Từ Hitler đến Trump, vì sao kiến trúc hiện đại bị ghét bỏ?

Bùi Uyên 

9.4.2025

Trong hàng loạt sắc lệnh hành pháp được ký ngay ngày đầu tiên nhậm chức của tân tổng thống Mỹ, ngày 20/01/2025, chỉ có một bản ghi nhớ duy nhất liên quan đến văn hóa, thẩm mỹ, kiến trúc, đó là chính sách “thúc đẩy kiến trúc công dân liên bang đẹp đẽ”. Theo bình luận của nhật báo The Wall Street Journal, kiến trúc là mục tiêu đầu tiên trong “cuộc chiến văn hóa” của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

(Ảnh minh họa) - Một phần thành phố New York, Hoa Kỳ, nhìn từ một phòng khách sạn Millennium Hilton New York, ngày 22/09/2023  AP - Ted Shaffrey

Cùng với thông tín viên Bùi Uyên, đồng thời là kiến trúc sư tại Paris, RFI tìm hiểu tại sao kiến trúc hiện đại lại trở thành cái gai trong mắt Donald Trump.

RFI: Chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump “thúc đẩy kiến trúc công dân liên bang đẹp đẽ” cụ thể đề cập đến những chủ đề gì? 

KTS. Bùi Uyên: Sắc lệnh này yêu cầu tất cả các tòa nhà chính phủ liên bang mới phải tôn trọng di sản kiến trúc địa phương truyền thống và cổ điển, các dự án mang phong cách khác sẽ không được chấp thuận. Bản ghi nhớ này bị lu mờ bởi những tuyên bố chấn động hơn. Ít người biết được rằng bản ghi nhớ này nằm trong chiến dịch lâu nay của đảng cánh hữu Mỹ, đặc biệt là cá nhân Tổng thống Donald Trump, chống lại kiến trúc hiện đại và hậu hiện đại, mà họ cho là “xấu xí”.

Họ cho rằng kiến trúc thoát khỏi các quy tắc của chủ nghĩa cổ điển đồng nghĩa với phản bội chủ nghĩa nhân văn và truyền thống thẩm mỹ vốn có của nền dân chủ Mỹ. Nhưng chỉ đến nhiệm kỳ của tổng thống Donald Trump, tư tưởng này mới biến thành một sắc lệnh hành pháp, được ban hành từ cuối nhiệm kỳ trước, và khôi phục lại ngay từ ngày đầu ông Trump trở lại Tòa Bạch Ốc.

Trong sắc lệnh cùng tên ban hành cuối năm 2020, vẻ đẹp của kiến trúc cổ điển Hy Lạp và La Mã cổ đại được dẫn chứng như biểu tượng của vẻ đẹp không gian công cộng và niềm tự hào công dân, cho bản sắc của nước Mỹ, mang lại được sự kính trọng của đại chúng. Các công trình liên bang xây mới phải mang phong cách cổ điển, tân cổ điển, art décor. Đối với các công trình cần tu bổ, cải tạo, có thể tính đến việc phá đi xây lại theo phong cách cổ điển. Mâu thuẫn là ở chỗ, trước khi bước vào chính trường, vị tổng thống thứ 45 và 47 của nước Mỹ được biết đến là một chủ đầu tư bất động sản, với những tòa nhà kính thép mang phong cách hiện đại. Minh chứng rõ nhất là tòa cao ốc chọc trời mang tên ông giữa lòng New York.

Không dừng lại ở kiến trúc, sự áp đặt trong thiết kế các công trình liên bang này là một chính sách nằm trong một đường lối theo xu hướng độc đoán về tư tưởng, hạn chế sự tự do trong biểu hiện nghệ thuật. Mới đây, việc ông Trump trở thành chủ tịch trung tâm nghệ thuật biểu diễn Kennedy Memorial Center và việc sa thải chủ tịch, cũng như nhiều nhân viên hội đồng quản trị của trung tâm, là một minh chứng tiếp theo cho chính sách thao túng và định hướng văn hóa của chính quyền Donald Trump.

RFI: Như vậy có nghĩa là kiến ​​trúc có thể trở thành một công cụ tuyên truyền tư tưởng chính trị?

KTS. Bùi Uyên: Khác với các loại hình nghệ thuật khác, trong mắt các nhà cầm quyền, công trình kiến trúc trụ sở công là một phương tiện trực quan ưu tiên để biểu trưng quyền lực và truyền tải những tư tưởng chính trị. Để so sánh, việc tuyên truyền bằng các loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, thi ca, hội họa, phim ảnh, cần một sự tiếp nhận chủ động của công chúng bằng cách đọc, nghe, xem ...  Trong khi đó, với ưu thế tọa lạc nơi không gian công cộng, các tòa trụ sở được trưng ra trước dân chúng, buộc người dân phải tiếp nhận thông điệp của nó.

Nhưng tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ không phải là người đầu tiên dùng kiến trúc như một công cụ tuyên truyền chính trị. Trong lịch sử nước Mỹ, kiến trúc của các công trình công cộng luôn phản ánh tầm nhìn và ý chí chiến lược đương thời. Chủ nghĩa cổ điển của Hy Lạp và La Mã trong thế kỷ 18 và 19 được dùng để gợi lên sự ổn định và tinh tế. Việc áp dụng phong cách “tàu biển” và Art Decor vào thế kỷ 20 gợi lên những nét thực tế tiến bộ trong Thỏa thuận mới của Roosevelt. Việc thể hiện kiến trúc chủ nghĩa hiện đại trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh là để chứng minh tính hiệu quả của nhà nước phúc lợi và ưu thế công nghệ của quốc gia.

Chính phủ Mỹ luôn sử dụng kiến ​​trúc theo cách mang tính biểu tượng và thường mang tính chiến thuật. Tuy nhiên, những hàm ý này là phản ánh gián tiếp, hoặc khuynh hướng lựa chọn ôn hòa, chứ chưa bao giờ bị bắt buộc bởi một sắc lệnh của chính tổng thống như lần này dưới thời Donald Trump. Theo sử gia người Mỹ Michel R. Allen: “sắc lệnh này của tổng thống cấu thành một quyết định độc tài đầu tiên”.

RFI: Trong lịch sử, việc áp dụng những điều luật áp đặt một cách nhìn và kiểm soát về nghệ thuật, kiến trúc tương tự chỉ được thấy rõ nhất dưới những chính quyền độc tài, toàn trị hay dân tộc chủ nghĩa như Đức quốc xã hay Stalin của Liên Xô cũ. Những chính sách này đã kiểm soát kiến trúc như thế nào?

KTS. Bùi Uyên: Dưới thời Hitler, để đại diện cho diễn ngôn về một giống nòi thượng đẳng, phong cách Hy Lạp và La Mã được lấy làm cảm hứng biểu trưng cho chủng tộc thuần khiết, tiếp nối sinh học và văn hóa mẫu mực. Cùng vị kiến trúc sư Albert Speer, cũng là cánh tay phải trên chính trường, người đứng đầu chính quyền Quốc xã đã vẽ lên quy hoạch và kiến trúc lại Berlin, với tham vọng biến thành phố này thành một đại đô thị hàng đầu thế giới.

Ở đó, những công trình kiến trúc phong cách Hy Lạp và La Mã cũng sẽ trường tồn hàng ngàn năm như hai nền văn minh kia. Các thiết kế thủ đô Berlin khi đó gần như bê nguyên các hình mẫu của điện Panthéon của Hy Lạp, Khải Hoàn Môn của Pháp, sự khác biệt lớn nhất là về t lệ:  tất cả các công trình kiến trúc trong phác thảo của Hitler đều to lớn hơn gấp nhiều lần so với nguyên mẫu. Theo đó, khát vọng mang lại tầm vóc khổng lồ của dân tộc Đức thuần khiết được chuyển thể thành những kiến trúc tân-cổ điển với khối tích choáng ngợp. 

Còn tại Liên Xô cũ, chính quyền Stalin không áp đặt một phong cách kiến trúc chủ đạo duy nhất, nhưng kiểm soát và định hướng phong cách kiến trúc với những mục tiêu chính trị cụ thể cho từng công trình. Chính quyền Stalin lập ra một tổ chức mang tên “Liên hiệp các kiến trúc sư vô sản”. Tổ chức này dân dần phá hủy từ bên trong các tổ chức, hội nhóm chuyên ngành mang tính tiên phong. Tuy không thể công khai đối lập với kiến trúc hiện đại, biểu trưng của tiến bộ và cách mạng, chính quyền Stalin cản trở các kiến trúc sư trẻ theo trường phái hiện đại tiếp cận với các dự án lớn, vì lo ngại khó có thể kiểm soát họ.

Việc quy hoạch lại Matxcơva được giao cho kiến trúc sư Lazar Kaganovic theo trường phái cổ điển. Bên cạnh phong cách cổ điển mà phe bảo thủ ưa chuộng, Stalin cho xây dựng các công trình theo phong cách kiến trúc hiện đại Mỹ để làm hài lòng công chúng ủng hộ cánh mạng tháng 10 Nga 1917 và cộng đồng quốc tế, để chứng tỏ sự vượt trội so với Hoa Kỳ.

RFI: Trở lại thời đại ngày nay, chỉ trích nghệ thuật hiện đại cấp tiến và giới tinh hoa dường như đang trở thành lá bài dân túy, củng cố chủ nghĩa dân tộc bảo thủ?

KTS. Bùi Uyên: Thật vậy, tiêu biểu là sắc lệnh được Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành cuối nhiệm kỳ trước. Không những chỉ định rõ hình mẫu kiến trúc cổ điển cho các công trình công cộng liên bang, sắc lệnh còn chỉ trích thẳng thừng kiến trúc hiện đại, kiến trúc thô mộc (brutalisme) như một phong cách “không được dân chúng ưa chuộng”, “kém hấp dẫn”, “gây tranh cãi”. Các kiến trúc sư danh tiếng quốc tế cũng bị đánh giá là “không coi trọng tính địa phương và thị hiếu thẩm mỹ trong vùng”. Các tác phẩm của họ chỉ nhằm “gây ấn tượng trong giới tinh hoa kiến trúc”, “nghệ thuật vị nghệ thuật”, được ca tụng trong giới chuyên môn nhưng lại “xấu xí” trong mắt dân chúng.

Theo luận điểm này, việc phê phán kiến trúc hiện đại đồng nghĩa với việc tôn trọng khiếu thẩm mỹ của số đông dân chúng, chống lại sự độc quyền thẩm mỹ của giới tinh hoa. Tuy nhiên, chính việc áp đặt kiến trúc cổ điển như vẻ đẹp chuẩn mực lại là một sự phủ nhận tính đa dạng, cởi mở, trẻ trung của một “hợp chủng quốc” với lịch sử lập quốc khá non trẻ so với đại đa số các quốc gia có nền mỹ thuật, kiến trúc lâu đời khác.

Sự trỗi dậy của những cáo buộc kiến trúc hiện đại nói riêng và nghệ thuật hiện đại nói chung, xuất phát từ những tư tưởng theo khuynh hướng bảo thủ, không chỉ là hiện tượng ở xứ cờ hoa. Tại châu Âu, Đảng Cực hữu AfD của Đức cũng nhiều lần chỉ trích những di sản của kiến trúc hiện đại. Sự kiện kỷ niệm 100 năm khai sinh trường thiết kế Bauhaus – cái nôi của kiến trúc hiện đại và hậu hiện đại – tạo cơ hội cho đảng này lên án ngôi trường và những đóng góp của nó cho lịch sử.

Đảng AfD cho rằng phong trào Bauhaus đã truyền bá sự “xấu xí”, gu thẩm mỹ sai lệch. Hay theo như phát biểu tại nghị viện của nghị sỹ của đảng này, ông Tillschneider, đây là “sự đoạn tuyệt với truyền thống xây dựng, bằng việc lắp ghép các cấu kiện tiền chế, trên thực tế là tầm nhìn gớm ghiếc, một cuộc sống trong những không gian chật chội, đầy cấm đoán và ngăn chặn”... Để rồi đi đến kết luận “Bauhaus không thể là nơi đưa ra những kiểu mẫu, mà chỉ là một sai lầm lịch sử”. Có thể AfD đã sớm quên, hoặc chưa bao giờ được biết đến hoàn cảnh ra đời vai trò lịch sử của hình thức kiến trúc này. Nếu không có những cải tiến vượt bậc về công nghệ sản xuất beton tiền chế và những thiết kế chức năng tối ưu tiết kiệm diện tích, thì nước Đức và nhiều quốc gia châu Âu không thể đối mặt với tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng do chiến tranh tàn phá. Xây nhanh, công nghiệp hóa, giá rẻ, nhưng đảm bảo điều kiện vệ sinh và tiện nghi sử dụng.

Thật trùng hợp, “sai lầm lịch sử” chính là từ mà chính quyền phát xít Đức gọi tên Bauhaus trước khi đóng cửa trường này dưới thời Quốc xã. Họ cáo buộc trường là trụ sở của những người “Do thái - Bolshevik” bởi tên tuổi của các giảng viên - nghệ sỹ lớn người Đức gốc Do Thái hoặc gốc Liên Xô cũ. Không dừng ở đó, chính quyền dưới thời Hitler còn gọi tên nhiều tác phẩm nghệ thuật hiện đại những năm đầu thế kỷ 20 là “nghệ thuật thoái hóa”, với một cuộc triển lãm cùng tên, hội tụ những bức tranh của các danh họa lớn của các trường phái hiện đại thời bấy giờ như Picasso, Chagall, Otto Dix, Paul Klee hay Kandinsky. Nhiều bức tranh bị tịch thu, phân loại và bị tiêu hủy, nhiều họa sỹ nếu không trốn đi thì bị cấm sáng tác thể loại nghệ thuật này.

RFI: Hơn một thế kỷ trôi qua, cái tên nhà độc tài và những tư tưởng dưới thời Quốc xã tưởng như là vết nhơ mà nước Đức đã cố gắng gột rửa để trở thành một quốc gia dân chủ đi đầu, dẫn dắt Liên Âu. Giờ đây không ít chính sách trong số đó lại được đưa vào chương trình tranh cử của Đảng Cực hữu, đang ngày càng lớn mạnh ở Đức. Bên kia bờ Đại Tây Dương, cái nôi của tự do dân chủ, chính quyền Mỹ của Donald Trump cũng lần đầu tiên ban hành những quyết sách áp đặt chống lại kiến trúc hiện đại. Vì sao kiến trúc hiện đại lại là mục tiêu bị bài trừ? 

KTS. Bùi Uyên: Kiến trúc hiện đại được hình thành vào những năm 20 của thế kỷ XX từ trường nghệ thuật Bauhaus ở Đức. Trên nền tảng tiến bộ Cách mạng Công nghiệp, thiết kế kiến trúc được phát triển tự do hơn, giải phóng khỏi những t lệ và bố cục cổ điển, lấy công năng là mục tiêu chính, thông qua đó giản lược các đường nét, chi tiết trang trí. Đây là một bước ngoặt rõ nét so với kiến trúc cổ điển thịnh hành suốt nhiều thế kỷ.

Một lý do quan trọng để phong cách kiến trúc này lan rộng là đòi hỏi bức thiết xây dựng lại nhanh chóng và số lượng lớn sau Thế Chiến thứ Nhất. Cùng với sự hình thành liên minh chính trị hai bờ Đại Tây Dương và sự giao thoa trao đổi văn hóa dễ dàng hơn, luồng tư tưởng kiến trúc này nhanh chóng được “quốc tế hóa”, lan rộng ở châu Âu và Hoa Kỳ, đặc biệt với làn sóng di cư của các trí thức tinh hoa, các nghệ sỹ, kiến trúc sư, do ảnh hưởng của Thế Chiến thứ Hai.

Bên khối các nước xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô, kiến trúc hiện đại cũng được xây dựng rộng rãi để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho đại bộ phận dân chúng.

Ở châu Âu, các tòa nhà theo phong cách hiện đại còn được tiếp tục xây dựng sau Thế Chiến thứ Hai, đến tận những năm 70, dưới hình thức những đô thị vệ tinh mới. Tuy vậy, đây cũng là một nguyên nhân để phong cách kiến trúc này bị nhận biết chủ yếu trong công chúng, bởi các tòa nhà chung cư xây dựng hàng loạt bằng beton tiền chế, với hình khối đơn giản, đều đặn có phần nhàm chán. Cùng với sự xuống cấp và các vấn đề xã hội hiện nay của các khu dân cư này, hình ảnh kiến trúc hiện đại này trở nên phản cảm.

Với những bối cảnh lịch sử và xã hội nói trên, các đảng bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa nhìn thấy ở di sản kiến trúc hiện đại mọi hiện thân và thông điệp đối lập hoàn toàn với đường lối chính trị mà họ theo đuổi: tính quốc tế, toàn cầu hóa, tính cách mạng, ly khai khỏi các khuôn mẫu cổ điển truyền thống, gắn với đề cao phúc lợi xã hội.

Ngày nay, triết lý và ngôn ngữ kiến trúc đã tiến những bước dài, mang trong nó những tư duy mới về môi trường, chuyển đổi năng lượng, đề cao tính địa phương. Việc bài xích kiến trúc hiện đại, để áp đặt thay vào đó hình thức và phong cách cổ điển, dưới vỏ bọc cải thiện thẩm mỹ đô thị, ẩn thực sự sau đó là sự định hướng sáng tạo và cản trở tự do biểu đạt. Không chỉ dừng lại ở kiến trúc, những chính sách độc đoán thao túng các hoạt động nghệ thuật vẫn còn nối tiếp, vô hình chung đẩy lùi những bước tiến tất yếu của văn hóa và vận động xã hội.

B.U.

Nguồn: RFI Tiếng Việt

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn