Thông tư 29, cấm dạy thêm và nguy cơ thất thủ

Thái Hạo 

Ngày 14.2, tức vài ngày nữa, Thông tư 29 về việc cấm các nhà trường dạy thêm, cấm giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa của mình, sẽ có hiệu lực. Đây là quy định đang làm “nức lòng” phụ huynh và người dân cả nước, bởi hi vọng tác dụng tích cực mà nó sẽ mang lại cho nhiều mặt của xã hội và giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, theo quan sát, tìm hiểu và thu thập thông tin của tôi, thì hiện nay trên nhiều địa phương - trường học, đã có nhiều hoạt động, nhiều chiêu thức lách luật, và gian dối đang được âm thầm trù tính hoặc đã triển khai, nhằm đối phó với quy định này. 

Dạy thêm là một mỏ vàng, nhất là đối với các địa bàn thành phố nơi tập trung mật độ dân cư dày đặc và nhu cầu chuyển cấp, nhu cầu trường chuyên lớp chọn, cũng như cuộc chiến thành tích vô cùng khốc liệt. nếu Chính phủ, Bộ Giáo dục và chính quyền các địa phương không có sự dự đoán, quản lý và chế tài thích đáng, thì Thông tư 29 này sẽ thất bại, và thất bại ngay khi vừa đi vào cuộc sống.

Dưới đây, tôi liệt kê một số “thủ đoạn” có hoặc có thể sẽ có để nhà chức trách nếu đọc được thì tham khảo và có phương án ứng phó. Phụ huynh và những ai quan tâm đến giáo dục, nếu biết được những biểu hiện khác thì xin chia sẻ ở phần bình luận bên dưới bài viết này, góp một tay cho việc chấn hưng giáo dục và làm lành mạnh môi trường đặc biệt quan trọng này.

1. Nhà trường thuê cơ sở khác (có người đứng tên giám đốc công ty, giám đốc trung tâm) đúng pháp luật, rồi ky kết với trường, hiệu trưởng ra tay nhưng sẽ không ký tá gì cả. Tiếp theo là thuê chính giáo viên trường đó dạy. Tên người đứng dạy không phải giáo viên chính khoá, nhưng trên thực tế giáo viên chính khoá vẫn dạy. Giáo viên khác vào thu tiền. (Xin xem hình 1, do một phụ huynh gửi, kèm theo thông tin “Danh sách toàn là giáo viên ở trong trường”)

2. Trường hợp giáo viên đưa học sinh về nhà thì mượn/thuê người khác đứng tên hộ kinh doanh. Rồi thuê trợ giảng, giáo viên đó vẫn đứng dạy. Khi nếu có thanh tra thì giáo viên ấy thành trợ giảng. Để tránh dòm ngó và gây ồn ào, khi học sinh đến nhà cô học thêm thì có người canh cửa. Từng bạn vào. Khi đón con thì phụ huynh không được đứng ở cửa mà đứng từ xa. Học sinh này ra và đi khuất học sinh khác mới được ra. 

3. Giáo viên Tiểu học thì rục rịch đi học chứng chỉ kĩ năng sống, về để dạy thêm môn kĩ năng sống.

4. Đã có những nơi vẫn ngang nhiên thu tiền học thêm của học kỳ 2, nhưng trong giấy tờ thì ghi là “tiền thừa giờ”. “Nhiều phụ huynh nói trường nào cũng thu thế”. (xin xem hình 2, do một phụ huynh khác gửi, kèm theo thông tin “tiền ‘thừa giờ’ đã thu xong”).

5. Có những trường hợp sẽ tinh vi hơn, ví dụ dựa vào cách phân công nhiệm vụ cho giáo viên để lôi kéo hoặc bật đèn xanh cho học sinh đến nhà/trung tâm để học thêm. Đơn cử: phân công giáo viên khối 7 ra đề kiểm tra khối 6, rồi bắn tin ra ngoài cho học sinh biết. Lúc này, học sinh khối 6 sẽ kéo đến nhà giáo viên khối 7 để học thêm.

*** 

Ngày mùng 7.2 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các địa phương và đơn vị liên quan “Về việc tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh THCS, tuyển sinh THPT và quản lý hoạt động dạy thêm học thêm”. Tuy nhiên, nếu những nơi có liên quan không sát sao, không nhạy bén và làm hết trách nhiệm, thì tình trạng vẫn khó mà sáng sủa lên được. Tôi nghĩ, còn nhiều cách thức, chiêu trò khác nữa mà bản thân không thể hình dung ra hoặc cập nhật hết được. Sau ngày 14.2 này khi Thông tư 29 chính thức có hiệu lực, lúc đó chúng ta sẽ được chứng kiến trăm hoa đua nở của các phương thức đối phó, lách luật, gian dối ngay trong chính môi trường giáo dục.


 

T.H.

Tác giả gửi BVN

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn