Thi hành sớm Luật đất đai: Cú giải cứu khiến cái sảy thành cái ung

03/04/2024

Lê Quốc Quân

Cuối tháng 11, 2023, quốc hội bỏ phiếu quyết định chưa thông qua Luật đất đai, rồi đầu tháng Giêng, 2024, họp bất thường, biểu quyết thông qua bộ Luật quan trọng gồm 16 chương và 260 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Cuối tháng 11, 2023, Quốc hội bỏ phiếu quyết định chưa thông qua Luật đất đai, rồi đầu tháng Giêng, 2024, họp bất thường, biểu quyết thông qua bộ Luật quan trọng gồm 16 chương và 260 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Nguy hiểm hơn, việc giải cứu này sẽ gây ra khả năng gây thất thu ngân sách, thất thoát tài sản công do tình trạng thu gom đất rừng, đất nông nghiệp diện tích lớn, đó là sự “chênh lệch địa tô”.

Ngày 22/11/2023, tại kỳ họp thứ 6, có 98,6% đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu quyết định chưa thông qua Luật đất đai vì cần thêm thời gian để nghiên cứu, hoàn thiện. Nhiều đại biểu Quốc hội còn đề nghị nên có thêm một kỳ họp chuyên đề để đánh giá, góp ý thêm cho dự luật.

Rất nhanh sau đó, vào ngày 18/1/2024, trong cuộc họp bất thường đầu năm, có 432 đại biểu (chiếm tỷ lệ 87.63%) tham gia biểu quyết thông qua bộ Luật quan trọng gồm 16 chương và 260 điều này. Điều 252 quy định luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Tốc độ hơn nữa, ngày 26/3/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công văn số 202/TTg-NN, chỉ đạo gấp việc sớm triển khai Luật đất đai, dự kiến từ 1/7/2024 này. Tại sao lại vội vàng như vậy? Bản chất của việc này là gì? và có giá trị gì đối với phần lớn nhân dân?

Cuộc giải cứu “có một không hai”

Sau khi thị trường BĐS bắt đầu đóng băng vào năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 1435/QĐ-TTG thành lập tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm tổ trưởng để “giải cứu”. Nhiều báo chí cho rằng đây là một “cuộc giải cứu quyết liệt nhất, có một không hai trong lịch sử ngành bất động sản”.

Nếu xét về chỉ tiêu tăng trưởng thì việc “giải cứu” là cấp bách vì nền kinh tế phụ thuộc lớn vào Bất Động Sản (BĐS). Theo phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS cuả các Tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.

Có nghĩa là hơn 1/5 toàn bộ nguồn vốn ngân hàng đã đưa vào BĐS và bây giờ đang rơi vào tình trạng đóng băng. Đây chỉ là con số theo hồ sơ vay vốn, thực tế nhiều khoản vay khác cũng “lòng vòng” rồi đổ vào BĐS. Một ví dụ mới nhất là Trung tâm tiếng Anh Apax Leaders của Shark Thuỷ cũng lấy tiền học phí dồn vào BĐS, đã biến thành một con nợ đầm đìa và đã bị bắt vì tội lừa đảo.

Nhưng nếu xét về giá trị và ý nghĩa lâu dài cho toàn bộ xã hội, thì việc “giải cứu” vội vàng là lợi bất cập hại. Nó có thể là tác nhân nuôi dưỡng tiếp những khối u đang “vét hết” các nguồn lực khác của xã hội để lấy năng lượng nuôi chính nó.

Trong đó việc đẩy nhanh quá trình thực hiện Luật đất đai là động thái tiếp tay nguy hiểm làm phình khối ung thư ác tính này.

Tại sao phải “giải cứu” một cách bất thường?

Tại một cuộc họp điều hành kinh tế vĩ mô vào tháng 11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã nói “trong điều kiện bất thường thì các giải pháp cũng phải khác thường”. Nhưng khác thường không có nghĩa là vội vàng. Luật đất đai là một dự luật khó và phức tạp, ngay cả sau khi đã được ban hành nhiều chuyên gia cho rằng còn rất nhiều điều phải nghiên cứu và hoàn thiện thêm.

Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, cần phải ban hành ít nhất 16 văn bản thi hành thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, trong đó có: 9 Nghị định, một Quyết định và 6 Thông tư để cụ thể việc thi hành Luật đất đai. Nếu kể cả các văn bản hướng dẫn thi hành ở cấp địa phương thì con số văn bản cần ban hành có thể đến hàng trăm mới đi vào thực tế và áp dụng được với dân chúng.

Nhưng phải khẩn cấp làm ngay vì theo báo cáo của Bộ xây dựng, hiện nay có khoảng 1,200 dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị vướng mắc về mặt pháp lý mà thực tế chủ yếu là do không tuân thủ quy định của pháp luật đã được quy định trong Luật đất đai năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Các đại gia đã phát triển bất động sản theo kiểu “tiền trảm hậu tấu” giờ đặt Chính phủ và cả nền kinh tế vào vị thế đã rồi, buộc phải ra luật để hợp thức hoá các dự án sai trái đang nằm chờ. Khi kẻ vi phạm đủ lớn, trở thành xương sống của nền kinh tế, thì thay vì bị xử lý, nó sẽ quay lại buộc người chủ phải sửa luật để hợp thức hoá vi phạm của mình.

Cụ thể là từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực vào ngày 1/7/2015, các doanh nghiệp đã bị tắc ngay từ đầu khâu đầu tiên là tạo lập quỹ đất vì Điều 23 Luật Nhà ở buộc chủ đầu tư phải có “đất ở” mới được xây dựng nhà ở thương mại, nhưng họ vẫn tiến hành xây dựng đến hơn 1,200 dự án.

Để giải quyết, Chính phủ đã “cầm đèn chạy trước ô tô” đề nghị Quốc hội“thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thoả thuận nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất khác” nhưng vẫn vướng Luật cũ. Như vậy, Luật đất đai mới phải có hiệu lực “càng sớm càng tốt” để hợp thức hoá cái sai là các doanh nghiệp đã xây dựng nhà ở thương mại trên đất nông nghiệp và đất “khác”. Vấn đề nằm ở chữ “đất khác”.

Theo quy định tại Điều 9 của Luật đất đai 2024 thì có tất cả 3 nhóm đất gồm: Nông nghiệp, Phi nông nghiệp và Đất khác. Trong đó Nhóm đất nông nghiệp gồm có 7 loại (Trồng cây hằng năm, cây lâu năm, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi tập trung, làm muối và đất nông nghiệp khác). Nhóm đất phi nông nghiệp gồm có: 10 loại (đất ở; đất xây trụ sở cơ quan; đất quốc phòng, an ninh; đất công trình sự nghiệp; đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp; đất công cộng; đất tôn giáo; đất nghĩa trang; đất có mặt nước chuyên dùng và đất phi nông nghiệp khác). Nhóm đất chưa sử dụng là đất chưa xác định mục đích sử dụng và chưa giao, chưa cho thuê.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, đã đưa ra một dự thảo nghị quyết cho Quốc hội đề nghị thí điểm 2 chính sách: “Một là cho phép doanh nghiệp kinh doanh BĐS nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất các loại theo quy định tại Điều 9 kể trên. Hai là cho phép doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang có quyền sử dụng đất được thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với các loại đất khác không phải là đất ở.”

Nghĩa là có thể, và chủ yếu là, lấy từ đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp và đất khác. Thời gian thực hiện dự án thí điểm là 5 năm (từ ngày 1/1/2025 đến 1/1/2030). Như vậy, với việc đẩy nhanh có hiệu lực của luật đất đai, kể từ ngày 1/7/2024 là các doanh nghiệp BĐS đã có thể tự thoả thuận để “lấy” đất rừng, đất nông nghiệp hoặc các loại đất “khác” để xây dựng nhà ở thương mại, mà không nhất thiết phải có một tỷ lệ đất ở. Họ vừa hợp thức được dự án cũ, vừa có thể “thoả thuận” để lấy ngay được dự án mới.

Chính dự thảo Nghị quyết thí điểm này sẽ làm cho lo ngại của đại biểu Nguyễn Công Long (uỷ viên thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội) thành sự thật khi ông đã nói“Nếu quy định như hiện tại thì doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản có quyền mua hết đất nông nghiệp, đất rừng, chuyển sang mục đích xây dựng dự án nhà ở thương mại, khi đó việc thu hồi chênh lệch địa tô càng khó khăn hơn”

Đừng giải cứu thì người dân được lợi?

Mặc dù đang “đóng băng” nhưng giá nhà ở Việt Nam vẫn thuộc diện đắt nhất trên thế giới nếu so với thu nhập. Theo tính toán thì một người làm công ăn lương bình thường thì họ phải nhịn ăn, nhịn mặc gần 50 năm mới có thể mua được một ngôi nhà.

Nếu khủng hoảng bất động sản xảy ra, giá nhà hạ xuống và người dân có thể mua được nhà. Nếu “tan băng”, mua bán sôi động giá có thể đắt lên. Điều này thì sẽ có lợi cho nền kinh tế trong ngắn hạn vì có xây dựng, mua bán, trao đổi…Vốn tiếp tục được bơm vào nhưng rõ ràng khối u BĐS sẽ ngày càng to lên.

Nguy hiểm hơn, việc giải cứu này sẽ gây ra khả năng gây thất thu ngân sách, thất thoát tài sản công do tình trạng thu gom đất rừng, đất nông nghiệp diện tích lớn, đó là sự “chênh lệch địa tô”.

Thực tế, lợi ích là động lực thúc đẩy các đại gia ráo riết vận động quan chức nhằm phá băng cho chính họ. Hai bên đã gặp nhau để cùng cứu nhau, vừa thu tiền lại làm đẹp hồ sơ tăng trưởng trong nhiệm kỳ của mình còn bỏ mặc số đông nhân dân cần lao đang khao khát một nơi an cư.

Có lẽ nên để cho khối u BĐS này vỡ ra lại là cách “giải cứu” nó tốt nhất.

L.Q.Q.

Nguồn: voatiengviet.com

Xem thêm:

Shark Thuỷ bị bắt: Kiếm tìm tri thức và Khởi nghiệp ở Việt Nam

    Lê Quốc Quân 
    Screenshot từ tuoitrenews.vn

Nạn nhân không chỉ là phụ huynh mất tiền, mà còn là các cháu bơ vơ không có lớp để học.

Ngày 26/3, Bộ Công an cho biết ông Nguyễn Ngọc Thuỷ đã bị bắt về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông Thuỷ là chủ tịch tập đoàn Egroup và là Tổng giám đốc công ty cổ phần Anh ngữ Apax với hệ thống trung tâm Apax Leaders từng được coi là lớn nhất cả nước.

Ông Thuỷ còn là thành viên trong chương trình nổi tiếng “Thương vụ bạc tỷ” của Shark Tank Việt Nam. Cũng vì vậy mà thương hiệu Shark Thuỷ gắn bó mật thiết với ông.

Nạn nhân là người muốn được học

Báo Tuổi trẻ, trích lời của tướng Tô Ân Xô, cho biết “Năm 2023 ông Thuỷ bị nhiều người tố cáo lừa đảo chiếm đoạt hàng ngìn tỉ đồng thông qua các loại hợp đồng dưới hình thức tiền gửi”. Ông bị khởi tố theo Khoản 4 Điều 174 với mức tù từ 12 từ 20 năm hoặc tù chung thân.

Nạn nhân của Shark Thuỷ khá nhiều, từ nhà đầu tư chứng khoán, người tham gia dự án bất động sản cho đến nhân viên các trung tâm Anh ngữ… nhưng nhiều nhất có lẽ là những phụ huynh đang khát khao đi kiếm tìm kiến thức tiếng Anh cho con mình.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM thì tổng số học sinh của các Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders trên địa bàn thành phố là 11.295 em, số học sinh bảo lưu kết quả là 6.072 em, số học sinh rút học phí là 4.384 em với số tiền học phí phải hoàn trả là khoảng 108 tỷ đồng. Apax Leaders đã trả 14,2 tỷ đồng, còn nợ hơn 93 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội và Cục thuế TPHCMM cũng cho biết, chi nhánh của Apax Leaders còn chậm đóng hơn 32 tỷ đồng bảo hiểm các loại cho người lao động và nợ 15 tỷ tiền thuế.

Nạn nhân không chỉ là phụ huynh mất tiền, mà còn là các cháu bơ vơ không có lớp để học. Trên mạng Facebook có cả một “Hội nạn nhân của Apax English” với số lượng thành viên tham gia lên đến hơn 6,2 ngàn người và đã tiến hành nhiều phương thức từ nhẹ nhàng đến căng thẳng như vây Shark đến giữa đêm để đòi tiền nhưng kết quả rất hạn chế, vì Apax Leaders đã bắt đầu lụn bại theo những “thương vụ bạc tỷ” khác mà Shark Thuỷ kỳ vọng ném vào.

Hình ảnh lý tưởng cho giới trẻ khởi nghiệp?

Shark Thuỷ từng được coi là người thành công khi ông xây dựng hệ thống Apax Leaders với mong ước đào tạo những nhân sự lãnh đạo cho tương lai. Khi đứng trên sân khấu, ông có nhiều phát ngôn hay, thu hút người nghe, đặc biệt là giới trẻ. Nhiều bạn trẻ coi ông như hình mẫu lý tưởng để khởi nghiệp. Thậm chí nhiều người đã so sánh việc ông bỏ học giữa chừng với những nhân vật giàu nhất thế giới cũng đã bỏ học giữa chừng.

Hệ thống giáo dục Apax Leaders của ông một thời được quảng cáo là “lớn nhất cả nước”, với hơn 120 trung tâm trên toàn quốc, nằm ở 30 tỉnh thành và khoảng hơn 120.000 học viên đang theo học. Doanh thu vào năm 2018 đạt 1,000 tỷ đồng và tăng gấp đôi lên 2,000 tỷ trong năm 2020.

Ông luôn nói đến khởi nghiệp, giáo dục và khai dân trí. Vào năm 2015, ông còn được Enterprise Asia bình chọn là 1 trong 14 doanh nhân xuất sắc nhất tại Việt Nam và được trao tặng giải thưởng Doanh nhân Châu Á – Thái Bình Dương (APEA).

Nhiều bạn trẻ nghe Shark nói như được truyền thêm lửa. Nhiều phụ huynh nghe Shark nói đã dồn hết tiền, thậm chí vay mượn cho con đi học tại trung tâm của Shark.

Thế nhưng, vòng xoáy bất động sản đầy mê hoặc là con đường dẫn rất nhiều doanh nhân đi đến lao tù. Tờ Nhà Đầu tư dẫn nguồn dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết thì chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, 2,280 doanh nghiệp Bất động sản đã phải ngừng hoạt động, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm 2023, và hàng loạt dự án bất động sản của công ty Apax Holdings trải dài từ Bắc Giang đến Vũng Tàu cũng chịu chung số phận.

Khởi nghiệp (Start-up) ở Việt Nam

Vượt lên trên chuyện dự án đất đai, một chuỗi trung tâm tiếng Anh lâm vào tình trạng không thể hoạt động được là rất tiếc cho hết thảy mọi người. Thay vì được nhìn thấy hình ảnh các em nhỏ rộn ràng thực hành tiếng Anh tại các trung tâm, chúng ta chỉ còn thấy những phụ huynh mặc áo đỏ, căng băng rôn đòi tiền trước những cánh cửa đóng kín.

Khát vọng “phổ biến tri thức” của Shark Thuỷ từng hô hào đã hoàn toàn thất bại. Một mặt ông đã phạm sai lầm, nhưng mặt khác ông cũng không định hình hết được không gian khởi nghiệp ở tầm quốc gia.

Theo VnEconomy, trích lời của Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm Nextrans (Hàn Quốc) tại Việt Nam Lê Hàn Tuệ Lâm thì chỉ có dưới 5% doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam được “tổ chức sinh nhật lần thứ 2”. Đây là một tỷ lệ rất thấp và đáng buồn khi so sánh với Mỹ là 50% vẫn trụ được đến 2 năm và đến sinh nhật lần thứ 5 thì vẫn còn 15-20%.

Hàng loạt dự án của Shark Thuỷ tham gia đầu tư khởi nghiệp về giáo dục, y tế và công nghệ như Talk Cafe 100% English, Soya Garden, Luxstay… bắt đầu một cách đầy hào hứng đã vấp phải những trở ngại về pháp lý, vốn, quản trị, môi trường kinh doanh nên cuối cùng cũng đã đi vào dĩ vãng.

Đổi “học phí” lấy bất động sản và bếp từ

Khi háo hức đưa con đến trung tâm ngoại ngữ có người nước ngoài dạy, có lẽ không một người bố mẹ nào lại nghĩ đến ngày phải căng băng rôn đòi nợ trước mặt thầy cô. Càng khó tin hơn khi đến họ được mời “đổi nợ học phí” lấy bất động sản và đồ gia dụng. Có lẽ chưa một quốc gia nào mà giá trị của việc hoán đổi tri thức lấy những vật chất cụ thể kỳ lạ như thế.

Khi nhìn vào những trung tâm Anh ngữ Apax Leader một thời đầy kiêu hãnh; khi nghe Shark Thuỷ nói về khởi nghiệp và làm giàu, lòng tôi đã tràn đầy hy vọng về một thế hệ học trò mai sau, sánh vai các cường quốc năm châu. Khi nghe Shark Thuỷ nói về khát vọng vươn cao, làm chủ tri thức tiếng Anh trong xu hướng hội nhập toàn cầu, rất nhiều người đã tưởng rằng đất nước như rồng đang mọc thêm cánh.

Nhưng Shark Thuỷ đã chìm ngập trong nợ nần. Ông trở thành “con nợ” của hàng vạn người khi đã bỏ những khoản tiền lớn cho các con đi học tiếng Anh mà không được học. Có những phụ huynh vay mượn tiền đến 150 triệu đồng cho con học nộp tiền cho con đi học mà không biết rằng Shark đang “huy động vốn” với lãi suất cao và không thể trả được.

Khởi nghiệp là dấu hiệu của “chấn dân khí”

Chúng ta đã từng chứng kiến những doanh nghiệp bắt đầu khởi nghiệp rất thành công, như Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông, hoặc dự án Umbala (là một ứng dụng quay và chia sẻ video do người Việt tạo ra sớm hơn cả Tiktok) chết yểu. Ngoài ra hàng loạt tên tuổi khác đã một thời làm nức lòng giới trẻ như Wefit, Món Huế, The Kafe, Lamita… đã dần dần gục ngã và rời bỏ thị trường.

Mặc dù Việt Nam vẫn là một thị trường đầy hấp dẫn với 100 triệu người, cơ cấu dân số trẻ và đầy năng động, nhạy bén với công nghệ thông tin. Việt Nam cũng là điểm đến hấp dẫn của những vòng gọi vốn cho các Start-up về công nghệ và Fintech trong suốt hàng chục năm qua.

Thế nhưng vốn đổ vào các Start-up Việt Nam năm 2022 đã giảm đến 56% so với năm 2021 và có vẻ như tinh thần khởi nghiệp một thời đầy hưng phấn giờ đã bắt đầu suy sụp. Doanh khí đang đi xuống, sự thiểu não đã bắt đầu lan nhanh, nhiều doanh nhân giờ chỉ mong đi làm thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài ngay trên quê hương mình.

Giữa lúc công cuộc đốt lò dâng cao, những tập đoàn lớn như Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, FLC Trịnh Văn Quyết… đang bước ra giữa vành móng ngựa; giữa lúc Việt Nam chưa có đủ một môi trường pháp lý lành mạnh, một “lồng ấp” an toàn ở quy mô lớn, thì chưa thể có những đại bàng non ra đời, để cùng sánh bước với các doanh nghiệp “kỳ lân” trên thế giới.

Chỉ khi “chấn” được dân khí, lòng ái quốc sẽ là ánh sáng soi rọi cho những doanh nhân chân chính khởi nghiệp. Nếu không “chấn được dân khí” thì lò lửa và những cuộc đấu đá hiện nay sẽ chôn vùi nhiệt huyết và nhuệ khí của một tầng lớp doanh nhân trẻ.

Trong đó vụ việc của Shark Thuỷ là một bài học điển hình.

L.Q.Q.

Nguồn: voatiengviet.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn