cháu để Bố vui… Cháu nào kết quả học kém hay làm việc gì sai, tôi cũng thắp hương, nhận lỗi với Bố cháu: “Mong Anh tha lỗi cho em đã không dạy được con như Anh mong muốn; Bố cũng tha lỗi cho con”… Có lẽ nhờ thế mà các cháu có trách nhiệm hơn trong học tập và đời sống; biết thương Bố, thương Mẹ hơn, lo học tốt, làm điều tốt cho Bố Mẹ vui lòng…

Trường hợp thứ hai là cô Hoà, em dâu tôi. Chú em út của tôi là thương binh, hơn 40 tuổi thì mất, để lại 5 con nhỏ và một cháu trong bụng mẹ. Cùng với sự giúp đỡ của bên nội, ngoại, nhưng trực tiếp là cô Hoà, đã biết tổ chức gia đình để các cháu cùng trồng rau, chăn nuôi, học hành, làm ruộng để sống trong yêu thương, êm ấm… 6 đứa con khôn lớn, đều nên người tử tế.

Tôi ở xa không biết cụ thể cô em đã giáo dục thế nào, nhưng mỗi lần tôi về quê vào thăm, đều thấy các cháu chào hỏi lễ phép; hỏi chuyện học hành, chuyện nhà, các cháu đều trả lời vui vẻ, chân thành.

Tôi đặc biệt chú ý, lần nào cho cháu gói kẹo hay hộp bánh, dù mẹ vắng, chỉ có hai ba cháu ở nhà, các cháu cũng đặt quà lên bàn thờ Bố thắp hương…

Thời bao cấp, đói khổ, trẻ con thấy gói kẹo, hộp bánh thường tranh nhau bóc ra ăn ngay. Thế mà lần nào các cháu cũng làm như vậy. Đến bây giờ cháu út đã gần 40 tuổi, vẫn giữ nếp đó. Cho trái cây, bánh kẹo, cứ đặt lên bàn thờ thắp hương bố đã.

Mới đây tôi đã viết về em dâu Đoàn Thị Hoà của tôi là “Người mẹ vĩ đại”!

Cái quý nhất không chỉ nuôi các cháu khôn lớn, mà cách giáo dục tâm linh như vẫn làm, khiến các cháu biết tôn kính Tổ tiên, ông bà, bố đã mất; biết tin rằng, sống hiếu nghĩa là điều tốt đẹp. Điều đó giúp con người tin vào điều thiêng liêng, sống khoan hoà và trách nhiệm hơn…

Tóm lại, tôi muốn nói giáo dục tâm linh cho các cháu bằng mấy việc cụ thể chứ không bàn rộng vấn đề. Những việc nói trên tôi đã không làm được với con cháu mình, giờ thấy tiếc, nên mới viết ra chia sẻ với mọi người.

Hướng dẫn các cháu thực hiện những điều như trên không nhằm làm trẻ mê tín, sợ hãi, mà qua hành vi và thái độ tôn kính chân thành của người lớn muốn hình thành ở các cháu một giá trị tâm linh. Đó là biết tôn kính Trời Đất, Tổ tiên; biết ơn những gì mình được hưởng; biết kính nhớ người thân yêu đã mất, vẫn như đang theo dõi mỗi việc mình làm… Từ đó các cháu biết sống có nội tâm, có trách nhiệm hơn, từ tốn hơn…

M.V.T.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn