Sự gian lận, khuất tất của tạp chí điện tử “Người đưa tin”

Dương Tú

30-12-2024

Đúng một tuần trước, vào hôm 24/12/2024, trang mạng không rõ nguồn gốc và đáng ngờ baodoanhnhanonline.net đăng cái gọi là “Thư ngỏ gửi những người quan tâm” của người được cho là bà Đỗ Bích Hạnh, vợ ông Lương Ngọc An.

Nội dung “Thư ngỏ” cùng địa chỉ đăng tải cho thấy đó nhiều khả năng là một bức thư giả mạo, như tôi đã phân tích ở đây: https://www.facebook.com/share/15X4qXozMo

Nhà thơ Dạ Thảo Phương cũng đã phản bác “bức thư vu khống” theo cách rõ ràng và văn minh để thể hiện sự tôn trọng với dư luận mặc dù bà Phương nhận thấy bức thư “có nhiều dấu hiệu khả nghi”: https://www.facebook.com/share/15ksnsoUfH

Đến khoảng 7 giờ sáng ngày 26/12/2024 giờ Việt Nam, “Thư ngỏ” này đã bị xóa khỏi trang baodoanhnhanonline.net.

Đây là bản lưu trữ trên Wayback Machine: https://web.archive.org/.../thu-ngo-gui-nhung-nguoi-quan...

Tuy nhiên, một ngày sau đó, hôm 27/12/2024, tạp chí điện tử (không phải một tờ báo) Người Đưa Tin với cơ quan chủ quản là Hội Luật gia Việt Nam đăng lại gần như đầy đủ bức thư đã bị xóa khỏi trang baodoanhnhanonline.net trong bài viết “Vợ nhà thơ Lương Ngọc An lần đầu lên tiếng về ồn ào của chồng”.

Ngay lập tức, nhà thơ Dạ Thảo Phương phản bác bài viết của Người Đưa Tin mà bà Phương cho là “bịa đặt”, “vu khống”, không đảm bảo “quyền thông tin đa chiều, công tâm”: https://www.facebook.com/share/15W9WxQZuL

***

Điều đáng nói, sau bài phản bác của nhà thơ Dạ Thảo Phương, tạp chí điện tử Người Đưa Tin đã lén lút sửa bài và xóa dấu vết rất nhiều đoạn vu khống bà Phương trong bài viết không chỉ sai nghiệp vụ, thiên lệch, thiếu trung thực, mà trình độ tiếng Việt của phóng viên còn cực kỳ kém cỏi.

Người Đưa Tin từng bị Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt vì đã có hành vi vi phạm hành chính, thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng, cũng như thực hiện không đúng quy định trong giấy phép hoạt động báo chí. Tờ tạp chí điện tử này còn đăng tải những bài viết có nội dung mê tín, dị đoan: https://tuoitre.vn/phat-bao-dien-tu-nguoi-dua-tin-do...

Có thể nhận thấy rõ hành vi gian lận, khuất tất, vi phạm Luật Báo chí và đạo đức làm báo của Người Đưa Tin khi so sánh phiên bản ban đầu và phiên bản hiện tại của bài viết “Vợ nhà thơ Lương Ngọc An lần đầu lên tiếng về ồn ào của chồng”.

Liên kết đến phiên bản ban đầu của bài viết, lưu trữ trên Wayback Machine: https://web.archive.org/.../vo-nha-tho-luong-ngoc-an-lan...

Liên kết đến phiên bản hiện tại: https://www.nguoiduatin.vn/vo-nha-tho-luong-ngoc-an-lan...

Dưới đây là những nội dung đã bị Người Đưa Tin lén lút phi tang khỏi phiên bản ban đầu của bài viết, cũng như những gì mà tờ tạp chí điện tử này đã thêm vào phiên bản hiện tại.

Trong 06 hình so sánh kèm theo bài viết này, bên trái là phiên bản ban đầu, bên phải là phiên bản hiện tại, sau khi đã sửa và xóa dấu vết, của bài viết trên Người Đưa Tin.

Tập tin có độ phân giải cao của các hình so sánh, lưu trữ trên Google Drive: https://drive.google.com/.../1-w...

1. Trong phiên bản ban đầu, Người Đưa Tin ghi rõ tên nhà thơ Dạ Thảo Phương, cùng thông tin cụ thể về bà Phương. Tuy nhiên, những thông tin này đã bị xóa bỏ trong phiên bản hiện tại, còn bà Phương trở thành đối tượng phiếm chỉ “D.T.P.”, có lẽ nhằm hạn chế rủi ro pháp lý đối với Người Đưa Tin.

2. Ở phiên bản hiện tại, Người Đưa Tin viết rằng “Thư ngỏ” đã được vợ ông Lương Ngọc An “gửi đến Người Đưa Tin”. Thông tin này không có trong phiên bản ban đầu. Có thể hiểu rằng Người Đưa Tin đang tìm cách thể hiện bài viết của họ dựa trên nguồn thông tin gốc, là “Thư ngỏ” mà họ nhận được trực tiếp từ bà Đỗ Bích Hạnh. Dĩ nhiên, Người Đưa Tin phải chịu trách nhiệm về tuyên bố này, mặc dù bà Đỗ Bích Hạnh chưa từng xác nhận “Thư ngỏ” ấy thực sự do bà Hạnh viết, qua bất cứ nguồn khả tín nào khác.

3. Phiên bản hiện tại bổ sung thêm câu sau: “Người Đưa Tin xin trích đăng một số nội dung của bức thư và mong cơ quan chức năng sớm có kết luận về sự việc này để đảm quyền lợi, danh dự cho người tố cáo, người bị tố cáo và những người liên quan”. Tương tự điểm 2 trên đây, Người Đưa Tin cố tỏ ra khách quan hơn khi quan tâm đến cả “người tố cáo” là nhà thơ Dạ Thảo Phương, dù chưa bao giờ phỏng vấn hay hỏi ý kiến bà Phương về “Thư ngỏ”.

4. Đoạn “khi cô Dạ Thảo Phương gọi điện đến nhà tôi thông báo về quan hệ của cô ấy với chồng tôi” trong phiên bản ban đầu cũng đã bị Người Đưa Tin phi tang nhằm hạn chế rủi ro pháp lý, bởi thông tin này hoàn toàn không thể kiểm chứng. Thật vậy, không một ai, kể cả bà Đỗ Bích Hạnh, có thể xác định người gọi điện có đúng là nhà thơ Dạ Thảo Phương hay không – giả định rằng cuộc gọi đó không phải sản phẩm của trí tưởng tượng hay ngụy tạo.

5. Toàn bộ 3 đoạn sau đã biến mất trong phiên bản hiện tại, nhiều khả năng với cùng lý do đã nêu ở điểm 4. Ngoài ra, 3 đoạn này, nếu xác thực, tiết lộ những chi tiết cho thấy rõ ông Lương Ngọc An không phải người hành xử đàng hoàng.

(i) "Sau đó một thời gian khoảng 2-3 tuần, tôi tiếp tục nhận được cuộc điện thoại, người phụ nữ nói thẳng là đang có quan hệ với chồng tôi, và chồng tôi đã hứa sẽ bỏ vợ để lấy cô ta. Cô ta khuyên tôi nên giải phóng cho chồng tôi vì anh ấy nói rằng sống với tôi không hạnh phúc. Khi nghe vậy, tôi sụp đổ", bà Hạnh kể tiếp.”

(ii) "Tôi tìm gặp những người mà tôi biết ở cơ quan chồng tôi và được biết chồng tôi đang có quan hệ với một cô phóng viên đồng nghiệp ở cơ quan. Hai người vừa cãi nhau và chồng tôi đang bị cơ quan xem xét kỷ luật vì tội gây rối. Sau đó chồng tôi bị nghỉ việc ở báo Văn nghệ, anh ấy đi làm việc ở nhiều nơi, có chuyến đi đến cả tháng mới về. Tôi nói với con gái rằng bố phải đi công tác…", bà Hạnh viết.”

(iii) "…nhưng mọi người hãy tự hỏi một người phụ nữ đã gọi điện cho một người phụ nữ khác để nói rằng đã có quan hệ với chồng của cô ấy và khuyên hai người giải phóng cho nhau rồi tố cáo người đàn ông đó hiếp dâm mình thì câu chuyện đó sự thật là như thế nào?".

6. Tương tự, 3 đoạn dưới đây cũng đã bị lén lút xóa dấu vết trong phiên bản hiện tại:

(i) “Nhưng là một người mẹ, tôi căm giận người phụ nữ đã xen vào phá vỡ hạnh phúc của gia đình tôi, làm khổ các con tôi".

(ii) “Theo lời chia sẻ, khi biết sự việc, bà Hạnh và anh chị em bạn bè đã bàn sẽ đến nhà hoặc cơ quan để gặp bà Dạ Thảo Phương. Nhưng sau đó, vì nghĩ thương bà Dạ Thảo Phương khi ấy còn trẻ, và chồng mình dù sao cũng là người có lỗi trong việc này và cũng không muốn làm ầm ĩ lên, nên bà Hạnh đã im lặng chôn chặt vào lòng.”

(iii) "Tôi không hiểu vì lý do gì mà tới tận bây giờ cô Phương lại muốn khơi lại chuyện cũ.”

7. Chi tiết “nhiều người trên mạng xã hội lại nhắc lại chuyện cũ, lên án, chửi bới chồng tôi" bị thay đổi, trong đó mấy chữ “lên án, chửi bới chồng tôi” đã biến mất.

8. Bên cạnh nhiều thông tin đã bị xóa dấu vết, phiên bản hiện tại bổ sung đoạn sau, có lẽ với cùng lý do như đã nêu ở điểm 3, rằng Người Đưa Tin cố tỏ ra khách quan hơn khi quan tâm đến cả “người tố cáo” là nhà thơ Dạ Thảo Phương, dù chưa bao giờ phỏng vấn hay hỏi ý kiến bà Phương về “Thư ngỏ”.

“Trước đó, tài khoản mạng xã hội D.T.P. đã đăng tải nội dung thư tố cáo nhà thơ Lương Ngọc An cưỡng dâm và vu khống bà nhiều năm trước.

Trong tố cáo, bà D.T.P. cũng cho biết, lý do đến tận bây giờ mình mới lên tiếng vì: "Tôi cần phải lên tiếng. Đó là một đòi hỏi bức thiết của cá nhân tôi, với tư cách là một nạn nhân khổ đau oan ức, cũng là một đòi hỏi của thực tế xã hội đối với trách nhiệm của một công dân, đòi hỏi của lương tri đối với một người cầm bút".

9. Toàn bộ những đoạn gọi là phỏng vấn “luật sư Đậu Huy Giang, Liên đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội” và “luật sư Nghiêm Quang Vinh – Giám đốc công ty Luật Nghiêm Quang (Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội)” đã bị phi tang. Lưu ý rằng, không có cái gọi là “Liên đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội”, mà chỉ có “Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội” – trong cùng một câu mà tên của tổ chức này bị Người Đưa Tin gọi theo 2 cách khác nhau.

Đầu tiên là trả lời của Luật sư Đậu Huy Giang:

“Trả lời báo chí, Luật sư Đậu Huy Giang, Liên đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cũng cho biết, trong trường hợp này ông Lương Ngọc An chứng minh được hành vi của bà Dạ Thảo Phương thuộc những dấu hiệu Theo Điều 156 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội Vu khống: Bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự; bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.”

Trong đoạn trên đây, gần như chắc chắn Người Đưa Tin đã bịa đặt, xuyên tạc, hoặc phản ánh sai lệch phát biểu của Luật sư Giang, bởi không một người có nhận thức trung bình nào về pháp luật, chưa nói đến luật sư, lại dám khẳng định rằng “trong trường hợp này ông Lương Ngọc An chứng minh được hành vi của bà Dạ Thảo Phương”.

Bằng chứng là ngay trong đoạn tiếp theo (cũng đã bị Người Đưa Tin xóa dấu vết), Luật sư Giang nói: “Tuy nhiên, để xác định đây có phải hành vi vu khống hay không thì vẫn cần thêm nữa những minh chứng chứng minh từ phía ông Lương Ngọc An và sự điều tra, làm rõ từ phía các cơ quan chức năng.”

Tương tự, ý kiến của Luật sư Nghiêm Quang Vinh như dưới đây cũng đã bị xóa bỏ:

“Trao đổi thêm với Người Đưa Tin, luật sư Nghiêm Quang Vinh – Giám đốc công ty Luật Nghiêm Quang (Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội) cho biết, hiện nay, pháp luật chưa đưa ra định nghĩa cụ thể thế nào là phá hoại hạnh phúc gia đình người khác. Tuy nhiên, trên thực tế có thể hiểu đó hành vi chen chân vào một mối quan hệ hôn nhân giữa hai người đã đăng ký kết hôn. Hành vi này thường có biểu hiện như là phá hoại, chia rẽ tình cảm vợ chồng, khiến gia đình đó xảy ra mâu thuẫn, bị tan vỡ, dẫn đến ly hôn...

Theo đó, hành vi phá hoại hạnh phúc gia đình người khác đang vi phạm nguyên tắc cơ bản của chế độ Hôn nhân và gia đình, đó là chế độ một vợ một chồng được pháp luật quy định tại Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.”

Ý kiến của cả hai Luật sư mà Người Đưa Tin dẫn trong bài viết đều theo hướng giả định rằng nhà thơ Dạ Thảo Phương là thủ phạm, vi phạm Bộ luật Hình sự. Trong khi đó, Người Đưa Tin không hề xác minh nội dung “Thư ngỏ” qua những nguồn độc lập, cũng như chưa bao giờ phỏng vấn hay hỏi ý kiến nhà thơ Dạ Thảo Phương về bức thư mà bà Phương cho là “bịa đặt”, “vu khống”, không đảm bảo “quyền thông tin đa chiều, công tâm”.

10. Mặc dù sửa xóa hàng loạt thông tin theo cách lén lút và khuất tất như đã chỉ rõ trên đây, Người Đưa Tin có 2 điểm đáng ghi nhận với phiên bản hiện tại của bài viết “Vợ nhà thơ Lương Ngọc An lần đầu lên tiếng về ồn ào của chồng”.

Đầu tiên, người ký tên dưới bài báo không còn là “PV” mà đã biến thành “Bích Hồng”. Có lẽ Người Đưa Tin muốn chối bỏ trách nhiệm của Tòa soạn, và người mang tên hay bút danh “Bích Hồng” sẵn sàng hi sinh cứu Tòa soạn một khi bị kiện chăng?

Thứ hai, câu cuối phiên bản hiện tại viết: “Trong khi đó, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết: "Hội sẽ sớm có ý kiến"”. Trong bối cảnh không chỉ ông Lương Ngọc An im lặng suốt gần 3 năm qua mà lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, đặc biệt là Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều và Phó chủ tịch Trần Đăng Khoa, cũng không hề thực hiện trách nhiệm giải trình của một tổ chức được nuôi bằng tiền thuế của dân, thì thông tin trong bài viết trên Người Đưa Tin báo hiệu cho dư luận về ý kiến sớm có của Hội Nhà văn Việt Nam.

***

Từ những phân tích trên đây về hành vi sửa bài khuất tất và lén lút phi tang dấu vết của Người Đưa Tin trong bài viết mà nhà thơ Dạ Thảo Phương cho là “bịa đặt”, “vu khống”, không đảm bảo “quyền thông tin đa chiều, công tâm”, bà Phương hoàn toàn có quyền khởi kiện tờ tạp chí điện tử này ra tòa để làm rõ sự thật và đòi lại công bằng.

Mặc dù vụ án xâm hại tình dục hai nạn nhân gồm nhà thơ Dạ Thảo Phương và nhà văn Bùi Mai Hạnh đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, bất kỳ vụ án liên quan nào khác đều là cơ hội để các nạn nhân làm rõ sự thật và đòi hỏi công lý, bao gồm:

(i) Vụ ông Lương Ngọc An tố cáo nhà thơ Dạ Thảo Phương với công an mà ông An đã nhắc đến hồi tháng 4/2022, dù chưa có dấu hiệu nào cho thấy công an đã nhận được hay xử lý tố cáo của ông An.

(ii) Vụ nhà thơ Dạ Thảo Phương kiện tạp chí điện tử Người Đưa Tin (nếu có).

(iii) Vụ một nạn nhân mới của ông Lương Ngọc An kiện ông này khi vẫn còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, tối đa 20 năm. Nếu điều này xảy ra, theo Khoản 3, Điều 27, Bộ Luật hình sự, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự trong vụ án liên quan đến nhà thơ Dạ Thảo Phương sẽ bị gỡ bỏ. Theo đó, ông Lương Ngọc An có thể bị truy tố tội hiếp dâm và/hoặc xâm hại tình dục mọi nạn nhân, bao gồm nhà thơ Dạ Thảo Phương và nhà văn Bùi Mai Hạnh, bất kể hành vi phạm tội đã diễn ra cách đây bao nhiêu năm: https://pbgdpl.moj.gov.vn/.../321/To%20gap%2002%20S.pdf

Nói cách khác, không phải nhà thơ Dạ Thảo Phương và nhà văn Bùi Mai Hạnh, mà chính những nạn nhân gần đây mới là nỗi lo sợ và ám ảnh khủng khiếp nhất, đồng thời là rủi ro pháp lý lớn nhất đối với ông Lương Ngọc An. Ông An mang công an ra dọa nạt, thay vì đàng hoàng đem vụ này ra tòa, chính là nhắm vào những nạn nhân vẫn còn im lặng này, tìm cách bịt miệng họ, khiến họ sợ hãi rồi tiếp tục im lặng.

Do đó, tất cả nạn nhân của ông An cần được bảo vệ và ủng hộ mạnh mẽ hơn bao giờ hết, giúp họ can đảm vượt qua mặc cảm và sợ hãi để tố cáo tội ác.

Theo nhà thơ Dạ Thảo Phương, đã có thêm nạn nhân sẵn sàng làm chứng trước tòa về hành vi phạm tội của ông Lương Ngọc An: https://www.facebook.com/share/15brcJQBVS

Bố mẹ bà Phương - ông Phan Lạc Kiên, cựu chiến binh 83 tuổi, và bà Tạ Thị Nội - cũng vừa tố cáo tội ác của ông An qua lá đơn mà nỗi đau của bậc cha mẹ suốt một phần tư thế kỷ ứa ra qua từng con chữ: https://www.facebook.com/share/12BhQCukiU3

D.T.

Nguồn: FB Dương Tú

1.

Cho đến nay, có rất nhiều người đang bênh vực Lương Ngọc An, nhưng sau hai năm rưỡi “theo đuổi” vụ việc của Dạ Thảo Phương, đã đọc hàng nghìn bài viết/post xung quan câu chuyện này, tuy nhiên tôi chưa từng thấy bất kỳ ai công khai phát biểu một cách đàng hoàng tử tế cho sự bênh vực ấy của họ.

Họ nói về một cuộc tình trong quá khứ nhưng chủ yếu bằng cách “chuyền tay”, rỉ tai, nhắn riêng... Nếu có ai đó mạnh dạn hơn thì luôn khôn ngoan gắn câu chuyện đó với những chữ như “nghe nói”, “nghe đồn”, “hình như”... Chưa từng có một cá nhân nào tự bước ra và dõng dạc nói “tôi biết và thấy ngày xưa hai người đó yêu nhau, hiếp dâm là chuyện bịa đặt”, chưa từng có một ai dõng dạc bảo rằng tôi sẵn sàng làm chứng về cuộc tình ấy trước tòa. Chưa từng!

Một bộ phận thì bóng gió, mát mẻ, nói kháy...; một số người “nhiều chữ” thì bẻ chữ, dùng xảo thuật ngôn từ để bóp méo bản chất vấn đề, dùng khổ nhục kế để đánh vào tâm lý và mua nước mắt nhằm lái câu chuyện sang hướng khác. Chưa từng có ai bênh vực Lương Ngọc An mà thẳng lưng và tròn tiếng nói một câu tự tin và quang minh chính đại như những con người trung thực và có trách nhiệm.

2.

Trước tình thế đầy bi kịch và bí bách ấy, một lá thư ngỏ gắn tên vợ LNA là Đỗ Bích Hạnh bỗng trở thành một cái phao vô giá; và thế là không cần suy xét, những người ủng hộ Lương Ngọc An liền vồ lấy như một báu vật kiểu “thấy chưa!”. Và không quên hả hê mắng nhiếc, chửi bới, kết án những người đang kêu đòi sự thật và trách nhiệm giải trình.

Nhưng đáng buồn và đáng tiếc thay, cái phao ấy lại là phao rách, một cái cọc mục nát không thể bám vào. Sau một đêm đăng tải, trang “Báo” Doanh nhân online đã xóa bài. Ở một địa chỉ khác, trang Người Đưa Tin vớ được bức thư vào xào lại, nhưng cũng chỉ sau 1 ngày khi Dạ Thảo Phương lên tiếng cáo giác thì đã sửa nhoe nhoét nhằm phi tang và chạy tội, mong tránh một rủi ro pháp lý.

Nơi duy nhất, một bức thư đầy “vấn đề”, đã tự lột mặt để không còn là chỗ bấu víu cho những người đang chới với, bây giờ họ phải làm gì?

3.

Tôi không biết Lương Ngọc An là ai, tôi cũng không có bất kỳ mâu thuẫn cá nhân nào với ông Thiều, ông Khoa hay HNV, tôi cũng không có bất cứ động cơ gì ngoài việc muốn biết sự thật và khát khao công lý được thực thi. Tôi càng không có xích mích hay vấn đề gì với những người bênh vực Lương Ngọc An. Các vị bênh, cứ bênh; tôi tôn trọng và ủng hộ sự bênh vực đó. Nhưng đó phải là một sự bênh vực đàng hoàng.

Thế nào là đàng hoàng? Là sẵn sàng kể lại những gì mình thấy, mình biết và ký tên vào một cách ngay ngắn bên dưới. Là đồng hành cùng Lương Ngọc An tiến hành những hành động thích đáng như đối chất, tố cáo, kiện tụng. Là, ít nhất, nếu không phải nhân chứng hoặc không thể đồng hành, thì cũng phải thể hiện một thái độ đáng mặt bằng việc dõng dạc nói “tôi biết LNA là người thế nào, tôi tin ông ấy”, hoặc “LNA là bạn tôi, tôi đứng bên LNA”,...

Nếu không có được những ứng xử tối thiểu như thế, những người ủng hộ LNA (và/để tấn công DTP) chỉ đang chứng minh cho sự yếu đuối, bất lực, bạc nhược và tồi tệ về tư cách.

Tôi đã chờ để tôn trọng một ai đó khi họ đứng thẳng lên và nói lớn “tôi tin và ủng hộ LNA”, nhưng đã hai năm rưỡi trôi qua, chưa từng được nhìn thấy. Đáng buồn thay. Không biết ông LNA có buồn không (nếu ông thật sự bị oan) khi có một đám bạn bè hèn nhát, kém cỏi và chỉ biết thủ thế bảo thân như vậy?

Điều quan trọng nhất không phải là thắng hay bại, được hay mất, mà ở chỗ trung thực với chính mình. Con người chỉ trở nên dũng cảm, ngay ngắn và tự mình giải thoát được cho bản thân khi họ trung thực với ý nghĩ và cảm xúc của mình. Không có sự “hồi quang phản chiếu” và tinh thần tự tri ấy, người ta chỉ càng sa lầy vào những toan tính và lừa dối mà chính mình là tác giả.

Hơn khi nào hết, giờ là lúc ngồi xuống, chậm rãi pha một ly trà, và lôi mình ra ngồi ở ghế đối diện. Không mất mát gì cả, mình sẽ có một cuộc trò chuyện thú vị. Và biết đâu đấy, sau cuộc “đối chất” ấy, mỗi người sẽ tìm lại được sự bình yên và lòng thanh thản đã đánh mất trong định kiến và dối gạt tự chuốc lấy?

Thái Hạo

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn