Sống ở Việt Nam “sướng lắm”

Nguyễn Tuấn 

Đó là nhận xét của một số Việt kiều về định cư ở Việt Nam. 

Ngày xưa (50 năm trước) người Việt rời quê hương mang theo tâm trạng ‘Một lần đi là vĩnh viễn chia phôi’. Không ai nghĩ rằng sẽ có ngày quay về quê hương, chứ nói gì đến định cư. 

Nhưng thời thế đổi thay, và ngày nay đã có những “người ra đi” quay về sống ở trong nước. Tuy con số không bao nhiêu, nhưng chắc chắn phải lên đến hàng ngàn. Họ là những “returnee”. 

Anh bạn tôi là một returnee như thế. Tôi ghé thăm anh và hỏi: “Sống ở Việt Nam sướng lắm” phải không? 

Anh bạn vong niên của tôi từng là một sĩ quan cấp tá trong quân đội VNCH. Sau 1975, anh bị giam tù cải tạo khoảng 5 năm. Được trả tự do, anh vượt biên và định cư ở Úc vào đầu thập niên 1980s. Sau một thời gian làm lụng vất vả để làm lại cuộc đời, kiếm nhiều tiền, nghỉ hưu và anh quyết định về Việt Nam. 

Quyết định của anh làm bạn bè rất ngạc nhiên. Con cháu anh có đứa phản đối. 

Nhiều người về VN là có nguyên nhân tình ái hoặc/và đổ vỡ ở hải ngoại. Một số về Việt Nam tìm cơ hội mà họ đã mất đi ở hải ngoại. Còn anh bạn tôi thì chẳng có lí do gì ngoài … dưỡng già. Anh tâm sự rằng muốn qua đời trên quê hương. 

Tôi hỏi anh về cảm nghĩ cuộc sống ở Việt Nam và anh nói rất thật tình. 

Về tài chánh, anh rất thoải mái, vì vốn liếng của 30 năm làm lụng và trợ cấp của chánh phủ Úc hàng tháng, anh không quá bận tâm chuyện ‘cơm áo gạo tiền’ như bà con ở trong nước. 

Anh hoàn toàn có khả năng tậu một chiếc Merc hàng tỉ đồng hay một căn hộ sang trọng (chuẩn Việt Nam), nhưng không cần thiết. Anh chỉ dùng xe Honda để đi lại trong thành phố. 

Anh đã già và không có nhu cầu để ‘thể hiện’ (show off) bằng tư trang mắc tiền như mấy người trẻ và trung niên. Nhìn anh ăn mặc tềnh toàng ngày nay y chang như dân địa phương. 

Nhìn anh ấy lách xe Honda trên đường phố Sài thành như một người địa phương mà tôi thấy ái ngại. Anh đề nghị chở tôi bằng xe Honda qua Thủ Thiêm chơi, tôi nói thôi, anh cười lớn nói: “Tao biết mày sợ đi xe Honda chớ gì”. 

Tôi hỏi làm sao anh có thể thích nghi với thời tiết khắc nghiệt. Anh nói vài tháng đầu rất khổ sở, nhưng “riết rồi quen”!

Dù vậy, anh tâm sự là cuộc sống của anh có vài thiếu thốn. 

Thứ nhứt, dù sống trên quê cha đất tổ, nhưng anh lại cảm thấy mình không thuộc về đây, hay nói theo tiếng Anh là “not social belonging” vì người ta vẫn xem anh là “Việt kiều”. Có những bà con ruột thịt khi anh chưa về sống ở trong nước thì họ vồn vã, nhưng khi anh đã về thì họ thờ ơ. 

Những gì anh thấy là bất bình thường thì bà con trong nước xem là bình thường. Khác nhau về suy nghĩ và nhận thức. Riết rồi, anh không có ý kiến gì hết, và anh thú nhận là đã đánh mất mình. 

Thứ hai là anh cảm thấy mình bị thiếu thông tin. Cứ mỗi lần đọc báo, thấy một tin mà anh nghi ngờ là không đúng hay không đủ, nhưng không có cách nào kiểm chứng. Tất cả những nguồn thông tin “alternative’ (như BBC, RFI, RFA, VOA, v.v.) đều bị chặn. 

Thiếu thông tin là thiếu chất dinh dưỡng tinh thần, và theo thời gian, anh trở nên thiếu tự tin, thu mình nhìn đời bằng cái nhìn nghi ngại. 

Thứ ba là thủ tục “hành là chánh”. Ở Việt Nam, không nói ra thì ai cũng biết, thủ tục hành chánh là một ác mộng đối với Việt kiều. 

Trong một môi trường “người không tin người” nên nhà cầm quyền lúc nào cũng đòi hỏi nhiều giấy tờ mà người ở nước ngoài không thể nào hiểu được. 

Anh cho biết mấy năm đầu về đây, anh không thể nào đáp ứng các thủ tục hành chánh, nên phải nhờ “cò” mới xong. 

Thứ tư là chuyện ăn uống. Anh nói nếu “ăn uống có chất lượng” thì ở Sài Gòn có khi mắc hơn Sydney. Một tách cà phê ở Q1 Sài Gòn mất chừng 5 đôla Úc, trong khi ở Úc chỉ mất 3-4 đôla thôi. Một chai rượu vang bình dân ở Úc chỉ 400 ngàn đồng, nhưng ở Sài thành có khi lên đến 1.2 triệu!

Anh chỉ ăn mấy quán bình dân, lâu lâu mới vào quán xịn. Quán bình dân ở đây rẻ hơn Úc, nhưng chất lượng thì đành phải chấp nhận là hên xui và có khi nguy hiểm. 

Tôi hỏi anh có uống nước như bên Sydney (nước từ robinet), anh lắc đầu, rôi chỉ vào cái thùng Aquafina và nói phải mất vài trăm ngàn mỗi tháng cho nước uống. 

Thứ năm là vấn đề y tế. Cũng may anh khá khoẻ mạnh. Nhưng cứ mỗi lần bị bệnh, anh lại bay về Úc vì chi phí bệnh viện ở Việt Nam khá mắc (nếu không có bảo hiểm). Ngay cả bệnh viện công, có những thủ thuật tốn vài trăm triệu đồng. Còn dịch vụ y tế thường thì Việt Nam ok hơn Úc. Dù anh có khả năng tài chánh, nhưng anh vẫn chọn về Úc để được chữa trị miễn phí. 

Có lần anh về tới phi trường Sydney là có xe cấp cứu chờ sẵn và chở thẳng vào bệnh viện luôn. Điều trị xong, anh lại bay về Việt Nam!

Tôi nói đùa ‘Úc nó mắc nợ anh”. Anh cười lớn nói: Thì tao đã đóng thuế cho nó hơn 30 năm rồi. 

Nhìn chung, anh bạn tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại. Anh chỉ quay lại Úc vì dịch vụ y tế, và sẽ không ở Úc lâu dài. Thỉnh thoảng con cháu anh từ Úc về thăm, nhưng anh thích sống một mình và trong cái tâm thế “có thể ra đi bất cứ lúc nào”. 

Tôi hỏi, với trải nghiệm mấy năm qua, sống ở Việt Nam có sướng như những Việt kiều về đây sống, anh nói thiệt tình nghen. 

Anh trầm ngâm một chút rồi nói: “Chỉ sướng về vật chất đối với người có thu nhập 50-100 triệu/tháng trở lên. Còn cuộc sống tinh thần thì không”

Tôi hỏi như kí giả hỏi: Anh có lời khuyên nào cho mấy ông bạn của anh bên Úc? 

Anh nói dài và tôi tóm tắt ý chánh: ‘Việt Nam ngày nay không phải là Việt Nam của 50 năm trước. Sống ở Việt Nam hay ở Úc là một lựa chọn cá nhân. Nếu mê ánh đèn néon và thích sự náo nhiệt thì Sài Gòn là một lựa chọn. Nếu xem chất lượng sống là ưu tiên hàng đầu và nếu trong người có bệnh nan y thì nên ở bển”.

N.T.

Nguồn: FB Nguyễn Tuấn

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn