Bạo lực chính trị và nền dân chủ Mỹ

Nguyễn Quang Dy 

Khi Alexis De Tocquevill đến nước Mỹ lần đầu, ông rất ấn tượng và mô tả rất kỹ những ưu việt của nền dân chủ Mỹ bằng một tác phẩm đã trở thành kinh điển (Democracy in America, 1835). Nếu ông sống lại và đến nước Mỹ lúc này, chắc De Tocquevill sẽ rất thất vọng trước một nước Mỹ đầy bạo lực và chia rẽ sâu sắc, với nền dân chủ bị xói mòn. Vụ bạo động 6/1/2021 là một điển hình. Vụ mưu sát cựu tổng thống Donald Trump (13/7/2024) là một nghịch lý, không chỉ tác động đến kết quả bầu cử, mà còn đe dọa nền dân chủ Mỹ. 

H quả của vụ mưu sát Trump 

Hình ảnh Donald Trump mặt dính máu, vẫn cố giơ nắm đấm hô “chiến đấu! chiến đấu!” đã làm nhiều người Mỹ xúc động. Theo các chuyên gia, vụ mưu sát chắc chắn tác động đến kết quả bỏ phiếu và thúc đẩy những người ủng hộ Trump đi bầu. Tâm trạng của phe ủng hộ Trump như thùng thuốc súng dễ bùng phát, trong khi phe ủng hộ Biden cho rằng họ đang mất các thể chế họ đã kiểm soát qua nhiều thập kỷ. Vì vậy, mước Mỹ cần hành động nhanh nếu muốn ngăn chặn xã hội đổ vỡ nghiêm trọng (an immense social breakdown).

Tổng thống và Quốc hội cần kịp thời ngăn chặn các thuyết âm mưu và diễn ngôn kích động hận thù nhằm cáo buộc nhau. 

Trong cuộc tranh luận thứ nhất (28/6/2024,) Biden đã bộc lộ điểm yếu. Trong khi Biden tiếp tục mất điểm tại các bang chiến trường và dao động (swing states), ông đứng trước nguy cơ thất bại lớn (epic defeat). Vì vậy, ngày càng nhiều người trong Đảng Dân chủ muốn Biden rút lui. (The Assassination Attempt on Donald Trump and the Threat to Democracy, Ahmed Charai, National Interest, July 14, 2024). 

Bầu cử Tổng thống Mỹ đầy kịch tính. Donald Trump được Toà án Tối cao cho đặc quyền miễn trừ, thoát tội giữ tài liệu mật và xúi giục bạo động (6/1). Tuy Trump là nạn nhân của vụ mưu sát, nhưng ông đã nhạy bén “biến nguy thành cơ”, coi vụ mưu sát đó là cơ hội để thắng cử vào tháng 11 này. Sau cuộc tranh luận và vụ mưu sát, Trump dẫn trước Biden 5-7 điểm. So với vụ ám sát tổng thống John Kennedy tại Dallas (22/11/1963), và vụ ám sát TNS Robert Kennedy tại Los Angeles (6/6/1968), Trump là người may mắn hơn nhiều.  

Nếu John Kennedy hay Robert Kennedy thoát chết thì lịch sử đã khác. Dù Thomas Crooks không phải là một sát thủ chuyên nghiệp và khẩu AR-15 không phải là súng bắn tỉa, nhưng viên đạn chắc đã xuyên qua đầu chứ không xuyên qua tai phải như vậy, nếu Trump không xoay mặt đúng lúc. Không biết có phải do “bàn tay của Chúa” hay do nguyên nhân nào khác (như thuyết âm mưu), nhưng Trump đã gặp may. Trò chơi chính trị đầy may rủi, và vụ mưu sát Trump là một cảnh báo về xu hướng bạo lực chính trị đang gia tăng.   

Kết cục là Trump đã thoát chết trong vụ mưu sát, và đến dự Đại hội Đảng Cộng hòa (NRC) tại Milwaukee (15/7/2024) như một anh hùng. Sự bùng nổ của bạo lực chính trị diễn ra vào một thời điểm đặc biệt nhạy cảm trong lịch sử nước Mỹ, làm cho cuộc đua vào Nhà Trắng càng thêm kịch tính. Trump đã kịp thời sửa lại bài diễn văn cho mềm mỏng hơn và kêu gọi “đoàn kết” dù để mị dân. Ông đã được Đảng Cộng hòa chính thức đề cử làm ứng cử viên tổng thống, và đã chọn TNS J.D. Vance làm ứng cử viên phó tổng thống. 

Trong khi các cố vấn của Donald Trump tìm cách biến vụ mưu sát thành cơ hội và lợi thế để tranh cử, thì các cố vấn của Joe Biden phải vội vàng điều chỉnh chiến lược tranh cử bằng cách “hạ nhiệt” và kêu gọi “đoàn kết”. Biden đã lập tức xuất hiện trên truyền hình để lên án bạo lực. Ông nói: “Nước Mỹ không có chỗ cho kiểu bạo lực này. Điều đó là bệnh hoạn. Đó là lý do tại sao chúng ta phải đoàn kết đất nước. Chúng ta không cho phép điều đó xy ra. Chúng ta không thể tha thứ điều đó. Chúng ta không thể như vậy”.  

Theo các nhà phân tích, “vụ mưu sát Donald Trump không làm thay đổi xu hướng trong cuộc bầu cử này, mà chỉ củng cố thêm vững chắc”. 

Có bốn vấn đề nổi bật: 

Một là thế mạnh và quyết tâm của Trump; 

Hai là thế yếu của Biden về chính trị, sức khỏe và nhận thức; 

Ba là Trump đã dẫn đầu tại các bang chiến trường mà ông cần để thắng cử; 

Bốn là thất bại của các cơ quan chính phủ như Sở Mật vụ (the Secret Service). 

(The political impact of the Trump assassination attempt, Charles Lipson, Spectator, July 15, 2024). 

Trong mấy năm qua, bạo lực chính trị ngày càng gia tăng đã đe dọa các quan chức của cả hai đảng được bầu hay được đề cử. Thù ghét đã thao túng sinh hoạt chính trị ở Mỹ. Trump từng bị dư luận lên án là đã xúi giục bạo lực, nổi bật nhất là vụ bạo động ngày 6/1/2021. Trump đã khuyến khích những người ủng hộ ông xông vào điện Capitol, nhằm buộc Quốc hội Mỹ không được công nhận Biden thắng cử. Ngay trước vụ mưu sát Trump, Biden đã lên tiếng chỉ trích Trump vì ông phản đối các biện pháp kiểm soát vũ khí. 

Phản ứng của hai đảng 

Có thể hình dung những người ủng hộ Trump sẽ tổ chức các nhóm “dân quân” (citizens militias) để đảm bảo an ninh cho chiến dịch tranh cử hoặc cho các địa điểm bỏ phiếu. Để tránh bạo lực chính trị, chỉ lên án là không đủ, lãnh đạo cả hai phía phải chấm dứt những diễn ngôn kích động nói xấu nhau, làm tổn thương chính danh và thể chế của Mỹ. Họ cần cư xử như những viên chức có trách nhiệm được cử tri tin cậy giao phó. (An Assassination Attempt and a Crisis of Legitimacy, Paul Saunders, National Interest, July 14, 2024).

Ngoài Tổng thống Biden, nhiều nhân vật khác của Đảng Dân chủ cũng đã nhanh chóng lên án vụ mưu sát cựu tổng thống Donald Trump, trong đó có những người đã từng lên tiếng mạnh mẽ chỉ trích Trump như cựu Tổng thống Barack Obama, Phó Tổng thống Kamala Harris, cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (California), lãnh đạo phe đa số tại Thượng việnChuck Schumer, lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Hakeem Jeffries. (The political impact of Trump assassination attempt, Charles Lipson, Spectator, July 15, 2024).

Trong khi các chuyên gia tiếp tục tranh luận về việc vụ mưu sát Donald Trump sẽ tác động thế nào tới kết quả bầu cử tổng thống sắp tới, thì hầu hết người dân Mỹ lại quan tâm đến nghỉ hè hơn là bầu cử tổng thống. Trong khi đó, cuộc tranh luận về các biện pháp kiểm soát súng (gun control) vẫn tiếp tục như trước mà không có giải pháp hiệu quả, tuy bạo lực chính trị ngày càng cực đoan, tiếp tục ám ảnh chính trị Mỹ. (The Trump Assassination Attempt Casts a Dark Shadow over America, Dov Zakheim, Spectator, July 14, 2024). 

Sau vụ mưu sát Trump, cả phía Cộng hòa và Dân chủ đều tìm cách “hạ nhiệt” và kêu gọi “đoàn kết”. Dư luận cho rằng Trump “dịu dàng tử tế hơn”. Tuy mục đích chính là mị dân để lấy phiếu, nhưng đây là cơ hội tốt để đoàn kết. Biden nói: “Không có chỗ ở Mỹ cho kiểu bạo lực này, hay bạo lực nào khác. Chúng ta không cho phép bình thường hóa bạo lực. Diễn ngôn chính trị quá nóng. Đến lúc phải hạ nhiệt” (After assassination attempt Trump and Biden seek calm unity, Tim Reid, Gram Slattery, Helen CosterReuters, July 15, 2024). 

Vụ mưu sát Donald Trump ở Pensynvania đã ngay lập tức trở thành chủ đề cho các chính trị gia và chuyên gia kêu gọi hãy bình tĩnh và ngừng ủng hộ sự phân hóa độc hại đang khiến người Mỹ chia rẽ sâu sắc. Xã luận báo New York Times cảnh báo: “Bạo lực đang lây nhiễm và làm suy yếu đời sống chính trị của Mỹ. Đây không phải là đất nước của chúng ta”. Trong những năm gần đây, việc bình thường hóa xu hướng bạo lực là rất nguy hiểm, không chỉ bộc lộ truyền thống bạo lực của nước Mỹ mà còn có thể dẫn đến một bước ngoặt mới cho nền dân chủ Mỹ. (This is America, Too, Julian Zelizer, Foreign Policy, July 14, 2024). 

Nước Mỹ có nhiều đặc điểm tuyệt vời, nhưng bạo lực cũng là một “đặc sản” của Mỹ. Những vụ ám sát và âm mưu ám sát nhắm vào các quan chức cấp cao đã diễn ra hàng mấy chục năm nay, đang trở thành “bình thường mới”. Sử gia Richard Slotkin đã viết trong các tác phẩm kinh điển của mình về chủ đề này. Đó là cách “thần thoại hóa” xu hướng bạo lực vốn đã ăn sâu vào văn hóa của người Mỹ. Gần đây, sử gia Steven Hahn đã chỉ ra ảnh hưởng mạnh mẽ của chủ nghĩa phi tự do, bao gồm cả bạo lực trong các cuộc bầu cử ở Mỹ. 

Có thể nói, đó là một lời cảnh báo mạnh mẽ về sự nguy hiểm của các chính trị gia và những người thích sử dụng vai trò của bạo lực. Lời cảnh báo đó được đưa ra khi Trump còn là Tổng thống Mỹ và sau đó, khi ông thất cử nên sẵn sàng kích động bạo lực từ đám đông. Những lời kêu gọi hành động này liên quan đến một yếu tố rất nguy hiểm trong nền văn hóa của Mỹ, luôn chờ dịp bùng phát. Vụ mưu sát Trump là một nghịch lý đáng sợ, cho thấy một số người Mỹ có thể dễ dàng kích động một truyền thống bạo lực chết người. 

Người Mỹ nói chung, cả phái hữu lẫn phái tả, đều ủng hộ bạo lực chính trị như một văn hóa ứng xử truyền thống. Trong một xã hội bị phân hóa, bạo lực chính trị ít khi đến từ một phía. Nó có thể bắt đầu từ phái hữu và lan sang phái tả, với những cuộc bạo động (riots) và ám sát. Vì vậy, những nỗ lực cải cách ở Mỹ phải thay đổi cấu trúc hệ thống bầu cử. Nhưng ngày nay, bạo lực chính trị không chỉ là một đặc sản của Mỹ, mà còn diễn ra ở các nước dân chủ khác như Nhật Bản. Vụ ám sát Thủ tướng Shinzo Abe là một ví dụ. (The Rising Tide of Political Violence, Rachael KleinfeldForeing Affairs, July 19, 2024). 

Hệ quả của bạo lực chính trị 

Theo Robert Lieberman (Johns Hopkins), vụ mưu sát Trump sẽ tác động không chỉ tới bầu cử tổng thống mà còn tới tương lai nước Mỹ. Lịch sử cho thấy nền dân chủ Mỹ dễ tổn thương, nay đứng trước thách thức mới. Vụ nổ súng diễn ra đúng lúc sự phân hóa quyết liệt hơn, làm nhiều người lo ngại. Khi phân hóa trở thành cực đoan, nó không còn là trò chơi tranh cử, mà là đấu tranh sinh tồn (mortal combat). Trump không bao giờ ngại dùng bạo lực. (The Vicious Cycle of American Political Violence, Foreign Affairs, July 14, 2024). 

Liberman cho rằng có bốn yếu tố làm nền dân chủ khủng hoảng. Một là phân hóa chính trị. Hai là xung đột giữa các thành viên của cộng đồng chính trị. Ba là bất bình đẳng về kinh tế gia tăng. Bốn là quyền hành pháp quá lớn. Tình hình bốn năm qua khác trước vì xuất hiện cả bốn yếu tố đó, giúp Trump trỗi dậy và làm cho nước Mỹ dễ tổn thương trước các sự kiện như vụ bạo động tại điện Capitol (6/1/2021). Kết cục là nền dân chủ Mỹ càng bị xói mòn, và làm cho vụ nổ súng mưu sát Trump càng trở nên nguy hiểm và thách thức hơn. 

Nếu phe Trump đề cập đến vụ mưu sát này để kích động thì đó là một chỉ dấu rằng nó không còn là một sự kiện riêng lẻ, mà là một hình thức bạo lực tập thể có tổ chức. Điều đáng lo ngại là Trump sẽ lợi dụng sự kiện này để thổi bùng lên xu hướng bạo lực trong số những người ủng hộ ông. Vì vậy, Biden phải lập tức lên án bạo lực vì Trump sẽ dùng sự kiện này để kích động và tập hợp những ngưởi ủng hộ ông. Lúc này, nhiệm vụ của Biden là phải hành xử “như một chính khách”, dù điều đó làm cho ông mất lợi thế về diễn ngôn. 

Nói cách khác, Biden và Nhà Trắng phải tìm cách ngăn chặn cơn thịnh nộ (rage and fury) và làm hạ nhiệt (calm things down) bằng cách kêu gọi đoàn kết. Nhưng đáng tiếc Biden lại không có khả năng hùng biện như Robert Kennedy. Vì vậy, Biden khó có khả năng tập hợp lực lượng để đoàn kết đất nước. Lúc này, muốn đất nước đoàn kết và tránh bạo lực thì cả hai phía cần phải kiềm chế, nhưng thực tế cho thấy điều đó là khó khả thi. 

Trước vụ nổ súng, chúng ta đã dự cảm trong “nhiệm kỳ hai của Trump”, bộ máy hành pháp (executive branch) sẽ trở thành công cụ để Trump thực hiện tham vọng, nỗi ám ảnh để trả thù. Người ta lo rằng vụ nổ súng này càng thôi thúc Trump đi theo hướng đó. Có thể hình dung sự kiện đó sẽ thôi thúc Trump và các cộng sự thân tín sử dụng Bộ Tư pháp và các cơ quan công tố để trấn áp bất cứ ai có biểu hiện chống đối về chính trị. 

Bạo lực chính trị là dấu hiệu người dân mất lòng tin vào tính chính danh của chế độ chính trị. Nói cách khác, nước Mỹ đang trải qua một cuộc khủng hoảng về tính chính danh. Cuộc khủng hoảng này có thể hủy hoại cả hệ thống, với những hệ quả tai hại cho Mỹ và thế giới. Nhưng chỉ đổ lỗi cho một nguyên nhân (Donald Trump) không chỉ kém về phân tích, mà còn là tiền đề nguy hiểm cho các nỗ lực khắc phục thách thức lịch sử. Nếu hệ thống chính trị mất chính danh thì thường mất luôn cơ hội hình thành một hệ thống khác. 

Theo Washington Post, Barack Obama đã nói riêng với các thành viên Đảng Dân chủ rằng cơ hội chiến thắng của Biden vào tháng 11 đã giảm. Cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng nói như vậy. Nhiều nhân vật khác như Chuck Schumer và Hakeem Jeffries cũng tỏ ra lo ngại về khả năng thắng cử của Tổng thống Biden. Gần đây, Tổng thống Biden đã cố gắng xoa dịu những lo ngại đó trong các cuộc phỏng vấn và tại các sự kiện khác. Hơn nữa, Biden đang tự cách ly ở Delaware vì có các triệu chứng nhiễm Covid-19 thể nhẹ.

Chắc mọi người đã tá hỏa khi thấy Biden gọi nhầm tên Tổng thống Ukraine Zelensky là Tổng thống Putin. Đó là một sự cố khó chấp nhận. Nhưng Stephen Walt lại cho rằng tình trạng sức khỏe của Tổng thống “không làm cho nước Mỹ dễ tổn thương hơn”. Tuy vai trò Tổng thống rất quan trọng, nhưng ông không phải là người duy nhất chịu trách nhiệm xây dựng hoặc thực thi chính sách. Tất cả các tổng thống đều có một đội ngũ trợ lý giúp việc, nên sức khỏe của ông không phải vấn đề quá nghiêm trọng như mọi người nghĩ”. (Biden’s Frailty Doesn’t Endanger America, Stephen Walt, Foreign Policy, July 11, 2024). 

Phán quyết của Tòa án Tối cao

Theo sử gia Arthur Schlesinger, Tổng thống Mỹ đã được Quốc hội trao đặc quyền như một hoàng đế (imperial presidency). Nay Tòa án Tối cao phán quyết cho Donald Trump được miễn trừ, không bị truy tố vì giữ tài liệu mật tại nhà riêng (Florida) và kích động bạo lực (6/1). Quốc hội càng khó giám sát các chủ trương vi hiến và nguy hiểm của Tổng thống, đặc biệt là về đối ngoại. Thay vì tăng thêm quyền cho Quốc hội, Tòa án Tối cao đã phán quyết làm suy yếu thêm vai trò của Quốc hội. (The Imperial Presidency Unleashed, Sarah Binder, James Goldgeier, Elizabeth Saunders

Chánh án John Roberts tuyên bố Tổng thống có quyền miễn trừ tuyệt đối (absolute immunity) không bị truy tố khi thực hiện quyền hành pháp “cốt lõi” (core). Nói cách khác, Tổng thống là “hoàng đế đứng trên luật”. Từ nay, Tổng thống có quyền đem theo tài liệu mật khi rời nhiệm sở dù vì mục đích xấu. Điều đó làm đồng minh và đối tác của Mỹ lo ngại không chia sẻ thông tin tình báo. Nhưng hậu quả lâu dài của phán quyết này còn nguy hiểm hơn, nếu Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025. Ông sẽ lệnh cho Bộ Tư pháp truy nã các đối thủ mà không cần đáp ứng yếu yêu cầu của Quốc hội là điều trần hay có chứng cớ.  

Điều đó không chỉ ảnh hưởng tới đối nội mà còn tới đối ngoại. Cả bạn và thù đều hiểu rằng Tổng thống không bao giờ chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Hiện nay, giới phân tích xem phán quyết của Tòa án Tối cao tác động thế nào tới các quyết sách của Trump, nếu ông thắng cử vào cuối năm nay. Điều đó sẽ áp dụng cho tất cả các tổng thống Mỹ, do đó tác động lâu dài tới việc các nước sẽ nghĩ gì về Washington. Cả bạn và thù đều nghĩ rằng các tổng thống Mỹ có thể hành động bừa bãi, thiếu trách nhiệm giải trình. 

Phán quyết của Toà án Tối cao biến Tổng thống thành Hoàng đế được hưởng đặc quyền trong khi đó là một kẻ độc tài chưa bị trừng phạt. Phán quyết cho phép Tổng thống được miễn trừ ngay cả khi vi phạm luật, chỉ cần có “hành động chính thống” (official act). Phán quyết tạo ra một “vũng lầy pháp lý” để Trump không chịu trách nhiệm đã kích động bạo lực (6/1/2021), dù đó là “một âm mưu đảo chính”. (The Imperial Presidency with the Supreme Courts Blessing Has Gone Rogue, Ivan Follow, National Interest, July 17, 2024).

Tuy Biden nói “mọi khác biệt cần được giải quyết tại hòm phiếu chứ không phải bằng súng đạn, và nước Mỹ không có chỗ cho bạo lực”, nhưng không ai biết điều gì sẽ xảy ra trong mấy tháng tới. Vụ mưu sát Trump chắc không phải là vụ bạo lực cuối cùng trước 5/11. Trong lịch sử nước Mỹ, ám sát thường xảy ra khi tranh cử tổng thống. Tổng cộng đã có 12 người (27%) trong đó 4 người chết và 8 người bị thương. (Assassination and the American Presidency: What History Tells Us, Graham AllisonNational Interest, July 19, 2024).

Đáng chú ý là sau khi John Kennedy bị ám sát thì Lyndon Johnson quyết định “Mỹ hóa” cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhưng làn sóng phản đối chiến tranh đã trở nên quyết liệt làm Johnson không thể tiếp tục tranh cử. Bạo động đã xảy ra ở Los Angeles, Detroit, và Newark. Khi làn sóng đó bùng phát vì vụ ám sát Martin Luther King và Robert Kennedy, Richard Nixon đã thắng lớn nhờ khẩu hiệu “luật pháp và trật tự” (law and order). 

Theo Graham Allison, khó có thể biết điều gì sẽ xảy ra trong vòng mấy tháng tới. Rủi ro cao đòi hỏi chính quyền hành động hiệu quả hơn là những gì chúng ta đã thấy tuần trước. Tại sao không dùng phương tiện bay không người lái (drones) để làm tai mắt? Theo Allison, cần sa thải ngay Giám đốc Sở Mật vụ Kimberly Cheatle và những người chịu trách nhiệm về an ninh của Trump. Trong khi Biden và Trump kêu gọi “giảm nhiệt”, phải tính đến khả năng có một hay hai ứng cử viên tổng thống bị “đưa vào vòng ngắm” trong bốn tháng tới. 

Theo Francis Fukuyama, Trump là một kẻ mị dân khéo léo. Có nhiều khả năng Trump sẽ được cử tri bầu vào tháng 11/2024. Hầu hết người Mỹ chưa hiểu hết mức độ đe dọa mà Trump có thể đem lại cho nền dân chủ Mỹ và cho cả thế giới. Nước Mỹ đang đứng trên bờ bờ vực suy thoái và một cuộc khủng hoảng lớn trong những tháng tới. Bất cứ ai tin rằng nhiệm kỳ thứ hai của Trump sẽ đơn giản lặp lại nhiệm kỳ đầu tiên, đều chưa hiểu rõ về nhân vật này. Tuy nhiên, “vẫn chưa quá muộn để đảo ngược quá trình suy thoái”. (It’s not too late to reverse America’s political decay, Francis Fukuyama, Financial Times, March 2, 2024). 

Trump đang dẫn dắt Đảng Cộng hòa đến sự chuyên chế, sùng bái cá nhân và vô chính phủ. Trump muốn làm tổng thống vô thời hạn, bất chấp kết quả kiểm phiếu. Trump kích động đám đông gây bạo loạn tại điện Capitol (6/1). Trump ủng hộ tình trạng hỗn loạn, và đòi trục xuất người di cư. Tóm lại, Trump nổi lên như một bạo chúa trong một hệ thống mà ông phá vỡ. Vì vậy, Đảng Dân chủ đang có cơ hội. (The Republican blueprint for power contains the seeds of its own demise, Timothy Snyder, Financial Times, July 20, 2024). 

Biden rút lui và ủng hộ Harris

Sau cuộc tranh luận với Trump thất bại (27/6), Biden chịu sức ép ngày càng tăng trong Đảng Dân chủ và các nhà tài trợ, muốn ông rút lui. Đại hội Đảng Dân chủ sẽ khai mạc ngày 19/8. Nếu ông quyết muộn, Đảng Dân chủ sẽ thất cử và mất Hạ viện. Một số lãnh đạo Dân chủ đã bày tỏ lo ngại về khả năng thắng cử của Biden khi trao đổi riêng với ông, trong đó có cựu Tổng thống Barack Obama, cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer, và lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Hakeem Jeffries. 

Theo báo Politico, đã có 36 người trong Đảng Dân chủ kêu gọi Biden rút lui nhường chỗ cho người khác lên thay. Phó Tổng thống Kamala Harris là sự lựa chọn tốt nhất để thay thế Biden. Thời gian đã hết để Biden ra quyết định rút lui trước khi quá muộn. Chiến lược tranh cử của Trump khai thác điểm yếu của Biden là vấn đề sức khỏe. Nếu Biden rút lui thì Trump sẽ mất lợi thế đó, vì chính Trump cũng quá già so vớ Kamala Harris.  

Trước sức ép ngày càng mạnh, Biden rút lui là “tất yếu”, không chỉ để củng cố cho di sản của mình mà còn đảm bảo cuộc đua vào Nhà Trắng “thực sự bắt đầu”. Nhiều khả năng Harris sẽ được Đảng Dân chủ đề cử để chuẩn bị so găng với Trump. Nhiệm vụ của Harris là phải tìm cách chuyển sự quan tâm của dư luận từ Biden sang Trump và tỏ ra khác biệt không chỉ về tuổi tác mà cả về nhân cách. Nhiều mũi dùi của Trump nhắm vào Biden nay phải quay ngược lại chĩa vào Trump, như “gậy ông lại đập lưng ông”. (Joe Biden Quits and Kamala Harris Enters the Ring, Jacob Follow, National Interest, July 21, 2024). 

Trump chắc sẽ chỉ trích Harris là kế tục Chính quyền Biden, yếu cả về đối nội và đối ngoại. Vì vậy, Harris không chỉ cần bảo vệ thành quả của Biden, mà còn cần chuyển sang tấn công Trump về vấn đề kiểm soát vũ khí và phá thai. Nếu Biden không rút lui thì chắc Trump sẽ giành được thắng lợi lớn (landslide victory) vào tháng 11. Vì vậy, quyết định rút lui của Biden đã tước mất lợi thế đó của Trump. Nay Harris cần làm rõ Trump cũng “già cỗi cả về thể chất lẫn tinh thần”, phải đối mặt với một đối thủ trẻ tuổi và ngoan cường.  

Lúc đầu, Biden đã chần chừ, kiên quyết “không đi đâu cả”, bất chấp những lời kêu gọi ngày càng mạnh của các đảng viên Dân chủ cấp cao, các nhà tài trợ lớn, và giới truyền thông. Nhưng đến phút chót (21/7) ông đã quyết định rút lui và ủng hộ Kamala Harris trước khi quá muộn. Nếu Harris giành được sự ủng hộ trong Đại hội Đảng Dân chủ vào tháng 8, bà có cơ hội tốt để tranh cử với Donald Trump. (Joe Biden’s historic decision puts Kamala Harris in uncharted territory, Edward Luce, Financial Times, July 22, 2024).

Biden đã lên tiếng ủng hộ Harris, kêu gọi đảng đoàn kết để đánh bại Trump. Nhiều nhân vật cấp cao trong đảng như Barack Obama và Chuck Schumer ca ngợi quyết định của Biden. Lần đầu tiên một phụ nữ không phải da trắng được đề cử cho ghế tổng thống. Tuy Team Biden và giới truyền thông không đánh giá cao Kamala Harris, nhưng thành tích của bà gần đây được cải thiện, nhất là về vấn đề phá thai. Sự trung thành của Harris với Biden được ghi nhận. Kameka Harris không có gì để mất, mà có cơ hội “làm nên lịch sử”. 

Trump nói “Bà Harris là đối thủ dễ đánh bại hơn so với ông Biden”, nhưng Harris đang chứng minh ngược lại. Đảng Dân chủ có thể tập hợp lại ủng hộ Harris vì hiện nay không có sự lựa chọn nào tốt hơn. Theo một khảo sát cử tri cả nước của SSRS (22-23/7/2024), Trump được 49% ủng hộ, trong khi Harris được 46% ủng hộ (Trump dẫn trước Harris 3 điểm). Trước đó, khảo sát của SSRS vào tháng 4 và 6/2024 cho thấy Trump dẫn trước Biden 6 điểm. Xu hướng đảo chiều đang diễn ra có lợi cho Harris (Theo CNN, 24/7/2024). 

Lời cuối

Khi soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945), cụ Hồ đã tham khảo và trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập Mỹ (1776) và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền Pháp (1791): “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (Trích Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ, 1776). “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” (Trích Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp, 1791). 

Mô hình dân chủ Mỹ không chỉ hấp dẫn với Châu Âu mà cả thế giới, nhất là với các nước mới giành độc lập như Việt Nam. Nhưng sau đó, Việt Nam đã bị xô đẩy theo mô hình Liên Xô và Trung Quốc. Chiến tranh Việt Nam đã làm tổn hại hình ảnh của Mỹ. Xu hướng bạo lực và dân túy đang làm xói mòn nền dân chủ Mỹ. Trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy đe dọa các nước khu vực và thách thức vai trò của Mỹ, Việt Nam và Mỹ đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện. Lịch sử có thể lặp lại để Mỹ và Việt Nam “trở về tương lai”, nhưng nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào biến số của quan hệ Mỹ-Trung sau bầu cử.   

Đối với Mỹ cũng như mọi quốc gia khác, phải chuyển giao lãnh đạo đúng lúc, trước khi quá muộn. Quyết định của Biden tạo một cơ may không chỉ cho Đảng Dân chủ mà còn cho tương lai nước Mỹ. Phải tránh lặp lại vụ bạo động ngày 6/1/2021, xô đẩy đất nước đến bờ vực nội chiến. Phải tu chỉnh Hiến pháp Mỹ trước khi quá muộn, vì nó không còn đủ hiệu quả để bảo vệ nền dân chủ. Phán quyết của Toà án Tối cao cho tổng thống quyền miễn trừ đặc biệt để thoát tội giữ tài liệu mật và xúi giục bạo động, là một tiền lệ nguy hiểm, biến tổng thống thành hoàng đế (Imperial Presidency). Đó là nghịch lý của nền dân chủ Mỹ.   

Tham khảo

1. It’s not too late to reverse America’s political decay, Francis Fukuyama, Financial Times, March 2, 2024

2. Biden’s Frailty Doesn’t Endanger America, Stephen Walt, Foreign Policy, July 11, 2024

3. Trump rushed off stage after assassination attempt at Pennsylvania rally, Matt McDonald,Spectator, July 13, 2024

4. Biden’s response to the Trump assassination attempt rings hollow, Amber Duke,Spectator, July 13, 2024

5. An Assassination Attempt and a Crisis of Legitimacy, Paul Saunders, National Interest, July 14, 2024 

6. The Assassination Attempt on Donald Trump and the Threat to Democracy, Ahmed Charai, National Interest, July 14, 2024 

7. The Trump Assassination Attempt Casts a Dark Shadow over America, Dov Zakheim,Spectator, July 14, 2024

8. Who’s the real threat to democracy? Roger Kimball, Spectator, July 14, 2024

9. Shooting at Trump Rally Comes at Volatile Time in American History, Peter BakerSimon LevienMichael Gold, New York Times, July 14, 2024

10. This is America, Too, Julian Zelizer, Foreign Policy, July 14, 2024

11. The Vicious Cycle of American Political Violence, Foreign Affairs, July 14, 2024

12. Political impact of Trump assassination attempt, Charles Lipson, Spectator, July 15, 2024

13. Can Trump become a unifier? Fredy Gray, Spectator, July 15, 2024

14. After assassination attempt, Trump and Biden seek calm unity, Tim Reid, Gram Slattery,Helen CosterReuters, July 15, 2024

15. The Imperial Presidency with the Supreme Courts Blessing Has Gone Rogue, Ivan Follow, National Interest, July 17, 2024

16. The Imperial Presidency Unleashed, Sarah Binder, James Goldgeier, Elizabeth Saunders

The Rising Tide of Political Violence, Rachael KleinfeldForeing Affairs, July 19, 2024 

18. A more reflective Trump will win in NovemberRoger Kimball, Spectator, July 19, 2024

19. Assassination and the American Presidency: What History Tells Us, Graham AllisonNational Interest, July 19, 2024

20. The Republican blueprint for power contains the seeds of its own demise, Timothy Snyder, Financial Times, July 20, 2024

21. Joe Biden Quits and Kamala Harris Enters the Ring, Jacob Follow, National Interest, July 21, 2024

22. Joe Biden’s historic decision puts Kamala Harris in uncharted territory, Edward Luce,  Financial Times, July 22, 2024

N.Q.D. 24/7/2024

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn