Tai hoạ của chuẩn mực

Tạ Duy Anh 

Nhân MXH đang chế giễu màn xưng "em" của ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục khi hứa với lãnh đạo Quốc hội, xin kể lại một chuyện.

Hôm đó, cách đây đã gần 40 năm, là phiên tôi phải trực điện thoại "chiến đấu". Một lần có chuông reo, tôi vội nhấc máy và trả lời theo quy định: “Tôi là nhân viên quân lực tiểu đoàn Bảy nghe đây”, thì ông Thêm, làm công tác cán bộ ở trung đoàn, vốn là người quen biết, gầm lên từ đầu dây bên kia: “Nghe cái con củ c…, mày là Tạ Duy Anh, nhà văn nhà báo mà nói năng thế à”.

Và ông Thêm lập tức dập máy.

Cho đến tận hàng tháng, thậm chí nhiều tháng sau tôi vẫn hoang mang tự hỏi: “Ông ta nổi khùng với mình vì chuyện gì nhỉ?” Tôi rất muốn biết ông cán bộ trung đoàn tên là Thêm, một người trông khá hiền lành, cáu với tôi vì lẽ gì? Tôi đã làm gì xúc phạm tới ông? Rõ ràng là tôi đã kịp nói gì đâu, sau khi tuân thủ tối đa nguyên tắc văn hóa và điều lệnh khi trả lời điện thoại?

Tôi sẽ không bao giờ tìm được lời giải thích, nếu chính ông tiểu đoàn phó chính trị tiểu đoàn, tên là Bàn Văn Đoàn không tự nói ra. Hôm ấy, sau khi cùng nhau đánh mấy sec bóng bàn, nhân lúc vui vẻ, tôi đem chuyện bị ông Thêm mắng nói với chính trị viên, thì ông ông Đoàn Văn Bàn vừa cười cười vừa bảo: “Tớ biết chuyện đó rồi. Thằng Thêm bảo với tớ là cậu xấc với hắn! Cậu ngốc bỏ mẹ, thằng cha muốn ra oai với cậu đấy mà. Đáng lẽ khi trả lời cậu phải dạ dạ vâng vâng, xuýt xoa xưng "em" với nó như những đứa khác, thì đâu nên nỗi”.

Tôi "à" lên một tiếng, nửa cay đắng, nửa thấy sao mà hài hước và bỗng "ngộ" ra nguyên nhân của sự khốn nạn xảy ra với tôi hai lần trước đó.

Lần thứ nhất.

Đó là khi tôi tự vào trình báo việc bị nghi cho ăn cắp xe đạp (tôi mượn xe đạp của anh bạn mua của bọn ăn cắp) tại Công an Hòa Bình năm 1983. Người trực ban, tên Phồn, quân hàm trung úy, phản ứng khó chịu ra mặt, khi nghe tôi xưng "tôi" với anh ta. Ngoài "sơ suất" đó ra, tôi không biết mình đã làm gì khiến anh ta nổi giận! Tai họa lập tức giáng xuống đầu tôi sau đó, mà tôi đã từng kể hầu quý vị trong một bài viết cách đây vài năm.

Còn đây là lần thứ hai.

Chính là lần tôi bị Nguyễn Văn Định (Định Mắm) và đám vệ binh trung đoàn 254 tra tấn năm 1985, tôi cũng đã kể. Bốn thằng đồng đội của tôi, khi bị chiếu đèn pin vào mặt, hỏi tên, đơn vị, đều lập cập xưng "em" bằng vẻ mặt đầy sợ hãi, van lơn trước khi khai báo, thì an toàn. Riêng tôi, người cuối cùng, khi bị hỏi: "Còn mày, ở đơn vị nào?" mới chỉ kịp đáp: "Tôi ở..." thì liền bị Định giáng cho một cú tát lệch mặt, mở đầu cho trận tra tấn điên rồ và tàn bạo sau đó ít phút.

Cả ba lần tôi chuốc tai họa đều bởi kiên quyết giữ các chuẩn mực trong xưng hô.

Vì thế tôi hiểu từ gốc rễ lý do khiến ông Bộ trưởng bật xưng "em" trong giao tiếp, tại một diễn đàn quyền lực, khiến ông trở thành kẻ quê mùa và yếu đuối dưới mắt cộng đồng. Đơn giản tại đó ông thấy mình là "phận dưới", không đủ tự tin vào những gì mình có, sợ hãi thứ mình đang mang vác có thể đè bẹp mình xuống bất cứ khi nào. Áp lực thành tích chính trị đôi khi khiến ngay cả một ông quan thượng thư, cũng có thể mất trí nhớ tạm thời về bản thân.

Và tôi thương ông nhiều hơn trách, nhưng không chấp nhận việc phá vỡ các chuẩn mực, dù có thể gặp tai họa, như chính tôi đã từng phải trả giá.


T.D.A.

Nguồn: FB Lao Ta

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn