Thảo luận giữa Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, Khang Sinh, Lê Duẩn và Nguyễn Duy Trinh

Wilson Center, Ngọc Thu dịch

Bài này được dịch và gửi cho BVN khá sớm, nhưng do BVN còn tìm xuất xứ để kiểm tra lại nguyên văn nên trang BaSam Blog đăng trước. Đây là một ghi chép bóc ra từ băng ghi âm một cuộc đối thoại giữa hai đoàn đại biểu Trung Quốc và Việt Nam, cho chúng ta cái nhìn so sánh thái độ nhiều mặt trong quan hệ giữa hai nước.

Nguyên bản tiếng Anh “Discussion between Zhou Enlai, Deng Xioaping, Kang Sheng, Le Duan and Nguyen Duy Trinh”, được đăng trong một dự án có tên là “Dự án Lịch sử Chiến tranh lạnh quốc tế” (Cold War International History Project ) do Trung tâm mang tên Tổng thống Woodrow Wilson tài trợ. Cuộc trao đổi này diễn ra vào ngày 13/4/1966, khi những bất đồng về đường lối trong phong trào cộng sản quốc tế đang phát triển đến đỉnh điểm giữa hai đảng cộng sản Liên Xô và Trung Quốc. Khi đó Việt Nam phải thực hành một chính sách tạo thăng bằng trong quan hệ với hai nước XHCN khổng lồ là Liên Xô và Trung Quốc.

Qua đối thoại giữa các nhà lãnh đạo thời đó, chúng ta có thể thấy được thái độ nhún nhường – đang nhờ vả họ mà không nhún nhường sao được – nhưng vẫn giữ được lập trường độc lập dân tộc mang tính nguyên tắc của phía các nhà lãnh đạo Việt Nam trước thái độ “chân thành nước lớn” của phía Trung Quốc. Xin hãy chú ý đến câu nói nhắc đi nhắc lại hai ba lần như một điểm nhấn về cái thái độ ban ơn kèm theo ẩn ý đe dọa của ngài Đặng Tiểu Bình: "Mao Chủ tịch nói với chúng tôi, là có lẽ mình nhiệt tình quá với các đ/c VN" "Để các đồng chí VN hiểu lầm". Chúng ta cũng có dịp so sánh cung cách đối xử của Trung Quốc thuở bấy giờ, chứa đựng trong nó những hành vi xâm lược tinh vi, tuy còn ẩn giấu sau tấm bình phong ngọt ngào của chủ nghĩa quốc tế vô sản song cũng đã bắt đầu hé ra cái mưu đồ đòi thiết lập căn cứ quân sự trên đất nước chúng ta ngay từ buổi ấy (“Việc xây dựng [căn cứ] quân sự ở Đông Bắc cũng như xây dựng tuyến đường sắt là các dự án mà chúng tôi đề xuất”), và sau này thì ngày càng bộc lộ thẳng thừng, không chỉ là kiếm cho được một vài căn cứ quân sự nữa mà là lấn chiếm hàng trăm mét sâu vào biên giới đất liền và chiếm trọn luôn quần đảo Hoàng Sa và một phần Trường Sa của Việt Nam.

Lừa cho anh em chí cốt núi “liền núi sông liền sông” chui vào tròng làm chư hầu lệ thuộc dưới danh nghĩa mỹ miều “tình quốc tế vô sản”, tưởng không đâu rõ bằng những lời lẽ trong cuộc hội đàm lịch sử này. Hãy cứ so sánh những mối quan hê bên phe tư bổn chủ nghĩa (Mỹ - Nhật, Mỹ - Nam Hàn, Mỹ - Đài Loan...) xem ai ghê tởm hơn ai, ai còn giữ được những nguyên tắc tương trợ bình đẳng dân chủ với nhau và ai thực chất là phường lừa đảo, cá lớn nuốt cá bé trên ván cờ quốc tế? Thế mà những kẻ không tỉnh ngộ còn đem nhau đến Hội nghị Thành Đô năm 1991 để thần phục “Đảng đàn anh” thì trừ phi bụng dạ tối tăm như hũ nút, làm gì đáng gọi là “đấng bậc” trong hàng ngũ người Việt Nam?

Chúng tôi giữ nguyên nội dung bản dịch, chỉ có sửa một vài ngôn từ cho hợp với cách đối thoại truyền thống giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc.

Bauxite Việt Nam



Lê Duẩn

 Đặng Tiểu Bình
: các đồng chí đã nói về sự thật cũng như đề cập đến sự công bằng. Vậy các đồng chí vẫn còn sợ cái gì? Tại sao các đồng chí lại sợ không làm vừa lòng Liên Xô, vậy còn Trung Quốc thì sao? Tôi muốn nói thẳng với các đồng chí những điều hiện tại tôi cảm nhận: các đồng chí Việt Nam có những suy nghĩ khác về phương pháp giúp đỡ của chúng tôi, nhưng mà các đồng chí chưa nói với chúng tôi.

Tôi nhớ Mao chủ tịch phê bình chúng tôi, các viên chức Trung Quốc tham dự buổi nói chuyện giữa đồng chí Mao Trạch Đông và đồng chí Lê Duẩn tại Beidaihe (2) – về việc “quá nhiệt tình” đối với đòi hỏi của Việt Nam. Bây giờ chúng tôi thấy Mao chủ tịch nhìn xa trông rộng.


Lê Duẩn: Bây giờ, khi các đồng chí nói lại điều đó lần nữa, chúng tôi đã rõ. Tại thời điểm đó tôi không hiểu những gì Mao chủ tịch nói bởi vì thông dịch quá dở.

Đặng Tiểu Bình: Chúng tôi hiểu rằng Mao chủ tịch phê bình chúng tôi, đó là đồng chí Chu Ân Lai, tôi và những người khác. Dĩ nhiên, không có nghĩa là Mao chủ tịch không làm hết sức mình để giúp đỡ Việt Nam. Với các đồng chí đã quá rõ là chúng tôi đáp ứng mọi yêu cầu của các đồng chí bởi vì nằm trong khả năng của chúng tôi.

Bây giờ, có vẻ như đồng chí Mao Trạch Đông nhìn xa trông rộng trong vấn đề này. Trong những năm gần đây, chúng tôi đã có kinh nghiệm trong các mối quan hệ giữa các nước XHCN. Sự thật là sự quá nhiệt tình của chúng tôi đã gây nghi ngờ cho các đồng chí Việt Nam? Hiện tại chúng tôi có 130.000 quân lính đang ở nước các đồng chí. Việc xây dựng [căn cứ] quân sự ở Đông Bắc cũng như xây dựng tuyến đường sắt là các dự án mà chúng tôi đề xuất, và hơn nữa, chúng tôi đã gửi hàng chục ngàn quân lính tới biên giới.

Chúng tôi cũng đã thảo luận khả năng chiến đấu chung bất cứ khi nào cuộc chiến bùng nổ. Các đồng chí có nghi ngờ chúng tôi vì chúng tôi quá nhiệt tình hay không? Người Trung Quốc có muốn kiểm soát Việt Nam? Chúng tôi muốn nói thẳng cho các đồng chí biết rằng chúng tôi không hề có ý định đó. Ở đây, chúng tôi không cần bất kỳ cuộc đàm phán ngoại giao nào. Nếu chúng tôi mắc phải sai lầm đã làm cho các đồng chí nghi ngờ, có nghĩa là Mao chủ tịch thật sự nhìn xa trông rộng.

Hơn nữa, hiện nay nhiều người làm cho Trung Quốc bị mang tiếng: Khrushchev (*) là người theo chủ nghĩa xét lại, và Trung Quốc thì theo chủ nghĩa giáo điều và mạo hiểm.

Vì vậy, chúng tôi hy vọng trong vấn đề này, nếu các đồng chí có bất kỳ vấn đề gì, làm ơn nói thẳng cho chúng tôi biết. Thái độ của chúng tôi cho đến nay và từ bây giờ sẽ là: các đồng chí đang ở tiền tuyến còn chúng tôi đang ở hậu phương. Chúng tôi đáp ứng mọi yêu cầu của các đồng chí trong khả năng của chúng tôi. Nhưng chúng ta không nên có quá nhiều nhiệt tình.

Việc xây dựng ở các đảo phía đông bắc đã hoàn thành. Hai bên đã thảo luận việc xây dựng dọc bờ biển sẽ do những người lính trong quân đội của chúng tôi thực hiện. Gần đây, đồng chí Văn Tiến Dũng (3) đề nghị sau khi hoàn thành việc xây dựng ở phía đông bắc, những người lính trong quân đội của chúng tôi sẽ giúp các đồng chí xây dựng các địa điểm pháo binh ở vùng đồng bằng trung tâm. Chúng tôi vẫn chưa trả lời. Bây giờ tôi đặt một câu hỏi để các đồng chí cân nhắc: các đồng chí có cần những người lính trong quân đội của chúng tôi làm điều đó hay không?

Chu Ân Lai: [Đề nghị về] việc xây dựng 45 địa điểm pháo binh gần các vị trí tên lửa của Liên Xô.


Đặng Tiểu Bình: Chúng tôi không biết liệu có tốt cho mối quan hệ giữa hai đảng và hai nước hay không khi chúng tôi đã gửi 100.000 quân đến Việt Nam. Cá nhân, tôi nghĩ sẽ tốt hơn cho những người lính trong quân đội của chúng tôi trở về nhà ngay sau khi họ hoàn thành công việc. Trong vấn đề này, chúng tôi không có bất kỳ ý định xấu nào, nhưng kết quả không phải là những điều mà cả hai (nước) chúng ta muốn.

Cách đây không lâu, có một chuyện đã xảy ra mà chúng tôi nghĩ không phải là ngẫu nhiên: Trên đường đến Hòn Gai để lấy than đá, một con tàu Trung Quốc đã không được phép cập cảng. Nó đã ở lại ngoài khơi 4 ngày. Yêu cầu để gọi từ bờ bị từ chối. Con tàu này đang thi hành nhiệm vụ theo một thỏa thuận thương mại, không phải là một tàu chiến.

Lê Duẩn: Chúng tôi không biết điều này.

Đặng Tiểu Bình: Bộ ngoại giao của chúng tôi đã gửi một bản ghi nhớ cho các đồng chí, nhưng chính phủ Việt Nam vẫn chưa trả lời. Những chuyện như thế này chưa từng xảy ra trong 10 năm qua.

Chu Ân Lai: Ngay cả tàu Trung Quốc yêu cầu được vào cảng Việt Nam trốn máy bay Mỹ, để được cung cấp nước ngọt và gọi điện thoại cũng bị từ chối. Một trong những cán bộ của chúng tôi, người phụ trách việc mua bán với nước ngoài, sau đó đã thảo luận với các nhà chức trách ở cảng nhiều lần, và sau đó con tàu mới có thể vào cảng của các đồng chí. Các đồng chí phụ trách cảng Cẩm Phả thậm chí nói: Đây là chủ quyền của chúng tôi, các đồng chí chỉ có thể vào khi được phép. Trong khi đó, chúng tôi nói rằng tất cả các tàu và máy bay của Việt Nam có thể vào các cảng và sân bay của Trung Quốc bất cứ lúc nào nếu bị máy bay Mỹ truy đuổi.

Đặng Tiểu Bình: Bây giờ, tôi muốn nói về một khía cạnh khác trong mối quan hệ giữa hai đảng và hai nước. Trong số 100.000 quân lính của quân đội Trung Quốc, những người hiện nay đang ở nước các đồng chí, có thể có người nào đó làm sai. Và về phía các đồng chí, cũng có thể có những người muốn sử dụng những sự cố này để gây chia rẽ giữa hai đảng và hai nước.

Chúng ta nên thẳng thắn nói về vấn đề này bây giờ bởi vì điều này không chỉ là mảng tối mà còn gây một số thiệt hại trong các mối quan hệ của chúng ta. Nó không chỉ là những vấn đề liên quan đến sự đánh giá của chúng tôi về sự trợ giúp của Liên Xô. Các đồng chí có nghi ngờ Trung Quốc giúp Việt Nam là vì mục đích riêng của chúng tôi? Chúng tôi hy vọng rằng các đồng chí có thể nói trực tiếp cho chúng tôi biết nếu các đồng chí muốn chúng tôi giúp đỡ. Vấn đề sẽ được giải quyết dễ dàng. Chúng tôi sẽ rút quân ngay lập tức. Chúng tôi có rất nhiều thứ cần làm tại Trung Quốc. Và những người lính trong quân đội đóng quân dọc theo biên giới sẽ được lệnh quay trở lại lục địa (4).

Lê Duẩn: Tôi xin trình bày một số ý. Khó khăn là sự nhận định của chúng ta khác nhau. Theo kinh nghiệm trong Đảng của chúng tôi cho thấy, cần có thời gian để làm cho các ý kiến khác nhau đi đến sự đồng thuận.

Chúng tôi không nói chuyện công khai về các ý kiến khác nhau giữa chúng ta. Chúng tôi chắc rằng sự hỗ trợ của Liên Xô cho Việt Nam một phần là chân thành, cho nên chúng tôi không hỏi liệu Liên Xô sẽ bán đứt Việt Nam cũng như chúng tôi không nói Liên Xô vu cáo Trung Quốc trong vấn đề vận chuyển viện trợ của Liên Xô. Bởi vì chúng tôi biết rằng nếu chúng tôi nói điều này, vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn. Đó là do hoàn cảnh của chúng tôi.

Vấn đề chính là làm thế nào để đánh giá Liên Xô. Các đồng chí đang nói rằng Liên Xô đang bán đứng Việt Nam, nhưng chúng tôi không nói như vậy. Tất cả các vấn đề khác bắt nguồn từ sự nhận định này. Liên quan đến sự trợ giúp của Trung Quốc cho Việt Nam, chúng tôi hiểu rất rõ và chúng tôi không có bất kỳ mối quan ngại về điều đó. Bây giờ đang có hơn 100.000 quân lính của quân đội Trung Quốc tại Việt Nam, nhưng chúng tôi nghĩ rằng bất cứ khi nào có chuyện nghiêm trọng xảy ra, có thể cần hơn 500.000. Đây là sự hỗ trợ từ một đất nước anh em.

Chúng tôi nghĩ rằng là một đất nước XHCN anh em, các đồng chí có thể làm điều đó, các đồng chí có thể giúp chúng tôi như thế này. Tôi đã có một cuộc tranh cãi với Khrushchev về một vấn đề tương tự. Khrushchev nói rằng người Việt Nam ủng hộ Trung Quốc sở hữu bom nguyên tử để Trung Quốc có thể tấn công Liên Xô. Tôi nói rằng điều đó không đúng sự thật, Trung Quốc sẽ không bao giờ tấn công Liên Xô.

Hôm nay, tôi nói rằng sự đánh giá của một đất nước XHCN đối với một đất nước XHCN khác phải dựa trên chủ nghĩa quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp của chúng tôi, [nếu] cuộc cách mạng Trung Quốc không thành công, thì cách mạng Việt Nam khó có thể thành công. Chúng tôi cần sự hỗ trợ từ tất cả các nước XHCN. Nhưng chúng tôi chắc rằng sự hỗ trợ của Trung Quốc là trực tiếp và rộng rãi nhất.

Như các đồng chí đã nói, mỗi quốc gia nên tự bảo vệ mình nhưng họ cũng nên dựa vào sự trợ giúp quốc tế. Vì vậy, chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng sự nhiệt tình của các đồng chí có thể gây nguy hại trong bất kỳ tình huống nào. Ngược lại, các đồng chí càng nhiệt tình sẽ càng có lợi cho chúng tôi. Sự giúp đỡ nhiệt tình của các đồng chí có thể giúp chúng tôi cứu sống 2-3 triệu người. Đây là một vấn đề quan trọng. Chúng tôi đánh giá cao sự nhiệt tình của các đồng chí. Một đất nước nhỏ như Việt Nam rất cần sự trợ giúp quốc tế. Sự trợ giúp này tiết kiệm cho chúng tôi rất nhiều máu.

Các mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ tồn tại không chỉ trong cuộc chiến tranh chống Mỹ mà còn trong tương lai dài lâu ở phía trước. Ngay cả khi Trung Quốc không giúp chúng tôi nhiều, chúng tôi vẫn muốn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, vì điều này đảm bảo cho sự sống còn của đất nước chúng tôi.

Đối với Liên Xô, chúng tôi vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với họ. Nhưng chúng tôi cũng phê phán Liên Xô nếu các đồng chí đó không chịu tiếp nhận những điều chúng tôi phê phán.

Trong quan hệ giữa hai đảng chúng ta, chúng ta cảm thấy tốt hơn khi có nhiều sự đồng thuận và chúng ta lo ngại nhiều hơn khi có ít sự đồng thuận. Chúng tôi quan tâm không chỉ về sự trợ giúp của các đồng chí mà còn quan tâm đến một vấn đề quan trọng hơn, đó là quan hệ giữa hai nước. Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng của chúng tôi luôn luôn nghĩ đến việc làm thế nào để tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai đảng và hai nước.

Về sự cố của tàu Trung Quốc gặp khó khăn khi vào cảng Việt Nam, tôi không biết vấn đề này. Chúng tôi không quan tâm đến vấn đề 130.000 quân lính của các đồng chí ở nước chúng tôi, thì tại sao chúng tôi lại quan tâm đến một con tàu? Nếu đó là sai lầm của người phụ trách cảng, người này cũng có thể là một đại diện tiêu cực cố gắng kích động. Hoặc sai lầm của người này có thể được những kẻ khiêu khích khác sử dụng. Đó là một sai lầm cá nhân. Điều chúng tôi nghĩ về Trung Quốc không bao giờ thay đổi.

Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi cần phải có một nghĩa vụ đạo đức đối với các đồng chí và đối với phong trào Cộng sản quốc tế. Chúng tôi tiếp tục đấu tranh chống Mỹ cho đến chiến thắng cuối cùng. Chúng tôi vẫn duy trì tinh thần quốc tế vô sản. Vì lợi ích của phong trào cộng sản quốc tế và tinh thần quốc tế, chẳng hề quan trọng nếu quá trình phát triển XHCN ở miền Nam Việt Nam kéo dài trong 30 hoặc 40 năm.

Tôi muốn thêm một số ý kiến cá nhân của tôi. Hiện nay, có một phong trào cải cách tương đối mạnh mẽ trên thế giới, không chỉ ở Tây Âu mà còn ở Đông Âu và Liên Xô. Nhiều quốc gia áp dụng một trong hai con đường: chủ nghĩa cải cách hay chủ nghĩa phát xít, là những quốc gia bị chủ nghĩa tư bản thống trị. Vì vậy, tôi nghĩ rằng nên có một số quốc gia cách mạng như Trung Quốc để đối phó với các quốc gia cải cách, chỉ trích họ, và đồng thời hợp tác với họ, để đưa họ theo con đường cách mạng.

Họ là những nhà cải cách, do đó một mặt, họ là phản cách mạng, đó là lý do tại sao chúng ta nên phê bình họ. Nhưng mặt khác, họ chống đế quốc, đó là lý do tại sao chúng ta có thể hợp tác với họ. Trong lịch sử cách mạng Trung Quốc, các đồng chí đã làm điều tương tự. Đồng chí Mao Trạch Đông đã thành lập Mặt trận Thống nhất chống Nhật với Tưởng Giới Thạch.

Vì vậy, ý kiến cá nhân của tôi là Trung Quốc, trong khi giữ nguyên các khẩu hiệu cách mạng, cần hợp tác với các quốc gia cải cách để giúp họ thực hiện cuộc cách mạng. Đây là nhận định cũng như chính sách của chúng tôi. Điều này không nhất thiết là đúng, nhưng đó là cam kết của chúng tôi chân thành với cách mạng. Dĩ nhiên, vấn đề này rất phức tạp. Như các đồng chí đã nói rằng, ngay cả trong một đảng cũng có ba thành phần: hữu khuynh, trung dung và tả khuynh, do đó, tình hình nằm trong một phong trào cộng sản lớn.

Sự khác biệt trong việc nhận định mang lại những khó khăn, cần có thời gian để giải quyết. Cần thiết để có thêm nhiều mối liên hệ để đạt được thỏa thuận trong nhận thức.

Mối quan tâm của chúng tôi không phải là Trung Quốc đang cố gắng để kiểm soát Việt Nam. Nếu Trung Quốc không phải là một đất nước XHCN thì chúng tôi thực sự quan ngại. [Chúng tôi tin rằng] các đồng chí Trung Quốc đến để giúp chúng tôi trên tinh thần quốc tế vô sản.

Đặng Tiểu Bình: Về câu hỏi về “sự nhiệt tình,” làm ơn hiểu thêm yêu cầu của Mao Chủ tịch muốn nói đến thực tế mối quan hệ giữa hai nước và các bên không đơn giản. Mối quan hệ giữa các đồng chí cũng không đơn giản.
Ghi chú:

1. Khang Sinh (Kang Sheng) lúc đó là ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị Đảng Cộng sản và là uỷ viên của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong giai đoạn đầu Cách mạng Văn hóa, ông ta sớm trở thành thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc và là cố vấn cho “Nhóm Cách mạng Văn hóa,” cơ quan hàng đầu trong cuộc Cách mạng Văn hóa.

2. Beidaihe [Bắc Đới Hà?] là một nơi tham quan ven biển phía đông bắc của Bắc Kinh, nơi các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc thường xuyên nghỉ mát và có các cuộc họp quan trọng trong mùa hè.

3. Văn Tiến Dũng (1917 -) (**) là người giữ vị trí lãnh đạo thứ hai trong quân đội Bắc Việt, sau tướng Võ Nguyên Giáp. Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam năm 1953-1978, chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh tổng tấn công năm 1974-1975. Ông là ủy viên Bộ chính trị từ năm 1972-86, Thứ trưởng cho đến khi trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hoà XHCN Việt Nam từ năm 1978-1980. Nghỉ hưu năm 1986.

4. Trong một cuộc trò chuyện riêng cùng ngày, Chu Ân Lai nói: “Sau khi Kosygin (***) đến thăm Việt Nam và hứa sẽ giúp đỡ Việt Nam, chúng tôi có những bất đồng mới với Liên Xô về yêu cầu của họ sử dụng hai sân bay của chúng tôi và đề nghị của họ để vận chuyển vũ khí tới Việt Nam. Các đồng chí ca ngợi Liên Xô đã giúp viện trợ rất nhiều cho các đồng chí thì được. Nhưng mà các đồng chí đề cập nó cùng với viện trợ của Trung Quốc là một sự xúc phạm đến chúng tôi”. Đặng Tiểu Bình nói thêm, “Vì vậy, từ bây giờ, các đồng chí không nên đề cập đến sự viện trợ của Trung Quốc chung với sự viện trợ của Liên Xô”.

Người dịch: Ngọc Thu

———–

Ghi chú thêm của người dịch:

(*) Khrushchev: tức Nikita Khrushchev, hay Nikita Sergeyevich Khrushchyov, là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, kế vị Stalin sau khi ông này mất năm 1953. Khrushchev cũng giữ chức chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bí thư thứ nhât từ nă Đảng Cộng sản Liên Xô từ năm 1958-1964. Đến năm 1964 Khrushchev bị chính những người đồng chí của mình hạ bệ, và từ đó cho đến những năm còn lại của cuộc đời, Khrushchev luôn bị sự giám sát chặt chẽ của cơ quan tình báo KGB.

(**) Bài nói chuyện này có từ năm 1966, lúc đó Văn Tiến Dũng còn sống, do đó người ghi chú bản chính không để năm mất của Văn Tiến Dũng là 2002.

(***) Kosygin: tức Aleksei Nikolayevich Kosygin là Thủ tướng Liên Xô từ năm 1964-1980, dưới thời Tổng bí thư Leonid Brezhnev.

Nguồn: dịch giả gửi trực tiếp cho Bauxite Việt Nam

Tài liệu gốc trong Woodrow Wilson Center

Discussion between Zhou Enlai, Deng Xioaping, Kang Shen, Le Duan and Nguyen Duy Trinh, 13/4/1966

http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=5034C8DC-96B6-175C-93022DC20B4533F5&sort=Subject&item=China

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn