Việt Nam đi tìm lối thoát nhân quyền

Phạm Chí Dũng

clip_image001

Bảy năm sau khi trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), lãnh đạo Việt Nam một lần nữa lục lại hồ sơ thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia.

Việc này xảy ra vào thời điểm Việt Nam chuẩn bị lọt chân qua khe cửa hẹp của Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Bất chấp các tuyên bố “Việt Nam luôn bảo đảm quyền con người”, bộ hồ sơ ố vàng vẫn cho thấy nhà nước này chưa thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia theo khuyến nghị của Nguyên tắc Paris vào tháng 10/1991.

Theo nguyên tắc này, Liên Hiệp Quốc khuyến khích các nước thành viên xây dựng cơ quan nhân quyền quốc gia nhằm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người.

Mặc dù chỉ mang tính khuyến nghị, nguyên tắc này đã được nhiều quốc gia vận dụng để xây dựng cơ quan nhân quyền quốc gia.

Tuy nhiên, bối cảnh và tương quan thế lực hiện thời để “xét lại” hồ sơ cơ quan nhân quyền quốc gia so với trước đây đã khác nhiều, thậm chí rất nhiều.

Bảy năm trước và vào lúc nền kinh tế bản địa chưa dợm chân vào hố sâu suy thoái, ngay cả cuộc gặp George Bush - Nguyễn Minh Triết ở Nhà Trắng và những hứa hẹn đầy ưu ái cho cơ chế WTO cũng chỉ vừa đủ để khích lệ hình ảnh một ban chỉ đạo nhân quyền trực thuộc Chính phủ, chứ hoàn toàn không phải là mô hình Hội đồng nhân quyền quốc gia theo khuyến nghị của Nguyên tắc Paris.

Nhưng giá trị mà Lênin coi là “thói kiêu ngạo cộng sản” lại không phải là một phạm trù mang tính vĩnh viễn.

Vào lúc này, điều có vẻ cần ngạc nhiên là trong nội tình Nhà nước Việt Nam đang có dấu hiệu vội vã xúc tiến thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia theo một trong hai hình thức: hoặc Hội đồng nhân quyền quốc gia, hoặc Ủy ban nhân quyền quốc gia.

Thậm chí, những ngày cuối năm 2013 còn hé lộ thông tin từ không gian u tịch nơi nghị trường và chính phủ về khả năng “sắp tới” sẽ ban bố các luật lập hội, luật biểu tình và luật tiếp cận thông tin.

clip_image002

Lãnh đạo Việt Nam luôn nhấn mạnh đến các cam kết quốc tế khi công du nước ngoài

Đối chiếu với lịch sử thì ít nhất hai ý tưởng về luật biểu tình và lập lập hội đều đã có độ trễ đến gần một phần tư thế kỷ, kể từ thời điểm được trở thành một nội dung của Hiến pháp năm 1992.

'An ninh nhân quyền'

Trong khi đó, nhiệm vụ “bảo vệ an ninh nhân quyền” rõ ràng là sớm sủa hơn nhiều.

Chẳng cần đến lời nhắc nhở nào từ Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, trong vài chục năm qua và đặc biệt kể từ khi hai nhà nước Việt - Mỹ chính thức ký kết hiệp định song phương về thương mại năm 2001, các báo cáo đặc biệt về nhân quyền vẫn đều đặn được Ban chỉ đạo nhân quyền quốc gia - một cơ quan trực thuộc Chính phủ - ban hành một cách mẫn cán cùng thiên hướng thành tích kìm giữ.

Chỉ có điều, thay vì đề cập một cách đầy đủ đến các quyền con người của công dân như những nội dung trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký vào năm 1982, hệ thống báo cáo này chỉ tập trung vào chủ đề an ninh quốc gia một cách đầy chuyên chính và một chiều.

Minh chứng rõ rệt là Ban chỉ đạo nhân quyền đã thừa nhận trong nhiều năm qua “chủ yếu thực hiện nhiệm vụ chống lại các thế lực phản động lợi dụng nhân quyền nhằm chống phá Việt Nam”.

Bộ phận thường trực của cơ quan này là Bộ Công an, và tất nhiên rất nhiều chức trách trong đó được chiếu hậu qua lăng kính của những người mặc sắc phục chứ không phải được tái thẩm bởi nghị quyết về dân chủ cơ sở.

Một minh chứng nổi trội khác là tuy có nhiều cơ quan nhà nước cùng tham gia vào ban chỉ đạo nhân quyền quốc gia, nhưng như một thừa nhận trong các kỳ tổng kết hàng năm của cơ quan này, vẫn thiếu một cơ quan chịu trách nhiệm chính.

Hoặc nếu chọn cách nói tránh vòng vo thì Ban chỉ đạo nhân quyền quốc gia đã rất thường không quan tâm đến thực hiện nghĩa vụ về điều ước quốc tế về quyền con người.

Cùng lúc, một dẫn cứ theo cách thuyết minh vòng vo trong nội bộ là “trình độ, nhận thức của nhiều công chức còn hạn chế về quyền công dân, quyền con người; không nắm được các trách nhiệm và nghĩa vụ của Việt Nam về luật pháp quốc tế và điều ước quốc tế”.

clip_image003

"Trình độ, nhận thức của nhiều công chức còn hạn chế về quyền công dân, quyền con người..."

Có lẽ cũng bởi sự hạn chế quá ấn tượng về trình độ và nhận thức như thế mà đã dẫn đến chuyện đúng ngày quốc tế nhân quyền 10/12/2013 và sau khi Nhà nước Việt Nam chính thức tham gia vào Công ước chống tra tấn quốc tế cùng Hội đồng nhân quyền LHQ, hoạt động phân phát Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền của một số nhóm dân sự ở nơi công cộng đã bị coi là “hành vi tán phát tài liệu phản động” và bị công an cùng dân phòng ngăn chặn khá quyết liệt.

Thậm chí ở thành phố lớn thứ hai quốc gia là Sài Gòn, những người hoạt động xã hội còn phải hứng chịu một trận mưa mắm tôm cùng cái gọi là “nền văn hóa đấm đá nhân quyền”.

Tín hiệu mới?

Vì những nguyên do mà có lẽ chỉ có Bộ Chính trị đảng mới rõ, chỉ đến gần đây báo cáo của các cơ quan chức năng về nhân quyền mới đả động đến hiện trạng “thiếu luật biểu tình, luật lập hội, luật trưng cầu dân ý, luật tiếp cận thông tin, luật bảo vệ dữ liệu cá nhân”.

Một tín hiệu mới chăng? Hay đoạn trường ngoại giao cùng những dấu hiệu cho hình ảnh “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước”?

Từ việc tham gia Công ước chống tra tấn, Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc cho đến những động thái mới đây về một số bộ luật và cơ quan nhân quyền quốc gia…, hiện tượng đó phải chăng đang thể hiện điều được xem là “lòng thành chính trị” của Nhà nước Việt Nam?

Hoặc giả bất chợt phát lộ đôi chút thành tâm chính trị nào đó, làm sao có thể lý giải nguồn cơn sâu xa của nó?

Khác hẳn với bối cảnh trước năm 2010, tình cảnh hiện thời đang trở nên quá khó cho nền kinh tế Việt Nam và các tập đoàn kinh doanh độc quyền và nợ như chúa Chổm của Chính phủ.

Chuỗi ngày lạnh giá cuối năm 2013 lại chứng kiến hơi thở tê buốt của nạn suy thoái, cơn sốt thiếu tiền mặt cùng thảm họa thất nghiệp.

Lần đầu tiên giới chuyên gia quốc doanh và ngay cả các ngân hàng thương mại cổ phần không còn quá kiêng cữ từ ngữ “đổ vỡ” cho tương lai không quá xa của hệ thống tín dụng.

Đầu tư nước ngoài và kiều hối được xem là hai cần câu thơm mồi nhất có thể vực dậy nền kinh tế đắng nghẹn.

Con số đầy khích lệ được công bố bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy năm 2013 có khả năng thu hút đến 25 tỷ USD đầu tư tư bản, kiều hối và cả nguồn vốn ODA thường bị sử dụng không mấy minh bạch.

Thế nhưng vẫn chưa thấy xuất hiện một con số rõ ràng và đủ thuyết phục nào về tỷ lệ giải ngân cụ thể đối với ba nguồn tài chính vừa trực tiếp vừa gián tiếp này. Mà như thế, mọi việc vẫn còn ở thì tương lai chứ không hẳn là trạng thái “ăn sẵn”.

clip_image004"Một tín hiệu mới chăng? Hay đoạn trường ngoại giao cùng những dấu hiệu cho hình ảnh “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước”?"

Cần câu cũng vì thế vẫn có thể trở thành một thứ mồi tượng trưng và không thiếu ảo ảnh đối với chính nó.

Bởi hy vọng lớn hơn được dành cho TPP, song vào lần này khối quốc gia thương mại quốc tế đã như rút được bài học đắt giá dành cho cho những đối tác thiếu tôn trọng quy luật cơ bản kinh tế gắn bó với chính trị.

Ngay cả chuyến thăm Việt Nam của ngoài trưởng Hoa Kỳ John Kerry vào tháng 12/2013 cũng chưa thể hâm nóng lại bầu nhiệt huyết song phương Việt - Mỹ trước đó đúng một con giáp và khiến hiện ra tức thời tấm visa nhập cảnh vào TPP.

Không hoặc ít cải thiện về nhân quyền, theo cách nhìn của người Mỹ, là chưa thể hoặc còn lâu mới có thể thỏa thuận theo đề nghị “được linh hoạt’ hoặc “được đặc cách” từ phía Nhà nước Việt Nam.

Chỉ nhận không cho?

“Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường” - một chuyên gia của Chương trình Fulbright Việt Nam tỏ ra đặc biệt âu lo. Nếu xem kinh tế gắn bó mật thiết với chính trị như một quy luật khó chuyển dời, hẳn mối e sợ của giới chính khách Việt vẫn còn nguyên thế tiến thoái đều bế tắc. Đáng lo lắng hơn, trạng thái này sẽ tăng tốc theo thời gian.

HR 1897 - đạo luật nhân quyền Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn tính hữu dụng và vẫn treo trên khung cửa Thượng nghị viện Mỹ, sau khi đã được thông qua tại Hạ nghị viện quốc gia này với số phiếu thuận cao không kém tỷ lệ 98% đại biểu quốc hội Việt Nam đồng thuận với hiến pháp năm 2013 - một văn bản tối cao bị coi là “thụt lùi chưa từng thấy”.

Và cho dù không phủ nhận về tâm thế xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương, người Mỹ sẽ rất khó để phải trả thêm một cái giá quá cao nếu đối tác của họ chỉ muốn nhận không muốn cho.

Bởi tất cả những căn nguyên sâu lắng và đáng tự ti hơn tự tôn như thế, có lẽ sẽ không quá ngạc nhiên nếu trong thời gian tới, một cơ quan nhân quyền quốc gia được chính thức thiết lập ở Việt Nam, với bộ phận thường trực an ninh được thay thế bởi giới lễ tân ngoại giao mang nụ cười thường trú.

Có quá nhiều chuyện để cơ quan nhân quyền quốc gia bày tỏ một chút lòng thành với người dân, liên quan đến đất đai, môi trường, án oan sai, nạn cường hào ở các địa phương…, chưa kể đến chủ đề tự do báo chí, tự do biểu đạt và tự do tôn giáo vẫn đang bị đưa ra đánh đố như một loại “tài nguyên nhân quyền”.

Ẩn số còn lại sẽ là cơ quan nhân quyền quốc gia đó có thực tâm dành dụm thời gian dư thừa cho một xã hội công dân đang nheo nhóc quyền con người, hay vẫn sẽ ngày đêm săn đuổi “các lực lượng thù địch”?

P. C. D.

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn