Thế kỷ Châu Á đã kết thúc?

Thitinan Pongsudhirak, “Is the Asian Century over?,” Nikkei Asia, 10/02/2025

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch 

Sự phân mảnh của trật tự dựa trên luật lệ có thể dẫn đến Kỷ nguyên Công nghệ (Pax Technologica) do AI thúc đẩy.

Một phần tư thế kỷ 21 đã trôi qua, và “Thế kỷ Châu Á” dường như đã mất đi động lực.

Những gì từng có vẻ là một bước chuyển đổi mang tính quyết định trong sức mạnh kinh tế toàn cầu – chuyển từ Tây sang Đông, từ các nước phát triển sang châu Á đang trỗi dậy do Trung Quốc dẫn đầu và Ấn Độ theo sau – giờ đây đã trở nên không chắc chắn. Ưu thế công nghệ bền bỉ của Mỹ và sự phản kháng địa chính trị hung hăng đã làm lu mờ triển vọng của châu Á. Vẫn chưa thể xác định ai sẽ thống trị trong những thập kỷ tới, và người chiến thắng cuối cùng có thể không phải là một quốc gia hay đế chế, mà là một thực thể phi nhà nước.

Chắc chắn, phần lớn những lời lẽ khoa trương và tham vọng của Thế kỷ Châu Á bắt nguồn từ các kỷ nguyên hòa bình và trật tự toàn cầu. Nổi tiếng là các kỷ nguyên đế quốc và thống trị gắn liền với Thành Rome, Anh, và Mỹ, với các tên gọi lần lượt là Pax Romana, Pax Britannica, và Pax Americana. Rome đã tồn tại 1.500 năm, bao gồm cả Đế chế Tây La Mã và Đế chế Byzantine (Đế chế Đông La Mã), trong khi Anh đã thống trị một đế chế rộng lớn vào thế kỷ 19, trước khi Mỹ tiếp quản vào thế kỷ 20. Rút kinh nghiệm từ quá khứ, chiến thắng của Mỹ trong Thế chiến II đã giúp nước này xây dựng một trật tự quốc tế với các luật lệ và thể chế đi kèm phù hợp với lợi ích của mình. Đồng thời, nước này cũng mang lại lợi ích to lớn cho phần còn lại của thế giới thông qua viện trợ phát triển và các đặc quyền thương mại, chẳng hạn như Hệ thống Ưu đãi Phổ cập (Generalized System of Preferences, GSP).

Đúng là trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo đã tỏ ra vượt trội hơn so với trật tự thay thế của nó – trật tự cộng sản trong Chiến tranh Lạnh, nhưng nó vẫn trở thành nạn nhân của chính thành công của mình. Khi phần còn lại của thế giới ngày càng thu hẹp khoảng cách thịnh vượng với kiến trúc sư trưởng của hệ thống quốc tế, Mỹ đã bắt đầu phản kháng.

Đầu tiên, nước này tiến hành một cuộc chiến thương mại chống lại sự trỗi dậy của Nhật Bản vào những năm 1980. Sau khi phá vỡ bóng ma của Kỷ nguyên Nhật Bản (Pax Japonica), nước Mỹ quay trở lại với hoạt động thường lệ, trùng với giai đoạn toàn cầu hóa mới và sự bùng nổ trong công nghệ thông tin và truyền thông. Mỹ đã ủng hộ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001, thúc đẩy đầu tư và chuyển giao công nghệ cho một cường quốc kinh tế đang phát triển nhanh chóng, tạo điều kiện cho sản xuất chi phí thấp cho cả tiêu dùng trong nước và xuất khẩu toàn cầu.

Theo sau Trung Quốc, Ấn Độ cũng đạt được tốc độ tăng trưởng phi mã, được củng cố bởi Đông Nam Á và vẫn do Nhật Bản và Hàn Quốc dẫn đầu. “Trung Ấn” (Chindia) là một khái niệm về sức mạnh và tiềm năng kết hợp của hai nền kinh tế đông dân nhất thế giới. Khi tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của Trung Quốc đạt 10% trong giai đoạn 1991-2010, và 7% trong giai đoạn 2011-2019 trước đại dịch, những lời đồn đoán về Kỷ nguyên Trung Quốc (Pax Sinica) đã lan truyền. Tính đến năm 2020, châu Á đã chiếm gần một nửa tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu với gần ba phần năm dân số toàn cầu, bao gồm các nhóm nhân khẩu trẻ hơn và một tầng lớp trung lưu đang phát triển với sức mua lớn hơn.

Không có gì ngạc nhiên khi cho đến gần đây, ý tưởng về Thế kỷ Châu Á vẫn đúng và có vẻ hấp dẫn. Châu Âu dường như đang trì trệ, và Mỹ đang suy thoái tương đối. Nhưng khái niệm Thế kỷ Châu Á lại dựa trên những giả định không chắc chắn. Tiền đề sai lầm của nó là kỳ vọng về sự thịnh vượng không bị gián đoạn, được hỗ trợ bởi các quy tắc thương mại và tài chính toàn cầu, vốn sẽ giữ cho tất cả các bên tham gia chính tham gia. Chừng nào toàn cầu hóa còn được mở rộng và củng cố, thì động lực kinh tế và phát triển tất yếu sẽ chuyển dịch sang châu Á, nơi có lực lượng lao động lớn nhất, nhà máy lớn nhất, và thị trường lớn nhất.

Những phép màu tăng trưởng của Đông Á thập niên 1960 từng lan sang Đông Nam Á vào thập niên 1980 và sau đó tiếp tục lan sang Trung Quốc và Ấn Độ đã củng cố cho câu chuyện Thế kỷ Châu Á. Kiểm soát biên giới được nới lỏng và thương mại và đầu tư tăng trưởng trong lúc chuỗi cung ứng toàn cầu phát triển nhanh chóng và lan tỏa khắp châu Á, nâng cao thu nhập và đưa hàng triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo. Chừng nào các luật lệ đã được thiết lập của nền kinh tế toàn cầu vẫn còn hiệu lực, thì các nền kinh tế châu Á vẫn là những người hưởng lợi chính.

Tuy nhiên, khi nước Mỹ dưới thời chính quyền đầu tiên của Tổng thống Donald Trump bắt đầu tiến hành một cuộc chiến thương mại và công nghệ chống lại Trung Quốc và nhiều nước khác, bao gồm cả Liên minh Châu Âu, con đường hướng tới Thế kỷ Châu Á đã gặp phải nhiều chông gai và rào cản. Giờ đây, chính quyền Trump thứ hai đang chuẩn bị tiến hành một cuộc xung đột địa kinh tế công khai chống lại một loạt các nền kinh tế, từ các nước láng giềng gần đến Trung Quốc – với nhiều cuộc xung đột hơn nữa sẽ được công bố – theo đó đẩy nhanh việc phá vỡ trật tự dựa trên luật lệ quốc tế, vốn là điều không thể thiếu đối với sự trỗi dậy của châu Á. Các mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng sẽ bị lung lay và bị sắp xếp lại khi toàn cầu hóa và những tiến bộ công nghệ nhanh chóng phân mảnh tùy theo các mục tiêu địa chiến lược xung đột.

Ngay cả khi trật tự quốc tế thời hậu chiến có thể được duy trì, vẫn rất khó đạt được Thế kỷ Châu Á vì một giả định sai lầm khác: Không có một châu Á thống nhất, gắn kết, và đồng nhất, với một ban lãnh đạo đủ khả năng, tương tự như mỏ neo Pháp-Đức đối với Liên minh châu Âu, để bảo lãnh và hỗ trợ cho Thế kỷ Châu Á. Trung Quốc và Ấn Độ, hai nền kinh tế lớn nhất châu Á, đã bất hòa suốt nhiều thập kỷ. Trung Quốc, Hàn Quốc, và Nhật Bản vẫn nuôi dưỡng những mối thù lịch sử sâu sắc có từ trước Thế chiến II. Trong khi đó, Ấn Độ và Nhật Bản dân chủ đã hình thành một quan hệ đối tác không thể ngờ tới trong Bộ tứ Quad do Mỹ lãnh đạo, cùng với Australia.

Vì không có cường quốc châu Á nào được chấp nhận là người lãnh đạo khu vực, ASEAN đã đảm nhận vai trò môi giới và cầu nối. Nhóm 10 quốc gia thành viên Đông Nam Á đã có một chặng đường hoạt động hai thập kỷ tốt đẹp sau Chiến tranh Lạnh – đề xuất các nhóm như Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương, Diễn đàn Khu vực ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng. Nhưng những nền tảng quan trọng cho đối thoại chiến lược và thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng đã mất đi động lực khi ASEAN dần bị chia rẽ về cuộc đấu tranh giành quyền thống trị giữa Mỹ và Trung Quốc, sự hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông, cuộc đảo chính quân sự và nội chiến ở Myanmar, và cuộc chiến của Nga ở Ukraine. ASEAN chỉ có thể hoạt động hiệu quả nếu các cường quốc khu vực có thể duy trì sự cân bằng tinh tế và tồn tại tương đối hòa bình cùng nhau – đặc biệt là khi Washington và Bắc Kinh đang bất hòa.

Cuối cùng, ranh giới của công nghệ, đổi mới, tăng trưởng năng suất, và tạo ra giá trị vẫn nằm ở phương Tây. Giai đoạn toàn cầu hóa phân mảnh bị hạn chế bởi biên giới này không báo hiệu điều tốt lành nào cho khát vọng của một Thế kỷ Châu Á. Những tỷ phú hàng đầu thế giới vẫn là người Mỹ, và các hệ thống phần mềm và trí tuệ nhân tạo tiên tiến nhất được hình thành, mã hóa, và phát triển trong các phòng thí nghiệm phương Tây.

Trong 25 năm tới, chúng ta có thể thấy sự trỗi dậy của một Kỷ nguyên Công nghệ (Pax Technologica) do AI thúc đẩy, định hình trật tự toàn cầu bằng cái giá phải trả là con người. Điều này có thể mang lại cho các quốc gia cơ hội đoàn kết và tạo lại một trật tự mới mà họ có thể cùng nhau kiểm soát.

T.P.

*

Thitinan Pongsudhirak là giáo sư tại Khoa Khoa học Chính trị của Đại học Chulalongkorn và là nghiên cứu viên cấp cao tại Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế tại Bangkok.

Nguồn: Nghiencuuquocte.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn