Quanh Hồ Gươm chỉ nên bớt, không thêm bất cứ gì

Hiền Anh
Ở khu vực này tốt nhất là bớt đi chứ không thêm bất cứ gì. Tuy vậy, giá trị đất đai ở đây không bao giờ làm nguội ý chí kinh doanh, vậy làm sao để hài hòa lợi ích.

Nếu như dự án [của ngành điện lực xây khu Trung tâm thương mại cao 8 tầng] đào một cái hố rộng 10.000m2, sâu 50m, với 15 tầng hầm, trong đó 5 tầng dành cho ga metro (vốn đang là bế tắc của QH ga metro tại khu vực quanh Hồ Gươm), 5 tầng làm nơi cất ô tô xe máy, 5 tầng làm trung tâm thương mại... còn trên mặt đất thì là quảng trường, thảm cỏ, nơi vui chơi công cộng (như mô hình khu La Défense- Paris) thì không gây áp lực giao thông chút nào mà còn giảm đáng kể nạn tắc đường, thiếu chỗ đỗ xe…

Ngành điện thiếu gì tiền, biết đâu họ làm cho cư dân Hà Nội “choáng váng” với dự án vĩ đại, hết lòng vì Thủ đô thân yêu thì sao” – KTS Trần Huy Ánh.

Những ý tưởng ngộ nghĩnh của KTS Trần Huy Ánh cho thấy nỗi lo đang trĩu nặng lên mọi tâm trí người dân Hà Nội, trước những dự án “cố đấm ăn xôi” của ngành điện trong mấy năm nay mà lần này thì đã được thông qua. Ngành điện không thiếu gì tiền, vâng đúng thế, nhưng họ lại than dài trước Chính phủ rằng làm ăn thua lỗ (lỗ giả lãi thật) và cứ luôn luôn yêu cầu tăng giá điện (đồng thời cũng yêu cầu thưởng cho cán bộ từ cao đến thấp trong ngành một số tiền... chỉ mới nghe con số người dân đã rụng rời). Trong đám “cứt sắt” và tư duy trọc phú ấy liệu có nẩy ra một vài tấm lòng vàng với mảnh đất Hà Nội nghìn năm, muốn biến nơi đây thành một cảnh quan đẹp đẽ cho khu vực trung tâm Thủ đô sang trọng, thoáng đãng hơn không? Cứ chờ đấy rồi sẽ biết, khi mà bao nhiêu năm qua, Hà Nội đã mở rộng ra gấp nhiều làn so với trước, nhưng những nơi xây dựng mới ấy vẫn chỉ làm cho Hà Nội trở thành một cái làng lớn tập hợp nhiều cái làng nhỏ lại – loại làng kiểu mới chồng chất bê tông và đường đi thì chật như hũ nút.

Còn ông Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo ư? Khen ông ấy làm được một số việc trong mấy năm nay, có phần đúng đấy. Nhưng chẳng phải ông ấy cũng vừa tuyên bố một câu xanh rờn rằng khu vực Hồ Gươm cần phải là nơi kinh doanh trước đã, sau đấy mới nói đến cảnh quan, không gian xanh? Cứ đó mà ngẫm ra, những việc kia có phải là do ông ta chủ động hay là sự việc đã đến hồi bức bách, không xử lý thì mất mặt với dân chúng? Chứ nội cái câu ông ấy vừa phát biểu cũng chứng tỏ, so với các ông trước chỉ lo sao tiền đẫy túi, hình như cũng “một đồng một cốt” mà thôi.

Bauxite Việt Nam

Ngay sau khi đăng bài viết "Quy hoạch Hà Nội như vậy: Lo quá" của KTS Quy hoạch Lê Mạnh Cường, bàn về quy hoach Hà Nội, đặc biệt là khu vực Hồ Gươm, đã có nhiều ý kiến của các KTS, các chuyên gia, các nhà chuyên môn. Tuần Việt Nam xin trân trọng đăng bài trả lời phỏng vấn của KTS Trần Huy Ánh về vấn đề này.


Đo đạc vận dụng linh hoạt, sẽ có nhiều khái niệm mới (!)

- Ông bình luận thế nào về công văn mới nhất của UBND TP Hà Nội đồng ý về mặt nguyên tắc để Tổng Công ty Thiết bị điện Việt Nam nghiên cứu, lập Dự án Trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng cao 8 tầng cạnh Hồ Gươm?

KTS Trần Huy Ánh - Hội viên Hội KTS VN

Việc giao Chủ sử dụng khu đất nghiên cứu lập dự án là quyền của TP, còn bình luận thì phải biết dự án có nội dung như thế nào thì mới có ý kiến. Giá như là TP cho phép họ làm gì, Chủ sử dụng đất lập dự án có quy mô hình thức ra sao và được công bố công khai từng giai đoạn thì có lẽ cư dân TP có cảm giác được tôn trọng và tham gia chân tình hơn, văn hóa cư xử với nhau vậy cũng đẹp hơn.

- Theo quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận TP Hà Nội kèm theo Quyết định số 448/BXD-KTQH ngày 3-8-1996 của Bộ Xây dựng, đối với các công trình tại các lô đất tiếp giáp bên bờ hồ Hoàn Kiếm, chiều cao tối đa không vượt quá 16m. Chiếu theo quy hoạch này, việc xây dựng công trình cao 8 tầng có vi phạm gì không?

Đơn vị đo đạc của Việt Nam thống nhất là mét (m) hay bằng tầng cao thì ông Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội (QHKT) có trách nhiệm tham mưu với lãnh đạo TP, trả lời công khai với cư dân. Tôi đã từng thấy ở nơi khác có bản vẽ 1 tầng nhà cao 7m, bằng chiều cao thông thường của 2 tầng nhà. Nếu đơn vị đo đạc vận dụng linh động thì ngày nào đó chúng ta sẽ có nhiều khái niệm mới. Tỷ như nước đo bằng cân (kg) hay đo khoảng cách từ nhà mình lên Hồ Gươm dài bằng "mấy con dao quăng"(!)

Tôi không rõ có cái bản Quy hoạch (QH) mới nào thay thế QH 448 / BXD-KTQH chưa. Nếu có cái gì đã thay thì Sở QHKT hay TP thông báo công khai cũng không có gì khó. Còn nếu QH 448 vẫn còn giá trị thì họ xây 8 tầng cao 16 m cũng được, nếu họ chôn ngầm chỉ nhô cao lên khỏi mặt vỉa hè 16 mét thì cũng là hợp với QH, hoặc có thể mỗi tầng cao 2 mét thì cũng là một giải pháp mới lạ, tài tình.



Phương án KTS Hoàng Thúc Hào chủ trì – Giải nhì cuộc thi “Quy hoạch Hồ Gươm….”, dành không gian trống tiếp cận với mặt nước Hồ Gươm. Bên cạnh là P/A dự thi do KTS Ngô Huy Giao chủ trì.

Tốt nhất là bớt đi, không thêm bất cứ gì

- Nếu dự án được triển khai trên thực tế, điều này có ảnh hưởng gì đến cảnh quan, môi trường cũng như các yếu tố phát sinh khác?

Hồ Gươm vốn là một cái ao lớn hồn nhiên, các nhà QH tài hoa ngưòi Pháp đã gọt rũa cảnh quan đô thị theo phong cách Châu Âu đạt đến sự hoàn chỉnh trong suốt 50 năm. Giờ đây quanh Hồ Gươm có nhiều công trình cao tầng, phần lớn làm hỏng dần cái cấu trúc không gian kiến trúc quy hoạch khá mẫu mực của Hà Nội.

Ngoài công trình Thành ủy - vốn là biệt thự Pháp cũ kết hợp với công trình xây mới vừa phải thì Cung Thiếu nhi lại là một tác phẩm kiến trúc có giá trị đặc biệt. Nó đẹp vì tỷ lệ, ngôn ngữ mới mẻ, không gian sang trọng với cây xanh sân vườn diện tích lớn. Nó đẹp vì ra đời trong khó khăn nhưng cả TP đã chắt chiu dồn lực làm ra nơi vui chơi cho thiếu nhi, đạt cả giá trị vật chất lẫn tinh thần.

Nhưng những tác phẩm kiến trúc là niềm mong mỏi, tự hào của cư dân Thủ đô như công trình này gần đây hiếm quá. Còn tất cả các công trình mới xây như trụ sở UBND, Bách hóa Tổng hợp, toà nhà Bảo Việt... lại phá vỡ không gian kiến trúc đã được bàn luận nhiều.

Ở khu vực này tốt nhất là bớt đi chứ không thêm bất cứ gì. Tuy vậy, giá trị đất đai ở đây không bao giờ làm nguội ý chí kinh doanh, vậy làm sao để hài hòa lợi ích.

Theo TS Phạm Sĩ Liêm, nên mở rộng cơ quan TP tại đây và theo tôi, nhân tiện tăng diện tích quảng trường, cây xanh. Như vậy TP phải đền bù, hoán đổi đất đai chỗ khác có giá trị tương xứng như đã từng làm (vườn hoa trước Nhà Hát Lớn hay KS trong Công viên Thống nhất)

- Ở góc độ chuyên gia, ông đánh giá như thế nào về mật độ cũng như tỷ lệ xây dựng các công trình gần Hồ Gươm?

Tôi chỉ là công dân Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc và hoạt động trong lĩnh vực này... Có nhiều vị xứng đáng hơn, như hai ông Giám đốc và Phó GĐ Sở QHKT - họ đều là Tiến sĩ KTS, không những học cao mà thực tế nghiên cứu thiết kế nhiều, họ đánh giá chắc là sâu sắc hơn, xứng đáng với học vị và chức vị của mình.



Khu La Défense – Paris. Bên dưới quảng trường rộng mênh mông ngút mắt là các trung tâm thương mại khổng lồ , các ga ngầm nhiều tầng kết nối các tuyến metro như mạng nhện dưới mặt đất Paris.

- Sự ra đời của Trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê tại khu đất của ngành điện lực sẽ gây áp lực lớn đến giao thông chung quanh khu vực Hồ Gươm? hiện các bộ phận liên quan đến kiến trúc, quy hoạch đô thị đã có ý kiến tham vấn cho UBND TP Hà Nội về việc triển khai dự án?

Nếu như dự án đào một cái hố rộng 10.000m2, sâu 50m, với 15 tầng hầm, trong đó 5 tầng dành cho ga metro (vốn đang là bế tắc của QH ga metro tại khu vực quanh Hồ Gươm), 5 tầng làm nơi cất ô tô xe máy, 5 tầng làm trung tâm thương mại... còn trên mặt đất thì là quảng trường, thảm cỏ, nơi vui chơi công cộng (như mô hình khu La Défense- Paris) thì không gây áp lực giao thông chút nào mà còn giảm đáng kể nạn tắc đường, thiếu chỗ đỗ xe…

Ngành điện thiếu gì tiền, biết đâu họ làm cho cư dân Hà Nội “choáng váng” với dự án vĩ đại, hết lòng vì Thủ đô thân yêu thì sao.

Hồ Gươm luôn là tâm điểm tranh luận mỗi khi có dự án xây dựng mới chung quanh. Tính phức tạp của nó xuất hiện gay gắt từ 1990 - thời mới mở cửa, vậy nên Bộ Xây dựng phải vào cuộc với kết quả ra đời bản QH 448/BXD-KTQH. Cơ quan tham mưu của TP thì đã có Sở QHKT, nhưng trong thời điểm này thì Hà Nội đang tiến hành lập QH chung đến 2030 tầm nhìn 2050. Chưa rõ là bản QH này có ảnh hưởng gì đến QH quận Hoàn Kiếm, Hồ Gươm đã duyệt không. Cái này nhà báo nên hỏi Sở QHKT Hà Nội hay Bộ Xây Dựng thì có câu trả lời chắc chắn hơn.

Cá nhân tôi thì cảm kích trước việc làm thực tế của ông Chủ tịch TP - đã chỉ đạo những việc xứng đáng với sứ mệnh của ngưòi KTS khi xử lý cái vườn hoa trước Nhà Hát Lớn, Chợ 19-12, sân Con Voi - KTT Trung Tự, hay không cho xây KS trong công viên... Nhiều năm nay Hà Nội mới có một KTS như vậy. Nhiều KTS nổi tiếng của Đan Mạch, Na Uy, Bỉ đồng cảm với tôi và họ đã từng ngợi ca việc làm này trên các diễn đàn hay báo chí... Chính vì vậy tôi rất hy vọng ông thể hiện bản lĩnh, tài năng của mình khi quyết định nên làm gì, không nên làm gì quanh Hồ Gươm.

HA

Nguồn: http://tuanvietnam.net/2010-04-24-quanh-ho-guom-chi-nen-bot-khong-them-bat-cu-gi-

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn