Sạn chữ (Kỳ 3 và Kỳ 4)

Thái Hạo

Kỳ 3 -: Báo Thanh niênLẫn lộn lỗi đánh máy và lỗi chính tả

Ngày 1 tháng 4, Báo Thanh niên đăng bài Cư dân mạng bức xúc với biển chỉ dẫn sai chính tả ở Thái Bình, dẫn một status trên mạng xã hội phản ánh về một tấm biển chỉ dẫn đặt ở Thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) bị mắc nhiều lỗi: “Cảng cá Tân Sơn thì ghi là Tiên Sơn. Từ "Cảnh" trong "Nguyễn Đức Cảnh" cũng ghi sai”. “Ngoài những lỗi sai trên, dấu thanh trong chữ "Tưởng" cũng đặt chưa đúng quy định” (hết trích). Và bài báo gọi các lỗi này là “sai chính tả”.

Cách gọi này của Báo Thanh niên là không đúng. Vì đây không phải là “lỗi chính tả”. Hai lỗi liên quan đến chữ “tưởng” và “cảnh” là lỗi đánh máy/ lỗi viết chữ/ lỗi sắp chữ, gọi chung là lỗi văn bản. Còn “Tân Sơn” viết thành “Tiên Sơn” là do nhớ nhầm hoặc lẫn lộn địa danh. Tất cả các lỗi này đều không có lỗi nào là “lỗi chính tả” cả. Điều đáng nói là sự nhầm lẫn trong việc nhận diện các lỗi ngôn ngữ này đang ngày càng phổ biến và gây ra không ít hậu quả. Vậy, phân biệt lỗi văn bản với lỗi chính tả như thế nào? Chúng tôi xin chia sẻ dưới đây nội dung trích từ một bài viết của tác giả Hoàng Tuấn Công (2023) khi ông phê phán chương trình Vua Tiếng Việt (mùa 2), vì cùng mắc lỗi tương tự như lỗi của Báo Thanh niên: không phân biệt được lỗi văn bản và lỗi chính tả.

"LỖI CHÍNH TẢ KHÁC LỖI ĐÁNH MÁY

Nếu như lỗi chính tả thể hiện trình độ tiếng Việt của người viết, thì lỗi văn bản đơn giản chỉ là lỗi thao tác trên máy tính, máy chữ, hoặc lỗi nhà in (thời còn sắp chữ). Lỗi chính tả thường liên quan đến phát âm, hoặc không nắm vững quy ước chính tả đã được cộng đồng thừa nhận. Còn lỗi văn bản thì muôn hình vạn trạng, và thường thể hiện ở hiện tượng thiếu dấu, thiếu chữ, thừa chữ, lộn chữ, nhầm chữ, nhảy chữ,...

Ví dụ, một số lỗi “chính tả” mà “Vua tiếng Việt” đưa ra sau đây:

-“thăm thẳm” viết thành “thăn thẳm” là lỗi đánh máy (Không ai phát âm “thăm” thành “thăn” cả).

-“vội vã quá” thành “vội vã qá”; “chúng ta” thành “chúg ta”, đều là những lỗi đánh máy (thiếu chữ), không phải lỗi chính tả (Khi viết tay, những lỗi này sẽ không xuất hiện; nếu có là do viết “ngoắng” nên thiếu nét).

-“thuở trước”, viết thành “thưở trước” ; “chung quanh” viết thành “trung cuanh”, thì “thưở”, “cuanh”, nếu được xem là “lỗi chính tả”, cũng là lỗi của trẻ con mới học lớp vỡ lòng chưa biết đánh vần. Đem ra để thử thách ngôi “Vua tiếng Việt” thì thường quá.

Vì lỗi chính tả thường liên quan đến phát âm, hoặc qui ước chính tả, nên người ta có thể dự đoán, nắm được các kiểu sai thường mắc. Và từ điển chính tả căn cứ vào các kiểu sai này để hướng dẫn người ta viết đúng. Còn lỗi đánh máy thì biến hoá khôn lường, không theo một qui luật nào, nên không thể có từ điển sửa lỗi đánh máy. Ví dụ, với từ “năng suất”, thì lỗi chính tả thường mắc, là viết thành “năng xuất”, “lăng xuất”. Nhưng với lỗi đánh máy, nó có thể thành “ăng suốt”, “năn suất”, “năng sất”, “nang xuât”,...tuỳ lỗi thao tác.

Vì không phân biệt được lỗi đánh máy với lỗi chính tả, nên trong nhiều chương trình, VTV cố tình tạo ra các lỗi đánh máy, rồi yêu cầu người chơi sửa “lỗi chính tả” một cách rất vô bổ. Cách này không thể là thước đo để lựa chọn ra “Vua tiếng Việt”. Mặt khác, qua đây, VTV cũng góp phần dĩ hư truyền hư, củng cố thêm cái sai của nhiều người, coi lỗi đánh máy với lỗi chính tả là một”. (Hoàng Tuấn Công)

Nguồn: https://www.facebook.com/TuancongThuphong/posts/3546002565630437

Như vậy, Báo Thanh niên trong khi chỉ ra lỗi của một tấm biển thì chính mình lại mắc phải lỗi khác, có khi nghiêm trọng không kém – như đã phân tích ở trên. Thêm nữa, theo chia sẻ thêm của tác giả Hoàng Tuấn Công, mặc dù ông đã viết bài chỉ ra và giúp phân biệt hai loại lỗi này từ năm ngoái của Vua Tiếng Việt (mùa 2), nhưng đến nay, sau gần 12 tháng, Vua Tiếng Việt (mùa 3) của VTV vẫn tạo ra lỗi văn bản rồi yêu cầu người chơi “sửa lỗi chính tả”.

Bàn thêm:

Việc phân biệt lỗi văn bản (lỗi đánh máy) và lỗi chính tả là rất quan trọng, vì thứ nhất nó bảo đảm tính chính xác trong sử dụng ngôn ngữ, thứ hai nó tiền giả định và định hướng những cách khắc phục/ sửa chữa khác nhau.

Có một hiện tượng mà bây giờ ta thấy đã phổ biến đến mức được dân tình đúc kết thành một dạng thành ngữ: “thằng đánh máy”, “lỗi tại thằng đánh máy”,... Đó là mỗi khi có một văn bản được cấp hay ngành nào đó ban hành nhưng mắc sai sót lớn về mặt nội dung, thay vì người có trách nhiệm phải đứng ra nhận lỗi thì họ lại phủi tay, đổ thừa cho “thằng đánh máy”. Lỗi đánh máy (văn bản) rất dễ nhận diện và dễ truy nguyên về chữ đúng, và thường ít khi gây hiểu lầm về nội dung. Do đó, đổ lỗi cho “thằng đánh máy” là rất vụng và tỏ rõ sự coi thường người dân.

“Thằng đánh máy”, vì thế, là một thành ngữ hiện đại, phản ánh rất sinh động tâm lý, nhận thức, thái độ và tư cách của không ít cán bộ bây giờ: phủi bỏ trách nhiệm một cách vụng về nhưng thiếu tự trọng và liêm sỉ.

T.H.

* Bài báo đã dẫn trên Tờ Thanh niên: https://thanhnien.vn/cu-dan-mang-buc-xuc-voi-bien-chi-dan...

Kỳ 4 - Từ một câu văn sai ngữ pháp – 'Ai là người ăn xin?'

Trong hình là ảnh chụp bài viết có tên “Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: 350.000 tỉ đồng chấn hưng văn hóa vẫn là con số rất ít” đăng trên trang vanvn của Hội Nhà văn Việt Nam, có link gốc thuộc Báo Tuổi trẻ. Câu văn được đóng khung đỏ là một câu sai ngữ pháp, dẫn đến những cách hiểu khác nhau, mơ hồ và không thể rối rắm hơn.

Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'vanvn.vn Trong đó, nếu tiết kiệm hay bớt đi một đồ“ng chi cho văn hóa, đầu tư cho văn hóa thì một trăm năm sau, con cháu chúng ta phải cùng nhau bỏ tiền xây nhà tù cho những vấn đề về đạo đức, nhân cách... "Tôi nghĩ Nhà nước sẽ đầu tư hợp lý, chính xác cho văn hóa" ông Thiều nêu và chia sẻ thêm từ khi làm chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã trở thành "người ăn xin... đầy kiên nhẫn, đầy cảm hứng".'

“Tôi nghĩ Nhà nước sẽ đầu tư hợp lý, chính xác cho văn hóa”, ông Thiều nêu và chia sẻ thêm từ khi làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã trở thành “người ăn xin… đầy kiên nhẫn, đầy cảm hứng”. Cái được “nêu và chia sẻ thêm” là nội dung ở trước hay sau cụm từ này? Nếu cái “chia sẻ thêm” ấy là ở trước [“Tôi nghĩ Nhà nước sẽ đầu tư hợp lý, chính xác cho văn hóa”] thì nội dung phía sau nó trở thành vô lý. Vì thực tế ông chỉ “chia sẻ thêm” ngay trong bài “phát biểu tại buổi gặp mặt giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước với trí thức, nhà khoa học, văn nghệ xuân Giáp Thìn 2024”, chứ không thể có cái “chia sẻ thêm” nào từ khi “làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam”, vì nó là một khoảng thời gian quá dài, và vì thế không ai “chia sẻ” liên tục không ngừng nghỉ suốt hàng nhiều năm trời như thế cả.

Còn nếu cái “chia sẻ thêm” này là nội dung thuộc phần phía sau nó thì ai là “người ăn xin… đầy kiên nhẫn, đầy cảm hứng”, ông Thiều hay Hội Nhà văn Việt Nam?

“từ khi làm chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã trở thành “người ăn xin… đầy kiên nhẫn, đầy cảm hứng”, viết thế này thì có buộc phải hiểu rằng chính ông Thiều đã làm cho Hội Nhà văn Việt Nam “trở thành “người ăn xin… đầy kiên nhẫn, đầy cảm hứng” hay không? Chiếu vào thực tế thì có vẻ không đúng, vì người đó, nếu có, phải là người tiền nhiệm của ông, nhà thơ Hữu Thỉnh, với câu nói nổi tiếng “Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta”. Hay, cái “chia sẻ thêm” này của ông Thiều là chia sẻ chỉ từ lúc ông làm Chủ tịch Hội Nhà văn – cái hội “đã trở thành “người ăn xin… đầy kiên nhẫn, đầy cảm hứng” [còn trước đó, khi chưa làm Chủ tịch thì ông không có cái “chia sẻ thêm” này]? Nhưng ý này cũng vô lý không kém, như đã chỉ ra ở trên.

Viết một câu văn mà người đọc phải đoán mò ý tác giả để rồi rốt cuộc cũng không biết là phải hiểu thế nào cho đúng, thì đó là một hạt sạn quá lớn.

Tôi thử sửa lại câu trên, về mặt ngữ pháp thôi, theo các cách khác nhau để có được những câu văn gãy gọn và rõ nghĩa. Riêng ý của tác giả bài báo thì có thể là 1 trong các câu đó:

- “Tôi nghĩ Nhà nước sẽ đầu tư hợp lý, chính xác cho văn hóa”, ông Thiều nêu và chia sẻ thêm, từ khi ông làm chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – cái hội đã trở thành “người ăn xin… đầy kiên nhẫn, đầy cảm hứng”.

- “Tôi nghĩ Nhà nước sẽ đầu tư hợp lý, chính xác cho văn hóa”, ông Thiều nêu và chia sẻ thêm với tư cách chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cái hội đã trở thành “người ăn xin… đầy kiên nhẫn, đầy cảm hứng”.

- “Tôi nghĩ Nhà nước sẽ đầu tư hợp lý, chính xác cho văn hóa”, ông Thiều nêu và chia sẻ thêm từ khi làm cho Hội Nhà văn Việt Nam trở thành “người ăn xin… đầy kiên nhẫn, đầy cảm hứng”.

- “Tôi nghĩ Nhà nước sẽ đầu tư hợp lý, chính xác cho văn hóa”, đó là điều ông Thiều nêu và chia sẻ thêm về Hội Nhà văn Việt Nam, cái hội đã trở thành “người ăn xin… đầy kiên nhẫn, đầy cảm hứng”.

- “Tôi nghĩ Nhà nước sẽ đầu tư hợp lý, chính xác cho văn hóa”. Ông Thiều nêu và chia sẻ thêm rằng từ khi ông làm chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thì Hội đã trở thành “người ăn xin… đầy kiên nhẫn, đầy cảm hứng”.

...

P/S: Câu văn liền trước câu trong khung đỏ này cũng mắc một lỗi ngữ pháp nghiêm trọng, làm cho ý nghĩa của câu trở nên trái ngược hẳn với điều mà tác giả bài báo muốn diễn tả. Xin dành cho các bạn tự phân tích.

*Đọc bài đầy đủ trên vanvn: https://vanvn.vn/nha-tho-nguyen-quang-thieu-350-000-ti.../

T.H.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn