Khi đồng bằng sông nước thiếu nước?

Nguyen Khan

Cuối thế kỷ trước, nếu ai dự báo trong tương lai gần đồng bằng Sông Cửu Long sẽ thiếu nước uống đến mức nhiều người phải xin nước từ thiện… thì chắc chắn không ít người cười khẩy vì cho là thuyết âm mưu, tào lao… Vì đồng bằng Sông Cửu Long còn có tên là đồng bằng sông nước, thì làm sao thiếu nước?

Trước đây, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu cũng đã từng đi xuồng cao tốc trên đồng bằng Sông Cửu Long ngập nước mênh mông để nghiên cứu dự án thoát nước ra biển Tây (Kiên Giang), bảo vệ vùng tứ giác Long Xuyên và khai thác vùng trũng Tháp Mười… Thì làm gì có chuyện đồng bằng Sông Cửu Long thiếu nước?

Hơn nữa, Sông Mekong trong phần chảy vào nước Việt gọi là Sông Cửu Long, có hai nguồn cấp nước giữ điều hòa cho dòng sông luôn dồi dào nước ngay cả trong mùa khô mà không phải dòng sông nào cũng có:

- Nguồn bổ sung nước trong mùa khô từ băng tan trên dãy núi Hi Mã Lạp Sơn (cao nhất thế giới) ở cao nguyên Tây Tạng. Băng tan chảy vào sông Lang Thương đầu nguồn Sông Mekong trong lãnh thổ TC (Trung Cộng). Nguồn nước này giúp sông Mekong dồi dào nước ngay trong mùa khô.

- Nguồn bổ sung nước cho sông Cửu Long từ Biển hồ Tonle’ Sap của Cambodia. Trong mùa mưa, nước sông Mekong dồi dào, một phần nước tích vào hồ Tonle’ Sap làm giảm lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long. Đến mùa khô, sông Cửu Long giảm nước, nước tích trong biển hồ Tonle’ Sáp sẽ chảy ngược ra sông Cửu Long giúp dòng sông này luôn luôn dồi dào nước.

Với thế sông thế nước có một không hai như vậy thì làm sao có chuyện đồng bằng sông Cửu Long cạn kiệt nước đến mức nhiều hộ dân phải xin nước từ thiện? Bởi ngay cả hiện tượng El Nino có gây hạn hán nặng nề đến mấy cũng không thể làm đồng bằng sông Cửu Long cạn kiệt nước sinh hoạt khi hai nguồn điều hòa nước từ băng tan trên đầu nguồn sông Mekong và từ biển hồ Tonle’ Sap thừa sức cấp nước.

Vấn đề thiếu nước nghiêm trọng tại đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay được cho là do:

- Hiện tượng El nino gây khô hạn vì trời nắng nóng, ít mưa.

- TC xây dựng hàng loạt đập thủy điện khổng lồ trên sông Lang Thương, khiến giảm mạnh lưu lượng nước về sông Mekong.

- Các đập thủy điện của Lào trên sông Mekong làm giảm thêm lưu lượng nước ở hạ lưu sông Mekong…

Như vậy, đây mới chỉ là khúc dạo đầu cho tình trạng khan hiếm nước. Bởi sau này, khi Chính phủ Cambodia đào kênh Funan lấy nước từ sông Mekong đổ ra Vịnh Thái Lan, thì xem như hai nguồn điều hòa nước cho sông Cửu Long còn rất ít hữu dụng. Nguồn nước từ băng tan trên dãy núi Hi Mã Lạp Sơn bị hàng loạt đập thủy điện của TC (Lào và Cambodia) giữ lại. Nguồn nước điều hòa từ biển hồ Tonle’ Sap bị kênh Funan vô hiệu, thì tương lai khan hiếm nước sinh hoạt tại đồng bằng sông nước Cửu Long sẽ càng ngày càng nghiệt ngã hơn.

N.K.

Nguồn: FB Nguyen Khan

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn