Cuộc biểu tình yêu nước diễn ra ôn hòa, trôi chảy và đầy hứa hẹn

Ngàn Sâu

Sáng 24-4. 7h30: Ba đỉnh tam giác của vườn hoa Lê nin, phố Hoàng Diệu, đoạn có tòa sứ quán Trung quốc vẫn bị khóa chặt bởi công an, cảnh sát cơ động, dân phòng và nhiều loại xe cộ khác nhau. Từ hai tuần nay, mặt sau của tòa sứ quán này (trên phố Khúc Hạo) không thấy cảnh sát chắn đường như mọi Chủ nhật trước nữa.

8h30: Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục vẫn chưa thấy người biểu tình tụ hội. Những khuôn mặt nhân sĩ quen thuộc của 7 cuộc biểu tình chưa xuất hiện, chỉ có một chiếc xe cảnh sát đỗ ở chân cột đồng hồ (cũ) nay là đài phun nước.

8h35: Quảng trường Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh nơi chân đền Bà Kiệu vẫn chưa thấy người biểu tình. Một vài cỗ xe cảnh sát với sắc lính đứng xung quanh. Thấp thoáng một số khuôn măt âm binh trà trộn với dân thường ở góc vườn hoa và các quán cóc.

8h40: Từ đầu phố Trần Nguyên Hãn giáp với phố Đinh Tiên Hoàng, qua cổng chính Tòa thị chính Hà Nội cho tới ngã ba Lê Lai - Đinh Tiên Hoàng, nhiều cỗ xe cảnh sát, nhiều sắc áo vàng, áo xanh lá cây và dân phòng đứng rải rác đón đợi.

Giả trang thành người chụp ảnh dạo, tôi tiến vào quảng trường Lý Thái Tổ trong ánh mắt nghi ngờ, xoi mói của những viên sĩ quan cảnh sát sắc phục và dân phòng. Đang tìm góc độ để chụp pho tượng Đức Vua tôn kính lừng lững đứng ngược sáng trên nền trời xanh trong, hai viên cảnh sát tiến lại, soi xét kỹ lưỡng. Tôi vờ như say sưa chụp ảnh mà không có dáng vẻ đón đợi cuộc biểu tình nên họ lại bỏ đi. Loanh quanh trên quảng trường này với một số kiểu ảnh mây trắng trời xanh, các chàng thanh thiếu niên chơi bàn trượt, những em bé trong lớp học vẽ, những cựu chiến binh Hà Nội trong sắc phục cua-rơ… được một lúc.

8h45: Một phụ nữ trẻ, khuôn mặt quen quen xuất hiện hỏi tôi:

– Chú ơi sao không thấy đoàn biểu tình hả chú. Ở vườn hoa Lê Nin cũng không thấy.

– Tôi cũng đang đợi họ đây. Tôi đã đi qua ba chỗ mà người biểu tình hẹn nhau trên mạng là Đông Kinh Nghĩa Thục, Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh và ở đây - từ 8 giờ mà chẳng thấy. Tôi trả lời.

Người phụ nữ trẻ ấy tự xưng là Trần Thúy Nga, Chủ nhật nào cũng từ Hà Nam lên Hà Nội tham gia biểu tình. Tôi nhận ra đây là người tôi đã từng gặp ở đồn CA Mỹ Đình sáng Chủ nhật 10-7, khi chúng tôi cùng bị cưỡng bức về đó bằng những chuyến xe khác nhau.

Hai chúng tôi sang đường, quay trở lại quảng trường Quyết Tử cho TQQS. Mới bước lên hè phố Đinh Tiên Hoàng, chúng tôi đã nhìn thấy đoàn biểu tình xuất hiện ở trước cổng đền Ngọc Sơn. Người, băng rôn, biểu ngữ rợp trời. Cả đoàn xe cảnh sát đi kèm. Đoàn đi vòng quanh Hồ Gươm. Vẫn rất nhiều khuôn mặt trí thức, sinh viên đã từng có mặt ở các cuộc biểu tình trước đó. Có một số nhân vật mới xuất hiện. Trong số đó có hai tà áo dài rất đẹp, một trung niên và một thiếu nữ. Đây là hai trong số những người cầm chịch hô nhiều khẩu hiệu khác nhau trong suốt buổi sáng.

Cuộc biểu tình sáng nay đông hơn, rầm rập hơn. Người biểu tình đoàn nối đoàn ngày càng đông với bốn khẩu hiệu, biểu ngữ mới:

– “Đời đời nhớ ơn các liệt sĩ”: 74 binh sĩ đã hy sinh ở Hoàng Sa 1974; 64 binh sĩ đã hy sinh ở Trường Sa năm 1978”.

– “Trung quốc phải đặt Unclos và DOC lên trên tham vọng của mình” (bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung).

– “Phản đối đánh người yêu nước chỉ vì hô: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Câu này được kẻ trên nền bức ảnh người biểu tình bị bốn cảnh sát xách hai tay hai chân ném lên xe buýt gây xôn xao dư luận trong tuần qua trên trường quốc tế và dư luận trong nước.

– “Ủng hộ Quốc hội ra Nghị quyết về Biển Đông”

Cuộc biểu tình sáng nay - không có bóng dáng cảnh sát cơ động 113 - đã diễn ra ôn hòa, bình an. Không có người biểu tình yêu nước nào bị trấn áp và bị bắt bớ giam cầm. Những người biểu tình yêu nước đã góp phần cho cuộc đấu tranh trên chính trường tại Hội nghị ngoại giao cấp cao ASEAN với các đối tác tại Bali (Indonesia) vừa kết thúc và các diễn đàn quốc tế khác sắp tới về Biển Đông và Công ước LHQ 1982 về Luật Biển.

11h45: Sau khi diễu hành rầm rộ quanh Hồ Hoàn Kiếm, đoàn người biểu tình trở lại quảng trường Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Mọi người đặt vòng hoa, thắp hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ rồi ra về trong hân hoan, xúc động và hẹn gặp lại vào Chủ nhật tuần sau.

Không như câu hỏi - đồ chừng - của chị Bình - PV TTXVN đặt ra với tôi rằng: “…lần này vẫn đông trí thức và nhiều người biểu tình hơn mấy tuần trước - phải đến hơn 300 người -phải không anh”? Tôi trả lời chị ấy: “Đông hơn nhiều chứ, phải trên ngàn người và hơn thế nữa”.

Xin được trả lời PV TTXVN và xin gửi đến độc giả chùm ảnh để chứng minh câu nói của tôi là sự thật. Sự thật hiển nhiên đó đang nói lên một điều bất khả kháng rằng những cuộc biểu tình tự giác và tự phát của Nhân Dân phản đối Trung Quốc xâm lược Biển Đông đang ngày một đông đảo, rầm rộ không chỉ ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà sẽ bùng nổ như sóng lừng trên khắp cả nước nếu Trung Quốc không từ bỏ tham vọng ở Biển Đông; nếu Quốc hội Việt Nam, Đảng CSVN, Nhà nước Việt Nam không sớm công khai một quốc sách đủ cứng rắn và kịp thời trên chính trường và trên biển đảo.

clip_image002

Nghị định 34/NĐ-CP về cấm người biểu tình đã đến lúc cần được thay bằng nghị định khác phù hợp với thời cuộc và đáp ứng lòng yêu nước của Nhân Dân.

Chiều 24-7-2011

N.S.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn