Cục diện quốc phòng châu Á đang thay đổi như thế nào?

Mạnh Kim

Rào chắn phên dậu

Âm mưu bành trướng không che đậy của Trung Quốc đang khiến cục diện an ninh - quốc phòng khu vực thay đổi với mức độ gần như toàn diện. Những bản tin xuất hiện hàng ngày cho thấy nước nọ sắm vũ khí, nước kia liên kết hợp tác quốc phòng. Nếu chẳng phải vì chính sách “Thuận ngã giả xương, nghịch ngã giả vong” (theo lời ta thì được tốt đẹp, chống lại ta thì ta cho chết) của Trung Quốc, thì hòa bình khu vực đã không bị đe dọa và các nước đã chẳng đầu tư cho quốc phòng nhiều đến vậy. Duyên hải phòng ngự bây giờ đã trở thành chính sách an ninh quốc gia hàng đầu đối với châu Á…

Để đối phó với “đại chu biên lưỡi bò”

Philippines đã lên kế hoạch hiện đại hóa quốc phòng với bước khởi động 14 tỉ peso (318 triệu USD) mới được giải ngân cho quân đội [1]; trong khi Ấn Độ vừa mua 9 chiến đấu cơ MiG-29K của Nga để trang bị cho hàng không mẫu hạm INS Vikramaditya [2], trong khuôn khổ chương trình nâng cấp hải quân với ngân sách gần 50 tỉ USD trong hai thập niên tới [3]. Đó là chưa kể hợp đồng 10 vận tải cơ C-17 Globemaster III trị giá 4,1 tỉ USD với Boeing – hợp đồng trị giá cao nhất trước nay giữa Ấn Độ với một công ty vũ khí Mỹ [4]. Năm 2010, Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho biết các thương vụ vũ khí tại châu Á đã tăng gấp đôi từ 2005 – 2009 so với 5 năm trước, với Malaysia tăng 722%, Singapore 146%, Indonesia 84%... [5]; và báo cáo mới nhất của Viện này (công bố tháng 3-2011) cho thấy thêm rằng trong giai đoạn 2006-2010, châu Á cùng châu Đại Dương chiếm 43% thương vụ nhập khẩu vũ khí (nhiều nhất thế giới) và nước nhập vũ khí nhiều nhất giai đoạn trên là Ấn Độ (9%); theo sau là Trung Quốc (6%) và Hàn Quốc (6%)… Ngay cả với một đảo quốc nhỏ bé lâu nay vốn yên phận với chính sách dĩ hòa vi quý là Singapore cũng đẩy mạnh đầu tư quốc phòng (mua 8 chiếc F-15E của Mỹ; hai tàu khu trục La Fayette của Pháp, 40 xe tăng của Đức - chiếm 4% thương vụ nhập vũ khí năm 2010)… Năm 2009, Malaysia mua chiến đấu cơ trang bị tên lửa hiện đại từ Nga, tàu ngầm từ Pháp và Tây Ban Nha, khu trục hạm từ Đức và xe tăng từ Ba Lan… Với Hàn Quốc, chỉ riêng 1999-2006, chi tiêu quốc phòng đã tăng hơn 70% [6]. Từ năm 2007, Hàn Quốc đã bắt đầu có mặt trong nhóm 5 nước duy nhất thế giới có tàu khu trục được trang bị hệ thống tên lửa bắn chặn hiện đại Aegis. Và để đối phó “cục diện quốc phòng khu vực đang thay đổi từng ngày”, Hàn Quốc đã đưa ra chương trình Cải tổ quốc phòng trị giá 665 tỉ USD với việc tăng ngân sách quốc phòng trung bình 10%/năm từ năm 2007 đến năm 2020. Báo cáo ngân sách quốc phòng 2010 của Hàn Quốc cho thấy nước này đã tăng chi tiêu lên 23,7% chỉ riêng cho dàn tàu chiến so với năm trước…

Để có thể ứng chiến với dàn tiềm thủy đỉnh hùng hổ của Trung Quốc, dù đa số là mẫu tàu xập xệ sét rỉ của Liên Xô từ thập niên 1950-1960 được tân trang [7], các nước khu vực cũng xoáy mạnh đầu tư vào tàu ngầm. Đây là một trong những điểm đáng chú ý trong chiến lược quốc phòng khu vực mà rõ ràng là nhằm phòng thủ trước tư duy “đại chu biên lưỡi bò” bao trùm Biển Đông của Trung Quốc. Đầu thập niên 1990, Hàn Quốc bắt đầu chế tạo chiếc đầu tiên trong 9 con tàu ngầm hiện đại dựa vào mẫu Type 209 của Đức. Sau khi mua 4 con tàu ngầm cũ của Thụy Điển thập niên 1990, Singapore lại mua thêm hai chiếc năm 2005. Trong khi đó, Malaysia mua vài chiếc lớp Scorpene từ Pháp và Indonesia mua lớp Kilo từ Nga (tương tự Việt Nam, với 6 chiếc). Với Úc, nước này đã lên kế hoạch thay thế 6 chiếc lớp Collins cũ (dự kiến bỏ kho năm 2025) bằng 12 chiếc thế hệ mới trang bị tên lửa hành trình với trị giá khoảng 25 tỉ đôla Úc (trở thành chương trình hiện đại hóa quốc phòng tốn kém nhất lịch sử Úc). Và với Ấn Độ, tàu ngầm và khu trục hạm hẳn còn chưa đủ. Nước này đang đầu tư đáng kể vào hàng không mẫu hạm.

Hiện Ấn Độ có một hàng không mẫu hạm, chiếc INS Vikramaditya 44.500 tấn (vốn là chiếc Adm Gorshkov thuộc lớp Kiev của Liên Xô, đang được tân trang tại Ukraine, dự kiến hoạt động cuối năm 2012). Công nghiệp tàu Ấn Độ cũng đang tự đóng hàng không mẫu hạm riêng (chiếc INS Vikrant dự kiến hạ thủy năm 2014 và chiếc thứ hai năm 2017). Như đã nói, Ấn Độ là nước đầu tư quốc phòng mạnh nhất châu Á, nếu không kể Trung Quốc. New Dehli đặc biệt tập trung vào hải quân. Từ năm 2002, Ấn Độ bắt đầu xây dựng chương trình hiện đại hóa để biến họ thành lực lượng hải quân mạnh thứ ba thế giới [8], so với vị trí hạng 5 hiện tại (họ hiện có 171 tàu chiến với khoảng 250 chiếc đấu cơ). Năm 2009, Ấn Độ bắt đầu đóng INS Arihant, chiếc tàu ngầm hạt nhân tự chế tạo đầu tiên, dự kiến hạ thủy cuối năm 2011 (trở thành nước thứ 6 thế giới có khả năng tự đóng tàu ngầm hạt nhân). INS Arihant trang bị tên lửa Shaurya (do chính Ấn Độ sản xuất) mang đầu đạn hạt nhân với tầm xa 750 km được thiết kế đặc biệt cho (việc phóng từ) tàu ngầm. Tàu ngầm INS Arihant dài 111 m còn có 12 tên lửa Sagirika với tầm xa 1.900 km. Ấn Độ đang xúc tiến chương trình đóng 5 tàu ngầm hạt nhân trong một thập niên tới với chi phí 2,9 tỉ USD… Với châu Á, nhất thiết phải kể đến Nhật. Hải quân nước này hiện có 44.000 quân, 18 tàu ngầm, 47 khu trục hạm (hầu hết được trang bị tên lửa Aegis – số lượng nhiều thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ), 9 tàu phá mìn, 9 tàu đổ bộ…

Tàu chiến không thôi nào đã đủ để đương đầu với “sức mạnh quân sự” kinh khủng từ Trung Quốc! Phải có thêm các căn cứ hải quân mới có thể hỗ trợ các chiến dịch quân sự nếu xảy ra chiến tranh, hay ít nhất cũng làm điểm chốt quân sự đóng vai trò như một vị trí chiến lược ngoại giao. Jeju là một căn cứ như vậy [9]. Là một tỉnh tự trị thuộc Hàn Quốc, Jeju (diện tích 1.848 km²; dân số hơn 530.000) có một vị trí cực kỳ chiến lược, xét về mặt quân sự. Nhìn trên bản đồ, có thể thấy Jeju chỉ cách Thượng Hải 490 km (theo đường chim bay), Bắc Kinh 940 km, Hồng Kông 1.700 km, Đài Bắc 1.030 km… Phía Đông nó đối mặt đảo Tsushima và tỉnh Janggi của Nhật; phía Tây nó nhìn thẳng sang Thượng Hải. Thời Thế chiến thứ hai, Nhật từng sử dụng Jeju để bảo vệ nước Nhật trước quân đội Mỹ. Tại đó, Nhật đã dựng nhiều căn cứ quân nhu cung cấp cho 75.000 lính mình. Với cảnh quan thanh bình và thơ mộng như thiên đường, Jeju đã được UNESCO chọn là di sản văn hóa thế giới năm 2007 và cố Tổng thống Roh Moo-hyun cũng từng gọi Jeju là “hòn đảo hòa bình”. Tuy nhiên, với nhu cầu bức thiết cho an ninh quốc gia, Hàn Quốc đang biến đảo Jeju thành căn cứ hải quân, với hỗ trợ tích cực của đồng minh Mỹ. Seoul dự kiến lập cảng cho dàn khu trục hạm trang bị tên lửa Aegis (do nhà thầu Lockheed Martin cung cấp) tại Jeju. Dự kiến hoạt động vào năm 2014, quân cảng Jeju sẽ là điểm đồn trú của “biên đội tác chiến di động” với dàn tàu chiến hùng hậu gồm khu trục hạm KDX-II 4.500 tấn, khu trục hạm KDX-III 7.600 tấn trang bị tên lửa Aegis, tàu ngầm Type-214 1.800 tấn, trực thăng diệt tàu ngầm (của hãng Westland Lynx, Anh) [10]…

Thắt chặt hợp tác quốc phòng

Kế hoạch điều chỉnh quốc phòng để cân bằng sức mạnh quân sự với Trung Quốc bằng việc mua sắm súng ống thật ra còn chưa quan trọng so với những động thái hợp tác quốc phòng giữa châu Á với Mỹ, bởi chính điều này mới thật sự tạo ra một cục diện hoàn toàn mới đối với quốc phòng khu vực, với những ảnh hưởng lên quan hệ ngoại giao, đưa đến những tính toán có tính chiến lược lâu dài và dần có thể trở thành lá chắn phòng thủ chung cho châu Á trước sự đe dọa hung hăn từ Trung Quốc. Quan hệ quốc phòng mang tính đối phó tức thì giữa Philippines và Mỹ thời gian gần đây là một ví dụ. Không chỉ mở hầu bao mua vũ khí Mỹ, Manila còn có thể cho phép quân đội Mỹ trở lại đóng quân ở nước mình (tại hai căn cứ truyền thống Subic và Clark). Tháng 8-2011, Tuần dương Mỹ sẽ giao cho Philippines một tàu tuần dương hiện đại thuộc lớp Hamilton – một trong những phản hồi cực kỳ “tích cực” trước cảnh báo nổ nảy lửa của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải rằng Mỹ “không nên đùa với “hỏa” coi chừng phỏng tay” (vào ngày 22-6-2011), dù chính Trung Quốc là nơi châm ngọn lửa đang lan rộng khắp Biển Đông, xuất phát từ một động thái ngoại giao mà cây bút sừng sỏ Daniel Blumenthal (vốn là Phó giám đốc Ủy ban An ninh - Kinh tế Mỹ-Trung và là Giám đốc đặc trách Trung Quốc - Đài Loan - Mông Cổ thuộc Phòng an ninh quốc tế của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ) nói là Trung Quốc “đang cỡi lên lưng cọp [11].

Xét về khả năng tạo lực cản (đối với chiến lược lấn rộng và lấn sâu của Trung Quốc tại biển Đông) có thể được xem là đáng sợ nhất (nếu Trung Quốc, còn sáng suốt, nhận thấy như vậy!), sự hợp tác quốc phòng đáng chú ý hơn cả là giữa Mỹ và đồng minh truyền thống Nhật. Tại cuối cuộc họp của Ủy ban tư vấn an ninh ở Washington DC giữa Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates cùng hai đồng cấp Takeaki Matsumoto và Toshimi Kitazawa mới đây, hai bên – “sau khi xem xét và cập nhật Các mục tiêu chiến lược chung”, “dựa vào những biến động trong môi trường an ninh tại Thái Bình Dương trong đó có sự tăng cường xây dựng quân đội của Trung Quốc”đã cùng kết luận rằng, việc tăng cường bảo vệ an ninh Biển Đông là điều quan trọng nhất, trong đó có sự “cộng tác” của Úc cùng Hàn Quốc [12]. Với sự gắn kết của 4 nước phát triển hùng mạnh từ tài lẫn vật (Mỹ, Nhật, Úc, Hàn Quốc), có thể thấy cục diện quốc phòng Thái Bình Dương đang và sẽ nghiêng về bên nào. Phần mình, Mỹ rõ ràng đã không còn bỏ rơi và bỏ lỏng Thái Bình Dương. Điều đó được khẳng định bởi những ý kiến kêu gọi Washington tăng cường sức mạnh quân sự liên tục được “dội” lên các trang báo Mỹ, hối thúc Washington phải tỏ rõ vị thế là cường quốc số một thế giới về quân sự. Một bài bình luận mới đây [13] còn nhấn mạnh Nhà Trắng không nên cắt ngân sách quốc phòng bởi chỉ như vậy mới có thể đương đầu với nanh vuốt của con cọp Trung Quốc. Bài báo cho biết, Bộ quốc phòng Mỹ đang phát triển khái niệm quân sự mới gọi là Trận chiến Hải-Không (AirSea Battle) với sự ăn nhịp đồng bộ giữa hải quân và không quân. Kế hoạch thắt lưng buộc bụng quốc phòng do đó sẽ làm suy yếu hải quân – lực lượng chủ lực của AirSea Battle, trong khi hải quân nói rằng họ cần 328 con tàu so với 284 hiện tại; cần nhiều chiến đấu cơ thế hệ thứ năm hơn, nhiều tàu ngầm hơn, nhiều khu trục hạm hơn…

Thay vì liên kết châu Á để tạo ra một “thế kỷ châu Á” (như từng được dự báo cuối thế kỷ 20), bằng chính sách “hòa bình quật khởi” (phát triển trên tinh thần hòa bình) thật sự, để đưa mình lên vị trí trung tâm của luận thuyết đầy tham vọng là “Hoa vi trung” (Sinocentric) một cách nhẹ nhàng theo bài bản của thủ thuật sử dụng nhuyễn lực (quyền lực mềm), Trung Quốc đã tự tách ra khỏi quỹ đạo chung của các nước láng giềng châu Á bằng lối tiếp cận “cương lực” đầy ngạo mạn và ngổ ngáo. Làm thế nào mà một mình Trung Quốc có thể đối phó với cả châu Á để giành chiếm trọn Biển Đông? Trong khi họ thật ra hoàn toàn chưa đủ sức mạnh toàn diện để có thể đóng vai anh bá vương khu vực! Nhà phân tích Carl Ungerer thuộc Viện chính sách chiến lược Úc đã bình một câu nghe thật nhớ đời: “Trung Quốc háu ăn vô độ nhưng mà họ còn chưa mọc đủ răng” [14]!

M.K.

Tài liệu tham khảo:

(1) US hesitates on Philippine arms, Al Labita, Asia Times (2-7-2011)

(2) http://articles.economictimes.indiatimes.com/2011-05-31/news/29604310_1_gorshkov-aircraft-naval-fighter-carrier-borne

(3) http://navaltoday.com/2011/05/17/india-expects-to-invest-nearly-usd-50-billion-for-101-new-warships/

(4) India's $4.1-billion aircraft order with Boeing is boost for Long Beach factory, W. J. Hennigan, Los Angeles Times (6-6-2011)

(5) Japan Today (30-7-2010)

(6) Asian arms race gathers speed, John Feffer, Asia Times (14-2-2008)

(7) http://apac2020.the-diplomat.com/feature/the-next-arms-race, Toshi Yoshihara và James R. Holmes

(8) India’s naval modernization program, Bruno Alexander de Paiva, Jakarta Post (23-5-2011)

(9) Jeju and a Naval Arms Race in Asia, Kyoungeun Cha, Foreign Policy in Focus (18-6-2011)

(10) Jeju Naval Base to Open by 2014, Jung Sung-ki, Korea Times (27-4-2009)

(11) Riding a tiger: China's resurging foreign policy aggression, Daniel Blumenthal, Foreign Policy (15-4-2011)

(12) US, Japan To Strengthen Security, Defense Cooperation, RTTNews (22-6-2011)

(13) Asia Needs a Larger U.S. Defense Budget, Dan Blumenthal và Michael Mazza, Wall Street Journal (5-7-2011)

(14) US to build £8bn super base on Pacific island of Guam, Praveen Swami, The Telegraph (25-10-2010)

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn